Công dụng thuốc Ceftanir

Thuốc Ceftanir có thành phần chính là hoạt chất Cefdinir với hàm lượng 300mg và các tá dược khác với lượng vừa đủ. Đây là loại thuốc kháng sinh nhóm Cephalosporin thế hệ 3, có tác dụng diệt khuẩn do ức chế tổng hợp vách tế bào vi khuẩn. Thuốc có công dụng điều trị nhiễm khuẩn từ mức độ nhẹ đến vừa, gây ra bởi những vi khuẩn nhạy cảm thuốc.

1. Thuốc Ceftanir là thuốc gì?

Ceftanir là thuốc gì? Thuốc Ceftanir có thành phần chính là hoạt chất Cefdinir với hàm lượng 300mg và các tá dược khác với lượng vừa đủ. Đây là loại thuốc kháng sinh nhóm Cephalosporin thế hệ 3, có tác dụng diệt khuẩn do ức chế tổng hợp vách tế bào vi khuẩn. Thuốc có công dụng điều trị nhiễm khuẩn từ mức độ nhẹ đến vừa, gây ra bởi những vi khuẩn nhạy cảm thuốc.

Thuốc Ceftanir được bào chế dưới dạng viên nang cứng. Quy cách đóng gói là hộp thuốc gồm 1 vỉ và mỗi vỉ chứa 4 viên thuốc hoặc hộp gồm 2 vỉ và mỗi vỉ chứa 4 viên thuốc.

1.1. Dược lực học của hoạt chất Cefdinir

  • Hoạt chất Cefdinir là kháng sinh thuộc nhóm cephalosporin thế hệ 3, có tác dụng diệt khuẩn do ức chế tổng hợp vách tế bào vi khuẩn.
  • Các thử nghiệm invitro và các nghiên cứu lâm sàng cho thấy hoạt chất Cefdinir có phổ hoạt tính rộng kháng nhiều loại vi khuẩn Gram âm như Haemophilus influenza, Haemophilus parainfluenzae, Moraxella catarrhalis (gồm cả chủng tiết beta - lactamase) và các vi khuẩn Gram dương như Staphylococcus aureus (gồm cả chủng tiết beta - lactamase), Streptococcus pneumoniae (chủng nhạy cảm với penicilin), Streptococcus pyogenes.
  • Ngoài ra, theo các kết quả invitro còn cho thấy hoạt chất Cefdinir có hiệu quả kháng một số dòng vi khuẩn Gram âm khác như Escherichia coli, Citrobacter diversus, Klebsiella pneumoniae, Proteus mirabili và Gram dương như Staphylococcus epidermidis (chủng nhạy cảm methicilin), Streptococci nhóm Viridans, Streptococcus agalactiae.
  • Cefdinir không bị ảnh hưởng bởi một số loại men beta - lactamase, đặc biệt có hiệu quả tốt đối với các loại vi khuẩn Gram dương như Staphylococcus sp., Streptococcus sp., kháng với những loại kháng sinh thuộc nhóm Cephalosporin uống khác có từ trước. Các chủng vi khuẩn Enterococci (Enterococcus faecalis), Pseudomonas, Enterobacter và Staphylococci kháng methicilin đều kháng cả cefdinir.
  • Cơ chế tác dụng Cefdinir đối với vi khuẩn là giảm ái lực của Cefdinir đối với protein đích hoặc giảm tính thấm của màng tế bào vi khuẩn đối với thuốc. Hoạt chất Cefdinir có độ bền vững cao với sự thủy phân của Beta-lactamase được mã hóa bởi gen nằm trên plasmid và chromosome. Cefdinir ổn định trước một số loại enzym beta-lactamase, nhưng không phải tất cả do đó cơ chế kháng Cefdinir còn có cả ly giải do một số beta-lactamase.

1.2. Dược động học của hoạt chất Cefdinir

  • Khả năng phân bố: Sau khi uống Cefdinir, nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt được từ 2 đến 4 giờ. Sinh khả dụng tuyệt đối ước tính khoảng 25 % khi dùng dưới dạng hỗn dịch uống. Dược chất Cefdinir được phân bố vào dịch tai giữa, amidan, mô xoang, phế quản, niêm mạc phổi, ... ở nồng độ khác nhau trong huyết tương.
  • Khả năng chuyển hóa: Dược chất Cefdinir được chuyển hóa không đáng kể. Khả năng thải trừ: Thuốc được đào thải ra ngoài chủ yếu ở thận. Ở người trưởng thành có chức năng thận bình thường, thời gian bán thải trung bình trong huyết tương của cefdinir là 1,7 - 1,8 giờ.

1.3. Tác dụng của hoạt chất Cefdinir

  • Hoạt chất Cefdinir là thuốc diệt khuẩn, có hoạt tính diệt khuẩn cân đối, chống lại vi khuẩn gram âm và vi khuẩn gram dương.
  • Cơ chế tác dụng của hoạt chất Cefdinir là ức chế sự tổng hợp của thành tế bào.

