Công dụng thuốc Betaloc 50mg

Thuốc Betaloc 50mg được dùng điều trị tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim nhanh, rối loạn chức năng tim nhưng lại có rất nhiều chống chỉ định như hen suyễn nặng, suy tim, block nhĩ độ 2... Vậy để tìm hiểu cụ thể xem thuốc Betaloc 50 mg là thuốc gì? Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc Betaloc 50mg qua bài viết dưới đây.

1. Tác dụng của thuốc Betaloc 50 mg

1.1. Thuốc Betaloc 50mg là thuốc gì?

Thuốc Betaloc 50 là một sản phẩm của AstraZeneca Pharmaceutical Co., Ltd. – Anh, có thành phần chính là Metoprolol thuộc nhóm thuốc chẹn thụ thể beta, thuốc được bào chế dưới dạng viên nén hàm lượng 50 mg.

1.2. Tác dụng của thuốc Betaloc 50 là gì?

Thuốc Betaloc 50mg được bác sĩ kê đơn chỉ định sử dụng trong các trường hợp:

  • Ðiều trị bệnh nhân bị tăng huyết áp: Giúp làm giảm huyết áp, giảm tỷ lệ tăng huyết áp kịch phát và giảm tối thiểu nguy cơ tử vong do bệnh về tim mạch và bệnh mạch vành (kể cả bị đột tử).
  • Dự phòng điều trị cơn đau thắt ngực.
  • Điều trị một số rối loạn nhịp tim nhanh: Nhịp nhanh thất (nhịp nhanh thất, nhịp nhanh kịch phát) hoặc nhịp nhanh trên thất (nhịp nhanh rung nhĩ và cuồng động nhĩ, nhịp nhanh bộ nối).
  • Điều trị duy trì sau cơn nhồi máu cơ tim đã điều trị ổn định.
  • Hỗ trợ điều trị suy tim
  • Điều trị chức năng tim bị rối loạn có kèm đánh trống ngực.

1.2.1. Trong điều trị tăng huyết áp (huyết áp cao)

Thuốc Betaloc 50mg viên nén thuộc về một nhóm thuốc được gọi là thuốc chẹn beta tác dụng kéo dài. Thuốc làm chậm nhịp tim của bạn và giúp tim đập với lực ít hơn. Tác động này làm giảm huyết áp của bạn và giúp giảm nguy cơ bị đột quỵ, đau tim, các vấn đề về tim khác hoặc các vấn đề về thận trong tương lai. Thuốc này cần được dùng thường xuyên để có hiệu quả, vì vậy hãy tiếp tục dùng thuốc ngay cả khi bạn cảm thấy khỏe. Không tự ý ngưng thuốc mà không có ý kiến của bác sĩ

1.2.2. Trong điều trị đau thắt ngực (đau ngực liên quan đến tim)

Thuốc Betaloc 50mg viên nén giúp thư giãn các mạch máu để máu có thể lưu thông dễ dàng hơn xung quanh cơ thể bạn và đảm bảo rằng tim của bạn được cung cấp đầy đủ oxy. Điều này giúp bạn ít bị đau ngực do cơn đau thắt ngực hơn. Thuốc Betaloc có thể giúp tăng cường khả năng tập thể dục và đi lại cuộc sống hàng ngày của bạn dễ dàng hơn bằng cách giảm tần suất các cơn đau thắt ngực. Bạn nên dùng thuốc thường xuyên nhưng cần phải có sự giám sát của bác sĩ để thuốc phát huy tác dụng hiệu quả.

1.2.3. Trong điều trị chứng loạn nhịp tim

Betaloc 50mg viên nén được sử dụng để ổn định nhịp tim (đặc biệt là rung tâm nhĩ). Nó giúp bình thường hóa nhịp tim bất thường, ngăn chặn nó xảy ra ngay từ đầu hoặc làm chậm nhịp tim trong một đợt điều trị.

1.2.4. Phòng ngừa cơn đau tim

Betaloc 50mg viên nén giúp giảm huyết áp và giúp tim bơm máu đi khắp cơ thể dễ dàng hơn. Điều này làm giảm nguy cơ bạn bị đau tim. Thuốc cũng có thể làm giảm nguy cơ tử vong nếu được tiêm ngay sau cơn đau tim. Nên dùng thuốc Betaloc thường xuyên để có hiệu quả, vì vậy hãy tiếp tục dùng thuốc ngay cả khi bạn cảm thấy khỏe. Không tự ý ngưng thuốc mà không có ý kiến của bác sĩ

1.2.5. Phòng ngừa chứng đau nửa đầu

Thuốc Betaloc 50 viên nén giúp thay đổi hoạt động điện trong não, giảm lưu lượng máu trong não của bạn hoặc tăng hoạt động ở một vùng não liên quan đến chứng đau nửa đầu. Bằng cách ngăn ngừa và giảm tần suất các cơn đau nửa đầu, thuốc có thể giúp bạn thực hiện các hoạt động hàng ngày và cải thiện chất lượng cuộc sống.

2. Cách sử dụng của thuốc Betaloc 50mg

2.1. Cách dùng thuốc Betaloc 50mg

Nuốt nguyên viên thuốc, không nghiền nát hay trộn với các hỗn hợp khác. Uống thuốc cùng hoặc ngay sau khi vừa ăn xong, uống thuốc cùng với bữa ăn làm tăng sinh khả dụng của thuốc.

2.2. Liều dùng của thuốc Betaloc 50

2.2.1. Tăng huyết áp

  • Liều dùng khuyến cáo cho bệnh nhân bị tăng huyết áp là 100 đến 200 mg/ngày, chia làm 2 lần vào buổi sáng và buổi tối. Nếu cần, có thể bác sĩ sẽ chỉ định tăng liều hoặc kết hợp với các thuốc điều trị tăng huyết áp khác nhóm khác.
  • Liều điều trị tăng huyết áp dài hạn với Betaloc 50 với liều hàng ngày 100 đến 200 mg đã chứng tỏ có thể giảm tỷ lệ tử vong của bệnh nhân bao gồm cả tử vong do đột quỵ, tai biến tim mạch và biến cố mạch vành trên bệnh nhân tăng huyết áp.

2.2.2. Điều trị dự phòng cơn đau thắt ngực

  • Liều khuyến cáo là 100 - 200 mg/ngày, chia làm hai lần sáng và tối. Nếu cần, có thể kết hợp với các thuốc chống đau thắt ngực khác.

2.2.3. Rối loạn nhịp tim

  • Liều khuyến cáo là 100 - 200 mg/ngày, chia làm hai lần sáng và tối. Nếu cần, có thể kết hợp với các thuốc chống rối loạn nhịp tim khác.

2.2.4. Điều trị duy trì sau nhồi máu cơ tim

  • Điều trị uống dài hạn với Betaloc ở liều 200mg/ngày, chia làm 2 lần uống sáng và tối đã chứng tỏ làm giảm nguy cơ tử vong (kể cả đột tử) và giảm nguy cơ tái nhồi máu cơ tim (kể cả bệnh nhân đái tháo đường).

2.2.5. Rối loạn chức năng tim kèm đánh trống ngực

  • Liều khuyến cáo là 100 mg/ngày, ngày 1 lần vào buổi sáng. Nếu cần, liều có thể tăng lên 200 mg.

2.2.6. Hỗ trợ điều trị suy tim

  • Suy tim độ II: nửa viên mỗi lần, ngày dùng 1 lần, kéo dài 2 tuần, sau đó tăng liều lên 1 viên mỗi lần, dùng tiếp 2 tuần rồi tăng gấp đôi liều tiếp cho đến khi sử dụng liều tối đa là 4 viên mỗi lần.
  • Suy tim độ III hoặc IV: Vẫn với cách tăng liều như trên những liều khởi đầu sẽ là 1/4 viên thuốc mỗi lần sử dụng

2.2.7. Suy chức năng gan

  • Không cần chỉnh liều cho bệnh nhân xơ gan vì metoprolol gắn kết protein huyết tương thấp (5 - 10%). Khi có dấu hiệu suy chức năng gan trầm trọng (ví dụ: bệnh nhân có shunt nối) nên xem xét giảm liều.

