Thuốc Kelarole là thuốc kê đơn, thuộc nhóm thuốc giảm đau, chống viêm không steroid. Vậy cụ thể thuốc Kelarole có công dụng và liều dùng như thế nào? Bài viết sau đây sẽ cung cấp thêm thông tin về thuốc Kelarole.
1. Thuốc Kelarole là thuốc gì?
Thuốc Kelarole là thuốc giảm đau, chống viêm không steroid (NSAID). Kelarole được bào chế dưới dung dịch tiêm, với các chai thuỷ tinh dung tích 1 ml, mỗi hộp bao gồm 1 chai dịch tiêm bắp/tiêm tĩnh mạch.
Thuốc Kelarole được tạo thành từ hoạt chất chính là Ketorolac trometamol 30mg cùng các tá dược, nước cất khác vừa đủ dung dịch tiêm 1ml. Ketorolac giúp ức chế sự sản sinh của prostaglandin, một dạng lipid có mặt tại các cơ có nhiệm vụ cảm nhận đau và quá trình viêm, từ đó giúp giảm đau, chống viêm.
2. Thuốc Kelarole có tác dụng gì?
Thuốc Kelarole có hoạt chất Ketorolac trometamol. Đây là hoạt chất có cấu trúc phân tử giống với indomethacin và tolmetin. Ketorolac giúp ức chế phản ứng tổng hợp prostaglandin, từ đó giảm các thụ thể cảm nhận đau tại vùng mô cơ bị tổn thương. Dược chất này giúp giảm đau, chống viêm, hạ thân nhiệt; tuy vậy các chứng minh và nghiên cứu lâm sàng cho thấy khả năng giảm đau mạnh hơn chống viêm.
Thuốc Kelarol là dạng thuốc có khả năng giảm đau tốt và chống viêm vừa phải, được dùng nhằm thay thế cho các thuốc thuộc nhóm opioids hay các thuốc thuộc nhóm giảm đau không steroid.
Thuốc Kelarole 30mg được chỉ định sử dụng cho trường hợp:
- Bệnh nhân bị đau từ mức trung tới nặng hậu phẫu
- Bệnh nhân bị đau cơ xương cấp
Thời gian điều trị và sử dụng thuốc Kelarole ngắn, trong vòng 5 ngày đổ lại. Giống như các thuốc giảm đau không steroid khác, thuốc Kelarole có độc tính và có thể gây hại tới bệnh nhân dùng liều cao hay phụ thuộc thuốc.
3. Cách sử dụng của Kelarole
3.1. Cách sử dụng Kelarole
Đối với thuốc Kelarole, người dùng sử dụng bằng cách tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch. Sử dụng hoạt chất Ketorolac, liều bắt đầu là tiêm, nhưng sau 5 ngày phải được sử dụng thuốc giảm đau khác, do các nguy cơ và độc tính có thể gây hại mà Ketorolac mang lại.
Khi dùng, bẻ đầu thuỷ tinh của lọ đựng thuốc tiêm Kelarole 1ml, sau đó lấy dung dịch tiêm ra khỏi lọ bằng xi lanh. Sát trùng bề mặt da và dụng cụ trước khi dùng. Đối với liều tiêm tĩnh mạch, đẩy xi lanh chậm và tiêm trong ít nhất 15 giây. Đối với liều tiêm bắp, cần tiêm chậm và sâu vào trong cơ.
3.2. Liều dùng thuốc Kelarole
Thuốc Kelarole được chỉ định sử dụng cho thanh thiếu niên và người trưởng thành, độ tuổi từ 16 tới 64 tuổi. Liều tham khảo khi dùng thuốc Kelarole được khuyến cáo như sau:
- Đối với liều thông thường ở người lớn:
Người từ 16 tới 64 tuổi, cân nặng trên 50kg và chức năng thận bình thường: Tiêm bắp 1 liều 60mg hoặc tiêm tĩnh mạch từ 1 30 mg, tối đa 4 liều 1 ngày.
Người dưới 50kg và/hay chức năng thận suy giảm: Tiêm bắp 1 liều 30mg hoặc tiêm tĩnh mạch 1 liều 15mg, tối đa 4 liều 1 ngày.
- Đối với liều thông thường ở người cao tuổi:
Đối tượng này được chỉ định sử dụng với liều giống với người dưới 50kg và/hay chức năng thận suy giảm
3.3. Xử lý khi quên, quá liều
Quá liều:
Khi sử dụng liều cao Kelarole hoặc dùng quá liều, có thể gây đau bụng và loét đường tiêu hoá. Phản ứng ức chế prostaglandin mạnh có thể làm giảm dòng chảy qua thận, gây suy chức năng thận.
Xử lý khi quá liều:
Quá liều Kelarole không có thuốc giải độc. Bệnh nhân cần điều trị triệu chứng. Hãy liên hệ với số điện thoại cấp cứu 115 hoặc đưa ngay bệnh nhân tới cơ sở y tế phòng khám gần nhất để được cứu trị kịp thời.
3.4. Chống chỉ định thuốc Kelarole
- Bệnh nhân bị quá mẫn cảm với Ketorolac hay bất kỳ dạng thuốc giảm đau không steroid nào.
- Bệnh nhân có tiền sử rối loạn đường tiêu hoá, như viêm loét dạ dày, xuất huyết dạ dày - ruột
- Bệnh nhân bị rối loạn đông máu, dễ chảy máu, xuất huyết mạch máu
- Bệnh nhân bị suy thận nặng hoặc ở mức vừa
- Bệnh nhân bị các rối loạn đường hô hấp, như phù mạch, co thắt phế quản,...
- Phụ nữ đang trong thời kỳ có thai hoặc đang cho con bú
- Trẻ em dưới 16 tuổi
4. Lưu ý khi dùng thuốc Kelarole
4.1 Tác dụng phụ của Kelarole
Khi sử dụng thuốc Kelarole, bệnh nhân có thể gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn lên các cơ quan sau:
- Các tác dụng phụ tại hệ thần kinh trung ương như đau đầu, chóng mặt, buồn ngủ
- Hệ tiêu hóa: Bệnh nhân có thể bị buồn nôn, khó tiêu, đau bụng, tiêu chảy
- Các phản ứng toàn thân như phù, mệt mỏi, ra mồ hôi
- Có xác suất bị suy thận cấp hoặc tăng kali huyết
4.2 Tương tác thuốc Kelarole
- Sử dụng đồng thời Kelarole với các thuốc lợi tiểu, cũng như các nhóm thuốc chống viêm không steroid khác, có thể làm tăng nguy cơ xảy ra suy thận thứ phát
- Sử dụng đồng thời thuốc chống viêm không steroid như Kelarole với lithi có thể làm giảm độ thanh thải của lithi, làm tăng lithi huyết. Điều này dẫn tới độc của lithi trong cơ thể.
- Sử dụng đồng thời hoạt chất Ketorolac với probenecid làm giảm độ thanh thải của hoạt chất này và làm tăng nồng độ trong huyết tương
4.3 Bảo quản thuốc Kelarole
- Bảo quản thuốc Kelarole 30mg tại những nơi khô ráo, thoáng khí.
- Bảo quản thuốc chưa dùng trong hộp kín, không để vật nặng đè lên do là lọ thuỷ tinh đựng dung dịch
- Nhiệt độ bảo quản cho thuốc Kalerole là ở nhiệt độ phòng, dưới 30 độ C
- Tuyệt đối không để tại nơi trẻ em có thể với tới
Thuốc Kelarole là thuốc kê đơn, chuyên dùng để tiêm bắp và tĩnh mạch nhằm giảm đau mức độ vừa tới nặng. Chỉ được dùng thuốc trong vòng 5 ngày. Bệnh nhân hãy tuân theo các chỉ định của bác sĩ điều trị, đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng Kelarole.