Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Mai Anh Kha - Bác sĩ ngoại Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Teo cơ là hiện tượng xảy ra khi cơ bắp bị hao mòn vì sự thiếu hụt về các hoạt động thể chất do khi gặp một số vấn đề sức khỏe. Tuy nhiên teo cơ có thể cải thiện nếu bạn có một chế độ ăn uống, tập thể dục hoặc vật lý trị liệu thích hợp.
1. Teo cơ là gì?
Teo cơ là hiện tượng suy giảm khối lượng và sức mạnh của cơ. Duy trì chế độ dinh dưỡng tốt cùng với tập thể dục có thể giúp chúng phát triển, tăng khối lượng và trở nên mạnh mẽ hơn. Ngược lại, teo cơ có thể là kết quả của sự yếu kém và không hoạt động thể chất của cơ bắp.
2. Triệu chứng của teo cơ
Teo cơ có thể biểu hiện bằng các dấu hiệu có thể quan sát và cảm nhận được như:
- Một số bộ phận của cơ thể như một cánh tay hoặc chân nhỏ hơn so với tay và chân còn lại
- Có biểu hiện suy yếu ở một chi
- Không có những hoạt động thể chất trong một thời gian dài(Lý do dẫn đến teo cơ )
3. Nguyên nhân gây teo cơ
Khi cơ bắp không hoạt động thì có thể sẽ dẫn đến sự hao mòn và teo dần. Nhưng ngay cả khi nó bắt đầu teo đi thì vẫn có khả năng phục hồi lại nếu tập thể dục và cải thiện dinh dưỡng. Dưới đây là các nguyên nhân gây ra hiện tượng teo cơ.
3.1 Suy dinh dưỡng
Suy dinh dưỡng nghiêm trọng, thiếu chất dinh dưỡng và protein có thể góp phần gây ra teo cơ vì các chất dinh dưỡng và protein rất cần thiết cho sự phát triển và duy trì chức năng cơ bình thường của cơ. Việc thiếu dinh dưỡng có thể là do các bệnh nghiêm trọng hoặc việc sử dụng các loại thuốc mạnh như một số tác nhân của hóa trị liệu.
3.2 Bị các bệnh thần kinh
Nếu hệ thần kinh có vấn đề như bệnh bại não, đột quỵ hoặc bệnh tủy sống, thì có thể dẫn đến tình trạng bị yếu cơ mặt, cánh tay hoặc chân. Bên cạnh đó, khi không sử dụng cơ bắp, thiếu tập thể dục có thể khiến chúng trở nên mỏng hơn và có thể khiến cơ bắp mất đi sức mạnh và gây ra các tác động xấu không chỉ là bởi vấn đề thần kinh.
3.3 Mắc các bệnh kéo dài / nhập viện
Các tình trạng vấn đề sức khỏe kéo dài như bị ốm do nhiễm trùng lâu, ung thư hoặc bệnh cần phải ở lại phòng chăm sóc đặc biệt... sẽ dẫn đến việc suy giảm khả năng vận động và thiếu dinh dưỡng và theo thời gian chúng sẽ gây ra tình trạng teo cơ.
Bệnh xơ cứng teo cơ (ALS), còn được gọi là bệnh Lou Gehrig, ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh kiểm soát sự chuyển động cơ bắp.
3.4 Gặp các vấn đề về nuốt
Khó nuốt và mệt mỏi cản trở việc ăn uống. Ngay cả với những nỗ lực tốt nhất trong việc cung cấp dinh dưỡng thì những người gặp khó khăn khi nuốt cũng vẫn có xu hướng giảm cân.
4. Chẩn đoán teo cơ như thế nào?
Nếu teo cơ là hệ quả của một vấn đề về sức khỏe khác thì bạn có thể phải trải qua thử nghiệm để chẩn đoán tình trạng này. Vì vậy, trước khi chẩn đoán một bệnh nhân bị teo cơ, các bác sĩ thường sẽ hỏi các câu hỏi lịch sử bệnh tật của bệnh nhân như hỏi về các chấn thương gần đây mà bệnh nhân gặp phải, hỏi về các loại thuốc và các chất bổ sung mà bệnh nhân đang dùng và yêu cầu bệnh nhân mô tả chi tiết các triệu chứng bệnh.
Để chính xác và giúp loại trừ một số bệnh, bác sĩ cũng có thể yêu cầu thực hiện các xét nghiệm như:
- Xét nghiệm máu
- Chụp X-quang
- Chụp cộng hưởng từ (MRI)
- Chụp cắt lớp vi tính (CT)
- Nghiên cứu dẫn truyền thần kinh
- Sinh thiết cơ hoặc thần kinh
- Điện cơ (EMG)
5. Bệnh teo cơ được điều trị như thế nào?
Việc đưa ra phương án điều trị sẽ phụ thuộc vào kết quả chẩn đoán và mức độ nghiêm trọng của sự teo cơ. Phương pháp điều trị phổ biến cho teo cơ bao gồm:
5.1 Tập thể dục
Thông thường, các bài tập thể dục trị liệu dưới nước để giúp di chuyển dễ dàng cũng được sử dụng để cải thiện tình trạng teo cơ.
5.2 Vật lý trị liệu
Các nhà trị liệu vật lý có thể dạy cho bạn những cách thức để tập thể dục chính xác, những động tác thể dục này có thể giúp bệnh nhân di chuyển cánh tay và chân nếu bạn gặp khó khăn vận động.
5.3 Siêu âm trị liệu
Liệu pháp siêu âm là một thủ tục không xâm lấn, sử dụng sóng âm thanh để hỗ trợ chữa bệnh.
5.4 Phẫu thuật
Nếu gân, dây chằng, da hoặc cơ bắp quá căng và ngăn cản sự di chuyển thì phẫu thuật có thể cải thiện được tình trạng này. Đây được gọi là tình trạng là biến dạng dị hình. Phẫu thuật có thể điều chỉnh dị hình nếu teo cơ của bạn là do suy dinh dưỡng hoặc teo cơ do rách gân gây ra.
5.5 Thay đổi chế độ ăn uống
Nếu suy dinh dưỡng là nguyên nhân gây teo cơ, bác sĩ có thể đề nghị thay đổi chế độ ăn uống hoặc bổ sung chất dinh dưỡng để thay đổi tình trạng bệnh.
Teo cơ bắp thường được gây ra bởi thiếu sự vận động của cơ thểdo không tập thể dục hoặc do chấn thương. Bệnh teo cơ thường có thể được chữa trị thông qua tập thể dục thường xuyên và duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý kết hợp với các điều trị các tình trạng sức khỏe do bệnh gây ra.
6. Phòng ngừa
Nếu bạn hoặc người thân của bạn có tình trạng thần kinh hoặc các vấn đề sức khỏe gây dẫn đến sự suy yếu cơ thể thì vẫn có nhiều cách để ngăn ngừa teo cơ trước khi nó xảy ra.
6.1 Duy trì hoạt động
Hầu hết những người đang hồi phục sau khi bị nhiễm trùng nặng, ung thư hoặc đột quỵ đều không hào hứng với việc hoạt động thể chất. Tương tự, nếu bạn đang sống với một tình trạng thần kinh mãn tính như bệnh đa xơ cứng hoặc bệnh Parkinson, bạn có thể không có tâm trạng để vận động. Tuy nhiên, sự thiếu vận động thể chất này được biết là góp phần gây teo, làm xấu đi khả năng thể chất tổng thể của bạn.
6.2 Vật lý trị liệu
Tham gia vật lý trị liệu và phục hồi chức năng khi bạn có các vấn đề về thần kinh là điều hết sức cần thiết. Vật lý trị liệu đảm bảo rằng bạn tham gia vào các hoạt động đã được lên kế hoạch để giúp bạn phục hồi và lấy lại sức khỏe đã mất.
6.3 Vận động thụ động
Một trong những cách để bắt đầu hoạt động thể chất trước khi bạn sẵn sàng tham gia trị liệu tích cực bao gồm chuyển động thụ động. Với phương pháp này, bác sĩ trị liệu sẽ di chuyển cánh tay và chân của bạn một cách nhẹ nhàng. Điều này thường được thực hiện trong bệnh viện hoặc tại một cơ sở dành cho những người sống sót sau đột quỵ không thể tự mình di chuyển.
6.4 Dinh dưỡng
Từ từ phục hồi dinh dưỡng và hoạt động thể chất có thể giúp ngăn ngừa teo da, cho phép cơ bắp trở lại kích thước và hình dạng ban đầu của chúng.
Ngoài việc ngăn ngừa teo cơ, những phương pháp này có thể giúp bạn theo nhiều cách khác như cải thiện những cơn đau đầu do áp lực kéo dài lên một bộ phận của cơ thể. Chúng có thể làm giảm cơ hội phát triển cục máu đông có thể phát triển ở cánh tay hoặc chân do thiếu vận động, và chúng có thể giảm thiểu một số dây thần kinh tổn thương và cứng cơ thường xảy ra sau thời gian dài không hoạt động.
Nhiều người đang sống chung với bệnh thần kinh trở nên trầm cảm khi quan sát cơ thể gầy gò của chính mình, nhưng điều quan trọng cần nhớ là tình trạng teo cơ hoàn toàn có thể cải thiện được. Mặc dù các can thiệp cần phải được tiến hành và duy trì trong một thời gian dài như bắt đầu bằng các hoạt động nhẹ hoặc vừa phải, chẳng hạn như đi bộ một vài bước với sự trợ giúp hoặc thậm chí tắm, ban đầu có vẻ mệt mỏi. Nhưng quan trọng là bạn phải giữ được động lực của bản thân.
Một khi bạn cảm thấy sẵn sàng để hoạt động trở lại, sự teo cơ kết hợp với điểm yếu của bệnh có thể là một trở ngại đầy thách thức. Bạn nên xây dựng kỳ vọng của bản thân một cách hợp lý và cải thiện dần dần để tránh sự nản lòng. Phục hồi chức năng là một phần quan trọng bạn nên chắc chắn tận dụng các nguồn lực có sẵn để cải thiện tình trạng sức khỏe cho bản thân mình.
Với hơn 22 năm tuổi nghề, Bác sĩ Mai Anh Kha từng đảm nhiệm vị trí Trưởng khoa và Phó khoa Ngoại - Bỏng tạo hình bệnh viện Trung ương Huế và công tác tại các đơn vị y tế lớn khác như Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Giao thông 5. Hiện tại, đang Bác sĩ Ngoại chấn Thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.
Bài viết tham khảo nguồn: healthline.com, verywellhealth.com
XEM THÊM: