Vảy nến là một bệnh lý tự miễn hay gặp. Bên cạnh các thuốc ức chế miễn dịch, người trưởng thành mắc bệnh vảy nến có thể điều trị bằng thuốc Alefacept khi đáp ứng một số điều kiện nhất định. Vậy Alefacept là thuốc gì và nên sử dụng như thế nào?
1. Alefacept là thuốc gì?
Thuốc Alefacept thuộc nhóm ức chế miễn dịch, bản chất là một protein tái tổ hợp ở người. Alefacept gắn kết với CD2 trên các tế bào lympho T, qua đó ngăn chặn sự kích hoạt và giảm số lượng tế bào T, đồng thời ức chế sự tương tác giữa LFA-3 trên tế bào trình diện kháng nguyên và CD2.
Thuốc Alefacept có thể làm giảm số lượng của tế bào T CD2+ (chủ yếu là tế bào T CD45RO+), có lẽ xuất phát từ việc hình thành cầu nối giữa CD2 trên tế bào lympho đích và thụ thể Fc trên Immunoglobulin của các tế bào gây độc (như tế bào chết tự nhiên).
Tác dụng gây giảm tổng số tế bào lympho trong tuần hoàn của thuốc Alefacept phụ thuộc liều lượng và chủ yếu ảnh hưởng đến quá trình kích hoạt tế bào T CD4+ và CD8+ (tức là tế bào T CD4+ CD45RO+ và CD8+ CD45RO+).
Ngoài ra, thuốc Alefacept còn có thể ảnh hưởng đến sự hoạt hóa và số lượng các tế bào không phải tế bào T, vì CD2 còn được biểu hiện ở mức độ thấp trên bề mặt của các tế bào chết tự nhiên và một số tế bào B của tủy xương.
2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Alefacept
Công dụng của Alefacept được chỉ định trong điều trị bệnh vảy nến mãn tính mức độ trung bình đến nặng ở người trưởng thành phù hợp với liệu pháp toàn thân hoặc liệu pháp quang trị liệu (phototherapy). Lưu ý không sử dụng Alefacept đồng thời với các thuốc ức chế miễn dịch khác.
Bên cạnh đó, thuốc Alefacept không được sử dụng ở những trường hợp sau:
- Bệnh nhân nhiễm virus HIV;
- Cơ địa dị ứng với Alefacept hoặc bất kỳ thành phần nào có trong sản phẩm này;
- Người có nguy cơ cao mắc các bệnh lý ác tính (ung thư);
- Số lượng tế bào lympho T CD4 dưới mức bình thường;
- Phụ nữ cho con bú.
3. Hướng dẫn liều lượng và cách sử dụng thuốc Alefacept
3.1. Liều lượng sử dụng của Alefacept
Liều thuốc Alefacept khuyến cáo điều trị vảy nến ở người lớn cụ thể như sau:
- Tiêm tĩnh mạch liều 7.5 mg mỗi tuần hoặc tiêm bắp 15 mg mỗi tuần. Thời gian sử dụng thuốc Alefacept là 12 tuần liên tục với liều như trên. Ngoài ra, có thể lặp lại 1 đợt điều trị kéo dài 12 tuần bằng Alefacept trong trường hợp số lượng tế bào T CD4+ nằm trong phạm vi bình thường và đã hơn 12 tuần kể từ khi kết thúc đợt điều trị trước đó;
- Trước khi bắt đầu điều trị bằng thuốc Alefacept, người bệnh cần được theo dõi số lượng tế bào CD4+, sau đó theo dõi mỗi 2 tuần trong suốt đợt điều trị 12 tuần. Khi số lượng tế bào T CD4+ thấp hơn 250/mm3 thì vẫn duy trì tiêm Alefacept và theo dõi CD4+ hàng tuần. Ngừng sử dụng thuốc Alefacept khi số lượng tế bào T CD4+ vẫn thấp hơn 250/m3 trong thời gian 1 tháng.
Liều khuyến cáo thuốc Alefacept cho trẻ em trên 6 tuổi và thanh thiếu niên:
- Vẫn chưa có các nghiên cứu về mức độ an toàn và hiệu quả khi sử dụng thuốc ở trẻ em dưới 18 tuổi.
Liều lượng thuốc Alefacept ở một số đối tượng khác:
- Người cao tuổi: Không cần chỉnh liều lượng Alefacept do không có sự khác biệt tổng thể về tính an toàn hoặc hiệu quả khi so với bệnh nhân trẻ tuổi, tuy nhiên vẫn cần thêm các nghiên cứu tin cậy để loại trừ những khác biệt quan trọng. Mặc dù không cần chỉnh liều nhưng việc sử dụng thuốc Alefacept ở người cao tuổi cần phải thận trọng do nguy cơ khởi phát bệnh nhiễm trùng và một số khối u ác tính;
- Suy thận, suy gan: Chưa có thông tin về liều lượng thuốc Alefacept ở nhóm đối tượng này.
3.2. Cách sử dụng thuốc Alefacept
- Alefacept là thuốc được bào chế sử dụng theo đường tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch;
- Nhân viên y tế chỉ nên chuẩn bị thuốc ngay trước thời điểm sử dụng, đồng thời phải hủy bỏ thuốc nếu không sử dụng trong vòng 4 giờ;
- Chỉ pha loãng thuốc Alefacept bằng dung môi do nhà sản xuất cung cấp kèm theo sản phẩm. Khi pha cần xoay nhẹ hỗn hợp thuốc và dung môi khoảng 2 phút để hòa tan hoàn toàn. Lưu ý không lắc lọ và tránh khuấy mạnh để hạn chế tạo quá nhiều bọt khí;
- Dung dịch thuốc Alefacept hoàn nguyên phải trong suốt, không màu đến hơi vàng và được hòa tan hoàn toàn. Tuyệt đối không sử dụng khi thuốc bị đổi màu, vẩn đục hoặc khi chưa hòa tan hoàn toàn;
- Alefacept được sử dụng mỗi tuần một lần theo đường tiêm tĩnh mạch nhanh (dưới 5 giây) hoặc tiêm bắp ở phác đồ điều trị 12 tuần. Với cách tiêm bắp, nhân viên y tế cần thay đổi các vị trí tiêm, đồng thời tránh tiêm ở vị trí da mềm, bầm tím, đỏ hoặc cứng.
4. Tác dụng phụ của thuốc Alefacept
Các tác dụng phụ thường gặp của thuốc Alefacept:
- Viêm họng, ho;
- Chóng mặt;
- Buồn nôn;
- Ngứa;
- Đau cơ;
- Ớn lạnh;
- Đau hoặc sưng vị trí tiêm thuốc;
- Rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim;
- Phản ứng quá mẫn;
- Nhiễm trùng cấp tính.
Tác dụng phụ ít gặp của Alefacept:
- Giảm số lượng tế bào lympho T CD4+ và CD8+;
- Tăng men gan không triệu chứng, gan nhiễm mỡ, viêm gan và suy gan nặng;
- Tăng nguy cơ mắc các khối u ác tính, đặc biệt là ung thư tế bào đáy hoặc tế bào vảy của da.
5. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Alefacept
- Tác dụng phụ gây giảm số lượng bạch cầu, bao gồm giảm số lượng tế bào T CD4+ và CD8+ của thuốc Alefacept xảy ra phụ thuộc vào liều lượng sử dụng;
- Không chỉ định thuốc Alefacept điều trị khi bệnh nhân có lượng CD4+ dưới mức bình thường;
- Nguy cơ mắc các khối u ác tính (như ung thư da tế bào đáy hoặc tế bào vảy u lympho hay các khối u rắn khác) tăng lên khi sử dụng thuốc Alefacept, do đó cần sử dụng thận trọng ở người có tiền sử bệnh lý ác tính và phải ngưng thuốc nếu các u ác tính phát triển;
- Nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng khi dùng Alefacept cao hơn bình thường, do đó không được dùng ở bệnh nhân mắc bệnh nhiễm trùng nặng (bao gồm nhiễm HIV). Tác dụng này đòi hỏi phải theo dõi người bệnh cẩn thận về các biểu hiện nhiễm trùng trong và sau khi điều trị bằng thuốc Alefacept;
- Phản ứng quá mẫn như nổi mày đay, phù mạch... được báo cáo khi dùng thuốc Alefacept. Do đó, trường hợp phản ứng quá mẫn nghiêm trọng xảy ra thì cần ngừng thuốc Alefacept ngay lập tức và tiến hành biện pháp điều trị thích hợp;
- Không sử dụng thuốc Alefacept đồng thời với các thuốc ức chế miễn dịch khác hoặc liệu pháp quang trị liệu do nguy cơ gây ức chế miễn dịch quá mức;
- Mức độ an toàn và hiệu quả của việc tiêm phòng vắc-xin vi rút sống ở những bệnh nhân đang dùng Alefacept vẫn chưa được báo cáo;
- Tăng men gan, tăng nguy cơ dẫn đến gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan mất bù hoặc suy gan... là những tác dụng phụ đã được ghi nhận của thuốc Alefacept. Vì vậy cần đánh giá và theo dõi các biểu hiện của tổn thương gan ở người dùng sản phẩm này, đồng thời hãy ngưng thuốc Alefacept khi có các tổn thương gan quan trọng trên lâm sàng;
- Thuốc Alefacept có thể sử dụng được trên đối tượng phụ nữ mang thai;
- Chưa biết khả năng phân phối vào sữa mẹ của thuốc Alefacept, do đó bà mẹ cần ngừng cho con bú khi sử dụng thuốc này hoặc ngưng thuốc nếu cho con bú;
- Lưu ý khi lái xe & vận hành máy móc: Không có nghiên cứu nào về mức độ ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành máy móc của thuốc Alefacept đã được thực hiện;
- Quên liều và xử trí: thuốc Alefacept được sử dụng bởi nhân viên y tế nên người bệnh ít có khả năng quên liều;
- Quá liều và xử trí: Chưa có thông tin về liều dung nạp tối đa của thuốc Alefacept trên người. Khi sử dụng quá liều khuyến cáo và có biểu hiện bất thường, việc điều trị chủ yếu là các biện pháp hỗ trợ chung do chưa có thuốc giải độc đặc hiệu.
6. Tương tác thuốc của Alefacept
Cho đến nay vẫn chưa có các nghiên cứu chính thức về các tương tác của thuốc Alefacept.
- Không nên sử dụng đồng thời thuốc Alefacept với các thuốc ức chế miễn dịch khác vì nguy cơ ức chế miễn dịch quá mức, có thể kể đến như Abatacept, Adalimumab, Aldesleukin, Alemtuzumab, Altretamine, Amsacrine, Baricitinib, Cisplatin...
- Hiệu quả điều trị của globulin miễn dịch chống bệnh than ở người có thể bị giảm khi sử dụng kết hợp với thuốc Alefacept.
- Nguy cơ hoặc mức độ nghiêm trọng của các tác dụng ngoại ý có thể tăng lên khi kết hợp thuốc Alefacept với các thuốc chống động kinh như Carbamazepine hay Phenytoin.
- Không tiêm phòng bằng vắc-xin virus sống trong thời gian sử dụng thuốc Alefacept.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.