Thuốc Cyclosporine có thành phần chính là Cyclosporine. Đây là loại thuốc ức chế miễn dịch, được bào chế dưới dạng nang chứa chất lỏng, dung dịch, ống tiêm pha truyền tĩnh mạch.
1. Công dụng của thuốc Cyclosporine
Cyclosporine là thuốc gì? Thuốc Cyclosporine là thuốc ức chế miễn dịch, có thành phần hoạt chất chính là Cyclosporine. Cyclosporine là 1 tác nhân ức chế miễn dịch mạnh, có tác dụng đặc hiệu đối với tế bào lympho (chủ yếu là lympho T), ức chế sự đáp ứng miễn dịch thông qua trung gian tế bào. Không giống các thuốc ức chế miễn dịch độc hại tế bào khác, thuốc Cyclosporine ít gây ảnh hưởng tới tủy xương.
Thuốc Cyclosporine được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Phối hợp sử dụng Cyclosporine với corticosteroid để phòng ngừa sự thải loại mảnh ghép thận, gan và tim. Ngoài ra, thuốc cũng được sử dụng để phòng ngừa sự thải ghép tim - phổi và tụy, phòng ngừa thải loại sau khi ghép tủy xương, dự phòng phản ứng mảnh ghép chống người nhận;
- Điều trị viêm khớp dạng thấp tiến triển nặng khi người bệnh đáp ứng kém với methotrexate. Có thể dùng Cyclosporine kết hợp với methotrexate cho bệnh nhân viêm khớp dạng thấp không tiến triển khi điều trị đơn thuần bằng methotrexate;
- Điều trị vảy nến mảng lan rộng gây tàn tật khó chữa mà ít nhất 1 liệu pháp toàn thân như methotrexate không hiệu quả hoặc những người có liệu pháp toàn thân khác bị chống chỉ định, không dung nạp được;
- Điều trị hội chứng thận hư do các bệnh ở tiểu cầu thận.
Mặt khác, chống chỉ định sử dụng thuốc Cyclosporine đối với nhóm đối tượng sau:
- Người quá mẫn với Cyclosporine hoặc các thành phần khác của thuốc;
- Người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp và bệnh vảy nến bị suy giảm chức năng thận, tăng huyết áp không được kiểm soát hoặc các bệnh ác tính khác.
2. Cách dùng thuốc Cyclosporine
Thuốc Cyclosporine được dùng theo đường uống dưới dạng thông thường, dạng nhũ tương hoặc đường truyền tĩnh mạch. Dạng thnogo thường và dạng nhũ tương không tương đương về sinh khả dụng, không được dùng để thay đổi cho nhau nếu chưa được bác sĩ cho phép. Nên dùng dạng Cyclosporine đường uống theo một khung giờ cố định trong ngày, liên quan với các bữa ăn. Dịch uống có thể hòa với sữa hoặc nước hoa quả (trừ nước ép bưởi chùm) ngay trước khi uống cho dễ uống.
3. Liều dùng thuốc Cyclosporine
3.1 Ở người lớn
Liều dùng thông thường ở người lớn như sau:
- Liều uống bắt đầu: Thường dùng 10 - 15mg/kg, uống 1 lần, 4 - 12 giờ trước khi ghép tạng. Tiếp theo dùng liều 10 - 15mg/kg/ngày trong 1 - 2 tuần sau phẫu thuật. Tiếp theo giảm 5% mỗi tuần tới liều duy trì 2 - 6mg/kg/ngày (nên theo dõi nồng độ thuốc trong máu và chức năng thận để điều chỉnh liều);
- Liều dùng thuốc Cyclosporine sẽ thấp hơn nếu dùng chung với các thuốc giảm miễn dịch khác (ví dụ như corticosteroid);
- Ở người không dung nạp Cyclosporine đường uống, có thể truyền tĩnh mạch với liều bằng 1⁄3 liều uống, nên truyền chậm trong tối thiểu 2 - 6 giờ. Thuốc được pha loãng với dung dịch natri chloride 0,9% hoặc với glucose 5%, từ 5% thành dung dịch 0,05–0,25%. Để dự phòng các phản ứng phản vệ, nên chuyển sang dùng thuốc đường uống càng sớm càng tốt.
Liều dùng trong ghép tủy xương, dự phòng, điều trị bệnh vật ghép chống người nhận:
- Liều khởi đầu đường truyền tĩnh mạch là 3 - 5mg/kg/ngày, dùng trước khi ghép 1 ngày rồi tiếp tục dùng tới 2 tuần. Sau đó chuyển dần sang uống 12,5mg/kg/ngày trong 3 - 6 tháng;
- Sau đó giảm dần liều uống, có thể uống thuốc tới 1 năm sau khi ghép (hoặc ban đầu dùng đường uống với liều 12,5 - 15mg/kg/ngày).
Liều dùng trong điều trị bệnh vảy nến:
- Liều khởi đầu đường uống là 2,5mg/kg/ngày, dùng liều tối đa là 4mg/kg/ngày;
- Giảm liều dùng thuốc dần tới liều thấp nhất có hiệu quả;
- Ngưng điều trị nếu bệnh nhân kém đáp ứng với liều tối đa trong vòng 6 tuần.
Liều dùng trong điều trị viêm khớp dạng thấp:
- Liều khởi đầu đường uống là 2,5mg/kg/ngày, chia làm 2 lần, điều trị trong 6 - 8 tuần;
- Nếu người bệnh đáp ứng lâm sàng không đủ thì có thể tăng dần tới liều tối đa là 4mg/kg/ngày;
- Ngưng điều trị với thuốc nếu người bệnh không có đáp ứng sau 3 - 4 tháng dùng thuốc.
Liều dùng trong điều trị hội chứng thận hư do các bệnh ở tiểu cầu thận:
- Liều uống khuyến cáo là 5mg/kg/ngày, chia làm 2 lần khi chức năng thận bình thường, trừ khi có protein niệu;
- Nếu bệnh nhân bị suy thận thì liều ban đầu không vượt quá 2,5mg/kg/ngày;
- Điều chỉnh liều dùng thuốc Cyclosporine theo từng người bệnh, phụ thuộc vào chỉ số protein niệu và creatinin huyết tương (nhưng không vượt quá liều khuyến cáo). Với liều duy trì thì giảm dần tới liều thấp nhất có hiệu quả;
- Nếu sau 3 tháng điều trị bằng thuốc Cyclosporine nhưng không có tác dụng thì cần ngưng dùng thuốc.
3.2 Ở các đối tượng khác
- Trẻ em: Liều dùng ở trẻ em mắc hội chứng thận hư do bệnh ở tiểu cầu thận là uống 6mg/kg/ngày khi chức năng thận bình thường;
- Bệnh nhân suy thận: Không sử dụng thuốc Cyclosporine cho bệnh nhân suy thận, trừ trường hợp mắc hội chứng thận hư;
- Bệnh nhân suy gan: Cân nhắc giảm liều Cyclosporine ở bệnh nhân suy gan nặng;
- Người cao tuổi: Nên sử dụng thận trọng và khởi đầu với liều thấp nhất có hiệu quả.
Dùng thuốc Cyclosporine quá liều thường gây ra các triệu chứng tương tự tác dụng phụ nhưng ở mức nặng hơn. Thuốc có thể gây độc tính trên gan và thận nhất thời nhưng có thể phục hồi sau khi thải trừ/ngừng thuốc. Khi uống thuốc Cyclosporine quá liều cấp tính, người bệnh cần được làm sạch dạ dày bằng cách gây nôn (có ích trong vòng 2 giờ sau khi uống). Nếu người bệnh hôn mê, có cơn động kinh, mất phản xạ hầu thì có thể rửa dạ dày (nếu có sẵn phương tiện). Bên cạnh đó, cần tiến hành điều trị hồi sức và điều trị triệu chứng. Khi xảy ra quá liều Cyclosporine, nên ngừng thuốc trong vài ngày hoặc bắt đầu điều trị Cyclosporine cách ngày cho tới khi sức khỏe bệnh nhân ổn định.
Nếu quên dùng 1 liều thuốc Cyclosporine, người bệnh nên uống càng sớm càng tốt ngay khi nhớ ra. Nếu gần với liều kế tiếp thì bạn hãy bỏ qua liều đã quên, uống liều tiếp theo vào thời điểm như kế hoạch.
4. Tác dụng phụ của thuốc Cyclosporine
Một số tác dụng phụ người bệnh có thể gặp phải khi dùng thuốc Cyclosporine gồm:
- Tác dụng phụ nghiêm trọng: Phản ứng dị ứng (phát ban, khó thở, sưng môi, mặt, lưỡi, cổ họng), sốt, ra mồ hôi, ớn lạnh, triệu chứng cúm, lở loét trong miệng và họng, đau nhức cơ thể, sút cân, thay đổi trạng thái tinh thần, khả năng nói chuyện hoặc đi lại, giảm thị lực, dễ bị bầm tím hoặc chảy máu, nhầm lẫn, da nhợt nhạt, yếu sức, cảm giác sảng hoặc khó thở, khó tập trung, tim đập nhanh, đau lưng dưới hoặc bên hông, đau rát khi đi tiểu, có máu trong nước tiểu, tiểu ít hơn bình thường hoặc bí tiểu, tăng cân nhanh, sưng nóng hoặc đỏ da, nôn, tiêu chảy ra máu, động kinh (co giật), kali cao (triệu chứng gồm tim đập chậm, mạch yếu, cảm giác tê tê, suy nhược cơ bắp), buồn nôn, ngứa da, chán ăn, đau bụng trên, nước tiểu đậm màu, vàng da hoặc mắt, phân màu đất sét, huyết áp cao nghiêm trọng (nhức đầu, ù tai, mờ mắt, đau ngực, lo lắng, khó thở, tim đập không đều);
- Tác dụng phụ ít nghiêm trọng: Sưng hoặc đau nướu, nhức đầu nhẹ, tiêu chảy nhẹ, táo bón, đau dạ dày, run rẩy, co thắt cơ, ngứa ran hoặc tê,
Nếu gặp bất kỳ tác dụng phụ nào của thuốc Cyclosporine, người bệnh nên báo cho bác sĩ để được tư vấn, nhận lời khuyên phù hợp.
5. Thận trọng khi sử dụng thuốc Cyclosporine
Một số lưu ý người bệnh cần nhớ trước và trong khi sử dụng thuốc Cyclosporine gồm:
- Chỉ dùng Cyclosporine dưới sự giám sát của các bác sĩ cso kinh nghiệm về liệu pháp giảm miễn dịch. Việc điều trị khi bắt đầu hoặc khi có thay đổi lớn trong liệu pháp cần được thực hiện ở những bệnh viện có phương tiện xét nghiệm và hồi sức đầy đủ;
- Mặc dù Cyclosporine có thể dùng phối hợp với corticosteroid nhưng không nên dùng Cyclosporine đồng thời với các thuốc giảm miễn dịch khác vì sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn và u lympho;
- Vì nguy cơ phản vệ nên chỉ truyền tĩnh mạch Cyclosporine cho bệnh nhân không dung nạp thuốc dạng đường uống. Nên theo dõi cẩn thận biểu hiện dị ứng ở bệnh nhân được truyền tĩnh mạch. Khi truyền tĩnh mạch Cyclosporine, nên chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp hỗ trợ hô hấp, ồi sức và các thuốc điều trị phản vệ;
- Khi cần thiết (ví dụ khả năng hấp thu thuốc uống thay đổi) thì cần điều chỉnh liều dùng để tránh ngộ độc do nồng độ thuốc trong máu hoặc huyết tương cao, dự phòng sự thải loại mảnh ghép do nồng độ thuốc thấp. Việc theo dõi nồng độ Cyclosporine trong máu hoặc huyết tương đặc biệt quan trọng ở những người được ghép gan đồng loại (do sự hấp thu thuốc ở người bệnh có thể thất thường);
- Bệnh nhân khi điều trị với Cyclosporine có nhiều nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng do virus, vi khuẩn, nấm và động vật nguyên sinh, bao gồm cả các bệnh nhiễm trùng cơ hội;
- Người bệnh khi điều trị với Cyclosporine có nguy cơ mắc ung thư hạch và các khối u ác tính khác (đặc biệt là ở da). Người bệnh được khuyến nghị nên tránh tiếp xúc với ánh sáng tia cực tím quá mức;
- Cyclosporine có thể qua nhau thai nên phụ nữ mang thai chỉ sử dụng thuốc khi thực sự cần thiết, có chỉ định của bác sĩ;
- Cyclosporine có thể đi vào sữa mẹ, gây tác dụng bất lợi cho trẻ bú mẹ nên nếu bà mẹ bắt buộc phải dùng thuốc Cyclosporine thì nên tránh cho bé bú.
6. Tương tác thuốc Cyclosporine
Một số tương tác thuốc Cyclosporine gồm:
- Các thuốc làm giảm nồng độ Cyclosporine gồm: Phenobarbital, carbamazepine, phenytoin, rifampin, isoniazid;
- Các thuốc làm tăng nồng độ Cyclosporine gồm: Itraconazole, ketoconazole, cin, diltiazem, azithromycin, clarithromyverapamil erythromycin, fluconazole, nicardipine;
- Các thuốc làm tăng độc tính trên thận của Cyclosporine gồm: Acyclovir, aminoglycoside, amphotericin B;
- Sử dụng đồng thời Cyclosporine với lovastatin có thể gây các tác dụng phụ như viêm cơ, đau cơ, tiêu hủy cơ vân hoặc suy thận cấp;
- Dùng đồng thời Cyclosporine với nifedipine làm tăng nguy cơ tăng sản lợi;
- Dùng đồng thời Cyclosporine với thuốc ức chế miễn dịch khác làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn và u lympho;
- Nồng độ Cyclosporine trong dịch sinh học có thể thay đổi do thức ăn (ví dụ nước ép bưởi chùm) tác dụng trên cytochrome P450 3A tại gan;
- Dung môi dầu thầu dầu, polyoxyl hoặc polysorbate-80 dùng để pha chế các chế phẩm Cyclosporine có thể hòa tan chất DEHP - một chất có thể gây ung thư - từ đồ đựng, dây truyền bằng nhựa PVC. Hiện nay thường sử dụng dung môi là dầu ngũ cốc hoặc ethanol.
Khi sử dụng thuốc Cyclosporine, bệnh nhân nên làm theo mọi chỉ dẫn của bác sĩ về liều dùng và cách dùng thuốc. Trường hợp gặp triệu chứng bất thường hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ để nhận được lời khuyên phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.