Thuốc Glyford là thuốc thuộc nhóm trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng virus và kháng nấm. Sau đây là thông tin về công dụng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng thuốc Glyford.
1, Thuốc Glyford có tác dụng gì?
Thuốc Glyford có thành phần chính là Ciprofloxacin hydrochloride. Ciprofloxacin trong thuốc Glyford có hoạt tính mạnh cùng khả năng diệt khuẩn phổ rộng. Ciprofloxacin sẽ cản thông tin từ nhiễm sắc thể (vật chất di truyền) cần thiết cho chuyển hóa bình thường của vi khuẩn. Với cơ chế này, Ciprofloxacin đã làm cho vi khuẩn bị giảm khả năng sinh sản một cách mau chóng. Vì có cơ chế tác động đặc hiệu này mà Ciprofloxacin không phát sinh đề kháng song song với các kháng sinh khác không thuộc nhóm ức chế men gyrase.
Chính vì vậy, Ciprofloxacin có hiệu lực cao chống lại những vi khuẩn kháng hay các loại kháng sinh như aminoglycoside, penicillin, cephalosporin, tetracycline và các loại kháng sinh khác.
Bên cạnh đó, sự phối hợp Ciprofloxacin với kháng sinh họ beta-lactam và các aminoglycosides chủ yếu tạo ra hiệu quả bổ sung và không thay đổi trong điều kiện in-vitro nó thường tạo ra hiệu quả cộng hưởng, điển hình là khi phối hợp với azlocillin và khi thử nghiệm thuốc trên động vật bị giảm bạch cầu trung tính. Ciprofloxacin còn có thể phối hợp với các thuốc sau: Pseudomonas: azlocillin, ceftazidime. Streptococci: mezlocillin, azlocillin và các kháng sinh họ beta-lactam có hiệu lực khác. Staphylococci: các kháng sinh họ beta-lactam, đặc biệt isoxazolyl penicillin, vancomycin. Vi khuẩn kỵ khí: metronidazol, clindamycin.
Sử dụng thuốc Glyford trong các trường hợp bị nhiễm khuẩn hô hấp, tai mũi họng, thận hoặc ở đường niệu - sinh dục, bao gồm cả bệnh lậu, tiêu hóa, ống mật, xương khớp, mô mềm, sản phụ khoa, nhiễm trùng máu, viêm màng não, viêm phúc mạc, nhiễm trùng mắt.
Mặt khác, không sử dụng thuốc Glyford với những người quá mẫn với ciprofloxacin hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc. Thuốc Glyford không sử dụng với phụ nữ có thai và đang cho con bú, trẻ em hay có tiền sử đứt gân và viêm gân.
2, Liều dùng của thuốc Glyford
Đối với người lớn:
- Với mức độ nhiễm khuẩn nhẹ đến trung bình, dùng liều 250-500mg, 2 lần/ ngày;
- Với mức độ nhiễm khuẩn nặng và đã có biến chứng, dùng liều 750mg, 2 lần/ ngày, thời gian điều trị kéo dài từ 5-10 ngày;
- Với bệnh nhân mắc suy thận, ClCr từ 30-50ml/ phút, dùng 250-500mg/ 12 giờ. Nếu ClCr từ 5-29ml/ phút, dùng 250-500mg/ 18 giờ. Trường hợp phải lọc thận thì dùng 250-500mg/ 24 giờ.
Liều dùng trên chỉ mang tính chất tham khảo và thường hướng dẫn sử dụng thuốc là dành cho người lớn. Liều dùng khác với hướng dẫn sử dụng sẽ được hướng dẫn cụ thể bởi bác sĩ hoặc dược sĩ.
Nếu quên uống 1 liều thì cần bổ sung càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, thời gian phát hiện quên uống 1 liều quá gần với thời gian uống liều tiếp theo, cách tốt nhất là bỏ qua liều quên và uống liều tiếp như kế hoạch. Tránh sử dụng liều gấp đôi so với quy định sử dụng thuốc.
Nếu bệnh nhân sử dụng quá liều và có các biểu hiện nguy hiểm đến sức khỏe, người thân cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ kịp thời. Người thân cần cung cấp cho bác sĩ thông tin về mọi loại thuốc mà bệnh nhân đang sử dụng, bao gồm thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, thực phẩm chức năng.
3. Tác dụng phụ của thuốc Glyford
- Tác dụng phụ ít gặp: Ăn không ngon miệng, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, ợ hơi, nôn, đau bụng, đầy bụng, đau đầu, chóng mặt, tăng BUN, creatinin, men gan tăng;
- Tác dụng phụ hiếm gặp: Viêm vùng miệng, sốc, nhạy cảm với ánh sáng, phù, ban đỏ, suy thận cấp, da vàng, rối loạn huyết học, viêm kết tràng giả mạc, đau khớp, đau cơ.
Tác dụng phụ được nêu trên chỉ mang tính chất tham khảo, có thể không phải là danh mục đầy đủ các tác dụng phụ của thuốc Glyford. Trường hợp, trong quá trình sử dụng bệnh nhân gặp bất cứ vấn đề nào về sức khỏe, cần báo cho bác sĩ biết về tình trạng gặp phải để có hướng giải quyết phù hợp.
4, Lưu ý khi sử dụng thuốc Glyford
- Bệnh nhân mắc suy thận nặng hoặc rối loạn huyết động não hoặc người cao tuổi cần ngừng dùng thuốc nếu bị đau, viêm, đứt gân;
- Phụ nữ đang mang thai không nên sử dụng thuốc Glyford trong suốt thai kỳ;
- Phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ cần lưu ý thuốc có thể bài tiết qua sữa mẹ và truyền qua trẻ thông qua việc bú mẹ. Chỉ sử dụng thuốc trong trường hợp thực sự cần thiết và đã cân nhắc kỹ giữa lợi ích và nguy cơ.
- Theophylline, NSAID, thuốc kháng axit, sucralfate, ion kim loại, cyclosporine có thể tương tác với thuốc Glyford
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.