Công dụng thuốc Histalife

Thuốc Histalife được bào chế dưới dạng viên nén, có thành phần chính là Cyproheptadin hydroclorid. Thuốc được sử dụng trong điều trị dị ứng, ngứa da và đau nửa đầu.

1. Thuốc Histalife là thuốc gì?

Một viên thuốc Histalife có thành phần chính là Cyproheptadin hydroclorid 4mg cùng các tá dược khác. Cyproheptadin là chất đối kháng histamin thế hệ 2, thuộc nhóm piperidon, có tác dụng kháng cholinergic và an thần nhờ cơ chế cạnh tranh vị trí gắn của histamin trên các receptor. Cyproheptadin làm giảm co thắt phế quản, giảm phù nề, giảm tiết dịch dạ dày và co mạch tăng huyết áp.

Trên thần kinh trung ương, Cyproheptadin có tác dụng an thần, gây ngủ, tăng tiết ADH và kích thích sự thèm ăn. Bên cạnh đó, thuốc cũng có tác dụng trên cơ trơn ruột, làm giảm co thắt cơ trơn. Ngoài ra, Cyproheptadin còn ức chế sự tăng tiết dịch dạ dày do histamin gây ra. Cyproheptadin được đánh giá là có hiệu quả tốt trong việc điều trị ở các trường hợp không dùng thuốc kháng histamin tiêu chuẩn khác.

Chỉ định sử dụng thuốc Histalife:

  • Điều trị dị ứng và ngứa da cấp tính và mạn tính: Viêm đa dây thần kinh và viêm đa dây thần kinh ngoại biên; viêm da eczema; phản ứng dị ứng côn trùng cắn nhẹ, tại chỗ; viêm mũi dị ứng theo mùa, viêm mũi quanh năm, viêm mũi do rối loạn vận mạch; viêm kết mạc dị ứng do thực phẩm và hít phải chất gây dị ứng; dị ứng da nhẹ và không biến chứng (biểu hiện của mày đay và phù mạch thần kinh); phản ứng dị ứng với máu hoặc huyết thanh, ngứa do thủy đậu, ngứa hậu môn - sinh dục;
  • Điều trị chứng đau nửa đầu và tình trạng đau đầu do co mạch.

Chống chỉ định sử dụng thuốc Histalife:

  • Bệnh nhân quá mẫn với cyproheptadin hay thành phần khác của thuốc;
  • Trẻ em dưới 2 tuổi;
  • Người bệnh đang điều trị cơn hen cấp tính;
  • Sử dụng đồng thời với các thuốc ức chế MAOI;
  • Bệnh nhân glocom góc đóng;
  • Người bệnh hẹp dạ dày - tá tràng;
  • Bệnh nhân phì đại tiền liệt tuyến;
  • Người bệnh tắc nghẽn cổ bàng quang;
  • Bệnh nhân tắc nghẽn môn vị - tá tràng;
  • Phụ nữ đang nuôi con bú;
  • Người cao tuổi, suy nhược cơ thể.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Histalife

  • Điều trị dị ứng và ngứa da: Liều dùng tùy theo nhu cầu và đáp ứng của bệnh nhân:
    • Trẻ em 7 - 14 tuổi: Dùng liều 1 viên/lần x 2 - 3 lần/ngày, không vượt quá 16mg/ngày;
    • Trẻ em 2 - 6 tuổi: Dùng thuốc ở dạng bào chế khác;
    • Người lớn: Tổng liều hằng ngày không quá 0,5mg/kg/ngày. Thông thường dùng liều 1 viên/lần x 3 lần/ngày, không vượt quá liều 32mg/ngày;
  • Điều trị đau đầu:
    • Liều dự phòng và điều trị: Khởi đầu với liều 1 viên, lặp lại sau 30 phút nếu cần thiết. Người bệnh thường đáp ứng tốt với liều 2 viên, không nên vượt quá liều này trong 4 - 6 giờ;
    • Liều duy trì: 1 viên mỗi 4 - 6 giờ.

Quá liều: Triệu chứng quá liều thuốc Histalife có thể là trầm cảm hệ thần kinh trung ương, kích thích, co giật, ngừng hô hấp và tim, tử vong (đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ em). Các triệu chứng giống atropin và dạ dày - ruột cũng có thể xảy ra. Nếu người bệnh không nôn ói, nên được gây nôn bằng siro ipeca. Nếu người bệnh vẫn không nôn được, nên rửa dạ dày cho bệnh nhân bằng dung dịch muối đẳng trương hoặc bán đẳng trương, sau đó dùng than hoạt tính. Nên có biện pháp phòng ngừa ngăn chặn sự hít lại (đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ em).

Có thể cho bệnh nhân sử dụng thuốc tẩy muối để lấy nước vào đường ruột bằng cách thẩm thấu, làm loãng dung dịch thuốc trong ruột nhanh chóng. Có thể cần sử dụng thuốc tăng huyết áp để chống lại tình trạng hạ huyết áp ở người bệnh dùng thuốc quá liều.

