Thuốc Nidal được bào chế dưới dạng viên nang mềm, có thành phần chính là ketoprofen, diphenhydramine và adiphenine. Thuốc được sử dụng để giảm đau bàng quang, đường niệu, hệ gan mật,... Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.
1. Thuốc Nidal có tác dụng gì?
Thuốc Nidal trị bệnh gì? Thuốc Nidal có thành phần chính gồm ketoprofen, diphenhydramine và adiphenine với hàm lượng: Ketoprofen 50 mg, Diphenhydramine HCL 10 mg và Adiphenine HCL 25 mg. Trong đó, ketoprofen là thuốc kháng viêm non-steroid, có thêm hoạt tính giảm đau và hạ sốt. Diphenhydramine hydrochloride là thuốc kháng histamin, có tác dụng chống dị ứng, an thần nhẹ. Trong công thức phối hợp của thuốc Nidal, thành phần diphenhydramine có tác dụng an thần nhẹ, rất tốt cho người bệnh bị đau từ trung bình đến nặng. Adiphenine HCL là loại thuốc chống co thắt cơ trơn.
Chỉ định sử dụng thuốc Nidal: Giảm đau do co thắt cơ trơn như: Đau quặn thận, đau quặn bàng quang, đau hệ gan mật, đường niệu, cơn đau quặn gan hoặc viêm tụy mạn.
Chống chỉ định sử dụng thuốc Nidal:
- Người quá mẫn với thành phần, tá dược của thuốc;
- Bệnh nhân bị loét dạ dày - tá tràng tiến triển
- Bệnh nhân suy gan nặng, suy thận nặng;
- Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú;
- Trẻ em dưới 15 tuổi.
2. Cách dùng và liều dùng thuốc Nidal
Cách dùng: Thuốc được dùng đường uống. Người bệnh nên uống thuốc Nidal trong hoặc ngay sau bữa ăn.
Liều dùng: Thuốc chỉ dùng cho người lớn. Liều dùng là uống 1 viên x 3 lần/ngày. Có thể sử dụng liều 2 viên/lần x 3 lần/ngày nếu bệnh nhân đau nhiều (nhưng không nên kéo dài).
Quá liều: Không có thuốc giải độc đặc hiệu cho Nidal thuốc. Người bệnh nên được điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ.
Quên liều: Nếu quên dùng 1 liều thuốc Nidal, bệnh nhân nên uống càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp thì bạn hãy bỏ qua liều đã quên, dùng liều tiếp theo vào thời điểm như đã lên kế hoạch.
3. Tác dụng phụ của thuốc Nidal
Khi sử dụng thuốc Nidal, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:
Tác dụng phụ của thành phần ketoprofen:
- Thường gặp: Khó tiêu, nôn ói, đau thượng vị, bỏng rát họng;
- Ít gặp: Loét đường tiêu hóa, táo bón, tiêu chảy, nhức đầu, chóng mặt, ngứa da, phát ban da, mệt mỏi, tiểu máu, kéo dài thời gian chảy máu
Tác dụng phụ của thành phần Diphenhydramine:
- Tiêu hóa: Rối loạn tiêu hóa;
- Thần kinh: Buồn ngủ, đau đầu, choáng váng, an thần;
- Triệu chứng khác: Bí tiểu, nhìn mờ, khô miệng, dịch tiết phế quản đặc hơn, kích thích nghịch (thường ở trẻ em).
Khi gặp các tác dụng phụ của thuốc Nidal, bệnh nhân nên thông báo ngay cho bác sĩ.
4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Nidal
Trước và trong khi sử dụng thuốc Nidal, người bệnh nên lưu ý:
- Thận trọng khi dùng thuốc ở bệnh nhân có bệnh hen suyễn (vì nguy cơ gây cơn co thắt phế quản);
- Thận trọng khi dùng thuốc cho người cao tuổi, bệnh nhân có tiền sử đau dạ dày, người đang sử dụng các thuốc kháng đông (vì nguy cơ xuất huyết tiêu hóa);
- Thuốc Nidal có thể gây buồn ngủ nên không dùng thuốc cho người lái xe, vận hành máy móc hoặc các công việc cần sự tỉnh táo, tập trung;
- Không nên dùng thuốc Nidal cho phụ nữ có thai và cho con bú.
5. Tương tác thuốc Nidal
Một số tương tác thuốc của thuốc Nidal gồm:
- Không sử dụng chung thuốc Nidal với các thuốc kháng viêm non-steroid khác vì sẽ làm tăng nguy cơ loét dạ dày;
- Sử dụng chung thuốc Nidal với các thuốc kháng đông đường uống có thể làm tăng tác dụng kháng đông;
- Sử dụng đồng thời thuốc Nidal với các thuốc giữ kali như một số loại thuốc lợi tiểu giữ kali, thuốc ức chế men chuyển, thuốc ức chế thụ thể angiotensin II, cyclosporine, trimethoprim, tacrolimus có thể làm tăng nguy cơ tăng kali máu;
- Trong thời gian dùng thuốc Nidal, bệnh nhân không nên uống rượu.
Khi sử dụng thuốc Nidal, người bệnh nên tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ về liều dùng, cách dùng, thời gian dùng thuốc. Nếu gặp bất cứ tác dụng phụ nào, bệnh nhân cũng nên báo ngay cho bác sĩ để nhận được lời khuyên thích hợp.
Thuốc Nidal được bào chế dưới dạng viên nang mềm, có thành phần chính là ketoprofen, diphenhydramine và adiphenine. Thuốc được sử dụng để giảm đau bàng quang, đường niệu, hệ gan mật,... Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.