Calcido là một trong những loại thuốc được sử dụng để điều trị các bệnh lý về xương, chứng hạ calci huyết, bệnh còi xương, suy dinh dưỡng ở trẻ em. Để hiểu rõ hơn thuốc Calcido bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những thông tin quan trọng về thuốc.
1. Thuốc Calcido là thuốc gì?
Thuốc Calcido là thuốc sử dụng trong điều trị các bệnh lý về xương, điều trị triệu chứng hạ canxi huyết, bệnh còi xương, suy dinh dưỡng ở trẻ em.
Thành phần chính gồm:
- Calci Gluconat – 500mg.
- Vitamin D3 (Cholecalciferol) – 200 IU.
Tá dược vừa đủ gồm: Tinh bột sắn, Tinh bột mì, Gelatin, Natri Starch Gluconat, Magnesi Stearat, Bột Talc, Cellactose 80, Natri Lauryl Sulfat, Crospovidone, Hydroxypropyl Methylcellulose, Titan Dioksid, PEG 6000, Nipagin, Nipasol, Phẩm màu Chlorophyll, Phẩm màu Tartrazine, Ethanol 96%, Nước tinh khiết.
2. Công dụng thuốc Calcido là gì?
2.1. Tác dụng
Thuốc Calcido được dùng điều trị hạ canxi huyết trong các bệnh cần tăng nhanh nồng độ ion calci huyết như: Co giật do hạ canxi huyết ở trẻ sơ sinh, do suy cận giáp, hạ canxi huyết do bù chất điện giải, sau phẫu thuật cường cận giáp, thiếu vitamin D, nhiễm kiềm.
Thuốc Calcido có thể được sử dụng như một chất bù điện giải, một chất chống tăng kali và magnesi huyết. Canxi gluconat tiêm chỉ được tiêm bắp thịt, tiêm vào cơ tim, tiêm dưới da hoặc không được để thuốc thoát ra khỏi mạch vào các mô khi tiêm, vì có thể gây hoại tử mô và hoặc tróc vảy và apxe.
Thuốc Calcido dạng uống được dùng điều trị hạ canxi huyết mạn và thiếu canxi. Hạ calci huyết trong các trường hợp: suy cận giáp mạn và giả suy tuyến cận giáp, nhuyễn xương, suy thận mạn, hạ canxi huyết do dùng thuốc chống co giật, hoặc khi thiếu vitamin D.
Thuốc Calcido cũng được dùng trong giảm canxi huyết gây ra các chứng: co giật, cơn tetani, rối loạn hành vi và nhân cách, chậm lớn và chậm phát triển trí não, biến dạng xương, thường gặp nhất là còi xương ở trẻ em và nhuyễn xương ở người lớn. Sự thay đổi xảy ra trong xương ống chân và thắt lưng, yếu toàn thân kèm đi lại khó và gãy xương tự phát.
Thuốc Calcido tiêm cũng được dùng trong trường hợp hạ canxi huyết do ngộ độc ethylen glycol (phụ thuộc vào nồng độ calci trong máu), hạ canxi huyết và hạ huyết áp do nhiễm độc toàn thân acid hydrofluoric.
2.2. Chỉ định
Hạ canxi huyết cấp (như tetani trẻ sơ sinh, do thiểu năng cận giáp, do hội chứng hạ calci huyết, do tái khoáng hóa sau phẫu thuật tăng năng cận giáp, do thiếu vitamin D), dự phòng thiếu calci huyết khi thay máu.
Điều trị bằng thuốc chống co giật ở trong thời gian dài (tăng huỷ vitamin D). Chế độ ăn thiếu calci và đặc biệt trong thời kỳ nhu cầu canxi tăng: thời kỳ tăng trưởng, thời kỳ mang thai, thời kỳ cho con bú, người cao tuổi.
Tăng Kali huyết, tăng magnesi huyết. Quá liều thuốc chẹn calci hoặc bị ngộ độc ethylen glycol. Sau truyền máu khối lượng lớn có chứa calci citrat gây giảm Ca++ máu
3. Tác dụng phụ của thuốc Calcido
Thuốc có thể gây rối loạn tiêu hoá nhẹ: Buồn nôn, nôn...
Tác dụng không mong muốn xảy ra khi dùng liều cao Vitamin D. Uống vitamin D3 quá liều có thể gây ngộ độc vitamin D. Các triệu chứng ban đầu của ngộ độc là dấu hiệu và triệu chứng của tăng canxi máu. Tăng canxi huyết và nhiễm độc vitamin D có một số tác dụng phụ như:
- Thần kinh: Yếu, mệt mỏi, ngủ gà, đau đầu.
- Tiêu hóa: Chán ăn, khô miệng, buồn nôn, táo bón, tiêu chảy.
- Các biểu hiện khác: Ù tai, mất điều hòa, giảm trương lực cơ, đau cơ, đau xương và dễ bị kích thích.
4. Các tương tác có hại của thuốc Calcido
Những thuốc sau đây ức chế thải trừ calci qua thận, các thiazid, clopamid, ciprofloxacin, chlorthalidon, thuốc chống co giật.
Calci làm giảm hấp thu demeclocycline, doxycyclin, tetracyclin, minocyclin, oxytetracycline, tetracycline, enoxacin, fleroxacin, levofloxacin, lomefloxacin, norfloxacin, ofloxacin, pefloxacin, sắt, kẽm, và những chất khoáng thiết yếu khác.
