Những loại thuốc uống quá liều gây tử vong

Tử vong do sử dụng thuốc quá liều không phải là vấn đề mới, thậm chí ngày càng có nhiều ca được ghi nhận. Vậy những loại thuốc uống quá liều gây tử vong có phổ biến không? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Quá liều thuốc là gì – Nguyên nhân gây quá liều thuốc

Quá liều có thể xảy ra sau khi một người sử dụng một lượng lớn gây độc tính một hoặc nhiều loại thuốc và có thể gây ảnh hưởng đến não và khả năng thực hiện chức năng bình thường của cơ thể. Quá liều thuốc có thể gây tử vong hoặc có thể gây ra một số hậu quả không mong muốn ngắn hạn và dài hạn liên quan đến sức khỏe.

Quá liều có thể do vô ý hoặc tự ý. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ quá liều như.

  • Thiếu dung nạp thuốc hoặc giảm dung nạp với thuốc đang sử dụng khiến người bệnh có khả năng sẽ dùng một lượng thuốc lớn hơn để có đạt được tác dụng mong muốn như ban đầu
  • Vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu sau sang chấn hoặc các rối loạn tâm thần đều có thể làm tăng nguy cơ quá liều thuốc.
  • Trộn lẫn các thuốc hoặc dùng nhiều thuốc đồng thời làm tăng nguy cơ quá liều  
  • Người sống một mình đặc biệt là người cao tuổi, sa sút trí tuệ sử dụng thuốc một mình nguy cơ nhầm lẫn dùng thuốc và không có người theo dõi các dấu hiệu và triệu chứng quá liều nếu có 

2. Các thuốc thường gặp quá liều

Quá liều thuốc có thể xảy ra với bất kì loại thuốc nào. Tuy nhiên những nhóm thuốc sau đây thường hay gặp quá liều và có thể gây hậu quả nghiêm trọng.

2.1 Thuốc kê đơn

  • Thuốc an thần gây ngủ nhóm benzodiazepine như diazepam (Seduxen), bromazepam (Lexomil)
  • Thuốc giảm đau nhóm opiod như morphin, fentanyl miếng dán, tramadol
  • Thuốc điều trị trầm cảm, lo âu
  • Thuốc điều trị chứng tăng động giảm chú ý (ADHD)

2.2 Thuốc không cần kê đơn

  • Thuốc giảm đau hạ sốt paracetamol (Tylenol, Hapacol, Efferalgan,…).

Trên thị trường có rất nhiều thuốc có chứa paracetamol như các loại thuốc điều trị cảm cúm, đau nhức. Paracetamol còn có tên gọi khác là acetaminophen. Do đó cần xem kĩ thành phần hoạt chất của thuốc để tránh dùng quá liều.  

Không nên dùng quá 3 gam paracetamol một ngày. Quá liều paracetamol có thể gây độc tính trên gan hoặc thậm chí tử vong.

  • Dung dịch bù nước và điện giải như Oresol.

Năm 2023, đã có báo cáo bé trai 15 tháng tuổi tại Vĩnh Phúc tử vong khi dùng Oresol pha không đúng tỉ lệ khiến bé bị sốc, co giật, tổn thương não.  

Cần lưu ý trên thị trường có các dạng hàm lượng khác nhau. Dạng 1 gói pha với 1 lít nước và dạng 1 gói pha với 200ml nước. Do đó, cần đọc kĩ hướng dẫn pha trước khi dùng Oresol.

  • Thuốc giảm đau kháng viêm không steroid ibuprofen.

Sử dụng thuốc quá liều có thể gây viêm loét và xuất huyết tiêu hóa nghiêm trọng, suy thận cấp hoặc tử vong.  

  • Siro ho có chứa dextromethorphan, promethazin hay codein

Dextromethorphan và codein là dẫn chất của nhóm opioid có tác dụng ức chế ho nhờ ức chế trung tâm ho ở hành não.  

Promethazin là thuốc kháng histamin thế hệ 1 giúp giảm các triệu chứng cảm cúm ho, hắt hơi, sỗ mũi, dị ứng.  

Siro ho có chứa các thành phần trên khi dùng quá liều đặc biệt ở trẻ em có thể gây ức chế hô hấp do ức chế hệ thần kinh trung ương. Do đó không tự ý dùng siro ho có chứa các thành phần trên cho trẻ dưới 2 tuổi.

Ngoài ra, siro ho do giá rẻ và dễ tiếp cận hơn các loại thuốc giảm đau gây nghiện khác nên thường bị lạm dụng thay thế chất kich thích vì khi sử dụng ở liều cao có thể gây ảo giác.

  • Khác:
    • Thức uống có cồn
    • Các chất kích thích bị cấm như heroin, methamphetamine, cocaine 

Thuốc nhóm opioid là những loại thuốc uống quá liều gây tử vong
Thuốc nhóm opioid là những loại thuốc uống quá liều gây tử vong

3. Các dấu hiệu và triệu chứng của quá liều thuốc

Sử dụng quá liều thuốc có thể gây ra các triệu chứng từ nhẹ đến nặng, có khả năng xảy ra hôn mê hoặc tử vong. Những ảnh hưởng có thể ngắn hạn hoặc dài hạn. Một số triệu chứng gợi ý nghi ngờ quá liều thuốc như:

  • Buồn nôn, nôn nói, tiêu chảy, đau bụng
  • Buồn ngủ, lú lẫn, mất điều hòa
  • Kém/không phản ứng với tiếng ồn khi lay, gọi hay kích thích đau
  • Thay đổi ý thức, lơ mơ, li bì, mất ý thức, hôn mê
  • Môi hoặc đầu ngón tay xanh tím
  • Thở chậm, thở khó, ngưng thở hoặc thở nhanh, thở gấp
  • Nhịp tim nhanh/chậm
  • Kích động, hoang tưởng, hoảng loạn, ảo giác
  • Hành vi hung hăng
  • Động kinh, co giật
  • Tăng/giảm thân nhiệt 

4. Phòng ngừa quá liều thuốc

  • Sử dụng thuốc theo toa của bác sĩ. Chú ý đến liều lượng, số lần dùng trong ngày và đường dùng thuốc
  • Không trộn lẫn các loại thuốc với nhau vì nguy cơ lấy nhầm thuốc
  • Không sử dụng thuốc khi không thể nhận biết đó là loại thuốc gì (do thuốc rớt ra khỏi vỉ, mất nhãn)
  • Để thuốc xa tầm tay của trẻ em
  • Với các đối tượng người cao tuổi, suy giảm trí nhớ, lú lẫn, không để người bệnh tự dùng thuốc một mình. Cần có người thân và người chăm sóc hỗ trợ dùng thuốc.
  • Bệnh nhân trầm cảm có ý định tự tử cần theo dõi sát lượng thuốc của người bệnh  

5. Xử trí quá liều thuốc 

  • Nếu nghi ngờ một người bị quá liều thuốc hãy gọi cấp cứu ngay hoặc đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất
  • Đảm bảo có đủ không khí, nới lỏng quần áo chật cho nạn nhân
  • Trường hợp nạn nhân bất tỉnh hãy nhẹ nhàng để họ nằm nghiêng và hơi nghiêng đầu về phía sau. Điều này giúp tránh hít sặc nếu có nôn ói và giúp hít thở dễ dàng hơn.
  • Cung cấp cho nhân viên y tế biết thông tin tất cả các thuốc nạn nhân đã dùng hay nghi ngờ đã sử dụng trước đó (tên thuốc, số lượng, thời gian dùng). Cầm theo vì thuốc gói thuốc nếu không nhớ được tên thuốc. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe