Opfibrat thuộc nhóm thuốc điều trị bệnh tim mạch. Tìm hiểu một số thông tin về công dụng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng Opfibrat sẽ giúp người bệnh dùng thuốc an toàn và hiệu quả.
1. Thành phần thuốc Opfibrat
Thuốc Opfibrat với thành phần chính là Fenofibrate, hàm lượng 16mg. Thuốc được bào chế dưới dạng viên bao phim. Đóng gói hộp 3 vỉ x 10 viên. Sản xuất tại Công ty cổ phần Dược phẩm OPC - VIỆT NAM.
2. Công dụng của thuốc Opfibrat
Thuốc Opfibrat có tác dụng giảm cholesterol máu và giảm triglyceride máu, nó thuộc nhóm fibrate.
Dược động học của Fenofibrate
Đây là hoạt chất nguyên vẹn không được tìm thấy trong huyết tương. Acid fenofibric là chất chuyển hóa chủ yếu trong huyết tương .
Sau khi uống thuốc 5 giờ, thuốc đạt nồng độ tối đa trong huyết tương. Nồng độ trung bình trong huyết tương sẽ là 15 mcg/ml sau khi uống 1 viên Opfibrat 200mg/ngày. Nồng độ của thuốc trong huyết tương ổn định khi điều trị liên tục trên cùng một bệnh nhân.
Acid fenofibric gắn kết mạnh với albumin huyết tương. Đồng thời, có thể đẩy vitamin K ra khỏi vị trí gắn kết với protein. Do đó tăng cường tác động của các thuốc chống đông dạng uống.
Thời gian bán thải của thuốc là 20 giờ. Thuốc được đào thải chủ yếu qua nước tiểu, đào thải toàn bộ sau 6 ngày. Hoạt chất Fenofibrate chủ yếu được đào thải dưới dạng acid fenofibric và dẫn xuất glucuronic liên hợp của chất này.
Hoàn toàn không có tình trạng tích lũy thuốc và acid fenofibric không được đào thải do thẩm tách máu.
Tác dụng chính của Fenofibrate
Hoạt chất Fenofibrate có trong thuốc Opfibrat có thể làm giảm Cholesterol máu từ 20 - 25% và giảm Triglyceride máu từ 40 - 50%.
Giảm cholesterol máu do giảm các thành phần gây xơ vữa động mạch tỉ trọng thấp. Thuốc này sẽ cải thiện sự phân bổ cholesterol trong huyết tương bằng cách giảm tỉ lệ cholesterol toàn phần/cholesterol HDL. Tỉ lệ này thường tăng cao trong bệnh lý tăng lipid máu gây xơ vữa động mạch.
Mối liên quan giữa tăng cholesterol máu và xơ vữa động mạch đã được xác nhận. Tương tự như mối liên quan giữa xơ vữa động mạch và bệnh mạch vành. Khi nồng độ HDL thấp sẽ gắn liền với nguy cơ tăng bệnh mạch vành. Fenofibrate làm tăng đáng kể nồng độ HDL cholesterol từ 10% đến 30% cho bệnh nhân đạt mục tiêu điều trị là 40 mg/dl bất chấp nồng độ ban đầu.
Nồng độ triglyceride tăng sẽ liên quan đến tăng nguy cơ ở mạch máu. Nhưng mối liên quan này độc lập với các mối liên quan ở trên. Ngoài ra, các triglyceride có thể liên quan đến tiến trình gây xơ vữa động mạch cũng như gây huyết khối.
- Trường hợp cholesterol ngoài mạch máu, khi điều trị dài ngày, sẽ giảm đáng kể, thậm chí khỏi được hoàn toàn.
- Tác động bài tiết acid uric niệu đã được chứng minh ở những bệnh nhân tăng lipid máu. Từ đó làm giảm acid uric máu khoảng 25%.
- Fenofibrate làm tăng apoprotein A1 và giảm apoprotein B. Từ đó cải thiện tỉ lệ apo A1/apo B. Đây cũng là một yếu tố gây xơ vữa động mạch.
- Tác động chống kết tập tiểu cầu của fenofibrate đã được chứng minh trong thử nghiệm trên động vật. Sau đó, đã được thử nghiệm trên người, qua các thử nghiệm lâm sàng biểu hiện qua sự giảm kết tập ADP, acid arachidonic và epinephrin.
