Liệu pháp nhắm mục tiêu trong điều trị ung thư đang ngày càng phát triển và mang lại hiệu quả khả quan. Bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ di căn và dương tính với xét nghiệm ALK đã thất bại với Crizotinib có thể sử dụng liệu pháp nhắm mục tiêu bằng thuốc Ceritinib. Vậy Ceritinib là thuốc gì?
1. Ceritinib là thuốc gì?
Ceritinib là một liệu pháp nhắm mục tiêu thông qua cơ chế ức chế men tyrosine kinase. Tác dụng của thuốc Ceritinib là ngăn chặn một số thụ thể đặc biệt trên các tế bào ung thư, qua đó làm chặn hoặc ngăn chặn sự phát triển của khối u. Thuốc Ceritinib hoạt động đặc biệt trên các khối u có đột biến gen ALK (anaplastic lymphoma kinase). Bác sĩ chuyên khoa ung bướu sẽ thực hiện các xét nghiệm để kiểm tra đột biến này trước khi chỉ định cho bệnh nhân điều trị bằng thuốc Ceritinib.
Ceritinib là liệu pháp nhắm mục tiêu đã được phê duyệt sử dụng cho bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ đã di căn, có xét nghiệm đột biến gen ALK dương tính và không dung nạp với Crizotinib.
2. Cách sử dụng thuốc Ceritinib
Ceritinib sản xuất dạng viên nang dùng 1 lần một ngày. Tuy theo liều lượng chỉ định của bác sĩ mà bệnh nhân có thể cần uống từ 1 đến nhiều viên Ceritinib mỗi lần. Người bệnh khi sử dụng Ceritinib cần nuốt trọn viên thuốc (không bẻ hoặc nhai) lúc bụng đói (trước ăn 1 giờ hoặc sau ăn 2 giờ). Nếu đã bỏ lỡ một liều, bệnh nhân hãy dùng liều Ceritinib ngay khi nhớ ra và cần cách ít nhất 12 giờ so với thời điểm dùng liều tiếp theo. Nếu thời gian không đáp ứng thì bệnh nhân không được dùng liều Ceritinib đã quên, tuyệt đối không uống cùng lúc 2 liều để bù trừ.
Một vấn đề rất quan trọng là bệnh nhân phải đảm bảo sử dụng thuốc Ceritinib đúng theo liều lượng chỉ định của bác sĩ.
Nồng độ thuốc Ceritinib trong máu có thể bị ảnh hưởng bởi một số loại thực phẩm hoặc thuốc, bao gồm bưởi và nước ép bưởi, Ketoconazole, Rifampin, Phenytoin, Warfarin và Fentanyl. Người bệnh hãy thông báo với bác sĩ về danh sách tất cả các chế phẩm đang sử dụng.
Trước khi điều trị bằng thuốc Ceritinib, bệnh nhân nên thông báo với bác sĩ hoặc dược sĩ về những tiền sử sau:
- Tiền sử dị ứng với bất kì thành phần nào có trong thuốc Ceritinib;
- Tiền sử đái tháo đường hoặc đường huyết cao và các bệnh lý gan.
3. Tác dụng phụ của thuốc Ceritinib
3.1. Nôn ói
Bệnh nhân sử dụng Ceritinib có thể gặp tình trạng buồn nôn, nôn ói. Nếu gặp tình trạng này bệnh nhân hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc y tá về các loại thuốc để kiểm soát triệu chứng. Ngoài ra, thay đổi chế độ dinh dưỡng và hạn chế những yếu tố có thể làm nôn ói nghiêm trọng hơn có thể hữu ích cho người bệnh. Một số biện pháp người bệnh có thể áp dụng để kiểm soát nôn ói do thuốc Ceritinib:
- Hạn chế ăn quá nhiều cùng một lúc;
- Hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, chất béo, gia vị;
- Hạn chế thực phẩm có tính axit;
- Sử dụng các thuốc kháng axit dạ dày, nước muối hoặc nước gừng để giảm bớt các triệu chứng.
3.2. Tiêu chảy
Tiêu chảy là một tác dụng phụ có thể nghiêm trọng của thuốc Ceritinib do nguy cơ dẫn đến mất nước. Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ nếu trong quá trình sử dụng thuốc Ceritinib bị tiêu chảy. Bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc để kiểm soát tình trạng này. Ngoài ra, người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp như:
- Hạn chế thực phẩm nhiều chất xơ;
- Tránh trái cây tươi, rau sống, bánh mì nguyên hạt, ngũ cốc và các loại hạt;
- Sử dụng các loại thực phẩm có chất xơ hòa tan như nước sốt táo, chuối chín, khoai tây luộc, khoai tây chiên, sản phẩm làm từ bột mì trắng hay bột yến mạch;
- Uống đủ nước, hạn chế đồ cuồn có cồn hay caffeine để ngăn mất nước.
3.3. Thiếu máu
Ceritinib thuốc biệt dược có thể làm giảm số lượng tế bào hồng cầu của bệnh nhân và dẫn đến thiếu máu với các biểu hiện như mệt mỏi hoặc yếu sức. Bệnh nhân nên cho bác sĩ biết nếu cảm thấy khó thở, thở nhanh hoặc đau tức ngực trong thời gian điều trị ung thư bằng Ceritinib. Một số trường hợp thiếu máu nặng có thể cần phải truyền máu bổ sung.
3.3. Giảm số lượng bạch cầu
Cơ chế chống nhiễm trùng của cơ thể nhờ rất nhiều vào các tế bào bạch cầu. Trong thời gian điều trị bằng Ceritinib, số lượng bạch cầu của bệnh nhân có thể giảm và dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm trùng. Bệnh nhân nên thông báo cho bác sĩ ngay lập tức nếu có biểu hiện như sốt cao, đau họng hoặc cảm lạnh, khó thở, ho, tiểu nóng rát hoặc chậm lành các vết loét.
3.5. Mệt mỏi
Mệt mỏi rất phổ biến trong quá trình điều trị ung thư và một phần là do thuốc Ceritinib. Trong thời gian điều trị ung thư và một thời gian sau khi kết thúc phác đồ, bệnh nhân có thể cần phải điều chỉnh lịch hoạt động mỗi ngày để kiểm soát tình trạng mệt mỏi. Người bệnh cần lập kế hoạch sinh hoạt, dành thời gian để nghỉ ngơi và tiết kiệm năng lượng cho các hoạt động quan trọng hơn.
3.6. Giảm cảm giác thèm ăn
Dinh dưỡng là một phần quan trọng trong quá trình điều trị ung thư. Tuy nbiee các liệu pháp điều trị ung thư như thuốc Ceritinib có thể ảnh hưởng đến sự thèm ăn và trong một số trường hợp sẽ gây khó khăn cho việc ăn uống của người bệnh.
3.7. Táo bón
Có một số biện pháp bệnh nhân có thể áp dụng để ngăn ngừa hoặc hạn chế táo bón do thuốc Ceritinib. Bao gồm tăng cường chất xơ trong chế độ ăn uống từ trái cây và rau tươi, uống đủ nước (hạn chế đồ uống có cồn) và duy trì các hoạt động thường ngày. Bên cạnh đó, người bệnh có thể sử dụng các thuốc làm mềm phân để ngăn ngừa táo bón. Nếu đã không đi tiêu trong 2-3 ngày, người bệnh nên liên hệ với bác sĩ để được hướng dẫn các biện pháp xử trí.
3.7. Tổn thương gan
Thuốc Ceritinib khi sử dụng có nguy cơ gây nhiễm độc gan và đòi hỏi phải theo dõi bằng các xét nghiệm chức năng gan. Nếu xét nghiệm chức năng gan bất thường, bệnh nhân có thể cần phải giảm liều hoặc ngừng sử dụng Ceritinib. Các biểu hiện thông thường của tổn thương gan bao gồm vàng da hoặc vàng mắt, nước tiểu sẫm màu hoặc đau hạ sườn phải...
3.8. Phát ban
Một số bệnh nhân dùng Ceritinib có thể phát ban, da bong tróc vảy hoặc nổi mụn ngứa. Các biện pháp có thể hữu ích bao gồm sử dụng kem dưỡng ẩm không chứa cồn, tránh những loại có nước hoa hoặc mùi hương. Bác sĩ có thể đề nghị một số loại thuốc bôi ngoài da nếu biểu hiện ngứa ngáy gây khó chịu. Nếu da bị rạn nứt hoặc chảy máu, bệnh nhân cần phải bảo vệ vùng da đó sạch sẽ để tránh bội nhiễm vi trùng.