2.2.8. Suy chức năng thận và người cao tuổi

  • Không cần chỉnh liều.

2.3. Quá liều

Cần thực hiện chăm sóc bệnh nhân ở các cơ sở y tế có đầy đủ các thiết bị hỗ trợ phù hợp, theo dõi và giám sát.

  • Nếu thích hợp, có thể rửa dạ dày và/hoặc dùng than hoạt tính.
  • Atropin, thuốc kích thích hệ thần kinh giao cảm hoặc máy tạo nhịp tim dùng điều trị triệu chứng nhịp tim chậm và rối loạn dẫn truyền.
  • Đặt nội khí quản và thở máy nên được thực hiện với chỉ định rất rộng. Máy tạo nhịp tim là liệu pháp tùy chọn. Nếu ngừng tuần hoàn do quá liều, có thể cứu chữa bằng các biện pháp hồi sức trong vài giờ.
  • Hạ huyết áp, suy tim cấp tính và sốc được điều trị bằng việc tăng thể tích dịch cơ thể thích hợp, tiêm Glucagon (nếu cần thiết, truyền tĩnh mạch glucagon sau đó), tiêm tĩnh mạch các thuốc kích thích hệ thần kinh giao cảm như Dobutamin, và bổ sung thuốc chủ vận thụ thể α1 khi xảy ra giãn mạch. Có thể xem xét sử dụng dung dịch ion Ca 2+ tiêm tĩnh mạch.
  • Điều trị triệu chứng co thắt phế quản bằng thuốc làm giãn phế quản.

3. Chống chỉ định của thuốc Betaloc 50mg

  • Hen suyễn nặng và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nặng.
  • Bệnh suy tim không được kiểm soát khi điều trị.
  • Sốc do tim.
  • Block nhĩ thất độ 2 hoặc độ 3.
  • Cơn đau thắt ngực Prinzmetal (dạng đơn thuần và đơn trị liệu).
  • Hội chứng nút xoang bệnh lý (bao gồm block nút xoang).
  • Nhịp tim chậm (< 45 - 50 lần/phút).
  • Hiện tượng Raynaud nặng và bệnh động mạch ngoại vi nặng.
  • U tế bào ưa crôm của tuyến thượng thận không điều trị.
  • Hạ huyết áp.
  • Nhạy cảm với Metoprolol.
  • Có tiền sử bị phản ứng phản vệ.
  • Không khuyến cáo dùng thuốc cho phụ nữ đang cho con bú.