Calci làm tăng độc tính đối với tim của các glycosid, digitalis vì tăng nồng độ calci huyết sẽ làm tăng tác dụng ức chế Na+ - K+ - ATPase của glycosid tim.
Glucocorticoid, phenytoin làm giảm hấp thu canxi qua đường tiêu hoá. Chế độ ăn có phytat, oxalat làm giảm hấp thu calci và tạo thành những phức hợp khó hấp thu. Phosphat, calcitonin, natri sulfat, furosemid, magnesi, cholestyramin, estrogen, một số thuốc chống co giật cũng làm giảm canxi huyết. Thuốc lợi tiểu thiazid, trái lại làm tăng nồng độ canxi huyết.
5. Cách sử dụng thuốc Calcido hiệu quả
5.1. Cách dùng:
calci gluconate có thể tiêm, uống hoặc dùng tại chỗ, tính theo canxi nguyên tố.
5.2. Liều dùng:
- Người lớn: chống giảm canxi huyết hoặc bổ sung dinh dưỡng, uống 8,8 đến 16,5 g (800 - 1500 mg canxi ion) mỗi ngày, chia làm nhiều liều nhỏ.
- Trẻ em: chống giảm canxi huyết: uống 500 - 720 mg (45 - 65 mg canxi ion)/kg/ngày, chia làm nhiều liều nhỏ.
Liều tiêm:
- Người lớn: chống giảm canxi huyết cấp hoặc bồi phụ điện giải, tiêm tĩnh mạch 970 mg (94,7 mg canxi ion) cho chậm với tốc độ không vượt quá 5 ml (47,5 mg canxi ion)/phút. Liều có thể lặp lại nếu cần, cho tới khi kiểm soát được tetani.
- Hội chứng xương tái khoáng hóa: calci gluconat pha loãng trong dung dịch đẳng trương và cho truyền tĩnh mạch liên tục với liều 0,5 - 1 mg/phút (cho tới 2 mg hoặc hơn mỗi phút). Chống tăng kali huyết: tiêm tĩnh mạch 1 - 2 g (94,7 - 189 mg canxi ion) cho chậm với tốc độ không vượt quá 5 ml (47,5 mg canxi ion)/phút.
- Chống tăng magnesi huyết: tiêm tĩnh mạch 1 - 2 g (94,7 - 189 mg canxi ion) cho với tốc độ không vượt quá 5 ml (47,5 mg canxi ion)/phút.
- Liều kê đơn giới hạn cho người lớn là 15 g (1,42 g canxi ion)/phút).
- Trẻ em: chống hạ canxi huyết cấp: tiêm tĩnh mạch 200 - 500 mg (19,5 - 48,8 mg canxi ion) làm 1 liều duy nhất, với tốc độ không vượt quá 5 ml (47,5 mg calci ion)/phút. lặp lại nếu cần, cho tới khi kiểm soát được tetani.
- Thay máu ở trẻ sơ sinh: tiêm tĩnh mạch 97mg (9,5 mg canxi ion) cho sau mỗi lần thay 100 ml máu citrat.
- Bỏng do acid hydrofluoric: bôi gel gluconat sau khi đã rửa bằng nhiều nước. Tiêm dưới da chỉ trong trường hợp này, có tác dụng rất tốt trong điều trị bỏng acid hydrofluoric ở da. Dùng kim tiêm cỡ 25 - 30, với liều lượng 0,5 ml/cm2 da, tiêm dưới da vào dưới mô bị bỏng.
Ngộ độc acid hydrofluoric toàn thân: thêm 20 ml dung dịch calci gluconat 10% (189 mg ion canxi ) vào 1 lít dịch truyền đầu tiên.
5.3. Xử lý khi quá liều thuốc Calcido
Dùng liều cao có thể gây tăng canxi huyết với nguy cơ gây sỏi thận, suy thận. Nếu tăng canxi huyết kéo dài, có thể gây Calci hóa các mô mềm, thiểu năng thận không hồi phục. Dùng liều cao và kéo dài vitamin D3 gây tích lũy vitamin D dẫn tới tăng Calci, huyết, mệt mỏi, chán ăn, đi lỏng, tiểu tiện nhiều và có Protein.
Hiện nay vẫn chưa có cách xử lý riêng biệt khi sử dụng quá liều thuốc. Khuyến cáo bạn nên đến gặp bác sĩ hoặc các trung tâm y tế gần nhất để bạn được kịp thời điều trị và theo dõi.
6. Thận trọng khi dùng thuốc Calcido
Cần tránh sử dụng thuốc nếu có tăng canxi huyết hay trong trường hợp dễ bị sỏi thận. Cần phải thận trọng khi sử dụng các loại muối canxi cho bệnh nhân suy thận, bệnh tim hay bệnh Sarcoid. Thuốc sử dụng được cho cả phụ nữ có thai và cho con bú.
Hy vọng với những chia sẻ trên giúp bạn hiểu về cách dùng thuốc Calcido. Nếu có thêm thắc mắc hay vấn đề gì cần tư vấn, người dùng có thể trao đổi trực tiếp với bác sĩ chỉ định để có được tư vấn chính xác.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.