Thuốc Lercastad 20 được bào chế dưới dạng viên nén, có thành phần chính là Lercanidipin hydroclorid. Thuốc được sử dụng để điều trị tăng huyết áp nguyên phát (từ nhẹ tới trung bình).
1. Thuốc Lercastad 20 có tác dụng gì?
Lercastad là thuốc gì? Mỗi viên thuốc Lercastad 20 có chứa 20mg Lercanidipin hydroclorid và các tá dược vừa đủ. Lercanidipin là 1 thuốc chẹn kênh calci thuộc họ dihydropyridin. Thuốc có tác dụng chẹn chọn lọc các kênh calci di chuyển qua màng tế bào đi tới cơ tim và cơ trơn mạch máu.
Tác dụng chống tăng huyết áp của Lercanidipin là do liên quan trực tiếp đến tác dụng giãn cơ trơn mạch máu, giúp làm giảm sức cản ngoại vi. Thuốc Lercanidipin có hoạt tính chống tăng huyết áp kéo dài (có thể liên quan tới 1 hệ số phân chia qua màng tế bào cao). Lercanidipin không gây giảm tác dụng co sợi cơ tim, chỉ gây nhẹ nhịp nhanh tim phản xạ, vì có tính chọn lọc cao trên mạch. Tác dụng giãn mạch của thành phần Lercanidipin thường xuất hiện từ từ. Các trường hợp bị tụt huyết áp kèm nhịp tim nhanh phản xạ ít gặp ở người bệnh tăng huyết áp.
Chỉ định sử dụng thuốc Lercastad:
- Điều trị tăng huyết áp nguyên phát mức độ từ nhẹ tới trung bình.
Chống chỉ định sử dụng thuốc Lercastad:
- Người bị quá mẫn với Lercanidipin, nhóm dihydropyridin hoặc các thành phần nào khác có trong công thức thuốc;
- Phụ nữ mang thai, đang nuôi con bằng sữa mẹ;
- Phụ nữ có khả năng mang thai (trừ khi đang dùng các biện pháp tránh thai hiệu quả);
- Người bị tắc nghẽn đường ra thất trái;
- Bệnh nhân đau thắt ngực không ổn định;
- Người bị suy tim sung huyết chưa được điều trị;
- Bệnh nhân mắc nhồi máu cơ tim trong vòng 1 tháng;
- Sử dụng đồng thời với các thuốc ức chế mạnh CYP3A4, nước bưởi, cyclosporin;
- Người bệnh suy gan nặng hoặc suy thận nặng (hệ số GFR dưới 30ml/phút);
- Trẻ em dưới 18 tuổi.
2. Cách dùng và liều dùng thuốc Lercastad 20
Cách dùng: Đường uống. Người bệnh nên uống thuốc Lercastad cùng với 1 cốc nước đầy, trước bữa ăn tối thiểu 15 phút.
Liều dùng:
- Liều chỉ định: 10mg (1⁄2 viên)/lần/ngày. Nếu cần thì có thể tăng liều lên 20mg (1 viên)/lần/ngày sau ít nhất 2 tuần;
- Người lớn tuổi: Nên theo dõi sức khỏe cẩn thận khi bắt đầu điều trị;
- Bệnh nhân rối loạn chức năng gan hoặc thận: Nên theo dõi sức khỏe cẩn thận khi bắt đầu điều trị đối với người bị rối loạn chức năng gan hoặc thận mức độ từ nhẹ tới trung bình. Liều chỉ định thông thường có thể được dung nạp ở nhóm bệnh nhân này. Cần thận trọng khi điều chỉnh tăng liều lên mức 20mg/ngày. Do tác động hạ huyết áp tăng ở bệnh nhân suy gan nên cần xem xét việc điều chỉnh liều dùng thuốc.
Quá liều: Khi sử dụng thuốc Lercastad quá liều người bệnh có thể bị giãn mạch quá mức với triệu chứng điển hình là hạ huyết áp rõ rệt và phản xạ tim đập nhanh. Với trường hợp hạ huyết áp trầm trọng, nhịp tim chậm và bất tỉnh thì nên trợ tim bằng cách tiêm tĩnh mạch atropin (hữu ích cho trường hợp nhịp tim chậm). Do tác động dược lý kéo dài của Lercanidipin, nên theo dõi tình trạng tim mạch của người bệnh dùng thuốc quá liều ít nhất 24 giờ.
Quên liều: Khi quên 1 liều thuốc Lercastad 20, người bệnh nên uống thuốc ngay khi nhớ ra. Nếu gần tới thời điểm dùng liều tiếp theo thì bệnh nhân hãy bỏ qua liều đã quên, uống liều tiếp theo đúng lịch trình đã chỉ định ban đầu, không dùng gấp đôi liều thuốc.
3. Tác dụng phụ của thuốc Lercastad 20
Khi sử dụng thuốc Lercastad, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như sau:
- Ít gặp: Chóng mặt, đau đầu, tim đập nhanh, phù ngoại biên, hồi hộp, đỏ bừng mặt;
- Hiếm gặp: Ngủ gật, buồn nôn, khó tiêu, đau bụng, tiêu chảy, nôn ói, đau thắt ngực, đau cơ, phát ban, suy nhược, mệt mỏi;
- Rất hiếm gặp: Hạ huyết áp, đi tiểu nhiều, phì đại nướu, đau ngực, tăng thuận nghịch nồng độ của các transaminase huyết thanh, tăng nhạy cảm, ngất;
- Tác dụng phụ khác: Một số thuốc dihydropyridin hiếm khi gây đau vùng ngực phía trước tim hoặc đau thắt ngực. Người bệnh đau thắt ngực có sẵn hiếm khi bị tăng tần suất, thời gian, tính nghiêm trọng của cơn đau. Biến cố nhồi máu cơ tim có thể gặp phải trong một số trường hợp.