2. Thuốc Ceftanir có tác dụng gì?

Thuốc Ceftanir có tác dụng gì? Thuốc Ceftanir có công dụng trong điều trị những trường hợp nhiễm khuẩn từ nhẹ đến vừa, gây ra bởi những vi khuẩn nhạy cảm trong trường hợp sau:

  • Viêm phổi mắc phải cộng đồng nguyên nhân do các tác nhân Moraxella catarrhalis (gồm cả chủng sinh beta-Lactamase), Haemophilus influenzae, Streptococcus pneumoniae (chủng nhạy cảm với penicillin).
  • Đợt cấp tính của viêm phế quản mãn tính cũng do các tác nhân Moraxella catarrhalis (gồm cả chủng sinh beta-Lactamase), Haemophilus influenzae, Streptococcus pneumoniae (chủng nhạy cảm với penicillin).
  • Viêm xoang cấp tính nguyên nhân do Haemophilus influenzae, Moraxella catarrhalis (gồm cả chủng sinh beta-Lactamase) và Streptococcus pneumoniae (chủng nhạy cảm với penicillin).
  • Viêm hầu họng/viêm amidan do vi khuẩn Streptococcus pyogenes.
  • Nhiễm khuẩn da và cấu trúc da do vi khuẩn Staphylococcus aureus (gồm cả chủng sinh beta-Lactamase) và Streptococcus pyogenes.
  • Viêm tai giữa cấp tính gây ra bởi Moraxella catarrhalis (gồm cả chủng sinh beta - Lactamse), Haemophilus influenzae hay Streptococcus pneumoniae.

3. Cách dùng và liều dùng của thuốc Ceftanir

3.1. Cách dùng của thuốc Ceftanir

Thuốc Ceftanir được bào chế dưới dạng viên nang cứng, phù hợp sử dụng theo đường uống trực tiếp.

3.2. Liều dùng của thuốc Ceftanir

  • Liều dùng đối với người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: Mỗi lần uống 1 viên, ngày uống 2 lần, mỗi lần cách nhau 12 giờ, thời gian điều trị trung bình kéo dài từ 5 đến 10 ngày hoặc theo sự chỉ dẫn của thầy thuốc.
  • Liều dùng đối với trẻ em từ 6 tháng đến 12 tuổi: thông thường là 14mg/kg/ngày ( tối đa 600mg/ngày).
  • Liều dùng với người bị suy thận với độ thanh thải < 30ml/phút, liều dùng 300mg/lần/ ngày.

4. Tác dụng không mong muốn của thuốc Ceftanir

Trong quá trình sử dụng thuốc Ceftanir, bạn có thể gặp một số tác dụng không mong muốn, cụ thể như sau:

  • Phản ứng quá mẫn: dị ứng ở dạng phát ban, ngứa ngáy nổi mề đay.
  • Hiếm khi gặp: buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, biếng ăn, táo bón; đau nhức đầu, chóng mặt, cảm giác nặng ngực; viêm nhiệt miệng, nhiễm nấm; thiếu hụt vitamin K, vitamin nhóm B; giảm số lượng bạch cầu, tăng men gan, tăng BUN.
  • Rất hiếm khi xảy ra các phản ứng quá mẫn, viêm ruột, viêm phổi kẽ.
  • Các phản ứng không mong muốn này thường giảm khi ngưng thuốc .
  • Bạn cần chủ động thông báo cho bác sĩ điều trị các tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc Ceftanir.

5. Tương tác của thuốc Ceftanir

Tương tác của thuốc Ceftanir có thể xảy ra trong quá trình sử dụng như sau:

  • Thuốc Ceftanir có thể gây ra tương tác với các thuốc bổ sung sắt và thức ăn có chứa sắt, Antacid ( chứa nhôm hoặc magnesi) làm giảm khả năng hấp thu thuốc. Người bệnh nên uống thuốc có chứa hoạt chất Cefdinir trước hoặc sau 2 giờ.
  • Sử dụng thuốc Ceftanir cùng với Probenecid: Cũng giống như kháng sinh nhóm beta-Lactamase khác ức chế sự bài tiết qua thận dẫn đến tăng hấp thu thuốc và kéo dài thời gian bán thải thuốc.
  • Tương tác của thuốc Ceftanir có thể làm thay đổi khả năng hoạt động hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng không mong muốn. Bạn cần chủ động liệt kê cho các bác sĩ hoặc dược sĩ biết tất cả các loại thuốc theo toa và thuốc không kê toa, vitamin và khoáng chất, các sản phẩm thảo dược và thực phẩm chăm sóc sức khỏe mà bạn đang sử dụng để hạn chế tối đa các tương tác thuốc có thể xảy ra.

6. Một số chú ý khi sử dụng thuốc Ceftanir

Trong quá trình sử dụng thuốc Ceftanir, người bệnh cần chú ý đến một số điều sau đây:

6.1. Chống chỉ định của thuốc Ceftanir

Chống chỉ định của thuốc Ceftanir với người có cơ địa nhạy cảm hay quá mẫn với kháng sinh nhóm Cephalosporin.

6.2. Chú ý đề phòng của thuốc Ceftanir

  • Người có tiền sử quá mẫn cảm với kháng sinh nhóm Penicillin, người bị bệnh suy thận, người có tiền sử viêm ruột kết.
  • Phụ nữ đang trong thời gian có thai và cho con bú.

6.3. Cách bảo quản thuốc

  • Bảo quản thuốc ở nhiệt độ dưới 25o C, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời.
  • Giữ thuốc tránh xa tầm tay với của trẻ em để hạn chế trường hợp trẻ uống nhầm thuốc.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Ceftanir, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc Ceftanir để điều trị bệnh tại nhà, vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn đến sức khỏe.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe