Esolona thuộc nhóm thuốc đường tiêu hoá, có thành phần chính là Esomeprazol – chất ức chế bơm proton (PPI). Thuốc được chỉ định để chữa loét dạ dày - tá tràng do tăng tiết acid dịch vị quá mức.
1. Esolona là thuốc gì?
Esolona là thuốc được chỉ định để điều trị những trường hợp viêm loét dạ dày tá tràng.
Hiện nay trên thị trường có 2 loại thuốc Esolona, với hàm lượng và liều lượng khác nhau như sau:
Esolona 20:
- Esomeprazol: 20mg;
- Tá dược khác vừa đủ.
Esolona 40:
- Esomeprazol: 40mg;
- Tá dược khác vừa đủ.
Thuốc được bào chế ở dạng viên nang chứa các vi hạt bao tan trong ruột, giúp tăng cường khả năng hấp thu, nâng cao tác dụng điều trị của thuốc. Dùng bằng đường uống.
2. Esolona công dụng là gì?
Thành phần Esomeprazol trong thuốc Esolona sau khi vào trong dạ dày sẽ gắn với enzyme H+/K+ - ATPase (hay còn gọi là bơm proton) ở tế bào thành của dạ dày, ức chế đặc hiệu hoạt động của bơm này. Đây là khâu cuối của quá trình bài tiết acid dịch vị, giúp ngăn cản việc bài tiết acid vào trong lòng dạ dày. Nhờ đó, giúp ức chế tiết acid dạ dày khi bị kích thích bởi bất kỳ tác nhân nào đó. Tác dụng ức chế tiết acid dạ dày này liên quan đến liều lượng thuốc, do đó trên thị trường có các loại thuốc Esolona với hàm lượng Esomeprazol khác nhau.
3. Chỉ định của thuốc Esolona
Viêm loét dạ dày tá tràng:
- Do vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP): Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến viêm loét dạ dày tá tràng. Trong trường hợp này, ngoài việc sử dụng thuốc Esolona để điều trị triệu chứng viêm loét thì bắt buộc phải kết hợp với các loại kháng sinh để diệt trừ vi khuẩn HP.
- Do thuốc: Việc sử dụng các loại thuốc kháng viêm non-steroids (NSAIDs) liều cao, kéo dài sẽ làm suy giảm và giảm tổng hợp các yếu tố hàng rào bảo vệ niêm mạc dạ dày, giảm lưu lượng máu niêm mạc dạ dày.... Hoặc dùng các loại thuốc kháng sinh, giảm tiết nhầy, chống ngưng tập tiểu cầu... lâu dài sẽ dẫn đến loét dạ dày tá tràng. Lúc này, ngoài việc cân nhắc ngừng sử dụng hoặc thay đổi các loại thuốc trên, cần kết hợp các thuốc thuộc nhóm PPI để điều trị, trong đó Esolona với thành phần chính là Esomeprazol được khuyên dùng.
- Do thói quen ăn uống, sinh hoạt: Thói quen sử dụng các chất kích thích như caffeine, rượu, bia, các loại đồ uống có cồn khác, thuốc lá, đồ ăn không lành mạnh, bỏ bữa, thức khuya... lặp đi lặp kéo dài thường xuyên sẽ dẫn đến viêm loét dạ dày tá tràng do tình trạng suy giảm hàng rào bảo vệ niêm mạc dạ dày và tăng tiết acid dịch vị. Khi đó, bên cạnh việc điều độ lại thói quen ăn uống, sinh hoạt thì cũng cần phải kết hợp với thuốc Esolona.
- Do stress tâm lý: Những căng thẳng thần kinh, lo lắng, các sang chấn tâm lý... thường xuyên, kéo dài sẽ ảnh hưởng đến quá trình bài tiết acid dạ dày, cụ thể là tăng tiết acid dịch vị, dẫn đến tình trạng viêm loét dạ dày tá tràng. Không những vậy, những yếu tố trên còn ảnh hưởng đến kết quả điều trị viêm loét dạ dày tá tràng. Do đó, trước tiên cần điều trị nguyên nhân, cân bằng và giải tỏa các yếu tố tâm lý, song song với việc dùng các thuốc ức chế tiết acid dịch vị, Esolona.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD):
- Tình trạng trào ngược acid thường xuyên vào thực quản dẫn đến kích ứng niêm mạc thực quản, theo thời gian tình trạng này không được điều trị sẽ dẫn đến các triệu chứng ngày càng nặng nề hơn. Ngoài việc điều trị nguyên nhân, cũng cần phải kết hợp điều trị triệu chứng. Việc sử dụng các thuốc giảm sản xuất acid dạ dày, trong đó Esolona cũng được chỉ định.
Dự phòng loét và tái phát loét dạ dày tá tràng:
- Sử dụng các loại thuốc giảm đau kháng viêm kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng tăng tiết acid dịch vị, do đó cần sử dụng các loại thuốc giảm tiết hoặc ức chế tiết acid dạ dày để dự phòng triệu chứng có thể xảy.
- Tình trạng gia tăng nồng độ gastrin trong máu do các khối u sẽ kích thích niêm mạc dạ dày tiết ra nhiều acid dịch vị quá mức. Ngoài việc điều trị nguyên nhân, cần kết hợp với các thuốc ức chế tiết acid dạ dày. Trong đó, có thể sử dụng thuốc Esolona.
4. Chống chỉ định của thuốc Esolona
- Không sử dụng thuốc đối với trẻ em;
- Chống chỉ định đối với người mẫn cảm bất kỳ thành phần nào của thuốc.
5. Tác dụng không mong muốn
- Có thể xuất hiện các rối loạn tiêu hoá như: Buồn nôn, nôn, đau bụng, đầy bụng, tiêu chảy, táo bón, khô miệng...
- Các rối loạn trên hệ thần kinh: Chóng mặt, đau đầu...
- Phản ứng dị ứng: Phù mạch, sốc phản vệ, nổi mẩn da, hội chứng Stevens-Johnson...
6. Liều dùng, cách sử dụng thuốc Esolona
- Điều trị loét tá tràng: 20mg/ ngày x 2 - 4 tuần;
- Điều trị loét dạ dày tá tràng có HP: 20mg/ lần x 2 lần/ ngày x 7 ngày. Hoặc 40mg/ lần x 1 lần/ ngày x 10 ngày;
- Điều trị loét dạ dày, viêm thực quản trào ngược: 20-40mg/ lần/ ngày x 4 - 8 tuần;
- Điều trị loét dạ dày tá tràng do dùng thuốc NSAIDs: 20mg/ lần/ ngày x 4 - 8 tuần;
- Điều trị hội chứng Zollinger-Ellison: Tuỳ tình hình người bệnh mà sử dụng;
- Dự phòng loét, tái phát loét dạ dày tá tràng: 20-40mg/ ngày;
Cách dùng thuốc:
- Thuốc Esolona nên uống 30-60 phút trước ăn sáng để ức chế tiết acid dạ dày tối đa nhất.
- Nếu phải uống thuốc ngày 2 lần nên uống ít nhất 30-60 phút trước ăn sáng và 30-60 phút trước ăn tối là tốt nhất.
Liều dùng trên đây chỉ mang tính chất tham khảo, việc sử dụng thuốc cần có sự chẩn đoán và chỉ định của bác sĩ điều trị.
7. Lưu ý khi sử dụng thuốc Esolona
- Cần loại trừ các trường hợp loét dạ dày tá tràng ác tính trước khi sử dụng thuốc;
- Vì thuốc Esolona được chuyển hoá tại gan, do đó cần cẩn trọng đối với người có bệnh lý về gan;
- Dùng Esomeprazol kéo dài có nguy cơ gây viêm teo dạ dày, do đó cần thận trọng cân nhắc về liều lượng và thời gian sử dụng thuốc;
- Thuốc Esolona có thể gây ra những tác dụng không tốt đối với thai nhi;
- Thuốc có thể đi qua sữa mẹ, gây ra những tác dụng không mong muốn đối với trẻ, do đó nên ngừng cho trẻ bú mẹ khi điều trị bằng thuốc;
- Vì thành phần Esomeprazol (thuộc nhóm PPI) hoạt hoá kém khi sử dụng cùng với các loại thuốc kháng tiết khác. Do đó không nên uống Esolona cùng lúc với các thuốc kháng tiết khác.
Trên đây là những thông tin cơ bản về thuốc Esolona. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và phát huy tối đa hiệu quả điều trị, bạn cần dùng thuốc Esolona theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, không tự ý tăng hay giảm liều hoặc đưa đơn thuốc cho người khác sử dụng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.