Lao ở trẻ em: Những điều cần biết

Hiện nay, chẩn đoán bệnh lao ở trẻ em còn gặp nhiều khó khăn do triệu chứng không đặc trưng và các xét nghiệm cận lâm sàng phát hiện vi khuẩn lao với tỷ lệ thấp. Điều trị trẻ bị bệnh lao cần được tiến hành đúng phác đồ điều trị và càng sớm càng tốt.

1. Tổng quan về bệnh lao ở trẻ em

Lao ở trẻ em không phải là một bệnh hiếm gặp trên lâm sàng. Số ca trẻ bị bệnh lao mỗi năm chiếm khoảng 15% tổng số các ca mới. Trẻ bị bệnh lao có thể có biểu hiện của mọi thể lao tương tự như ở người lớn, tuy nhiên phổ biến nhất là lao sơ nhiễm, lao phổi, lao màng phổi, lao màng não cấp tính và một số thể lao ngoài phổi như lao xương, lao màng bụng, lao hạch, lao ruột ... Mỗi thể lao có những biểu hiện lâm sàng khác nhau, xảy ra ở những độ tuổi khác nhau, mức độ nặng thay đổi phụ thuộc vào cơ địa của trẻ bị bệnh lao, đáp ứng điều trị và lượng vi khuẩn gây bệnh.

Nhóm đối tượng dễ mắc bệnh là các trẻ nhỏ chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh lao. Tần suất mắc bệnh lao ở trẻ em giảm dần theo tuổi nhờ đáp ứng miễn dịch tạo ra sau khi tiêm phòng đầy đủ. Cần ghi nhớ rằng, cơ thể trẻ cần có thời gian đáp ứng để sản xuất kháng thể bảo vệ, vì thế sau khi cho trẻ tiêm phòng, phụ huynh không được chủ quan và cần bảo vệ trẻ khỏi những yếu tố nguy cơ hay nguồn lây nhiễm bệnh lao.


Vắc-xin tiêm phòng bệnh lao BCG
Vắc-xin tiêm phòng bệnh lao BCG

Triệu chứng lâm sàng thường thấy khi trẻ bị bệnh lao là sốt và ho kéo dài trên 10 ngày, ăn uống kém, sụt cân, dễ quấy khóc và một số biểu hiện đặc trưng có từng cơ quan bị ảnh hưởng. Vì biểu hiện tương tự như những bệnh lý khác, phụ huynh thường chủ quan, tự ý điều trị tại nhà khiến việc nhận diện và điều trị bệnh lao bị chậm trễ cũng như tăng tỷ lệ lây nhiễm cho cộng đồng. Trẻ bị bệnh lao trên 5 tuổi có khả năng lây nhiễm cao hơn vì thực hiện được các động tác khạc nhổ, giải phóng vi khuẩn ra môi trường bên ngoài. Bệnh lao ở trẻ em nếu không được điều trị sớm có thể dẫn đến nhiều biến chứng nặng nề cho trẻ như biến dạng cột sống, điếc, mù, động kinh, liệt hay thậm chí tử vong, tùy theo từng thể lao và biến chứng của nó. Bệnh lao ở trẻ em là bệnh có thể dự phòng được và tiêm vắc-xin phòng bệnh lao là biện pháp phòng bệnh chủ động có hiệu quả nhất.

2. Một số thể lao ở trẻ em

  • Lao sơ nhiễm

Đây là thể lao thường gặp nhất, nhất là ở nhóm các trẻ dưới 5 tuổi và không được tiêm vắc-xin phòng bệnh lao. Lao sơ nhiễm thường không biểu hiện triệu chứng lâm sàng hoặc chỉ có các dấu hiệu thoáng qua như sốt nhẹ kèm mệt mỏi. Biểu hiện lâm sàng mơ hồ khiến lao sơ nhiễm tuy phổ biến trong cộng đồng nhưng rất dễ bị bỏ sót. Tiền sử tiêm chủng không đầy đủ là dấu hiệu gợi ý rất có giá trị, giúp phát hiện bệnh lao ở trẻ trong nhiều trường hợp. Một số trẻ bị bệnh lao sơ nhiễm có thể tự khỏi nếu sức đề kháng tốt.


Lao sơ nhiễm thường xảy ra ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi
Lao sơ nhiễm thường xảy ra ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi

  • Lao màng não

Đây là một thể lao cấp tính nặng nề, tiến triển từ lao sơ nhiễm khi vi khuẩn lao lan tràn theo đường máu đến hệ thần kinh trung ương. Biến chứng của lao màng não thường nghiêm trọng và tồn tại kéo dài trong suốt phần đời còn lại của trẻ như động kinh, kiệt, chậm phát triển trí tuệ, thậm chí có thể tử vong. Trẻ bị lao màng não có các triệu chứng rầm rộ, xuất hiện sau khi mắc lao sơ nhiễm khoảng vài ngày đến vài tháng, bao gồm sốt cao, nhức đầu, cứng cổ, có giật, rối loạn vận nhãn, co giật, động kinh ...

  • Lao phổi

Cùng với lao màng phổi, đây là thể lao đường hô hấp thường gặp ở nhóm trẻ lớn hơn 5 tuổi, nhất là những trẻ đang ở trong giai đoạn dậy thì. Trẻ bị bệnh lao phổi có thể thứ phát sau lao sơ nhiễm hoặc lây trực tiếp do tiếp xúc với những người thân trong gia đình mắc bệnh lao. Lao phổi sau lao sơ nhiễm thường mất nhiều tháng mới xuất hiện triệu chứng. Biểu hiện lâm sàng của lao phổi ở trẻ có nhiều điểm tương đồng với bệnh lao ở người lớn như sốt nhẹ về chiều, sụt cân, ho đờm kéo dài có thể có máu, tức ngực. Quy trình chẩn đoán bệnh lao phổi ở trẻ em được thực hiện bằng việc kết hợp giữa các phương tiện chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm tìm vi khuẩn lao trong đàm hoặc dịch dạ dày trong 3 mẫu được lấy cách nhau ít nhất 1 ngày bằng soi tươi và nuôi cấy tìm vi khuẩn.

  • Lao ngoài phổi

Đây là biến chứng thường xảy ra muộn nhất sau lao sơ nhiễm. Lao ngoài phổi rất đa dạng với nhiều thể khác nhau như lao cột sống, lao hạch, lao màng bụng, lao tiết niệu, lao ruột ... Trẻ có thể mắc cùng lúc nhiều thể lao ngoài phổi khác nhau hoặc đồng mắc lao phổi và lao ngoài phổi. Triệu chứng lâm sàng phong phú tùy thuộc vào cơ quan bị ảnh hưởng. Đau và biến dạng cột sống gặp trong lao cột sống. Sưng đau tinh hoàn và tiểu máu gặp trong lao cột sống. Sưng hạch nhiều vị trí trong cơ thể có ở lao hạch.


Lao cột sống khiến người bệnh bị chấn thương và cong vẹo cột sống
Lao cột sống khiến người bệnh bị chấn thương và cong vẹo cột sống

3. Dấu hiệu nhận biết trẻ bị bệnh lao

Triệu chứng lâm sàng ở trẻ bị bệnh lao thường rất phong phú và biến thiên. Trẻ bị bệnh lao có thể có những biểu hiện rõ, rầm rộ trong những thể lao cấp tính như lao màng não và lao kê. Ngược lại trẻ mắc lao sơ nhiễm lại có những biểu hiện lâm sàng rất mơ hồ hoặc thậm chí không có bất kỳ dấu hiệu gợi ý nào. Lao phổi và lao màng phổi có các biểu hiện gợi ý liên quan đến các tổn thương tại đường hô hấp như ho, khạc đờm máu, tức ngực, khó thở.

Các thể lao ngoài đường hô hấp có những biểu hiện khác nhau tùy từng cơ quan bị ảnh hưởng. Tóm lại, triệu chứng lâm sàng của bệnh lao đa dạng nhưng không đặc hiệu, và rất dễ nhầm với các bệnh lý khác. Việc tiêm phòng không đầy đủ và tiền sử có tiếp xúc với những người nghi mắc bệnh lao hoặc bị bệnh lao là những yếu tố có tính chất gợi ý và định hướng có giá trị trong việc nhận diện và chẩn đoán bệnh lao ở trẻ em.

4. Chẩn đoán lao ở trẻ em

Chẩn đoán chính xác các trường hợp trẻ bị bệnh lao cần dựa vào các xét nghiệm cận lâm sàng thay vì các biểu hiện lâm sàng của bệnh không đặc trưng, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Mẫu bệnh phẩm từ đàm, dịch tiết hô hấp hoặc dịch dạ dày hay những bệnh phẩm từ các cơ quan nghi ngờ khác được đem đi soi tươi và nuôi cấy tìm vi khuẩn lao. Mẫu bệnh phẩm phải được lấy đủ 3 lần ở 3 ngày khác nhau liên tục. Khi xét nghiệm dương tính, chẩn đoán bệnh lao ở trẻ em được xác định.


Xét nghiệm bệnh phẩm chẩn đoán lao ở trẻ
Xét nghiệm bệnh phẩm chẩn đoán lao ở trẻ

Tỷ lệ tìm thấy vi khuẩn lao khi thực hiện xét nghiệm không cao. Chụp phim XQ phổi được chỉ định khi nghi ngờ trẻ mắc thể lao phổi hoặc lao màng phổi. Các tổn thương của bệnh lao trên phim chụp phổi có thể bao gồm các tổn thương dạng nốt, đám thâm nhiễm, các hang ở đỉnh phổi và các tổn thương tại màng phổi.

5. Các phương pháp điều trị bệnh lao ở trẻ em

Nguyên tắc điều trị bệnh lao ở trẻ em tương tự như việc điều trị bệnh lao ở người lớn. Phác đồ điều trị phối hợp giữa các thuốc kháng lao trong thời gian dài chiếm vai trò chính. Thời gian điều trị để đạt hiệu quả kéo dài khoảng 6 đến 9 tháng liên tục. Thuốc uống phải được sử dụng đúng liều và tuân thủ theo phác đồ của bác sĩ. Hiệu quả của việc điều trị bệnh lao ở trẻ em phụ thuộc nhiều vào giai đoạn bệnh. Bệnh lao ở trẻ em được phát hiện sớm, khi chưa có biến chứng hoặc chưa lây lan đến các hệ cơ quan khác có tiên lượng tốt hơn.

Khoa nhi tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải: sốt virus, sốt vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm phổi ở trẻ,... Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh. Cùng với đó là sự tận tâm từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn với các bệnh nhi, giúp việc thăm khám không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.

Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline TẠI ĐÂY để được hỗ trợ.

Video đề xuất:

Vì sao cần tiêm phòng Lao cho trẻ sơ sinh

XEM THÊM:

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe