Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Huy Nhật - Bác sĩ Hô hấp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng
Nguyên nhân chính gây ra bệnh lao kháng thuốc là do bệnh nhân không tuân thủ liệu trình điều trị. Hiện nay, Việt Nam là một trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng thuốc cao trên thế giới. Mặc dù công tác phòng chống lao nói chung và bệnh lao kháng thuốc đã có một số thành tựu đáng kể nhưng bệnh lao kháng thuốc vẫn là vấn đề đáng quan tâm của toàn cầu.
1. Lao kháng thuốc
Bệnh lao là bệnh gây ra bởi vi khuẩn lây truyền từ người qua người thông qua không khí. Lao thường ảnh hưởng đến phổi, nhưng nó cũng có thể ảnh hưởng đến bộ phận khác của cơ thể chẳng hạn như não, thận hoặc cột sống. Trong hầu hết các trường hợp, bệnh lao có thể điều trị và chữa được. Tuy nhiên, những người mắc bệnh lao có thể chết nếu không được điều trị đúng cách. Đôi khi bệnh lao kháng thuốc xảy ra khi vi khuẩn trở nên kháng thuốc đã sử dụng để điều trị bệnh lao. Điều này có nghĩa là thuốc không thể tiêu diệt được vi khuẩn lao nữa. Lao kháng thuốc lây lan giống như cách lây nhiễm lao nhạy cảm với thuốc.
2. Nguyên nhân lao kháng thuốc
Hầu hết những người mắc bệnh lao được chữa khỏi bằng chế độ thuốc trong 6 tháng tuy nhiên quá trình điều trị cho bệnh nhân phải tuân thủ nghiêm ngặt với sự hỗ trợ và giám sát của bác sĩ chuyên khoa. Lý do chính lao kháng thuốc xảy ra khi các loại thuốc dùng để điều trị bệnh lao bị lạm dụng hoặc quản lý sai. Ví dụ về sự lạm dụng và quản lý thuốc sai bao gồm:
- Bệnh nhân lao không hoàn thành một đợt điều trị.
- Nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cho bệnh nhân mắc lao kê đơn điều trị sai (sai liều dùng hay thời gian dùng quá dài).
- Thuốc kém chất lượng.
Lao kháng thuốc xảy ra phổ biến ở những người:
- Không dùng thuốc lao thường xuyên.
- Không dùng tất cả các thuốc trong một đợt điều trị.
- Bệnh lao tái phát trở lại sau khi đã được điều trị bệnh lao từ trước đó.
- Đến từ các khu vực trên thế giới nơi bệnh lao kháng thuốc là phổ biến.
- Ở cùng với một người bị lao kháng thuốc.
3. Các loại lao kháng thuốc
3.1. Lao kháng đơn thuốc
Chỉ kháng với một loại thuốc chống lao hàng đầu.
3.2. Lao kháng đa thuốc (MDR TB)
Lao kháng đa thuốc là do vi khuẩn lao kháng với ít nhất là isoniazid và rifampicin, là hai loại thuốc trị lao mạnh nhất. Những loại thuốc này được sử dụng điều trị cho tất cả những người mắc bệnh lao. Các chuyên gia về bệnh lao nên được tư vấn trong điều trị lao kháng đa thuốc.
3.3. Lao kháng siêu đa thuốc (XDR TB)
Lao kháng siêu đa thuốc là một lại lao kháng đa thuốc hiếm gặp, nó kháng với isoniazid và rifampicin cộng thêm với bất kỳ loại fluoroquinolone nào và ít nhất một trong ba loại thuốc tiêm hai dòng (ví dụ: amikacin, kanamycin, or capreomycin). Do lao kháng siêu đa thuốc với các loại thuốc điều trị lao có hiệu lực cao nhất, nên bệnh nhân lao điều trị với những loại thuốc có hiệu quả thấp hơn. Lao kháng siêu đa thuốc là mối quan tâm đặc biệt với những người nhiễm HIV hoặc những người có tình trạng sức khoẻ kém có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch. Những người này có nhiều khả năng mắc bệnh lao khi họ nhiễm bệnh và cũng có nguy cơ tử vong cao hơn một khi họ bị nhiễm bệnh lao. Các chuyên gia về bệnh lao nên được tư vấn về điều trị lao kháng siêu đa thuốc.
3.4. Lao kháng rifampicin
Lao kháng rifampicin được phát hiện bằng phương pháp kiểu hình hoặc kiểu gen có hoặc không có kháng với thuốc chống lao khác. Nó bao gồm bất kỳ kháng với rifampicin dưới dạng đơn kháng, đa kháng, siêu đa kháng.
4. Phòng chống lao kháng thuốc
Cách quan trọng nhất để ngăn ngừa sự lây lan của bệnh lao kháng thuốc là uống tất cả các loại thuốc lao chính xác theo quy định của người chăm sóc trực tiếp và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Không nên bỏ liều và không nên dừng điều trị sớm. Những người đang điều trị bệnh lao nên nói với bác sĩ cũng như người chăm sóc trực tiếp nếu gặp khó khăn khi dùng thuốc.
Những người chăm sóc bệnh nhân lao có thể giúp ngăn ngừa bệnh lao kháng thuốc bằng cách chẩn đoán nhanh các trường hợp, tuân theo các hướng dẫn điều trị đã được bác sĩ chỉ định, theo dõi bệnh nhân đáp ứng điều trị và đảm bảo điều trị được hoàn thành.
Một cách khác có thể dùng để ngăn ngừa bệnh lao kháng thuốc là tránh tiếp xúc với bệnh nhân lao kháng thuốc đã biết ở những nơi kín hoặc đông người như bệnh viện, nhà tù hoặc nhà tạm trú. Những người làm việc trong bệnh viện hoặc cơ sở chăm sóc sức khỏe nơi bệnh nhân lao nên tham khảo ý kiến về kiểm soát nhiễm khuẩn hoặc các chuyên gia chăm sóc sức khỏe đối với những bệnh truyền nhiễm như bệnh lao để có thể có cách phòng tránh tốt nhất.
5. Điều trị lao kháng thuốc
Điều trị và chữa khỏi bệnh lao kháng thuốc rất phức tạp. Quản lý không phù hợp có thể có kết quả đe dọa đến tính mạng. Lao kháng thuốc nên được quản lý chặt chẽ hoặc tham khảo ý kiến với bác sĩ chuyên khoa về điều trị bệnh. Tuy nhiên, ở một số quốc gia việc điều trị lao kháng thuốc ngày càng khó khăn. Các lựa chọn điều trị đều rất hạn chế và đắt tiền, các loại thuốc thường được khuyên dùng không phải lúc nào cũng có sẵn và bệnh nhân gặp nhiều tác dụng phụ từ thuốc. Trong một số trường hợp, thậm chí bệnh lao kháng thuốc nặng hơn có thể phát triển. Lao kháng siêu đa thuốc rộng là một dạng của lao kháng đa thuốc với khả năng kháng thêm các thuốc chống lao khác do đó bệnh này khá nghiêm trọng bởi bệnh sẽ đáp ứng với các loại thuốc hiếm, có sẵn ít hơn.
Những bệnh nhân lao kháng thuốc cần nhận thức đúng liệu trình điều trị bệnh và họ cần phải hiểu rằng họ sẽ là người lây lan bệnh lao kháng thuốc cho những người khác khi họ chưa được điều trị dứt điểm hay bỏ dở quá trình điều trị. Do đó, họ cần phải tuân thủ đầy đủ hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để quá trình đạt hiệu quả tốt. Đồng thời với những người có tiếp xúc với bệnh nhân lao kháng thuốc hay những bệnh nhân lao phổi nói chung thì cần phải được đi khám kiểm tra để có cơ sở kiểm soát và điều trị bệnh. Đối với trẻ mới sinh ra trong tháng đầu tiên cần tiêm phòng vắc xin lao BCG.
Nếu có triệu chứng bất thường, bạn nên được thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Cdc.gov; WHO.int;