4. Lưu ý khi sử dụng của thuốc Betaloc 50mg

  • Không đột ngột ngừng thuốc ở những bệnh nhân bị đau thắt ngực: Việc dừng thuốc đột ngột có thể gây ra nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim nặng hoặc đột tử.
  • Thành phần của thuốc có chứa Lactose: Nên những bệnh nhân bị bệnh di truyền hiếm gặp về thiếu hụt enzyme Lapp lactase, không dung nạp galactose hoặc kém hấp thu glucose-galactose không nên sử dụng thuốc Betaloc
  • Không khuyến cáo dùng thuốc này phối hợp với Fingolimod, Diltiazem và Verapamil, phụ nữ đang trong thời kỳ cho con bú.
  • Tránh ngưng thuốc đột ngột, đặc biệt với những bệnh nhân bị bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ. Mà nên giảm liều từ từ trong khoảng thời gian từ một đến hai tuần. Cùng thời điểm nên bắt đầu áp dụng phương pháp điều trị thay thế (trong toàn bộ thời gian ngừng thuốc từ từ), nếu cần thiết, để ngăn ngừa sự trầm trọng hơn của cơn đau thắt ngực.
  • Đối với người mắc hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính:
    • Chỉ dùng thuốc ức chế beta trong trường hợp nhẹ bằng cách lựa chọn thuốc ức chế chọn lọc beta-1 với liều khởi đầu thấp. Trước khi bắt đầu điều trị, khuyến cáo nên thực hiện các thử nghiệm về chức năng hô hấp.
    • Trường hợp xuất hiện cơn hen ác tính và đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính trong quá trình điều trị, có thể sử dụng thuốc giãn phế quản đồng vận beta.
  • Đối với người suy tim: Ở bệnh nhân suy tim được kiểm soát bằng điều trị và trong những trường hợp cần thiết, có thể dùng Metoprolol với liều tăng từ từ dưới sự giám sát y khoa chặt chẽ.
  • Người bị nhịp tim chậm: Nên giảm liều nếu nhịp tim < 50 - 55 nhịp/phút lúc nghỉ ngơi và bệnh nhân có những triệu chứng của nhịp tim chậm.
  • Người mắc Block nhĩ thất độ 1: Thận trọng dùng thuốc ức chế beta cho bệnh nhân block nhĩ thất độ 1 vì làm giảm vận tốc dẫn truyền của nút nhĩ-thất.
  • Người bị đau thắt ngực Prinzmetal: Các thuốc chẹn beta có thể làm tăng số lần và khoảng thời gian của cơn đau thắt ngực trên bệnh nhân đau thắt ngực Prinzmetal. Ở dạng phối hợp và quy mô nhỏ, có thể dùng đồng thời thuốc ức chế beta 1 chọn lọc lên tim với một thuốc giãn mạch.
  • Rối loạn động mạch ngoại biên: Ở bệnh nhân rối loạn động mạch ngoại biên (hội chứng hay bệnh Raynaud, viêm động mạch hay bệnh tắc động mạch chi dưới mãn tinh) thuốc ức chế beta có thể làm tăng thêm những rối loạn này. Trong những trường hợp này, nên sử dụng thận trọng thuốc ức chế beta chọn lọc lên tim có hoạt tính chủ vận một phần.
  • Bệnh nhân bị u tế bào ưa crôm của tủy thượng thận: Theo dõi chặt chẽ huyết áp khi sử dụng thuốc ức chế beta trong điều trị tăng huyết áp, do quá trình điều trị u tế bào ưa crôm của tủy thượng thận gây ra.
  • Người cao tuổi: Tuyệt đối tuân thủ chống chỉ định của thuốc. Khởi đầu điều trị với liều thấp và kiểm soát chặt chẽ.
  • Người bị suy chức năng gan: Không có dữ liệu về dược động học của Metoprolol trên bệnh nhân suy gan hay suy thận bị suy tim mãn tính. Vì vậy, cần tuyệt đối thận trọng khi tăng liều ở những bệnh nhân này.
  • Người bị xơ gan: Sinh khả dụng của Metoprolol có thể tăng do độ thanh thải giảm. Trong thực tế, nhịp tim sẽ được kiểm soát để giảm liều nếu nhịp tim chậm xảy ra quá mức (< 50 - 55 nhịp/phút lúc nghỉ ngơi).
  • Người mắc đái tháo đường:
    • Bệnh nhân nên tự kiểm soát lượng đường trong máu để ngăn chặn và duy trì ở giai đoạn đầu của quá trình điều trị.
    • Một số triệu chứng của hạ đường huyết có thể bị che lấp như: nhịp tim nhanh, hồi hộp và đổ mồ hôi.
  • Người bị bệnh vảy nến: Nên cân nhắc cẩn thận khi chỉ định dùng thuốc trên những bệnh nhân này.
  • Người có phản ứng dị ứng: Ở những bệnh nhân có nguy cơ xảy ra phản ứng phản vệ nghiêm trọng, bất kể lý do, đặc biệt khi dùng Floctafenin hay trong suốt quá trình điều trị giảm mẫn cảm, điều trị với thuốc chẹn beta có thể làm nặng thêm phản ứng phản vệ và gây ra đề kháng khi điều trị bằng adrenalin với liều thông thường.
  • Gây mê tổng quát:
    • Thuốc ức chế beta làm giảm nhịp tim nhanh phản xạ và tăng nguy cơ hạ huyết áp. Tiếp tục điều trị với thuốc ức chế beta sẽ làm giảm nguy cơ loạn nhịp tim, thiếu máu cục bộ cơ tim và tăng huyết áp. Bệnh nhân nên báo cho bác sĩ gây mê biết đang sử dụng thuốc ức chế beta.
    • Nếu cần thiết phải ngừng điều trị với Metoprolol, ngưng dùng thuốc 48 giờ trước khi gây mê được coi là đủ cho sự tái xuất hiện tính nhạy cảm đối với Catecholamin.

