Clyodas có hoạt chất chính là kháng sinh Clindamycin. Thuốc được chỉ định trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn nhạy cảm như nhiễm trùng răng hàm mặt, da, sinh dục, xương khớp, nhiễm trùng tai mũi họng, nhiễm trùng vết thương,...
1. Thuốc Clyodas là thuốc gì?
Thuốc Clyodas có hoạt chất chính là Clindamycin, là một kháng sinh bán tổng hợp thuộc nhóm lincosamid. Thuốc Clyodas được bào chế dưới dạng viên nang cứng với hàm lượng 150mg.
Clindamycin có tác dụng kìm khuẩn hoặc diệt khuẩn tùy vào nồng độ thuốc ở vị trí nhiễm khuẩn và mức độ nhạy cảm của vi khuẩn với thuốc. Cơ chế tác dụng của Clindamycin là ức chế tổng hợp protein ở vi khuẩn bằng cách gắn với tiểu đơn vị 50S của ribosom. Phổ kháng khuẩn của thuốc Clyodas bao gồm các vi khuẩn gram dương ưa khí như Streptococci, Staphylococci, Bacillus anthracis; vi khuẩn Gram dương kỵ khí như Eubacterium, Propionibacterium, Peptococcus, Peptostreptococcus spp., nhiều chủng Clostridium, một số chủng Actinomyces spp. và Nocardia asteroides.
2. Thuốc Clyodas 150 có tác dụng gì?
Thuốc Clyodas 150 được chỉ định trong điều trị các nhiễm khuẩn do vi khuẩn kỵ khí. Clindamycin cũng được dùng trong điều trị các bệnh nhiễm do vi khuẩn Gram dương như Streptococci (gồm cả chủng đã kháng methicillin) và Pneumococci. Tuy nhiên, do nguy cơ cao gây viêm đại tràng giả mạc, kháng sinh Clindamycin không phải là thuốc lựa chọn đầu tiên và chỉ nên cho dùng khi không có sự thay thế phù hợp. Thuốc Clyodas được dùng để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn nhạy cảm như:
- Nhiễm trùng tai mũi họng do S.pneumoniae, viêm phế quản phổi
- Nhiễm trùng răng hàm mặt, da, sinh dục, xương khớp
- Nhiễm khuẩn huyết (trừ viêm màng não)
- Mụn trứng cá.
- Nhiễm khuẩn trong ổ bụng như viêm phúc mạc, áp xe trong ổ bụng
- Nhiễm khuẩn vết thương
- Nhiễm khuẩn nặng vùng chậu hông và đường sinh dục nữ. chấn thương xuyên mắt
- Nhiễm vi khuẩn hoại thư sinh hơi.
- Dự phòng nhiễm khuẩn khi làm thủ thuật ở răng, đường hô hấp trong trường hợp dị ứng với beta-lactam.
- Ngoài ra, thuốc Clyodas 150 còn phối hợp với quinin uống để điều trị sốt rét kháng Cloroquin; với Primaquin để điều trị viêm phổi do Pneumocystis jiroveci; với Pyrimethamin để điều trị bệnh Toxoplasma.
Thuốc Clyodas bị chống chỉ định ở các đối tượng sau:
- Người bệnh mẫn cảm với kháng sinh Clindamycin, Lincomycin hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
- Trẻ em dưới 6 tuổi do dạng bào chế viên nang cứng không phù hợp
- Phụ nữ đang cho con bú.
- Không dùng kháng sinh Clindamycin cho bệnh nhân đang bị tiêu chảy
3. Liều lượng và cách dùng của thuốc Clyodas 150
3.1. liều dùng thuốc Clyodas 150
- Người lớn: Liều Clyodas thường dùng là 150 – 450 mg (1 – 3 viên) mỗi 6 giờ, phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng.
- Người cao tuổi: Liều lượng ở người cao tuổi không bị ảnh hưởng
- Trẻ em: Liều Clyodas thông thường là 3 – 6 mg/kg mỗi 6 giờ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng (không vượt quá liều cho người lớn). Tuy nhiên viên nang cứng Clyodas 150 không thích hợp cho trẻ em không có khả năng nuốt nguyên viên, do đó cần dùng dạng bào chế khác thay thế trong một số trường hợp.
- Người suy thận: Không cần điều chỉnh liều Clyodas ở bệnh nhân bị suy thận nhẹ đến trung bình. Ở các bệnh nhân suy thận nặng hoặc vô niệu, cần theo dõi nồng độ thuốc Clyodas trong huyết tương, từ đó có thể giảm liều hoặc gia tăng khoảng cách liều thành 8 giờ hay thậm chí 12 giờ nếu cần.
- Người suy gan: Ở bệnh nhân suy gan trung bình đến nghiêm trọng, thời gian bán thải của Clyodas bị kéo dài. Giảm liều nhìn chung không cần thiết nếu thuốc Clyodas được dùng mỗi 8 giờ. Tuy nhiên, cần theo dõi nồng độ thuốc Clyodas trong huyết tương ở những bệnh nhân bị suy gan nặng.
- Thời gian điều trị với thuốc Clyodas tùy thuộc vào loại bệnh nhiễm khuẩn và mức độ nặng nhẹ của bệnh. Trong nhiễm khuẩn do Streptococcus beta tán huyết nhóm A, điều trị với Clyodas phải tiếp tục ít nhất 10 ngày. Trong các nhiễm khuẩn nặng như viêm màng trong tim hoặc viêm xương tủy, phải điều trị trong ít nhất là 6 tuần.
3.2. Cách dùng
Có thể dùng thuốc Clyodas với thức ăn hoặc không, nên uống với nhiều nước để tránh kích ứng.
