Mobocertinib là một loại thuốc mới được nghiên cứu ứng dụng trong điều trị ung thư. Cùng tìm hiểu về công dụng, cách dùng và những điều cần lưu ý về loại thuốc Mobocertinib.
1. Mobocertinib là thuốc gì và có công dụng như thế nào?
Mobocertinib có tên biệt dược là Exkivity TM.
Mobocertinib là một chất ức chế kinase. Kinase là một loại enzyme thúc đẩy sự phát triển của tế bào. Có nhiều loại kinase, kiểm soát các giai đoạn phát triển khác nhau của tế bào. Bằng cách ngăn chặn một loại enzyme cụ thể hoạt động, thuốc này có thể làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư.
Thuốc Mobocertinib hoạt động chống lại đột biến chèn exon 20 của thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu bì (EGFR) được tìm thấy trên một số tế bào ung thư. Khối u của người bệnh sẽ được kiểm tra để tìm đột biến này.
Mobocertinib được bào chế dạng viên nang.
2. Cách dùng và liều dùng thuốc Mobocertinib:
Mobocertinib được dùng đường uống, thuốc có thể dùng trước/ trong/ sau khi ăn, vào cùng một thời điểm mỗi ngày.
- Nuốt toàn bộ viên nang, không nghiền nát, nhai, hoặc mở viên nang.
- Nếu một liều bị bỏ lỡ quá 6 giờ, hãy bỏ qua liều đó và dùng liều tiếp theo vào ngày hôm sau theo giờ lịch uống thuốc hàng ngày.
- Nếu bệnh nhân bị nôn sau khi uống thuốc, đừng dùng thêm liều. Thay vào đó, hãy dùng liều tiếp theo của bạn theo lịch trình.
- Liều lượng thuốc phải tuân theo chỉ định của bác sĩ.
3. Lưu ý khi sử dụng thuốc Mobocertinib
Nồng độ trong máu của thuốc Mobocertinib có thể bị ảnh hưởng bởi một số loại thực phẩm và thuốc như: bưởi, nước ép bưởi, itraconazole, ketoconazole, diltiazem, fluconazole, verapamil, rifampin, bosentan và efavirenz...
Người chăm sóc bệnh nhân không tiếp xúc tay trực tiếp với thuốc trong khi chuẩn bị liều thuốc cho người bệnh. Rửa tay sạch sẽ trước và sau khi lấy thuốc giúp người bệnh.
Phụ nữ có thai hoặc cho con bú không nên tiếp xúc với thuốc Mobocertinib.
Không cho con bú trong thời gian điều trị và ít nhất 1 tuần sau liều cuối cùng.
4. Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng thuốc Mobocertinib
4.1 Vấn đề tim mạch
Thuốc Mobocertinib có thể gây ra nhịp tim chậm hoặc bất thường. Chức năng tim của bệnh nhân sẽ được kiểm tra trước khi bắt đầu dùng thuốc.
Mức điện giải của bạn, bao gồm cả kali và magiê, cũng sẽ được theo dõi bằng xét nghiệm máu, vì những chất này có thể ảnh hưởng đến chức năng tim.
Thông báo cho bác sĩ ngay lập tức nếu cảm thấy nhịp tim bất thường hoặc nếu cảm thấy chóng mặt hoặc ngất xỉu.
4.2 Bệnh tiêu chảy
Tiêu chảy có thể là một tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc Mobocertinib. Tiêu chảy có thể dẫn tới mất nước, vậy nên khi có triệu chứng này cần liên hệ bác sĩ để được kê thuốc điều trị phù hợp.
Ngoài ra, hãy thử ăn các loại thực phẩm ít chất xơ, nhạt, chẳng hạn như cơm trắng và thịt gà luộc hoặc nướng. Tránh ăn trái cây sống, rau, bánh mì nguyên cám, hạt, ngũ cốc.
4.3 Những thay đổi về da và móng
Một số bệnh nhân có thể phát ban, da có vảy hoặc mụn đỏ ngứa. Sử dụng kem dưỡng ẩm không chứa cồn lên da và môi của; tránh những loại có nước hoa hoặc hương liệu.
Nếu bệnh nhân bị ngứa gây khó chịu có thể sẽ được bác sĩ chỉ định thuốc bôi.
Nếu da của bị nứt hoặc chảy máu, hãy giữ vùng da đó sạch sẽ để tránh nhiễm trùng.
Trong khi dùng thuốc này, bệnh nhân có thể bị viêm da xung quanh vùng da móng / lớp biểu bì của ngón chân hoặc ngón tay, được gọi là bệnh paronychia. Vùng da này có thể có màu đỏ, sưng tấy hoặc chứa đầy mủ. Móng tay có thể mọc "gờ" hoặc rụng. Những tác dụng phụ này có thể xuất hiện vài tháng sau khi bắt đầu điều trị nhưng có thể kéo dài nhiều tháng sau khi ngừng điều trị.
4.4 Nhiễm trùng và giảm bạch cầu hoặc giảm bạch cầu trung tính
Tế bào bạch cầu là thành phần rất quan trọng để chống lại nhiễm trùng. Trong khi được điều trị, số lượng bạch cầu của bệnh nhân có thể giảm xuống, khiến họ có nguy cơ bị nhiễm trùng cao hơn. Hãy thông báo cho bác sĩ hoặc y tá ngay lập tức nếu bạn bị sốt (nhiệt độ cao hơn 100,4°F hoặc 38°C), đau họng hoặc cảm lạnh, khó thở, ho, nóng rát khi đi tiểu hoặc đau không thể giảm.
4.5 Vết loét miệng (Viêm niêm mạc)
Một số liệu pháp điều trị ung thư có thể gây ra những vết loét đau trong miệng, cổ họng.
- Bệnh nhân hãy thông báo cho bác sĩ điều trị ung thư nếu miệng, lưỡi, bên trong má hoặc cổ họng trở nên trắng, loét hoặc đau.
- Chăm sóc miệng đều đặn, thường xuyên có thể giúp ngăn ngừa hoặc kiểm soát triệu chứng viêm loét miệng.
- Nếu vết loét miệng dẫn tới đau, bác sĩ hoặc y tá của bạn có thể đề nghị dùng thuốc giảm đau.
- Hạn chế sử dụng các loại nước súc miệng có chứa cồn. Nên súc miệng bằng muối nở hoặc muối với nước ấm (2 thìa cà phê muối nở hoặc 1 thìa nhỏ muối trong một cốc nước ấm) 4 lần mỗi ngày.
- Nếu miệng bị khô, hãy ăn thức ăn lỏng, uống nhiều nước (6-8 ly) và ngậm kẹo cứng không đường.
- Tránh đồ uống có chứa cồn, không nên hút thuốc lá, nước trái cây họ cam quýt.
4.6 Mệt mỏi
Đây là tình trạng rất phổ biến trong quá trình điều trị ung thư và là cảm giác kiệt sức thường không thuyên giảm khi nghỉ ngơi. Trong quá thời gian điều trị ung thư và một khoảng thời gian sau đó, người bệnh cần phải điều chỉnh lịch trình của mình để kiểm soát sự mệt mỏi. Lên kế hoạch cho thời gian nghỉ ngơi trong mỗi ngày, tiết kiệm năng lượng cho những hoạt động quan trọng hơn.
Tập thể dục có thể giúp chống lại sự mệt mỏi; người bệnh nên đi bộ nhẹ nhàng có thể sẽ đem lại lợi ích chống lại sự mệt mỏi.
Nói chuyện với bác sĩ điều trị để biết các mẹo hữu ích về cách đối phó với tác dụng phụ này.
5. Bảo quản thuốc Mobocertinib như thế nào?
Bảo quản thuốc trong bao bì gốc, có dán nhãn ở nhiệt độ phòng và ở nơi khô ráo (trừ khi có chỉ dẫn khác của dược sĩ).
Để hộp đựng thuốc xa tầm tay trẻ em và vật nuôi.
Trên đây là tất cả những thông tin quan trọng về thuốc Mobocertinib. Việc hiểu và nắm rõ công dụng thuốc sẽ giúp quá trình sử dụng được hiệu quả hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.