Qua kích hoạt thụ thể PPAR kiểu a (peroxysome proliferation activated receptor of type a), fenofibrate đã làm tăng tiêu giải lipid và đào thải các tiểu phân giàu triglyceride bằng cách hoạt hóa lipoprotein lipase và giảm sản xuất apoprotein C III.
3. Chỉ định dùng thuốc Opfibrat
- Bệnh nhân tăng cholesterol máu (Type IIa), tăng triglyceride máu nội sinh đơn lẻ (Type IV), tăng lipid máu kết hợp (Type IIb & III) sau khi đã áp dụng chế độ ăn kiêng đúng và thích hợp mà không hiệu quả.
- Bệnh nhân tăng lipoprotein máu thứ phát, dai dẳng dù đã điều trị nguyên nhân (ví dụ như rối loạn lipid máu trong đái tháo đường).
- Những người đang trong chế độ ăn kiêng đã dùng trước khi điều trị vẫn phải tiếp tục dùng.
4. Liều dùng và cách sử dụng thuốc Opfibrat
Khi dùng thuốc cần phối hợp với chế độ ăn kiêng, dùng thuốc vào bữa ăn chính;
Liều lượng và thời gian dùng thuốc do bác sĩ điều trị chỉ định. Liều thông thường bạn có thể tham khảo như sau:
- Đối với người lớn:
- Dùng 3 viên 100 mg: 3 lần /ngày;
- Dùng viên 300mg, 200 mg và 160 mg: 1 viên/ngày.
- Đối với trẻ > 10 tuổi: Dùng tối đa 5 mg/kg/ngày.
5. Chống chỉ định dùng thuốc Opfibrat
Chống chỉ định dùng thuốc Opfibrat với một số trường hợp sau:
- Những người quá mẫn với Fenofibrate hoặc với bất cứ thành phần nào của thuốc .
- Bệnh nhân suy thận nặng.
- Bệnh nhân bị rối loạn chức năng gan hay bị bệnh túi mật .
- Những trẻ em dưới 10 tuổi.
- Phụ nữ có thai và phụ nữ đang cho con bú.
- Những người có phản ứng dị ứng với ánh sáng khi điều trị với các fibrates hoặc với ketoprofen (các kháng viêm không steroid).
6. Tương tác thuốc
Thuốc Opfibrat khi dùng cùng thuốc uống chống đông máu sẽ xảy ra tương tác thuốc. Chính vì vậy cần lưu ý khi sử dụng.
7. Tác dụng phụ của thuốc Opfibrat
Khi sử dụng thuốc Opfibrat, bạn có thể gặp được một số tác dụng phụ như:
- Rối loạn tiêu hóa gây chứng khó tiêu, nôn, buồn nôn, tiêu chảy nhẹ
- Tăng tạm thời men gan
- Dị ứng da
- Đau mỏi cơ.
8. Một số lưu ý khác khi dùng thuốc Opfibrat
- Cần phải thăm dò chức năng gan và thận của người bệnh trước khi quyết định dùng thuốc Opfibrat điều trị cho bệnh nhân .
- Nếu sau 3-6 tháng điều trị mà nồng độ lipid máu không giảm, cần phải xem xét phương pháp điều trị bổ sung hoặc thay thế phương pháp điều trị khác.
- Hiện tượng tăng lượng transaminase máu thường là tạm thời. Chính vì vậy, trong 12 tháng đầu điều trị, cần kiểm tra một cách có hệ thống các men transaminase mỗi 3 tháng. Ngưng điều trị nếu chỉ số AST và ALT tăng trên 3 lần giới hạn thông thường.
- Trong trường hợp phối hợp Opfibrat với thuốc chống đông dạng uống, cần tăng cường theo dõi nồng độ prothrombin máu và phải điều chỉnh liều thuốc chống đông cho phù hợp trong thời gian điều trị bằng Opfibrat và 8 ngày sau khi ngưng điều trị bằng thuốc này.
- Biến chứng mật sẽ dễ xảy ra ở những bệnh nhân có bệnh xơ gan ứ mật hoặc sỏi mật.
- Bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc Opfibrat cần phải thường xuyên kiểm tra công thức máu.
Những thông tin cơ bản về thuốc Opfibrat trong bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo. Vì Opfibrat là thuốc kê đơn nên người bệnh không tự ý sử dụng, mà cần liên hệ trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa để có đơn kê phù hợp, đảm bảo an toàn cho sức khỏe.