Thuốc Euhepamin có thành phần chính là cao Cardus marianus và các vitamin nhóm B. Euhepamin thường được sử dụng trong hỗ trợ điều trị chức năng gan.
1. Công dụng của thuốc Euhepamin
Cao Cardus marianus có trong Euhepamin thuốc biệt dược với thành phần chính là silymarin, được chiết xuất từ cây kế sữa (còn gọi là cây kế thánh, cây đức mẹ, cúc gai).
Cao Cardus marianus có khả năng ức chế hủy hoại tế bào gan, bảo vệ gan và tăng chuyển hóa ở gan bằng cách kích thích hệ thống RNA polymerase ở ribosom. Do đó, cao Cardus marianus có tác dụng giải độc gan, làm giảm hoạt động của tác nhân sinh u, các chất độc với gan, chống lại sự ức chế tổng hợp DNA và RNA ơ gan do tia xạ gây ra.
Công dụng các vitamin có trong dòng thuốc này như sau:
- Vitamin B1: Sau khi vào cơ thể, vitamin B1 được chuyển hóa thành dạng có hoạt tính là thiamin phosphat, là coenzyme chuyển hóa carbohydrate.
- Vitamin B2 tham gia vào quá trình chuyển hóa lipid, acid amin và tham gia vào quá trình giáng hóa nhiều chất khác trong cơ thể.
- Vitamin B5 là thành phần của coenzyme A, đóng vai trò xúc tác chuyển hóa tinh bột, chất béo, hocmon steroid.
- Vitamin B6: tham gia vào quá trình chuyển hóa tinh bột, chất béo, đạm, tham gia tổng hợp acid gamma — aminobutyric (GABA).
- Vitamin PP: tham gia vào quá trình chuyển hóa tinh bột, chất béo, đạm.
2. Chỉ định và chống chỉ định của Euhepamin
Thuốc Euhepamin thường được sử dụng trong các trường hợp sau:
- Điều trị hỗ trợ tăng cường chức năng gan trong viêm gan, viêm gan virus, xơ gan, gan nhiễm mỡ.
- Giải độc gan trong các trường hợp dùng hóa chất, thuốc chữa bệnh.
Tuyệt đối không sử dụng thuốc Euhepamin trong các trường hợp sau:
- Người bệnh mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của Euhepamin
- Mắc bệnh gan nặng, loét dạ dày – tá tràng, hạ huyết áp nặng, xuất huyết động mạch.
3. Liều lượng và cách dùng Euhepamin
Để thuốc phát huy tốt hiệu quả và tránh các ảnh hưởng bất lợi, bạn cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, không được tự ý tính toán lại liều lượng, đường dùng hoặc thay đổi thời gian điều trị. Ngoài ra, không đưa thuốc Euhepamin cho người khác sử dụng khi thấy họ có những triệu chứng giống bạn.
Liều lượng: 1 viên/lần x 2 – 3 lần/ngày. Khi uống, bạn cần uống nguyên viên thuốc với một lượng vừa đủ nước đun sôi để nguội.
Trường hợp quên một liều thuốc Euhepamin, bạn hãy uống một liều khác khi nhớ ra, có thể cách 1 – 2 giờ so với giờ uống thuốc thông thường. Nếu thời điểm đó gần với thời điểm uống liều tiếp theo thì hãy bỏ qua, uống liều tiếp theo như hướng dẫn. Không uống gấp đôi liều lượng để bù liều.
Khi quá liều thuốc Euhepamin, cần lập tức đưa bệnh nhân đến ngay trung tâm cấp cứu gần nhất để được xử trí. Người nhà nên mang theo tất cả giấy tờ về sức khỏe và thuốc bệnh nhân đang dùng, bao gồm thuốc uống, tiêm, bôi, ... để hỗ trợ cho việc chẩn đoán được chính xác, nhanh chóng. Hiện nay chưa có thuốc giải độc Euhepamin đặc hiệu, có thể gây nôn, súc rửa dạ dày để loại bỏ thuốc ra khỏi cơ thể, điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ cho bệnh nhân.
4. Tác dụng không mong muốn
Ngoài những hiệu quả điều trị mà Euhepamin đem lại, bạn cũng có thể gặp những tác dụng bất lợi như:
- Vitamin B1: Phát ban, mày đay, khó thở, đổ mồ hôi, tăng huyết áp, sốc phản vệ. Tuy nhiên những tác dụng không mong muốn này hiếm khi xảy ra.
- Vitamin B2: Dùng liều cao vitamin B2 có thể làm nước tiểu chuyển sang màu vàng nhạt, làm ảnh hưởng đến các xét nghiệm nước tiểu. Ngoài ra, không thấy các tác dụng không mong muốn do vitamin B2 gây ra.
- Vitamin B6: dùng vitamin B6 với liều cao kéo dài (200mg/ngày, trên 2 tháng) gây bệnh thần kinh ngoại vi. Tuy nhiên tình trạng này có thể hồi phục khi ngừng sử dụng B6. Hiếm gặp hơn là buồn nôn, nôn mửa.
- Vitamin PP: Dùng vitamin PP với liều cao có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như: buồn nôn, đỏ mặt, ngứa, rát, đau nhói ở da, loét dạ dày, chán ăn, nôn mửa, ỉa chảy, da khô, tăng sắc tố, vàng da, suy gan, tăng tiết bã nhờn, tăng glucose máu, tăng uric máu, đau đầu, nhìn mờ, hạ huyết áp, tim đập nhanh, làm bệnh gout nặng thêm, ...
Ngoài ra, bạn có thể gặp phải các tác dụng bất lợi khác chưa được nghiên cứu hoặc chưa được liệt kê. Vì vậy, hãy thông báo với bác sĩ khi có bất kỳ triệu chứng bất thường nào trong quá trình dùng thuốc Euhepamin.
5. Tương tác thuốc
Khi điều trị từ hai loại thuốc trở lên, có thể xảy ra tương tác giữa các thuốc và làm ảnh hưởng đến khả năng hấp thu, tác dụng cũng như tác dụng phụ của thuốc. Vì vậy, bạn cần liệt kê danh sách các thuốc đang sử dụng, bao gồm thuốc kê đơn, không kê đơn, thuốc gia truyền, thực phẩm chức năng, thảo dược, ... và thông báo với bác sĩ. Các thuốc có thể tương tác với thuốc Euhepamin như:
- Clopromazin, Imipramin.
- Levodopa
- Carbamazepin
Ngoài ra, rượu làm cản trợ sự hấp thu vitamin B2 tại ruột non. Vì vậy, cần hạn chế sử dụng rượu khi dùng Euhepamin.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.