3.9. QT kéo dài
Ceritinib có thể dẫn đến một loại rối loạn nhịp tim là QT kéo dài. Tình trạng này (hiếm khi) có thể gây ra nhịp tim nhanh hay rối loạn nhịp nghiêm trọng và một số triệu chứng khác (như chóng mặt, ngất xỉu).
Nguy cơ QT kéo dài do Ceritinib có thể tăng lên nếu bệnh nhân kèm theo một số bệnh lý nhất định hoặc đang dùng đồng thời các thuốc khác cũng gây kéo dài QT. Trước khi sử dụng Ceritinib, bệnh nhân cần báo với bác sĩ về tất cả các loại thuốc đang dùng, tiền sử bệnh tim mạch (như suy tim, nhịp tim chậm, QT kéo dài trong ECG), tiền sử gia đình có QT kéo dài trong ECG hoặc đột tử do tim.
Nồng độ kali hoặc magie máu thấp cũng có thể làm tăng nguy cơ kéo dài QT, đặc biệt hay gặp ở bệnh nhân đang sử dụng một số thuốc (như lợi tiểu) hoặc có các triệu chứng như vã mồ hôi nhiều, tiêu chảy hoặc nôn ói.
Đặc biệt, người lớn tuổi là đối tượng nhạy cảm với tác dụng phụ kéo dài QT của thuốc Ceritinib.
3.10. Tác dụng phụ ít phổ biến hơn của Ceritinib
- Viêm phổi: Bệnh nhân có thể bị viêm phổi khi dùng thuốc Ceritinib, do đó cần thông báo cho bác sĩ ngay lập tức nếu có các triệu chứng như ho, khó thở hoặc sốt;
- Tăng đường huyết: Thuốc Ceritinib có thể làm tăng lượng đường trong máu ở những bệnh nhân có và không có tiền sử đái tháo đường. Bác sĩ điều trị cần theo dõi lượng đường trong máu của bệnh nhân. Đồng thời nếu có biểu hiện tăng cảm giác khát, tiểu nhiều hoặc cảm thấy đói, nhìn mờ, đau đầu hoặc hơi thở có mùi hoa quả, bệnh nhân hãy thông báo cho bác sĩ càng sớm càng tốt;
- Viêm tụy: Ceritinib có thể gây viêm tụy với các triệu chứng như tăng nồng độ amylase và lipase máu, đau thượng vị lan ra sau lưng và đau nhiều hơn sau ăn. Bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ nếu xuất hiện các cơn đau bụng nghiêm trọng trong thời gian dùng thuốc Ceritinib;
- Tăng nhạy cảm với ánh sáng: Da của bệnh nhân có thể nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời, dẫn đến cháy nắng nghiêm trọng hoặc phát ban. Người bệnh cần tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều, đồng thời thoa kem chống nắng khi ra nắng trong thời gian dài, đeo kính râm có khả năng chống tia UVA/UVB, đội mũ và mặc quần áo dài để bảo vệ, tìm bóng râm bất cứ khi nào có thể.
4. Ảnh hưởng chức năng sinh sản của Ceritinib
Thuốc Ceritinib không được khuyến cáo sử dụng trong thời gian mang thai vì có nguy cơ gây hại cho thai nhi. Bệnh nhân hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng các biện pháp kiểm soát sinh sản đáng tin cậy (như bao cao su, thuốc ngừa thai) trong suốt quá trình điều trị bằng thuốc Ceritinib. Đồng thời phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên tiếp tục duy trì sử dụng các hình thức ngừa thai đáng tin cậy ít nhất 6 tháng sau khi ngừng điều trị bằng Ceritinib.
Chưa có thông tin liệu thuốc Ceritinib có đi vào sữa mẹ hay không, tuy nhiên việc cho con bú trong thời gian điều trị vẫn không được khuyến cáo và kéo dài ít nhất 2 tuần sau khi ngừng thuốc. Bệnh nhân hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho con bú nếu có sử dụng Ceritinib.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.