Thuốc Maninil được dùng trong điều trị bệnh đái tháo đường type 2 không phụ thuộc Insulin. Thuốc có hoạt chất chính là Glibenclamide với hàm lượng 5mg trong mỗi viên nén. Liều dùng, cách dùng thuốc Maninil sẽ có trong bài viết ngay dưới đây.
1. Thuốc Maninil là gì?
Maninil 5mg được xếp vào nhóm thuốc Hocmon và nội tiết tố, thuốc được dùng trong điều trị bệnh đái tháo đường Type II. Được bào chế dưới dạng viên nén, trong mỗi viên Maninil có hàm lượng Glibenclamide 5mg, một lọ gồm 120 viên và dùng theo đường uống.
2. Công dụng của thuốc Maninil
Với hoạt chất chính là Glibenclamide, một chất chống đái tháo đường nhóm sulfonylure, thuốc Maninil có tác dụng chống tăng đường huyết ở người bị đái tháo đường Type 2.
Về tác dụng của thuốc, Glibenclamid là một sulfonylure có tác dụng làm tăng tính nhạy cảm của tế bào beta tuyến tuỵ với glucose, từ đó gia tăng sự giải phóng insulin. Tác dụng của thuốc Maninil phụ thuộc khá nhiều vào chức năng tiết của tế bào beta. Glibenclamide còn có thể làm tăng nồng độ insulin, do làm giảm độ thanh thải của insulin qua gan.
Cơ chế tác dụng của thuốc Maninil trong quá trình điều trị đái tháo đường khá còn khá phức tạp. Khi dùng cho người đái tháo đường không phụ thuộc vào insulin, glibenclamid làm tăng phản ứng giải phóng insulin ở tuyến tuỵ. Trong những tháng điều trị đầu tiên ở người tiểu đường, các chất thuộc nhóm sulfonylure làm tăng nồng độ insulin trong cơ thể. Khi dùng lâu dài, nồng độ insulin trong máu giảm sẽ giảm xuống như trước lúc dùng thuốc, nhưng nồng độ glucose trong huyết tương sẽ ít khi tăng trở lại.
Dược động học thuốc Maninil
Thuốc Maninil sau khi uống sẽ được hấp thu tốt qua đường tiêu hóa. Tuy nhiên, thức ăn và sự tăng glucose máu có thể làm ức chế nhu động của dạ dày, làm giảm hấp thu thuốc. Theo khuyến cáo từ các bác sĩ và nhà sản xuất, thuốc Maninil dùng tốt nhất tại thời điểm 30 phút trước bữa ăn, việc này cũng đảm bảo thuốc sẽ giúp giải phóng kịp thời insulin trong cơ thể tránh tăng glucose huyết trong bữa ăn của người bệnh.
Thuốc Maninil 5mg phân bố và liên kết chủ yếu với protein huyết tương, đặc biệt ở albumin. Maninil chứa hoạt chất Glibenclamide sẽ chuyển hóa hoàn toàn ở gan theo đường hydroxyl hóa, điều này có tác dụng hạ glucose huyết vừa phải. Sự đào thải của Maninil chủ yếu qua đường nước tiểu.
Thuốc chỉ dùng trong cho những người bị đái tháo đường type 2 không phụ thuộc vào insulin, không thể kiểm soát đường huyết bằng ăn kiêng, giảm cân hay tập thể dục.
Maninil không được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Không dùng thuốc Maninil trong điều trị đái tháo đường có phụ thuộc Insulin (type 1), đường huyết tăng cao có hôn mê hoặc không.
- Không dùng Maninil ở người cắt bỏ tụy, toan hóa máu do tăng glucose máu
- Không dùng Maninil ở người suy gan hoặc suy thận nặng
- Không dùng ở những người dị ứng với Glibenclamide, Sulphonamide, các thuốc lợi tiểu có sulphonamide hoặc probenecid, hoặc dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc Maninil có trên tờ ghi thành phần.
- Không dùng Maninil ở phụ nữ đang trong giai đoạn mang thai hoặc cho con bú.
3. Liều dùng & cách dùng thuốc Maninil
Thuốc Maninil được bào chế dưới dạng viên nén, người bệnh dùng thuốc theo đường uống với 1 ly nước đầy. Thời điểm uống thuốc là sáng sớm và trước bữa ăn sáng với liều dùng khởi đầu tiêu chuẩn, với liều cao hơn (từ 2-6 viên), có thể chia ra từng thời điểm trong ngày.
- Liều dùng khởi đầu tiêu chuẩn: 2.5-5mg/ngày, uống 1 lần vào buổi sáng
- Liều dùng duy trì mỗi ngày: 5-10mg/ngày, có thể chia ra uống 2 lần sáng - tối
- Liều dùng tối đa cho người đái tháo đường Type 2 là 15mg/ngày, có thể chia ra uống sáng - chiều - tối.
4. Tác dụng phụ của thuốc Maninil
- Giảm glucose máu, giảm hấp thu vitamin B12
- Rối loạn vị giác
- Các rối loạn thị giác có thể xảy ra khi bắt đầu điều trị do sự giảm glucose trong máu.
- Hiếm gặp: giảm bạch cầu, tiểu cầu, mất bạch cầu hạt, thiếu máu tan huyết, giảm thể thích tuần hoàn.
- Rối loạn tiêu hóa có thể xuất hiện như buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng và cảm giác ăn mất ngon có thể gặp phải. Các tác dụng này thường gặp trong quá trình đầu tiên dùng thuốc
- Rối loạn gan mật: xét nghiệm chức năng gan bất thường hoặc viêm gan. Khi gặp các tác dụng phụ này thì nên ngưng điều trị bằng Maninil
- Rối loạn trên da: ngứa, mày đay, nổi ban sần. Nặng hơn có thể gặp viêm mạch dị ứng da hoặc nội tạng, ban đỏ, viêm da tróc vẩy, chứng nhạy với ánh sáng.
5. Lưu ý khi sử dụng thuốc Maninil
- Thời điểm uống thuốc Maninil khá quan trọng, vì sự tăng bài tiết Insulin có thể gây cơn hạ đường huyết đột ngột. Do đó, cần uống thuốc trước một bữa ăn đáp ứng đầy đủ Carbonhydrate.
- Việc người bệnh bị hạ đường huyết có thể xảy ra khi dùng Maninil quá liều, ăn kiêng quá mức hay tập luyện thể dục thể thao với cường độ dày đặt.
Thuốc Maninil 5mg là thuốc điều trị bệnh tiểu đường Type 2, dùng cho những đối tượng không thể kiểm soát đường huyết bằng các phương pháp ăn kiêng và chơi thể thao. Với hoạt chất chính là Glibenclamide 5mg, thuốc Maninil được sử dụng cho người bệnh dưới sự kê đơn và giám sát của bác sĩ chuyên khoa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.