Prilosec là nhóm thuốc ngăn chặn dạ dày sản xuất acid, thuốc được sử dụng để điều trị một số vấn đề liên quan đến dạ dày và thực quản, ví dụ như trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét dạ dày,... Vậy sử dụng thuốc Prilosec OTC như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất?
1.Chỉ định Prilosec OTC chữa bệnh gì?
Prilosec OTC là tên biệt dược với danh pháp quốc tế là omeprazole, đây là thuốc được sử dụng để điều trị một số vấn đề về dạ dày, thực quản ở một số bệnh cụ thể như trào ngược dạ dày thực quản, loét dạ dày,... Prilosec hoạt động theo cơ chế làm giảm lượng acid trong dạ dày, chữa lành tổn thương do acid gây ra, từ đó giảm các triệu chứng như khó nuốt, ợ chua và ho dai dẳng, ngăn ngừa loét dạ dày và ung thư thực quản.
Thuốc Prilosec thuộc nhóm thuốc ức chế bơm proton (PPI), ngăn chặn một loại enzym cho phép acid được bơm từ proton đến các tế bào thành dạ dày. Thuốc được chỉ định để điều trị chứng ợ nóng xảy ra từ 2 ngày/ tuần trở lên. Tuy nhiên, thuốc không làm giảm chứng ợ nóng ngay lập tức sau khi sử dụng, mà phải mất khoảng 1-4 ngày để thuốc phát huy tác dụng. Bên cạnh đó, prilosec ngăn chặn quá nhiều acid được giải phóng và có thể gây hại cho lớp lót thực quản, dạ dày và ruột nếu sử dụng quá liều.
2. Cách sử dụng thuốc Prilosec OTC
Dạng bào chế của thuốc là dạng viên nén hàm lượng 20mg, do đó được sử dụng bằng đường uống và thường uống trước mỗi bữa ăn. Prilosec là viên nén giải phóng chậm nên người bệnh không được nghiền nát hay nhai, bởi sẽ làm giải phóng tất cả thuốc cùng một lúc là tăng nguy cơ tác dụng phụ. Khi uống thuốc, người bệnh dùng tay khô cầm viên thuốc, đặt viên thuốc trên lưỡi và để nó tan ra, sau đó có thể uống cùng với nước hoặc không.
Liều lượng và thời gian điều trị sẽ dựa trên tình trạng sức khỏe của người bệnh và đáp ứng với điều trị. Đối với trẻ nhỏ, liều lượng cần dựa trên cân nặng. Thuốc có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn nếu quá liều. Vì vậy, bệnh nhân cần tuyệt đối không tự ý tăng liều và sử dụng thuốc thường xuyên không theo chỉ định của bác sĩ.
3.Tác dụng phụ của thuốc Prilosec OTC
Nếu sử dụng thuốc Prilosec không đúng cách, đúng liều và đúng thời gian có thể sẽ gây ra những tác dụng không mong muốn bao gồm:
- Nhức đầu
- Đau bụng
- Nhịp tim bất thường: do nồng độ magie trong máu giảm
- Các dấu hiệu của bệnh lupus: phát ban, đau khớp,...
- Rối loạn tiêu hóa: tiêu chảy không ngừng, phân có lẫn nhầy máu,... Tuy nhiên, tình trạng này hiếm khi xảy ra, hoặc xảy ra vài tuần đến vài tháng sau khi đã ngừng điều trị.
- Tăng nguy cơ gãy xương, loãng xương: thường gặp ở bệnh nhân lớn tuổi sử dụng thuốc lâu ngày và liều cao.
- Thiếu hụt vitamin B12: xảy ra trên những bệnh nhân sử dụng thuốc hàng ngày trong thời gian dài, thường kéo dài 3 năm hoặc lâu hơn. Các triệu chứng biểu hiện như đau lưỡi, yếu bất thường, tê hoặc ngứa bàn tay, bàn chân.
- Các dấu hiệu vấn đề về thận: thay đổi lượng nước tiểu
- Phản ứng dị ứng: phát ban, ngứa đặc biệt ở vùng mặt, lưỡi và cổ họng, khó thở, chóng mặt dữ dội,...
Để phòng ngừa tối đa những tác dụng phụ mà thuốc gây ra, bệnh nhân cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, thông báo với bác sĩ về tiền sử dị ứng và tiền sử bệnh như các vấn đề về gan, lupus,... Ngoài ra, khi thấy những dấu hiệu của một tình trạng nghiêm trọng như: ợ chua kèm choáng, đổ mồ hôi, chóng mặt, đau tức ngực, khó thở, sụt cân không rõ nguyên nhân,... bệnh nhân cần thông báo ngay với nhân viên y tế để có biện pháp can thiệp kịp thời.
4. Các lưu ý khi sử dụng thuốc Prilosec OTC
Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Prilosec OTC bao gồm:
- Trẻ em thường nhạy cảm với tác dụng phụ của thuốc và biểu hiện bằng những triệu chứng như: sốt, ho, nhiễm trùng đường hô hấp
- Phụ nữ có thai: cần thông báo với bác sĩ nếu đang có thai và đang cho con bú
- Prilosec làm tăng nguy cơ gãy xương, loãng xương do đó cần bổ sung canxi và vitamin D.
Trước khi bắt đầu một đợt điều trị mới bằng thuốc Prilosec cần cách đợt điều trị cũ ít nhất 4 tháng. Ngoài ra, trong quá trình điều trị nếu bị nhỡ liều hãy uống thuốc ngay khi nhớ ra. Trong trường hợp nếu thời điểm gần với liều tiếp theo thì bỏ qua liều đã quên, và tiếp tục uống thuốc vào thời điểm bình thường, tuyệt đối không uống gấp đôi liều thuốc được bác sĩ kê đơn.
Ngoài ra, đối với những trường hợp sử dụng thuốc thường xuyên trong thời gian dài cần thực hiện thăm khám sức khỏe định kỳ nhằm theo dõi sự tiến triển và phòng ngừa các tác dụng không mong muốn bằng cách thực hiện các xét nghiệm như xét nghiệm công thức máu kiểm tra nồng độ magie, mức vitamin B12,...
5. Tương tác thuốc thuốc Prilosec OTC
Một số thuốc khi sử dụng cùng với thuốc Prilosec OTC có thể làm thay đổi cách hoạt động của thuốc và làm tăng nguy cơ mắc phải những tác dụng không mong muốn nghiêm trọng. Bên cạnh đó, thuốc Prilosec có thể làm thay đổi, sai lệch kết quả xét nghiệm. Do đó, người bệnh cần lưu lại đơn thuốc của mình và cả những thuốc khác đang sử dụng để bác sĩ hướng điều trị phù hợp.
Một số thuốc có tương tác với Prilosec bao gồm:
- Cilostazol
- Clopidogrel
- Methotrexate
- Rifampin
- Atazanavir
- Erlotinib
- Nelfinavir
- Pazopanib
- Rilpivirine
- Một số thuốc kháng nấm: itraconazole, posaconazole, ketoconazole
6. Bảo quản thuốc Prilosec OTC
Để thuốc Prilosec OTC giữ được chất lượng tốt nhất, người bệnh cần thực hiện bảo quản theo đúng yêu cầu. Cách bảo quản thuốc bao gồm:
- Thuốc Prilosec OTC bảo quản ở điều kiện nhiệt độ phòng
- Tránh khỏi ánh sáng và nơi ẩm ướt
- Cần tránh xa tầm tay trẻ em và vật nuôi.
Ngoài ra, khi thuốc hết hạn, bạn hãy vứt bỏ thuốc đúng cách, không xả thuốc vào bồn cầu hoặc vứt vào nguồn nước thải, trừ khi được hướng như vậy. Hãy tham khảo ý kiến của dược sĩ để có cách xử lý đúng cách.
Thuốc Prilosec OTC là nhóm thuốc ức chế bơm proton (PPI), được sử dụng để điều trị một số vấn đề về dạ dày, thực quản ở một số bệnh cụ thể như trào ngược dạ dày thực quản, loét dạ dày,... Khi sử dụng thuốc quá liều, không đúng thời gian cũng như cách dùng có thể làm tăng nguy cơ mắc những tác dụng không mong muốn. Do đó, hãy uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Trong quá trình điều trị, khi thấy có những dấu hiệu bất thường như: buồn nôn, đau bụng, nhức đầu,... cần thông báo ngay với nhân viên y tế để có biện pháp xử trí kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.