Không được ngưng điều trị với thuốc ức chế beta trong các trường hợp sau:

  • Bệnh nhân bị suy mạch vành nghiêm trọng nên tiếp tục điều trị đến khi phẫu thuật vì có thể xuất hiện rủi ro khi dừng đột ngột thuốc ức chế beta.
  • Trường hợp khẩn cấp hay không thể ngưng dùng thuốc, để bảo vệ bệnh nhân khỏi sự kiểm soát của thần kinh phế vị, cần tái sử dụng đủ Atropin khi tiền hôn mê nếu cần. Khi gây mê nên sử dụng thuốc ức chế cơ tim càng ít càng tốt và nên bù lại lượng máu đã mất.
  • Cân nhắc đến rủi ro của phản ứng quá mẫn.
  • Nên tránh điều trị khởi đầu ngay với Metoprolol cho bệnh nhân sắp được phẫu thuật ngoài tim (non - cardiac surgery).
  • Thuốc có chứa hoạt chất có thể gây ra phản ứng dương tính với các thử nghiệm Doping, vì vậy các vận động viên cần chú ý.

5. Tác dụng phụ của thuốc Betaloc 50mg

Thường gặp

  • Tim mạch: Rối loạn tư thế, chậm nhịp tim, lạnh tay chân và đánh trống ngực.
  • Thần kinh trung ương: Choáng váng, mệt mỏi, nhức đầu.
  • Hô hấp: Khó thở khi gắng sức.
  • Tiêu hóa: Đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, táo bón.

Ít gặp

  • Tim mạch: Block nhĩ thất độ I, phù, triệu chứng suy tim tăng thoáng qua, đau vùng trước tim.
  • Thần kinh trung ương: Dị cảm, chuột rút.
  • Tâm thần: Mất tập trung, ngủ gà hoặc mất ngủ, hay gặp ác mộng, có thể bị trầm cảm,
  • Hô hấp: Co thắt phế quản.
  • Tiêu hóa: Nôn.
  • Chuyển hóa: Gây tăng cân.
  • Da: Nổi ban (dạng mày đay, dạng vẩy nến và sang thương loạn dưỡng da), tăng tiết mồ hôi.

Hiếm gặp

  • Tim mạch: Rối loạn dẫn truyền cơ tim, rối loạn nhịp tim. Rất hiếm gặp: Hoại tử ở những bệnh nhân có rối loạn tuần hoàn ngoại biên nặng trước đó.
  • Tâm thần: Bồn chồn, lo lắng, rối loạn chức năng sinh dục/bất lực. Rất hiếm gặp: Mất trí nhớ, giảm trí nhớ, lú lẫn, ảo giác.
  • Hô hấp: Viêm mũi.
  • Gan: bất thường về xét nghiệm chức năng gan. Rất hiếm gặp: Viêm gan.
  • Hệ cơ xương: Đau khớp.
  • Giác quan: Rối loạn thị giác, khó và/hoặc kích ứng mắt, viêm kết mạc. Rất hiếm khi ù tai, rối loạn vị giác.
  • Da: Rụng tóc, nhạy cảm với ánh sáng, tăng bệnh vẩy nến.

6. Bảo quản thuốc Betaloc 50mg

Bảo quản ở nhiệt độ 30°C ở nơi khô ráo và thoáng mát. Tránh xa tầm tay của trẻ em.

Thuốc Betaloc 50 là thuốc điều tăng huyết áp, đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim ở người lớn. Việc sử dụng Betaloc cần có chỉ định của bác sĩ. Không được tự ý mua và sử dụng để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong quá trình sử dụng, bệnh nhân cần tìm hiểu kỹ thuốc Betaloc là gì, công dụng và cách dùng để việc điều trị được hiệu quả. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy liên hệ ngay bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe