Việc dùng kháng sinh cho người cao tuổi cần phải hết sức thận trọng. Do mọi chức năng của cơ thể đều bị suy giảm dần theo năm tháng, kể cả hệ thống miễn dịch nên nguy cơ dẫn đến tai biến cao hơn khi dùng thuốc kháng sinh ở người cao tuổi.
1. Đặc điểm sinh lý người cao tuổi khi dùng kháng sinh
Theo thống kê cho thấy 1/20 người bệnh cao tuổi có tai biến do dùng thuốc, nhất là các nhóm thuốc về tim mạch, thần kinh tâm thần, thuốc chữa đái tháo đường, thuốc giảm đau chống viêm, kháng sinh, thuốc ngủ...
Do đặc điểm sinh lý cơ thể của người cao tuổi vì vậy khi người cao tuổi dùng thuốc kháng sinh dẫn đến nhiều bất lợi.
- Ở người cao tuổi thường hay bị thiếu vitamin K. Loại vitamin này thường do một số tạp khuẩn đường ruột tổng hợp nên. Thuốc kháng sinh được đào thải qua đường tiêu hóa sẽ tiêu diệt một số vi khuẩn sinh vitamin K khiến cơ thể thiếu đi một lượng vitamin K, giảm kali máu.
- Mặt khác một số vi khuẩn đường ruột có khả năng giáng hóa digoxin ở ống tiêu hóa, nếu dùng kháng sinh đào thải qua đường ruột quá nhiều sẽ làm tăng hấp thu digoxin và làm cho nồng độ digoxin trong huyết tương tăng cao nên độc tính cũng tăng theo.
- Phần lớn người cao tuổi thường mắc nhiều thứ bệnh phối hợp; dùng thuốc điều trị bệnh này, có thể làm nặng thêm bệnh kia. Hơn nữa, việc điều trị nhiều loại bệnh sẽ dễ dẫn đến tương tác thuốc có hại.
- Người già khối lượng các mô giảm, do vậy khối lượng nước giảm mà khối lượng mỡ lại tăng lên. Các thuốc tan trong nước sẽ bị tăng nồng độ; còn các thuốc tan trong mỡ sẽ bị chậm khởi đầu, nhưng lại tăng thời gian tác dụng, dễ dẫn đến tích lũy gây độc.
2. Lưu ý dùng thuốc kháng sinh cho người cao tuổi
Một số nguyên tắc dùng thuốc kháng sinh cho người cao tuổi mà cả bác sĩ và gia đình cần phải lưu ý như:
- Hạn chế tối đa việc dùng thuốc cho người cao tuổi không chỉ là thuốc kháng sinh; tránh lạm dụng thuốc, nhất là các thuốc được quảng cáo hiện nay là thuốc bổ hay thực phẩm chức năng.
- Nếu phải dùng thuốc thì dùng càng ít loại càng tốt, chọn các loại thuốc ít độc với gan – thận và hiệu quả cao.
- Liều dùng phải thích hợp với từng loại bệnh, người bệnh cụ thể và luôn luôn xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi và hại; tương tác giữa các loại thuốc; chức năng gan – thận. Tránh tình trạng chữa được bệnh này lại làm nặng thêm bệnh khác.
- Phải theo dõi, kiểm tra, đánh giá thường xuyên về hiệu quả cũng như tác dụng phụ của thuốc, nhất là tác dụng phụ trên gan – thận. Với các loại thuốc phải dùng kéo dài, nếu có thể được nên có thời gian nghỉ thuốc xen kẽ, để tránh hiện tượng tích luỹ thuốc.
Một số kháng sinh có chứa Na+, K+ tuy hàm lượng thấp nhưng do dùng liều cao và thời gian dài như carboxypenicillin, penicillin có thể gây độc cho người bệnh.
Nhóm aminoglycosid gây độc cho thận, cơ quan thính giác nên khi dùng cho người cao tuổi phải được theo dõi cẩn thận. Một số thuốc kháng sinh như carbenicillin, colistin có khả năng làm giảm kali máu cho nên cần thận trọng khi dùng kết hợp với các thuốc nhuận tràng, thuốc lợi tiểu, thuốc glycosid trợ tim... Nên hạn chế dùng (hoặc chỉ dùng khi thật cần thiết) đối với nhóm chloramphenicol, rifamycin, nitrofurantoin. Dùng thuốc kháng sinh cho người cao tuổi tuyệt đối tuân theo pháp đồ điều trị của bác sĩ và lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh uy tín đến tránh tình trạng kháng kháng sinh, nguy cơ biến chứng nghiêm trọng.
3. Người cao tuổi nên làm gì khi dùng thuốc kháng sinh?
Để hạn chế biến chứng cũng như tác dụng phụ khi được chỉ định thuốc kháng sinh, người cao tuổi và gia đình cần chú ý:
- Người cao tuổi cần phải tuân thủ những hướng dẫn của bác sĩ về cách điều trị như: Doxycyclin uống vào giữa bữa ăn với một nửa cốc nước to, uống ở tư thế ngồi hay đứng để tránh kích ứng niêm mạc dạ dày, loét niêm mạc thực quản, Augmentin, ciblor... cần uống vào đầu bữa ăn.
- Người cao tuổi không được tự ý mua và sử dụng thuốc kháng sinh mặc dù trước đó họ đã được dùng tại bệnh viện. Ngừng ngay việc dùng thuốc và đến cơ sở y tế khám khi thấy có biểu hiện khác thường.
- Trước khi dùng thuốc phải: Xem lại đơn bác sĩ đã ghi. Đọc tờ hướng dẫn sử dụng thuốc.
- Khi dùng thuốc phải: Đủ khoảng cách giờ. Đúng liều. Đủ liệu trình. Tuân thủ nghiêm các điều cấm kỵ
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.