Công dụng thuốc Gastrogiam là gì? Có giúp làm lành vết loét dạ dày - tá tràng không? Gastrogiam là một loại thuốc tiêu hóa, có tác dụng giảm tiết axit dịch vị, từ đó làm giảm viêm loét dạ dày và tá tràng.
1. Công dụng thuốc Gastrogiam
Gastrogiam thuộc nhóm thuốc đường tiêu hóa, có thành phần chính là Ranitidin (dưới dạng ranitidin hydroclorid) hàm lượng 150mg. Ranitidin là hoạt chất đối kháng thụ thể histamin H2, có tác dụng ức chế tiết axit dịch vị mạnh. Thuốc Gastrogiam được bào chế dưới dạng viên nén sủi và được chỉ định dùng trong điều trị loét dạ dày lành tính, loét tá tràng cấp tính, loét dạ dày - tá tràng do dùng thuốc, trào ngược dạ dày thực quản, hội chứng Zollinger-Ellison.
2. Cách dùng và liều dùng thuốc Gastrogiam
Gastrogiam được dùng theo đường uống, cho viên thuốc vào ly nước và chờ 1 đến viên sủi tan hoàn toàn trong nước thì uống.
Liều dùng thuốc Gastrogiam thông thường là 150mg/lần (tương đương 1 viên/lần) và uống 2 lần/ngày vào mỗi buổi sáng và tối. Liều dùng ở người lớn và trẻ từ 12 tuổi trở lên đối với từng tình trạng bệnh cụ thể như sau:
- Loét dạ dày - tá tràng lành tính: 150mg/lần và 2 lần/ngày vào buổi sáng và tối, hoặc 300mg/lần/ngày vào buổi tối. Có thể uống trong hoặc ngoài bữa ăn. Thời gian điều trị với thuốc Gastrogiam có thể kéo dài từ 4 - 8 tuần để vết loét lành hẳn.
- Loét dạ dày - tá tràng do thuốc chống viêm không chứa steroid (NSAID): 150mg/lần và 2 lần/ngày vào buổi sáng và tối, có thể dùng cùng với NSAID, thời gian điều trị là 8 tuần hoặc hơn. Tuy nhiên, dùng Gastrogiam với liều cao hơn, 300mg/lần và 2 lần/ngày trong vòng 4 tuần để điều trị loét tá tràng giúp vết loét mau lành hơn mà không gây tác dụng phụ.
- Loét tá tràng có nhiễm Helicobacter pylori: 150mg/lần và 2 lần/ngày vào buổi sáng và tối hoặc 300mg/lần/ngày vào buổi tối, trước lúc ngủ, có thể kết hợp với amoxicilin với liều 750mg/lần x 3 lần/ngày và metronidazole 500mg/lần x 3 lần/ngày trong 2 tuần. Tiếp tục dùng Gastrogiam với liều 150mg/lần/ngày vào buổi tối trước khi đi ngủ trong 2 tuần nữa. Liều dùng này được khuyến cáo với người bệnh có tiền sử loét dạ dày tá tràng tái phát và có đáp ứng với điều trị ngắn hạn.
- Trào ngược dạ dày - thực quản: Dùng Gastrogiam với liều 150mg/lần và 2 lần/ngày vào buổi sáng - tối, hoặc với liều 300mg/lần/ngày vào buổi tối, thời gian điều trị từ 8 - 12 tuần. Đối với những trường hợp nặng, liều dùng có thể tăng lên 150mg/lần và uống 4 lần/ngày trong 12 tuần.
- Hội chứng Zollinger – Ellison: Liều dùng Gastrogiam ban đầu là 150mg/lần và uống 3 lần/ngày, sau đó có thể tăng lên nếu cần.
Liều dùng ở trẻ từ 3 - 11 tuổi và cân nặng từ 30kg trở lên đối với từng tình trạng bệnh cụ thể như sau:
- Loét dạ dày - tá tràng cấp tính: 4 - 8mg/kg/ngày, chia tổng liều Gastrogiam thành 2 lần sử dụng trong ngày và tối đa không được vượt quá 300mg/ngày, thời gian điều trị là 4 tuần và có thể kéo dài thêm 4 tuần nữa để hồi phục hoàn toàn.
- Trào ngược thực quản - dạ dày: 5 - 10mg/kg/ngày, chia tổng liều Gastrogiam thành 2 lần sử dụng trong ngày và tối đa không được vượt quá 600 mg.
Lưu ý đối với bệnh nhân suy thận, liều dùng được khuyến cáo là 150mg/lần/ngày vào buổi tối, người bệnh uống thuốc trong 4 - 8 tuần và có thể dùng duy trì trong trường hợp cần. Liều dùng có thể tăng lên sau 12 giờ như 150mg/lần và uống 2 lần/ngày, tuy nhiên cần thận trọng.
Quá liều thuốc Gastrogiam có thể gây hạ huyết áp và dáng đi bất thường. Tuy nhiên, rất hiếm báo cáo ghi nhận trường hợp dùng quá liều. Để điều trị quá liều, người bệnh cần được áp dụng các biện pháp để giảm sự hấp thu thuốc đối với hệ tiêu hóa, đồng thời điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ. Ngoài ra, để tăng đào thải ranitidin có thể áp dụng biện pháp thẩm tách máu.
3. Tác dụng phụ của thuốc Gastrogiam
Thuốc Gastrogiam có thể gây một số tác dụng phụ không mong muốn với tần suất như sau:
- Rất hiếm gặp: Giảm bạch cầu, tiểu cầu, huyết cầu, mất bạch cầu hạt, giảm sản tủy xương (đôi khi), sốc phản vệ; lú lẫn, trầm cảm, ảo giác (có thể hồi phục được); đau đầu, chóng mặt, rối loạn chức năng vận động (có hồi phục); mắt mờ (có hồi phục). rất hiếm khi gây nhịp tim chậm hoặc nhanh, block nhĩ thất; viêm mạch, viêm tụy cấp, viêm gan, vàng da, viêm thận kẽ cấp tính; tiêu chảy, rụng tóc, hồng ban đa dạng; đau khớp, đau cơ; hội chứng to vú ở đàn ông, bất lực (có hồi phục).
- Hiếm gặp: Phản ứng quá mẫn (sốt, phù mạch, nổi mày đay, co thắt phế quản, đau ngực, hạ huyết áp). Gastrogiam hiếm khi gây phát ban trên da, xét nghiệm chức năng gan thay đổi (thoáng qua và có thể hồi phục); tăng creatinin trong huyết tương.
- Ít gặp: Buồn nôn, đau bụng, táo bón.
- Chưa xác định được tần suất: Khó thở.
Ngừng sử dụng thuốc Gastrogiam nếu thấy có bất kỳ biểu hiện lạ nào. Trường hợp xuất hiện các triệu chứng nặng hay phản ứng dị ứng, người bệnh cần sớm thăm khám bác sĩ hoặc cơ sở y tế để được điều trị hỗ trợ.
4. Một số lưu ý khi dùng thuốc Gastrogiam
- Không dùng Gastrogiam ở người bị quá mẫn với thành phần của thuốc, người bị rối loạn chuyển hóa porphyrin cấp tính.
- Cần sử dụng thận trọng và theo dõi chức năng thận ở bệnh nhân trên 50 tuổi do chức năng thận suy giảm làm tăng thời gian bán thải và độ thanh thải.
- Việc dùng thuốc Gastrogiam có thể che giấu các triệu chứng của ung thư dạ dày. Vì vậy, cần loại trừ loét dạ dày dẫn đến ung thư trước khi dùng thuốc.
- Bệnh nhân suy thận và suy gan cần thận trọng khi dùng Gastrogiam vì thuốc chủ yếu được chuyển hóa và đào thải ở gan, thận.
- Bệnh nhân đang dùng đồng thời Gastrogiam và thuốc chống viêm không steroid cần thận trọng khi sử dụng, nhất là người có tiền sử loét dạ dày tá tràng và người cao tuổi.
- Cần thận trọng khi sử dụng thuốc Gastrogiam ở người cao tuổi, người bị bệnh phổi mãn tính hoặc viêm phổi mắc phải, suy giảm miễn dịch, tiểu đường.
- Ngừng dùng thuốc Gastrogiam ở người cao tuổi, người bị suy thận khi có các triệu chứng rối loạn tâm thần (có hồi phục), ảo giác, trầm cảm.
- Hạn chế hoặc tránh các hoạt động cần sự tập trung và tỉnh táo như lái xe, vận hành máy móc vì thuốc Gastrogiam có thể gây chóng mặt, rối loạn điều tiết mắt, đau đầu, mệt mỏi, yếu người, ảo giác.
- Phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con cho bú chỉ nên sử dụng thuốc Gastrogiam trong trường hợp thật sự cần thiết.
- Gastrogiam có thể tương tác với thuốc chống đông máu coumarin và làm thay đổi thời gian prothrombin; với procainamid có thể làm thải trừ; với N-acetyl procainamide làm tăng nồng độ của thuốc trong huyết tương; với các thuốc chống nấm có thể làm giảm mức độ hấp thu.
- Gastrogiam cũng có thể tương tác và làm tăng hoặc giảm mức độ hấp thu của một số thuốc khác; với clarithromycin có thể làm tăng nồng độ của ranitidin trong huyết tương; với Propanthelin bromid làm tăng nồng độ của ranitidin trong huyết thanh.
- Không được uống rượu khi đang điều trị với thuốc Gastrogiam vì có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày. Ngoài ra, hút thuốc lá trong khi đang dùng thuốc cũng làm giảm hiệu quả của thuốc và làm chậm lành vết loét tá tràng.
Công dụng của thuốc Gastrogiam là ức chế tiết axit dịch vị và nhờ đó thuốc làm giảm triệu chứng viêm loét dạ dày tá tràng cấp tính và lành tính cùng một số bệnh lý tiêu hóa khác như trào ngược dạ dày thực quản, hội chứng Zollinger-Ellison. Lưu ý, Gastrogiam là thuốc kê đơn, người bệnh cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý điều trị tại nhà.