Thuốc Benoramin được sử dụng trong chống dị ứng và điều trị các triệu chứng quá mẫn, với thành phần chính trong thuốc là Betamethasone và Dexchlorpheniramine. Cùng tìm hiểu chi tiết hơn về dòng thuốc Benoramin này qua bài viết dưới đây.
1. Benoramin là thuốc gì?
Thuốc Benoramin thuộc nhóm thuốc chống dị ứng và dùng trong các trường hợp quá mẫn với thành phần chính là hoạt chất Betamethasone và Dexchlorpheniramine.
Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén đóng gói theo hộp 10 vỉ x 10 viên hoặc đóng theo chai 100 viên, chai 500 viên.
2. Chỉ định dùng thuốc Benoramin
Thuốc Benoramin được sử dụng trong các trường hợp sau:
- Viêm mũi dị ứng
- Nổi mề đay
- Hen phế quản mãn
- Phản ứng phản vệ với thuốc
- Viêm da dị ứng
- Chàm
- Viêm da do tiếp xúc
- Viêm kết mạc dị ứng.
Người bệnh hãy uân thủ sử dụng thuốc theo đúng chỉ định về công dụng, chức năng được ghi trên tờ hướng dẫn sử dụng thuốc Benoramin hoặc tờ kê đơn thuốc của bác sĩ.
3. Liều lượng và cách dùng thuốc Benoramin
Thuốc Benoramin được sử dụng theo đường uống. Người bệnh cần áp dụng chính xác liều dùng của thuốc ghi trên bao sản phẩm hoặc chỉ dẫn từ bác sĩ, dược sĩ. Không tự ý thay đổi cách dùng thuốc và liều dùng.
- Người lớn, trẻ em > 15 tuổi: Liều dùng 1-2 viên x 3-4 lần/ngày.
- Trẻ 8-14 tuổi: liều dùng khởi đầu 1⁄2 -1 viên x 3 - 4 lần/ngày,
- Trẻ từ 3-7 tuổi: liều dùng khởi đầu 1⁄4 -1⁄3 viên x 2-3 lần/ngày.
- Sau đó nên duy trì liều dùng thấp nhất có hiệu quả.
4. Xử trí khi quên liều, quá liều thuốc Benoramin
Trường hợp quá liều
- Khi dùng quá liều thuốc Benoramin cần ngừng uống thuốc và thông báo ngay cho bác sĩ hoặc dược sĩ khi có các biểu hiện bất thường
- Trong trường hợp quá liều có các biểu hiện đe dọa đến tính mạng cần phải cấp cứu hay gọi ngay cho 115- trung tâm cấp cứu để được hướng dẫn và trợ giúp. Người nhà nên mang theo sổ khám bệnh, tất cả đơn thuốc/lọ thuốc mà người bệnh đã và đang dùng cho bác sĩ, từ đó có thể chẩn đoán nhanh và điều trị hợp lý.
Quên một liều thuốc Benoramin
- Thông thường các thuốc kê toa/không kê toa có thể uống trong khoảng từ 1-2 giờ so với quy định trong đơn thuốc. Tuy nhiên, những dòng thuốc có độ nghiêm ngặt về thời gian uống thì có thể uống thuốc sau một vài tiếng khi phát hiện quên. Tuy nhiên, nếu thời gian uống liều đã quên quá xa thời điểm uống liều tiếp theo thì không nên uống bù, vì có thể gây nguy hiểm cho cơ thể. Ngưởi bệnh hãy tuân thủ đúng hoặc hỏi ý kiến bác sĩ trước khi quyết định bù liều hay không.
5. Chống chỉ định dùng thuốc Benoramin
Thuốc Benoramin không được sử dụng trong các trường hợp sau:
- Người bệnh mẫn cảm với Betamethasone và Dexchlorpheniramine hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
- Người bệnh bị nhiễm nấm toàn thân, đang dùng thuốc IMAO, trẻ sơ sinh hoặc trẻ thiếu tháng.
- Người bệnh bị tiểu đường, loét dạ dày, tâm thần, hành tá tràng trong nhiễm khuẩn và nhiễm virus.
6. Tương tác thuốc Benoramin
Dưới đây là một số dòng thuốc khi kết hợp với Benoramin có thể gây ra tình trạng tương tác thuốc.
- Phenobarbital
- Phenytoin
- Rifampin
- Ephedrin
- Thuốc lợi tiểu làm mất kali
- Glycosid tim
- Thuốc chống đông loại coumarin
- Thuốc kháng viêm không steroid.
- Các thuốc IMAO
- Các thuốc kháng histamin khác
- Thuốc chống trầm cảm 3 vòng
- Barbiturat
Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng thuốc Benoramin. Người bệnh hãy liệt kê toàn bộ các loại thuốc đang dùng hoặc bệnh lý mình đang mắc phải cho bác sĩ để có hướng dùng thuốc hợp lý nhất.
7. Tác dụng phụ khi dùng thuốc Benoramin điều trị
Trong quá trình dùng thuốc Benoramin điều trị, người bệnh có thể sẽ gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn như:
- Ngầy ngật, buồn nôn, ợ chua, biếng ăn
- Chóng mặt
- Có thể gặp bứt rứt, suy yếu, khô miệng.
- Nhức đầu, lo âu
- Đa niệu
- Song thị
- Vã mồ hôi
- Tiểu khó, viêm da
- Mất kali và kiềm máu giảm kali
- Giữ nước
- Suy tim sung huyết
- Cao huyết áp
- Hội chứng dạng Cushing
- Ngừng bài tiết ACTH
- Teo vỏ thượng thận
- Giảm dung nạp glucose có hồi phục
- Đái tháo đường
- Kinh nguyệt không đều
- Ức chế sự tăng trưởng của thai và của trẻ nhỏ
- Tăng nhu cầu insulin, thuốc hạ đường huyết ở người đái tháo đường.
Thông thường những tác dụng phụ ngoài ý muốn sẽ mất đi khi ngưng dùng thuốc. Tuy nhiên, nếu gặp tác dụng phụ hiếm gặp chưa có trong tờ hướng dẫn sử dụng, hãy thông báo ngay cho người phụ trách y khoa nếu thấy nghi ngờ về các những tác dụng phụ của thuốc Benoramin.
8. Những lưu ý gì khi dùng thuốc Benoramin?
Trước khi dùng thuốc Benoramin điều trị, cần đọc kỹ một số lưu ý sau đây:
- Nên điều chỉnh liều thuốc khi tình trạng bệnh được giảm bớt hoặc gia tăng, phụ thuộc vào độ đáp ứng riêng biệt của từng người bệnh.
- Nên dùng thuốc ở liều thấp nhất có thể để kiểm tra tình trạng bệnh, nên giảm từ từ trước khi ngừng thuốc.
- Thận trọng khi sử dụng Benoramin cho những trường hợp: viêm loét kết tràng không đặc hiệu (nếu thủng, apxe, nhiễm trùng sinh mủ khác), mất cân bằng về xúc cảm hay khuynh hướng loạn tâm thần.
- Khi dùng thuốc ở liều cao có thể làm tăng tính dễ cảm thụ với nhiễm khuẩn. Thuốc có thể che lấp một vài dấu hiệu của nhiễm trùng và bội nhiễm có thể xuất hiện trong quá trình điều trị.
- Sử dụng thuốc trong thời gian dài có thể dẫn đến đục thủy tinh thể nhất là ở trẻ em, glocom với khả năng tổn thương dây thần kinh thị giác, và có thể thúc đẩy nhiễm trùng thứ phát ở mắt do virus hoặc nấm.
- Thận trọng dùng Betamethasone cho những bệnh nhân bị suy tim sung huyết, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim mới mắc, động kinh, glocom, suy gan. Đối với trẻ em có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn và còn có thể gây chậm lớn.
- Trong trường hợp điều trị thuốc dài hạn, người bệnh cần được theo dõi chặt chẽ đều đặn, có thể bổ sung thêm calci và kali và phải giảm lượng natri.
- Không dùng Benoramin đã quá hạn sử dụng ghi trên hộp, hoặc có dấu hiệu hết hạn như: viên bị ướt, ẩm mốc, bị biến màu.
- Sử dụng Betamethasone trên phụ nữ mang thai và bà mẹ cho con bú cần phải cân nhắc thật kỹ giữa lợi ích và nguy cơ, chỉ sử dụng khi thật cần thiết và hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định sử dụng. Người mẹ đang nuôi con bú nếu dùng nhiều liều corticoid lúc có thai nên theo dõi trẻ sơ sinh về các dấu hiệu suy thượng thận.
- Thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ như ngủ gà và buồn ngủ. Vì thế, thận trọng dùng cho đối tượng làm công việc đòi hỏi độ tập trung cao.
9. Tương tác thuốc Benoramin
Cần nhớ tương tác thuốc với các thuốc khác thường khá phức tạp do ảnh hưởng của nhiều thành phần có trong thuốc. Hẫu hết các nghiên cứu hoặc khuyến cáo đưa ra chỉ yếu là những tương tác phổ biến khi sử dụng. Vì vậy, người bệnh không tự ý áp dụng các thông tin về tương tác thuốc Benoramin.
Cân nhắc sử dụng chung Betamethasone với rượu bia, thuốc lá, những đồ uống có cồn/lên men vì những loại thực phẩm này chứa những tác nhân có thể thay đổi thành phần có trong thuốc. Đọc kỹ tờ hướng dẫn sử dụng hoặc hỏi ý kiến của bác sĩ, dược sĩ để biết thêm chi tiết.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.