4. Tác dụng phụ của thuốc Clyodas là gì?
Bệnh nhân sử dụng thuốc Clyodas có thể gặp phải các tác dụng không mong muốn như sau:
Thường gặp:
- Buồn nôn, nôn
- Tiêu chảy do Clostridium difficile, đau bụng (viêm đại tràng giả mạc)
Ít gặp: Mày đay, ngứa, hội chứng Stevens –Johnson, phát ban
Hiếm gặp:
- Sinh dục – niệu: viêm âm đạo
- Thận: Chức năng thận bất thường
- Toàn thân: sốc phản vệ
- Da: ban đỏ da, viêm tróc da
- Máu: tăng bạch cầu ưa eosin, giảm bạch cầu trung tính có thể hồi phục, chứng mất bạch cầu hạt, giảm tiểu cầu
- Tiêu hóa: Viêm đại tràng giả mạc, viêm thực quản.
- Gan: vàng da, chức năng gan bất thường.
Cách xử trí tác dụng không mong muốn: Ngừng dùng thuốc Clyodas nếu tiêu chảy hoặc viêm đại tràng xảy ra, sau đó điều trị bằng Metronidazol với liều 250 – 500 mg uống 6 giờ một lần, trong 7 – 10 ngày. Có thể dùng nhựa trao đổi anion như Cholestyramin hoặc colestipol để hấp thụ độc tố của Clostridium difficile. Cholestyramin không được uống đồng thời với Metronidazol vì Metronidazol liên kết với cholestyramin và bị mất hoạt tính. Thuốc Clyodas không thể loại bỏ khỏi máu một cách có hiệu quả bằng thẩm tách
5. Những lưu ý khi sử dụng thuốc Clyodas
- Thuốc Clyodas có nguy cơ gây viêm đại tràng giả mạc do C.difficile. Nếu người bệnh bị tiêu chảy trong quá trình dùng kháng sinh thì nên ngừng dùng thuốc hoặc chỉ tiếp tục dùng nếu có sự theo dõi chặt chẽ và có sẵn những liệu pháp điều trị phù hợp.
- Thận trọng khi dùng Clyodas đối với người có bệnh đường tiêu hóa hoặc có tiền sử viêm đại tràng. Người bệnh cao tuổi nhạy cảm đặc biệt với thuốc Clyodas, cần theo dõi cẩn thận nguy cơ tiêu chảy nặng ở đối tượng này
- Clindamycin có thể tích lũy ở những người bệnh bị suy gan nặng, do đó phải điều chỉnh liều dùng thuốc phù hợp, Nếu sử dụng thuốc Clyodas trong thời gian dài, cần theo dõi định kỳ chức năng gan, thận và công thức máu.
- Dùng Clyodas có thể làm các vi khuẩn không nhạy cảm phát triển quá mức.
- Trẻ em dưới 16 tuổi khi dùng thuốc Clyodas cần thường xuyên theo dõi cẩn trọng
- Không dùng thuốc Clyodas để điều trị nhiễm khuẩn hệ thần kinh trung ương vì thuốc không qua được hàng rào máu não
- Clindamycin dung nạp kém ở bệnh nhân AIDS. Clindamycin không an toàn cho bệnh nhân bị rối loạn chuyển hóa porphyrin, do vậy nên tránh dùng cho người bị rối loạn chuyển hóa porphyrin cấp tính.
- Thời kỳ mang thai: Vì kháng sinh Clindamycin qua được nhau thai, không dùng thuốc cho người mang thai, trừ khi thật cần thiết và phải thật cẩn thận.
- Thời kỳ cho con bú: Thuốc Clyodas được bài tiết vào sữa mẹ, vì vậy nên tránh cho con bú trong thời gian điều trị với thuốc.
6. Tương tác thuốc
Tương tác thuốc có thể ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị và/hoặc làm tăng tác dụng không mong muốn của thuốc. Do vậy bệnh nhân nên thông báo cho nhân viên y tế tất cả các loại thuốc đang sử dụng. Dưới đây là một số tương tác cần lưu ý khi sử dụng thuốc Clyodas:
- Làm tăng tác dụng của các thuốc phong bế thần kinh cơ khác nên phải thận trọng khi sử dụng chung thuốc Clyodas với các thuốc này.
- Clyodas có khả năng làm giảm tác dụng của thuốc tránh thai steroid uống.
- Không dùng đồng thời Clyodas với Erythromycin vì có thể ức chế tác dụng lẫn nhau do tác dụng trên cùng một vị trí trên ribosom vi khuẩn.
- Diphenoxylat, loperamid hoặc opiat có nguy cơ làm trầm trọng thêm hội chứng viêm đại tràng do Clyodas
- Hỗn dịch kaolin – pectin có nguy cơ làm giảm hấp thu Clyodas
- Cyclosporin, tacrolimus: Thuốc Clyodas có thể làm giảm nồng độ các thuốc trên trong máu và làm mất hoạt động ức chế miễn dịch.
- Chất đối kháng vitamin K: Gia tăng thời gian đông máu và/hoặc xuất huyết đã được báo cáo ở những bệnh nhân điều trị kết hợp kháng sinh Clindamycin với chất đối kháng vitamin K (ví dụ warfarin, acenocoumarol). Do đó, các xét nghiệm đông máu cần được theo dõi thường xuyên ở những bệnh nhân được điều trị đồng thời hai thuốc trên.
Trên đây là những thông tin về công dụng, liều dùng và những lưu ý khi sử dụng thuốc Clyodas. Bệnh nhân không nên tự ý dùng thuốc mà cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng.