Thuốc Betamethasone 0.5mg dạng bôi là loại thuốc được biết đến với khả năng điều trị nhiều bệnh khác nhau. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu đến bạn đọc một số thông tin về loại thuốc này cũng như một số điều cần lưu ý khi sử dụng.
1. Công dụng của Betamethasone 0.5mg là gì?
Thuốc sẽ được bác sĩ chỉ định trong những bệnh lý về khớp như thấp khớp, bệnh lý nội tiết, collagen, bệnh da liễu, dị ứng, bệnh hệ hô hấp, ung thư và những bệnh đáp ứng tốt với liệu pháp corticosteroid:
- Bệnh lý nội tiết: Suy vỏ thượng thận thận thể tiên phát hoặc thứ phát và một số trường hợp có thể chỉ định dùng phối hợp với mineralo-corticosteroid, viêm tuyến giáp không mưng mủ, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh và tăng canxi máu do ung thư gây ra.
- Bệnh lý về khớp: Viêm khớp vảy nến, viêm mỏm lồi cầu, viêm khớp dạng thấp, viêm mô xơ, viêm bao hoạt dịch cấp và bán cấp, viêm gân, viêm bao gân cấp không đặc hiệu, viêm cơ,.
- Bệnh liên quan đến collagen: Viêm da cơ, lupus ban đỏ toàn thân, bệnh xơ cứng bì.
- Bệnh da liễu: Lichen phẳng, sẹo lồi, vảy nến, lupus ban đỏ dạng đĩa, viêm da tiếp xúc, viêm da tróc vảy, ban đỏ đa dạng (hội chứng Stevens-Johnson).
- Bệnh lý liên quan đến tình trạng dị ứng: Viêm mũi dị ứng, hen phế quản, viêm phế quản dị ứng nặng, viêm da dị ứng, phản ứng quá mẫn với côn trùng.
- Bệnh về mắt: Các bệnh liên quan đến dị ứng mắt hoặc viêm các phần phụ của mắt như viêm giác mạc, viêm kết mạc dị ứng, viêm dây thần kinh thị giác, màng mạc mạch lan tỏa.
- Bệnh hô hấp: Bệnh sarcoidosis triệu chứng, xơ hóa phổi, khí màng phổi.
- Bệnh huyết học: Thiếu máu tán huyết, giảm tiểu cầu nguyên phát hoặc thứ phát ở người lớn, phản ứng truyền máu.
- Bệnh tiêu hóa: Viêm loét trực tràng xuất huyết, viêm gan mạn tự miễn, bệnh lý đại tràng.
- Bệnh ung thư: Được điều trị trong các bệnh bạch cầu và u lympho ở người lớn tuổi và bạch cầu cấp ở trẻ em với vai trò là điều trị tạm thời.
- Bệnh nhân mắc hội chứng thận hư nhằm hạ protein niệu và giảm triệu chứng phù trong hội chứng thận hư không tăng urê huyết tiên phát hoặc do lupus ban đỏ.
2. Dược lực học Betamethasone
Đây là một corticosteroid tổng hợp với tác dụng như một glucocorticoid rất mạnh và kết hợp với tác dụng mineralocorticoid không đáng kể. Ước tính rằng với 0,75 mg betamethasone sẽ có tác dụng chống viêm tương đương với khoảng 5 mg prednisolon. Tác dụng chủ yếu của Betamethasone là kháng viêm, chống dị ứng và chống thấp khớp.
Thuốc được sử dụng với nhiều đường dùng khác nhau như đường uống, tiêm, tiêm tại chỗ, hít hoặc bôi trong việc điều trị các bệnh cần chỉ định dùng corticosteroid, ngoại trừ khi bệnh nhân mắc suy thượng thận thì người ta thường ưa dùng hydrocortison kèm bổ sung fludrocortison. Với đặc điểm có tác dụng mineralocorticoid thấp nên betamethasone thường được chỉ định trong các bệnh lý giữ nước. Betamethasone có tác dụng ức chế miễn dịch khi sử dụng với liều cao.
3. Dược động học Betamethasone
Betamethasone được hấp thu dễ dàng bằng đường tiêu hóa và có khả năng phân bố nhanh chóng đi đến khắp các mô trong cơ thể. Thuốc có thể đi qua hàng rào máu- nhau thai và có thể xuất hiện một lượng nhỏ vào trong sữa mẹ.
Cũng giống như các corticosteroid khác, betamethasone được chuyển hóa chủ yếu ở gan nhưng cũng có thể ở thận và bài xuất vào nước tiểu. Thuốc có tác dụng mạnh hơn so với các corticosteroid tự nhiên khác nhờ chúng có tác dụng chậm hơn và ái lực liên kết protein của chúng thấp hơn.
4. Cách dùng Betamethasone bôi
Khi sử dụng thuốc mỡ Betamethasone dùng tại chỗ với dạng bôi cần lưu ý một số điều sau:
- Rửa tay sạch và lau khô trước khi sử dụng rồi lấy một lượng thuốc vừa đủ
- Bôi một lượng mỏng thuốc lên vùng da cần điều trị và dàn đều ra theo chiều mọc của lớp lông trên da
- Không bôi kem trên vết thương hở
- Sau khi bôi thuốc cần rửa tay sạch trừ khi vùng da bôi thuốc nằm trên tay
- Nếu sử dụng các loại kem khác cần bôi sau khi dùng thuốc 30 phút và hỏi ý kiến bác sĩ để tránh tương tác thuốc. Nếu cần băng vết thương, phải chờ ít nhất 10 phút sau khi bôi betamethasone.
Các thuốc thuộc nhóm steroid nói chung và betamethasone dùng ngoài da nói riêng cần được sử dụng đúng theo chỉ định của bác sĩ để tránh gặp phải các tác dụng phụ của thuốc.
5. Chống chỉ định của Betamethasone 0.5mg
Thuốc có chống chỉ định trong những trường hợp người bị đái tháo đường, loét dạ dày, tâm thần, viêm loét dạ dày tá tràng, các bệnh nhiễm khuẩn và nhiễm virus, người bệnh có tiền sử quá mẫn với betamethasone hoặc các corticosteroid khác hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
Ngoài ra cần thận trọng chú ý một số điều sau đây khi sử dụng Betamethasone nói riêng và nhóm corticosteroid nói chung:
- Cần bắt đầu với liều thấp nhất với mục tiêu kiểm soát được bệnh đang điều trị và giảm liều dần dần từng bước, tránh dừng thuốc đột ngột.
- Một số trường hợp cần thật thận trọng khi dùng đường toàn thân như: Người bệnh suy tim sung huyết, tăng huyết áp, động kinh, đái tháo đường, nhồi máu cơ tim mới mắc, thiểu năng tuyến giáp, glocom, loét dạ dày, loãng xương, suy thận.
- Đối với trẻ em khi sử dụng không đúng cách có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như chậm lớn.
- Corticosteroid có tác dụng ức chế miễn dịch, do đó người sử dụng dễ nhiễm khuẩn hơn nên thường có chống chỉ định trong các trường hợp nhiễm khuẩn cấp không kiểm soát được bằng hóa trị liệu kháng khuẩn thích hợp. Ngoài ra, khi sử dụng thuốc này có thể làm che lấp đi các triệu chứng của bệnh cho đến giai đoạn muộn mới phát hiện. Bệnh nhân mắc lao hoặc nghi mắc lao tiến triển hiếm khi được chỉ định sử dụng corticosteroid trừ khi dùng bổ trợ với thuốc điều trị lao.
- Khi dùng corticosteroid toàn thân làm người bệnh không có khả năng đáp ứng miễn dịch nên có nguy cơ mắc phải thủy đậu, herpes zoster nặng và thậm chí cả bệnh sởi.
- Người đang dùng corticosteroid đường toàn thân không được tiêm các loại vaccine sống ít nhất cả trong 3 tháng sau. Trong trường hợp cần thiết có thể dùng các vaccine chết hoặc vaccine giải độc tố nhưng đáp ứng miễn dịch có thể thấp hơn bình thường.
- Khi người bệnh phải sử dụng corticosteroid trong thời gian kéo dài, cần theo dõi sức khỏe đều đặn. Chú ý bổ sung thêm calci và kali, đồng thời làm giảm lượng natri tiêu thụ trong khẩu phần ăn hàng ngày. Sử dụng thuốc Betamethasone cho trẻ em trong một thời gian quá dài có thể gây các bệnh lý về mắt như đục thủy tinh thể, tổn thương dây thần kinh thị giác hoặc glocom.
- Đối với phụ nữ mang thai cần cân nhắc kỹ giữa lợi ích và nguy cơ đối với cả mẹ và thai nhi. Đã có một số trường hợp mẹ sử dụng corticoid dài ngày dẫn đến trẻ sinh ra nhẹ cân do khả năng ức chế vỏ thượng thận của loại thuốc này.
6. Tương tác thuốc có thể xảy ra khi sử dụng Betamethasone
- Paracetamol: Bệnh nhân có nguy cơ nhiễm độc gan nếu sử dụng kèm với paracetamol liều cao trong thời gian dài do cơ chế cảm ứng các enzyme gan của corticosteroid làm tạo thành một chất chuyển hóa của paracetamol gây độc cho gan.
- Insulin hoặc thuốc điều trị đái tháo đường: Khi sử dụng kèm với các glucocorticoid có thể làm tăng mức đường huyết của bệnh nhân. Do đó cần phải điều chỉnh liều của một trong hai thuốc hoặc đồng thời cả hai.
- Glycosid digitalis: Bệnh nhân có khả năng mắc các rối loạn nhịp tim hoặc gia tăng độc tính của digitalis khi dùng các thuốc này kèm với nhau.
- Estrogen: Người bệnh cần được theo dõi kỹ để tránh các tác dụng không mong muốn của corticosteroid do estrogen có khả năng làm thay đổi quá trình chuyển hóa và khả năng liên kết với protein của thuốc này. Từ đó làm giảm khả năng thải trừ và tăng độ độc tính của glucocorticoid.
Các thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng trong điều trị cần tuân theo chỉ dẫn của các bác sĩ chuyên khoa.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.