Thuốc Famotidin 20mg được sử dụng để điều trị loét dạ dày và ruột. Loại thuốc này cũng được sử dụng để điều trị các vấn đề dạ dày và cổ họng nhất định gây ra bởi quá nhiều axit. Hãy cùng tìm hiểu những thông tin cần thiết về công dụng Dexlacyl qua bài viết dưới đây.
1. Thuốc Famotidin là thuốc gì?
Tên thuốc gốc: Famotidin
Loại thuốc: Thuốc đối kháng thụ thể histamin H2.
Dạng thuốc: Viên nén, viên nén bao phim: 10 mg, 20 mg, 40 mg.
Bột pha hỗn dịch uống: 40 mg/5ml.
Dạng thuốc tiêm: Lọ 20 mg bột đông khô, kèm ống dung môi để pha tiêm.
2. Công dụng thuốc Famotidin 20mg
2.1 Chỉ định
Thuốc Famotidin được chỉ định điều trị trong các trường hợp sau:
- Loét tá tràng thể hoạt động, điều trị duy trì trong loét tá tràng.
- Loét dạ dày lành tính thể hoạt động.
- Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản.
- Bệnh lý tăng bài tiết ở đường tiêu hóa như hội chứng Zollinger - Ellison (thuốc ức chế bơm proton có hiệu quả hơn), đa u tuyến nội tiết.
- Làm giảm các triệu chứng ợ nóng, ợ chua, khó tiêu do tăng acid dạ dày.
2.2 Liều lượng - Cách dùng
Cách dùng
Famotidin thường dùng đường uống, có thể tiêm tĩnh mạch chậm hoặc truyền tĩnh mạch chậm ở bệnh viện cho người bệnh quá tăng tiết acid hoặc loét tá tràng dai dẳng hoặc người không uống được. Có thể phối hợp với thuốc chống acid để giảm đau nếu cần.
Loét dạ dày thường do vi khuẩn Helicobacter pylori. Quá trình loét dạ dày, tá tràng có thể liền sau khi trừ tiệt vi khuẩn này. Các thuốc chống acid phối hợp với kháng sinh đạt được hiệu quả điều trị cao.
Ví dụ về một phác đồ điều trị tiệt khuẩn H. pylori:
Uống trong 2 tuần: Famotidin 40 mg trước khi ngủ (hoặc 20 mg, ngày 2 lần); amoxycilin 750 mg, ngày 3 lần; metronidazol 500 mg, ngày 3 lần; và bismuth citrat và/hoặc sucralfat.
Ðường uống
Loét tá tràng:
Cấp tính: Liều uống cho người lớn là 40 mg/ngày một lần vào giờ đi ngủ. Hầu hết bệnh khỏi trong vòng 4 tuần, một số rất hiếm cần điều trị dài hơn, 6 - 8 tuần, có thể dùng 20 mg x 2 lần/ngày.
Duy trì: 20 mg/ngày, một lần vào giờ đi ngủ.
Loét dạ dày lành tính:
Cấp tính: Liều uống cho người lớn là 40 mg/ngày, một lần vào giờ đi ngủ.
Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản:
Liều uống cho người lớn là 20 mg x 2 lần/ngày, cho tới 6 tuần. Liều uống cho người bệnh viêm thực quản có trợt loét kèm trào ngược là 20 hoặc 40 mg x 2 lần/ngày, cho tới 12 tuần.
Các bệnh lý tăng tiết dịch vị (hội chứng Zollinger - Ellison, đa u tuyến nội tiết):
Liều uống dựa trên đáp ứng của người bệnh, liều bắt đầu ở người lớn là 20 mg/lần/6 giờ, có thể bắt đầu liều cao hơn ở một số người bệnh, liều phải điều chỉnh theo từng người và kéo dài theo chỉ định lâm sàng. Có thể nâng liều tới 160mg/lần cách 6 giờ cho một số người có hội chứng Zollinger - Ellison nặng.
Dùng đồng thời thuốc chống acid nếu cần.
Ðiều chỉnh liều ở người suy thận nặng:
Người suy thận có hệ số thanh thải creatinin dưới 10 ml/phút, nửa đời thải trừ của famotidin trên 20 giờ, ở người vô niệu là 24 giờ. Tuy không có mối liên quan giữa tác dụng phụ và nồng độ thuốc cao trong huyết tương, nhưng để tránh tích lũy thuốc quá mức, cần giảm liều xuống 20 mg uống vào giờ đi ngủ hoặc khoảng cách dùng thuốc phải kéo dài tới 36 - 48 giờ theo đáp ứng lâm sàng.
Ðường tiêm
Ở người bệnh tăng tiết dịch vị bệnh lý hoặc loét dai dẳng hay người không uống được, dùng famotidin tiêm với liều 20mg, cứ 12 giờ một lần cho tới khi uống được.
Tiêm tĩnh mạch: Hòa loãng 1 ống famotidin (20 mg/2 ml) với natri clorid 0,9% hoặc các dung dịch tiêm tương hợp với famotidin tới 5 hoặc 10 ml, tiêm tĩnh mạch chậm, ít nhất là 2 phút.
Truyền tĩnh mạch: Famotidin đã pha sẵn (bình 20 mg trong 50ml natri clorid 0,9%) truyền trong thời gian từ 15 đến 30 phút.
Pha loãng 1 ống famotidin tiêm tĩnh mạch 10 mg/ml: (20 mg/2 ml) hoặc 1 lọ famotidin đông khô (20mg/lọ) với 100ml glucose 5%, hoặc các dung dịch tiêm tương hợp với famotidin và truyền trong thời gian từ 15 đến 30 phút.
Ðối với người cao tuổi và trẻ em:
- Ðộ an toàn và hiệu lực của thuốc đối với trẻ em chưa được xác định.
- Liều dùng không cần thay đổi theo tuổi, chỉ điều chỉnh ở người bệnh suy thận nếu cần.
2.3 Quá liều, quên liều và xử trí
Quá liều:
Không có kinh nghiệm về quá liều cấp của Famotidin. Các biểu hiện khi gặp quá liều tương tự như các ADR thường gặp trong lâm sàng.
Xử trí: Biện pháp thông thường là loại trừ thuốc chưa hấp thu khỏi đường tiêu hóa và theo dõi lâm sàng. Điều trị triệu chứng và hỗ trợ.
Quên liều:
Nếu quên dùng một liều thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không uống gấp đôi liều đã quy định.
3. Tác dụng phụ của Famotidin
Thường gặp
- Nhức đầu, chóng mặt.
- Táo bón, ỉa chảy.
ÍT gặp
- Sốt, mệt mỏi, suy nhược.
- Loạn nhịp.
- Vàng da ứ mật, enzym gan bất thường, buồn nôn, nôn, chán ăn, khó chịu ở bụng, khô miệng.
- Choáng phản vệ, phù mạch, phù mắt, phù mặt, mày đay, phát ban, sung huyết kết mạc.
- Cơ xương: Ðau cơ xương, gồm chuột rút, đau khớp.
- Co giật toàn thân, rối loạn tâm thần như: Ảo giác, lú lẫn, kích động, trầm cảm lo âu, suy giảm tình dục, dị cảm, mất ngủ, ngủ gà.
- Co thắt phế quản.
- Mất vị giác, ù tai.
Hiếm gặp:
- Blốc nhĩ thất, đánh trống ngực.
- Giảm bạch cầu hạt, giảm huyết cầu toàn thể, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu.
- Hoại tử da nhiễm độc, rụng tóc, trứng cá, ngứa, khô da, đỏ ửng.
- Liệt dương, vú to ở đàn ông.
4. Lưu ý khi sử dụng Famotidin
Chống chỉ định:
Thuốc chống chỉ định cho người mẫn cảm với Famotidin hoặc các thuốc đối kháng thụ thể histamin H2 khác.
Lưu ý chung
- Giảm triệu chứng khi dùng Famotidine không có nghĩa loại trừ được khối u ác tính ở dạ dày.
- Dùng thận trọng, điều chỉnh liều hoặc khoảng cách giữa các liều dùng ở bệnh nhân suy thận mức độ vừa hoặc nặng vì đã gặp các tác dụng không mong muốn trên hệ thần kinh trung ương ở các bệnh nhân này.
- Điều trị bằng các thuốc ức chế bài tiết acid dạ dày có thể làm tăng nguy cơ viêm phổi mắc phải ở cộng đồng.
- Khi tự điều trị (không có đơn thuốc) các triệu chứng ợ nóng, ợ chua, khó tiêu do tăng acid dạ dày, nếu thấy nuốt khó, nôn ra máu, phân đen hoặc có máu, hoặc các triệu chứng vẫn còn dai dẳng sau 2 tuần dùng thuốc, phải ngừng dùng thuốc và đến thầy thuốc khám bệnh. Không tự điều trị cho trẻ em dưới 12 tuổi.
- Do có mẫn cảm chéo giữa các thuốc đối kháng thụ thể H2, không nên dùng Famotidine cho bệnh nhân có tiền sử quá mẫn với các thuốc khác trong nhóm này.
- Trong trường hợp điều trị lâu dài với liều lượng cao, nên theo dõi công thức máu và chức năng gan.
- Trong trường hợp bệnh loét lâu ngày, không nên ngừng thuốc đột ngột sau khi giảm triệu chứng.
Với phụ nữ có thai
Famotidin qua được nhau thai. Không có các nghiên cứu đầy đủ và được kiểm soát tốt khi dùng Famotidine trong thời kỳ mang thai, vì vậy chỉ được dùng cho người mang thai khi thật cần thiết.
Với phụ nữ cho con bú
Famotidin bài tiết qua sữa mẹ. Vì có khả năng gây các tác dụng không mong muốn nghiêm trọng cho trẻ, người mẹ phải quyết định ngừng cho con bú trong thời kỳ dùng thuốc, hoặc ngừng dùng thuốc, tùy theo tầm quan trọng của thuốc đối với người mẹ.
Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc
Một số bệnh nhân đã gặp phải các phản ứng phụ như chóng mặt và đau đầu khi dùng Famotidine. Bệnh nhân nên được thông báo tránh lái xe hoặc vận hành máy móc hoặc làm các hoạt động cần cảnh giác nhanh chóng nếu họ gặp các triệu chứng này.
5. Tương tác thuốc
Tương tác với các thuốc khác
- Tránh dùng đồng thời Famotidin với Delavirdin, Erlotinib, Mesalamin.
- Famotidin có thể làm tăng tác dụng và độc tính của Saquinavir.
- Famotidin có thể làm giảm tác dụng của thuốc chống nấm (dẫn xuất azol), Atazanavir, Cefpodoxim, Cefuroxim, Dasatinib, Delavirdin, Erlotinib, Fosamprenavir, Indinavir, các muối sắt, Mesalamin, Nelfinavir.
- Sự hấp thu của Ketoconazole và Itraconazole có thể bị giảm.
- Probenecid làm tăng 50% nồng độ Famotidin trong huyết tương.
- Sử dụng đồng thời Famotidin và thuốc kháng acid có thể làm giảm sự hấp thu Famotidine và làm nồng độ Famotidin trong huyết tương thấp hơn. Vì vậy, nên dùng Famotidin 1-2 giờ trước khi dùng thuốc kháng acid.
- Sử dụng đồng thời Sucralfate ức chế sự hấp thu của Famotidin. Do đó, không nên dùng Sucralfate trong vòng 2 giờ sau khi dùng Famotidin.
- Nguy cơ mất tác dụng của Canxi Cacbonat khi dùng đồng thời làm chất kết dính phosphat với Famotidin ở bệnh nhân thẩm tách máu.
Tương tác với thực phẩm
- Thức ăn làm tăng nhẹ và thuốc kháng acid làm giảm nhẹ sinh khả dụng của Famotidin, nhưng các tác dụng này không ảnh hưởng quan trọng đến tác dụng lâm sàng.
- Hạn chế dùng thức ăn và đồ uống chứa nhóm Xanthin.
- Tránh dùng rượu (có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày).
Tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Tài liệu này không bao gồm đầy đủ các tương tác thuốc có thể xảy ra. Hãy viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn xem.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.