Nếu gặp phải tác dụng phụ của thuốc Lercastad 20, người bệnh nên báo ngay cho bác sĩ điều trị để được hướng dẫn về cách xử trí, ứng phó phù hợp nhất.
4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Lercastad 20
Một số lưu ý người bệnh cần nhớ trước và trong khi dùng thuốc Lercastad 20:
- Nên theo dõi cẩn thận khi dùng Lercanidipin cho người bệnh có hội chứng nút xoang bệnh lý (trường hợp không dùng máy tạo nhịp tim), bệnh nhân rối loạn chức năng tâm thất trái;
- Tăng nguy cơ tim mạch ở người bệnh thiếu máu cục bộ khi dùng dihydropyridin tác động ngắn. Do đó, nên dùng Lercanidipin tác động kéo dài ở nhóm đối tượng này;
- Không dùng thuốc Lercastad 20 cho người bệnh có những vấn đề di truyền không dung nạp galactose, kém hấp thu glucose - galactose hoặc thiếu hụt enzyme lactase toàn phần;
- Chưa có kinh nghiệm sử dụng Lercanidipin trên lâm sàng ở phụ nữ mang thai và cho con bú. Tuy nhiên, những thuốc khác thuộc nhóm dihydropyridin được biết là có khả năng gây quái thai ở động vật. Do đó, không nên dùng thuốc Lercastad cho phụ nữ mang thai và có khả năng mang thai, trừ khi sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả;
- Do có tính thân dầu cao nên thành phần Lercanidipin có thể bài tiết vào sữa. Vì vậy, không nên sử dụng thuốc Lercastad 20 ở phụ nữ đang cho con bú;
- Các tác dụng phụ của thuốc Lercastad 20 bao gồm chóng mặt, mệt mỏi, suy nhược và ngủ gật có thể gây ảnh hưởng tới hoạt động lái xe, vận hành máy móc. Do đó, cần thận trọng khi dùng thuốc Lercanidipin ở nhóm đối tượng này.
5. Tương tác thuốc Lercastad 20
Một số tương tác thuốc của Lercastad 20 gồm:
- Tránh dùng đồng thời Lercastad với rượu vì rượu có thể làm ảnh hưởng tới hiệu quả của thuốc hạ huyết áp do làm giãn mạch;
- Lercanidipin được chuyển hóa bởi enzyme CYP3A4. Do đó, dùng thuốc Lercastad 20 đồng thời với các thuốc gây ức chế và cảm ứng enzyme CYP3A4 có thể gây tương tác tới chuyển hóa và thải trừ của Lercanidipin. Dùng đồng thời Lercanidipin với ketoconazol (chất ức chế mạnh CYP3A4) có thể làm tăng nồng độ Lercanidipin trong huyết tương. Nên thận trọng khi dùng đồng thời Lercanidipin với các chất cảm ứng CYP3A4 như thuốc chống co giật (carbamazepin, phenytoin) và rifampicin vì có thể ảnh hưởng tới tác động giảm áp, cần theo dõi huyết áp thường xuyên;
- Dùng đồng thời Lercanidipin liều 20mg và midazolam đường uống có thể làm tăng nồng độ hấp thu Lercanidipin và giảm tốc độ hấp thu. Trong khi đó, nồng độ midazolam không bị thay đổi. Nên thận trọng khi dùng đồng thời Lercanidipin và các chất nền của CYP3A4 như astemizol, terfenadin, thuốc chống loạn nhịp nhóm III như quinidin, amiodaron;
- Khi sử dụng đồng thời Lercanidipin với metoprolol (1 thuốc chẹn beta được thải trừ chủ yếu qua gan), sinh khả dụng của metoprolol không thay đổi nhưng Lercanidipin bị giảm tới 50%. Tác động này cũng xảy ra với các loại thuốc khác thuộc nhóm này, vì thuốc chẹn beta làm giảm lưu lượng máu đưa tới gan. Do đó, Lercanidipin có thể sử dụng an toàn khi dùng đồng thời với thuốc chẹn beta nhưng cần phải được điều chỉnh liều;
- Thận trọng khi sử dụng cimetidin liều trên 80mg đồng thời với Lercanidipin, vì có thể làm gia tăng sinh khả dụng và tác dụng giảm áp của Lercanidipin;
- Điều trị đồng thời digoxin và Lercanidipin 20mg có thể làm tăng nồng độ Cmax của digoxin, trong khi AUC và độ thanh thải ở thận không có những thay đổi có ý nghĩa. Người bệnh điều trị đồng thời Lercanidipin và digoxin nên được theo dõi lâm sàng chặt chẽ đối với các dấu hiệu nhiễm độc digoxin;
- Dùng đồng thời Lercanidipin với cyclosporin sẽ làm gia tăng nồng độ của cả Lercanidipin và cyclosporin trong huyết thanh;
- Lercanidipin bị ức chế chuyển hóa bởi nước bưởi, dẫn tới kết quả làm tăng sinh khả dụng và tăng tác động hạ huyết áp của thuốc.
Khi sử dụng thuốc Lercastad 20, bệnh nhân nên thực hiện đúng theo chỉ định của bác sĩ và hướng dẫn kể trên. Đồng thời, người bệnh nên tuân theo chế độ ăn uống và sinh hoạt phù hợp, vận động vừa sức để kiểm soát tình trạng tăng huyết áp tốt hơn.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.