Nếu quên 1 liều thuốc Histalife, người bệnh nên tiếp tục dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

3. Tác dụng phụ của thuốc Histalife

Khi sử dụng thuốc Histalife, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

  • Máu và hệ bạch huyết: Giảm bạch cầu, thiếu máu tán huyết, giảm tiểu cầu, mất bạch cầu hạt;
  • Miễn dịch: Dị ứng phát ban, phù nề, sốc phản vệ;
  • Chuyển hóa: Rối loạn ăn uống (chán ăn hoặc tăng cảm giác thèm ăn);
  • Tâm thần: Bồn chồn, bứt rứt, nhầm lẫn, khó chịu, mất ngủ, căng thẳng, ảo giác, kích động, hành vi hung hăng, hưng phấn;
  • Thần kinh: An thần, buồn ngủ, chóng mặt, dị cảm, run, co giật, viêm dây thần kinh, ngất, đau đầu;
  • Hô hấp: Khô mũi và cổ họng, nghẹt mũi, thở khò khè, ho ra máu, đau thắt ngực;
  • Dạ dày - ruột: Buồn nôn, nôn mửa, đau vùng thượng vị, táo bón, tiêu chảy, khô miệng;
  • Gan - mật: Suy gan, viêm gan, vàng da, chức năng gan bất thường, tăng cholesterol;
  • Da: Mày đay, đổ mồ hôi nhiều, nhạy cảm với ánh sáng;
  • Thận - tiết niệu: Bí tiểu hoặc khó tiểu;
  • Sinh sản: Mãn kinh sớm.

Người bệnh nên thông báo cho bác sĩ về các tác dụng phụ gặp phải khi sử dụng thuốc Histalife để có biện pháp can thiệp và điều trị thích hợp.

4. Thận trọng khi dùng thuốc Histalife

Một số lưu ý người bệnh cần nhớ trước và trong khi dùng thuốc Histalife:

  • Không nên dùng thuốc Histalife để điều trị các triệu chứng của bệnh đường hô hấp dưới, gồm cả bệnh hen suyễn cấp tính;
  • Chưa đánh giá được độ an toàn và hiệu quả của thuốc Histalife ở trẻ em dưới 2 tuổi;
  • Quá liều thuốc Histalife, đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ em có thể gây ảo giác, trầm cảm, co giật, ngừng hô hấp và tim, thậm chí tử vong;
  • Thuốc Histalife có thể làm giảm sự tỉnh táo hoặc gây kích thích (ở trẻ nhỏ);
  • Người bệnh đang dùng thuốc Histalife không nên tham gia vào các hoạt động đòi hỏi cần sự tỉnh táo về tinh thần như lái xe, vận hành máy móc vì thuốc này có thể gây buồn ngủ, đặc biệt là trong giai đoạn đầu điều trị;
  • Việc điều trị kéo dài với thuốc Histalife có thể gây rối loạn máu;
  • Cyproheptadin (thành phần chính của thuốc Histalife) có tác dụng giống atropin nên cần sử dụng thận trọng ở người bệnh có tiền sử hen phế quản, cường giáp, tăng nhãn áp, mắc bệnh tim mạch hoặc tăng huyết áp;
  • Thuốc Histalife có chứa lactose nên người bệnh mắc các rối loạn không dung nạp galactose, rối loạn hấp thu glucose - galactose không nên dùng thuốc này;
  • Thuốc Histalife có chứa dextrose nên cần thận trọng khi dùng cho người bệnh tiểu đường;
  • Không nên sử dụng thuốc Histalife trong thai kỳ;
  • Không nên dùng thuốc Histalife ở phụ nữ cho con bú, nếu có thì phải ngừng cho bé bú (theo chỉ định của bác sĩ).

5. Tương tác thuốc Histalife

Tương tác thuốc có thể gây ra tác dụng hiệp đồng (nâng cao hiệu quả, tác dụng thuốc) hoặc làm giảm hiệu quả, gia tăng tác dụng phụ của một hoặc một vài loại thuốc. Do đó, bệnh nhân nên báo cho bác sĩ về tiền sử sức khỏe và dùng thuốc của bản thân, chia sẻ về các loại thuốc mình đã, đang sử dụng để bác sĩ có sự cân nhắc, điều chỉnh thích hợp. Đồng thời, bệnh nhân không được tự ý ngừng thuốc, bắt đầu sử dụng một loại thuốc mới, thay đổi liều dùng thuốc,... nếu chưa được bác sĩ cho phép.

Một số tương tác thuốc của Histalife gồm:

  • Sử dụng thuốc Histalife cùng với các thuốc ức chế MAO sẽ làm kéo dài, tăng tác dụng kháng cholinergic của cyproheptadin;
  • Sử dụng đồng thời thuốc Histalife với rượu bia, thuốc ức chế thần kinh trung ương (thuốc giảm đau, thuốc ngủ, thuốc an thần và các chất chống lo âu) có thể gây hiệp đồng tác dụng;
  • Thuốc Histalife có thể ảnh hưởng tới các thuốc chống trầm cảm tăng dẫn truyền serotonin (gồm thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin), có thể dẫn đến tái phát bệnh trầm cảm, các triệu chứng liên quan;
  • Cyproheptadin có thể gây kết quả xét nghiệm dương tính giả do sử dụng thuốc chống trầm cảm 3 vòng vì Cyproheptadin và TCAs có thể tạo ra triệu chứng quá liều tương tự nhau.

Khi được chỉ định sử dụng thuốc Histalife, người bệnh nên tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị. Đây là quy tắc tối thiểu để người bệnh thu được hiệu quả điều trị cao nhất và giảm đáng kể nguy cơ gặp phải những sự cố khó lường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe