Esomeptab 40mg là thuốc gì, công dụng thuốc Esomeptab 40mg chữa bệnh gì, cách dùng và liều dùng như thế nào, cần chú ý những gì khi dùng? Dưới đây là tất cả thông tin về thuốc Esomeptab 40mg mà mọi người cần nắm rõ. Để từ đó sử dụng thuốc đảm bảo an toàn, đúng cách nhằm đạt được hiệu quả tốt nhất khi có chỉ định dùng thuốc.
1. Esomeptab 40mg là thuốc gì?
Esomeptab 40mg là một dược phẩm do công ty cổ phần Dược phẩm Quảng Bình – Việt Nam sản xuất.
Thuốc Esomeptab 40mg thuộc danh mục thuốc kháng acid, chống trào ngược và loét. Thuốc chứa hoạt chất Esomeprazol hàm lượng 40mg có tác dụng phòng và điều trị trào ngược dạ dày – thực quản, loét dạ dày - tá tràng, xuất huyết dạ dày - tá tràng nặng,...
Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén bao phim và đóng gói hộp 3 vỉ x 10 viên.
2. Công dụng thuốc Esomeptab 40mg
Tác dụng thành phần của thuốc:
- Thành phần Esomeprazole có trong thuốc Esomeptab là chất ức chế bơm proton để làm giảm tiết acid dạ dày bằng cách ức chế một loại enzym chuyên biệt tại tế bào thành của dạ dày.
- Esomeprazole chính là đồng phân S của omeprazole, được proton biến đổi thành chất ức chế có hoạt tính trong môi trường acid ở tế bào thành của dạ dày, dạng sulphenamide tự do. Vì thế, Esomeprazole sẽ ngăn chặn bước cuối cùng trong quá trình sản xuất acid, qua đó làm giảm nồng độ acid dạ dày.
Với những tác dụng trên, thuốc Esomeptab 40mg được dùng để chỉ định cho các trường hợp sau đây:
Người lớn:
- Mắc bệnh loét dạ dày - tá tràng.
- Phòng và điều trị bệnh loét dạ dày, loét tá tràng do dùng NSAID (thuốc chống viêm không steroid).
- Phòng và điều trị loét tiêu hóa do stress.
- Trị trào ngược dạ dày - thực quản.
- Hội chứng Zollinger - Ellison.
- Bị xuất huyết do loét dạ dày - tá tràng nặng.
- Kết hợp với phác đồ kháng khuẩn thích hợp trong điều trị bệnh loét tá tràng do Helicobacter pylori gây ra.
Trẻ em trên 12 tuổi:
- Điều trị bệnh trào ngược dạ dày - thực quản.
- Kết hợp với kháng sinh trong điều trị loét tá tràng do khuẩn Helicobacter pylori gây ra.
3. Chống chỉ định thuốc Esomeptab 40mg
Thuốc Esomeptab 40mg được khuyến cáo chống chỉ định trong những trường hợp sau đây:
- Bệnh nhân bị mẫn cảm với Esomeprazol hoặc các dẫn chất Benzimidazol hay bất cứ thành phần nào có trong thuốc.
- Không phối hợp thuốc với Nelfinavir và Atazanavir.
- Bệnh nhân quá mẫn cảm với những thuốc ức chế bơm Proton.
- Trẻ em dưới 12 tuổi.
4. Cách sử dụng, liều dùng Esomeptab 40mg
Công dụng thuốc Esomeptab 40mg sẽ phát huy hết hiệu quả nếu được dùng đúng cách và đúng liều lượng. Vì thế, người dùng nên tuân thủ theo chỉ định bác sĩ hoặc có thể tham khảo cách sử dụng và liều dùng dưới đây:
Cách dùng:
- Esomeptab 40mg được bào chế dạng viên nén nên được dùng bằng đường uống trước khi ăn ít nhất là 1 giờ.
- Thuốc nên được uống nguyên viên cùng với nước sôi để nguội, không nên bẻ nhỏ, nghiền nát hoặc nhai thuốc có thể sẽ làm giảm công dụng của thuốc.
Liều dùng ở người lớn:
- Hội chứng trào ngược dạ dày - thực quản: Liều khởi đầu là 40mg/ ngày, có thể kéo dài 4 - 8 tuần đối với bệnh nhân chưa khỏi bệnh.
- Bệnh loét dạ dày - tá tràng do dùng thuốc chống viêm không Steroid: Liều yêu cầu là 40mg x 1 lần/ ngày và dùng trong 4 -8 tuần.
- Điều trị hội chứng Zollinger - Ellison: Liều khởi đầu là 40mg, 2 lần/ ngày. Sau đó điều chỉnh liều theo đáp ứng của bệnh nhân, tiếp tục điều trị khi còn chỉ định của bác sĩ.
- Điều trị loét dạ dày - tá tràng do nhiễm Helicobacter pylori: Dùng liều 40mg/ ngày, dùng trong vòng 10 ngày.
Liều dùng cho các đối tượng khác:
- Trẻ em 12 tuổi trở lên: Có thể dùng liều như người lớn.
- Người bị suy thận: Không cần giảm liều nhưng nếu suy thận nặng thì cần thận trọng.
- Người bị suy gan: Không cần giảm liều ở bệnh nhân mức độ nhẹ và trung bình, còn nếu bị suy gan nặng thì có thể cân nhắc dùng 20mg/ ngày.
Chú ý: Liều dùng trên chỉ có tính chất tham khảo, còn liều dùng cụ thể tùy thuộc vào mức độ diễn tiến của bệnh và thể trạng người bệnh. Do đó, để có liều dùng phù hợp thì người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ/ dược sĩ hoặc chuyên viên y tế.
5. Xử lý quên liều, quá liều
Nếu quên dùng một liều thuốc thì bổ sung ngay khi nhớ ra càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu thời gian gần với liều tiếp theo thì bỏ qua liều quên và dùng liều kế tiếp như đúng kế hoạch. Không được dùng gấp đôi thuốc để bù cho liều quên sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Khi dùng Esomeptab liều cao tới 280mg thì có thể xuất hiện các triệu chứng liên quan đến đường tiêu hóa và tình trạng mệt mỏi.
Hiện vẫn chưa có thuốc giải độc đặc hiệu Esomeprazole. Vì thế, khi xảy ra trường hợp quá liều hãy đưa người bệnh đến đơn vị y tế gần nhất để được kiểm tra và xử trí kịp thời.
6. Tác dụng phụ
Các tác dụng không mong muốn khi dùng thuốc Esomeptab 40mg mà bạn có thể gặp phải là:
- Thường gặp: Nhức đầu, đau bụng, tiêu chảy, táo bón, đầy hơi, buồn nôn, nôn.
- Ít gặp: Phù ngoại biên, mất ngủ, ngủ gà, choáng váng, khô miệng, tăng men gan, nổi mề đay, nổi mẩn ngứa, viêm da.
- Hiếm gặp: Giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, sốt, phù mạch, sốc phản vệ, kích động, trầm cảm, giảm natri máu, nhìn mờ, rối loạn vị giác, co thắt phế quản, nhiễm candida đường tiêu hoá, viêm gan, hói đầu, đau khớp, đau cơ, tăng tiết mồ hôi.
- Rất hiếm gặp: Nóng nảy, ảo giác, giảm toàn thể huyết cầu, mất bạch cầu hạt, suy gan, yếu cơ, viêm thận mô kẽ.
Chú ý: Khi gặp các tác dụng phụ không mong muốn của thuốc, người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc và thông báo cho bác sĩ hoặc đến đơn vị y tế gần nhất để được xử trí kịp thời và hiệu quả.
7. Tương tác thuốc
- Esomeptab 400mg sẽ làm giảm sự hấp thu khi dùng chung với thuốc Ketoconazol và Itraconazol.
- Ở người khỏe mạnh, khi dùng chung 40mg Esomeprazol với Cisaprid thì AUC (diện tích dưới đường cong) tăng lên 32% và thời gian bán thải Cisapride kéo dài thêm 31% nhưng nồng độ đỉnh trong huyết tương tăng lên không đáng kể.
- Esomeprazol ức chế CYP2C19 nên khi dùng chung Esomeprazol với các thuốc chuyển hóa bằng CYP2C19 như Citalopram, Clomipramin, Diazepam, Imipramin, Phenytoin,... nồng độ của các loại thuốc này trong huyết tương sẽ tăng.
- Esomeprazol không có tác động đáng kể về mặt lâm sàng của Amoxicilin và Quinidin.
- Esomeprazol được chuyển hoá bởi CYP2C19 và CYP3A4, vậy nên khi dùng đồng thời Esomeprazol với một chất ức chế CYP3A4, Clarithromycin sẽ làm tăng gấp đôi diện tích dưới đường cong (AUC) của Esomeprazol.
8. Chú ý và thận trọng
Để công dụng thuốc Esomeptab 40mg phát huy hiệu quả điều trị bệnh thì người dùng cần thận trọng:
- Trước khi dùng thuốc ức chế bơm proton thì cần phải loại trừ khả năng bị ung thư dạ dày vì nó có thể làm chậm chẩn đoán ung thư.
- Thận trọng khi dùng ở người bị bệnh gan, người đang mang thai hoặc đang cho con bú.
- Dùng esomeprazol kéo dài có thể gây tăng nguy cơ nhiễm khuẩn dạ dày hoặc viêm teo dạ dày.
- Khi dùng các thuốc ức chế bơm Proton có thể tăng nguy cơ tiêu chảy.
- Dùng các thuốc ức chế bơm Proton, đặc biệt là liều cao và kéo dài nhiều năm có thể làm tăng nguy cơ gãy xương cổ tay, xương chậu hoặc cột sống do loãng xương.
- Hạ magnesi huyết hiếm gặp ở người bệnh dùng thuốc ức chế bơm Proton kéo dài.
9. Cách bảo quản
- Nên bảo quản thuốc ở nơi khô ráo và thoáng mát với nhiệt độ dưới 30 độ C,không bị ánh nắng mặt trời chiếu vào. Không nên bảo quản ở phòng tắm, tủ lạnh và nơi có độ ẩm cao sẽ dễ khiến thuốc bị hư hỏng, chảy nước...
- Cần để thuốc tránh xa tầm tay của trẻ nhỏ.
Trên đây là những thông tin liên quan đến thuốc Esomeptab 40mg. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và phát huy tối đa hiệu quả điều trị, bạn cần dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.