Công dụng thuốc Azenmarol

Azenmarol là thuốc điều trị và dự phòng huyết khối, được chỉ định trong các trường hợp nhồi máu cơ tim, bệnh tim gây tắc mạch, huyết khối tĩnh mạch sâu,... Thuốc Azenmarol có nhiều lưu ý và tác dụng phụ, do đó người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ trong thời gian sử dụng thuốc.

1. Azenmarol là thuốc gì?

Azenmarol là một thuốc thuộc nhóm thuốc tim mạch. Thành phần chính của thuốc là Acenocoumarol. Thuốc Azenmarol được bào chế ở 2 hàm lượng là Acenocoumarol 1mg và 4mg. Ngoài ra, còn dưới dạng viên nén và được đóng gói theo vỉ 10 viên.

1.1 Dược lực học của Azenmarol

Acenocoumarol là một dẫn chất coumarin có tác dụng kháng vitamin K. Những dược chất này ức chế enzym vitamin K epoxide reductase, do đó làm ngăn cản quá trình chuyển hóa acid glutamic thành acid gamma-carboxyglutamic của các protein tiền thân của những yếu tố đông máu (II, VII, IX, X).

Bởi vậy, các dẫn chất coumarin kháng vitamin K có tác dụng chống đông máu gián tiếp thông qua cơ chế ngăn cản sự tổng hợp các dạng hoạt động của các yếu tố đông máu II, VII, IX, X trên.

Sau khi acenocoumarol được đưa vào cơ thể theo đường uống, tác dụng của thuốc thường đạt tối đa trong vòng từ 24 đến 48 giờ đối với thời gian prothrombin kéo dài, tùy vào liều dùng. 48 giờ sau khi ngừng thuốc, prothrombin trở về mức trước khi dùng thuốc.

Sau khi được uống vào cơ thể, các dẫn chất coumarin kháng vitamin K sẽ gây hạ prothrombin máu trong khoảng thời gian từ 36 đến 72 giờ. Để cân bằng điều trị bằng thuốc kháng vitamin K cần thời gian nhiều ngày. Sau khi ngừng sử dụng thuốc, tác dụng chống đông máu có thể kéo dài thêm 2 đến 3 ngày. Tuy không có tác dụng tiêu huyết khối trực tiếp bởi vì không đảo ngược được thương tổn của mô bị thiếu máu cục bộ, nhưng các dẫn chất coumarin kháng vitamin K có thể hạn chế được sự phát triển của các cục huyết khối đã có trước và có thể ngăn ngừa các triệu chứng huyết khối tắc mạch thứ phát.

Acenocoumarol có lợi thế so với wafarin và phenprocoumon là thời gian tác dụng ngắn hơn.

  • Dược động học Azenmarol

Acenocoumarol được hấp thu khá nhanh qua đường tiêu hoá. Sinh khả dụng của đường uống đạt 60%. Phần lớn đồng phân S(-)-acenocoumarol qua chuyển hóa bước đầu tại gan, trong khi sinh khả dụng của đồng phân R(+)-acenocoumarol là 100%. Acenocoumarol có tỷ lệ gắn với protein huyết tương rất cao (99%). Nồng độ đỉnh của thuốc trong huyết tương thường đạt trong vòng 1-3 giờ. Thể tích phân bố thuốc 0,16 - 0,34 lít/kg.

Acenocoumarol có thể đi qua nhau thai và một phần nhỏ thuốc được phát hiện trong sữa mẹ.

Acenocoumarol bị chuyển hóa ở gan thành các chất chuyển hóa amin và acetamid không có hoạt tính bởi hệ enzym cytochrom P450. Một số chất chuyển hóa khác như diastereoisometric alcohol và chất chuyển hóa hydroxyl cũng có thể có hoạt tính. Các nhà lâm sàng cần biết khả năng một số người bệnh nhạy cảm cao với acenocoumarol do tính đa hình của ty lạp thể ở gan, ở những người bệnh này có thể phải giảm liều.

Thời gian bán thải của acenocoumarol là khoảng 8-11 giờ.

Acenocoumarol đào thải chủ yếu qua nước tiểu ở dưới dạng chuyển hoá và một phần qua phân.

2. Công dụng của thuốc Azenmarol là gì?

Thuốc Azenmarol có tác dụng ngăn ngừa cục máu đông. Vậy nên, thuốc thường được chỉ định trong điều trị các trường hợp sau:

  • Bệnh tim gây tắc mạch: Dự phòng các biến chứng huyết khối gây tắc mạch do rung nhĩ, van nhân tạo, bệnh van hai lá.
  • Bệnh nhồi máu cơ tim: Dự phòng các biến chứng huyết khối gây tắc mạch trong nhồi máu cơ tim, biến chứng như huyết khối trên thành tim, loạn động thất trái gây tắc mạch khi điều trị tiếp thay cho heparin, rối loạn chức năng thất trái nặng. Dự phòng trong điều trị tái phát nhồi máu cơ tim khi không thể sử dụng aspirin.
  • Điều trị người bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu và nghẽn mạch phổi. Dự phòng tái phát khi thay thế tiếp cho liệu pháp heparin.
  • Dự phòng ở bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch, nghẽn mạch phổi trong phẫu thuật khớp háng.
  • Dự phòng khi bệnh nhân có huyết khối trong ống thông.

3. Liều lượng và cách dùng thuốc Azenmarol như thế nào?

Liều lượng thuốc phải được điều chỉnh nhằm đạt mục đích ngăn cản cơ chế đông máu tới mức không xảy ra huyết khối nhưng tránh gây ra tình trạng chảy máu tự phát. Tùy theo đáp ứng điều trị mỗi bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định liều dùng phù hợp.

3.1 Liều uống thông thường

Ngày đầu tiên uống liều 4mg/ngày, ngày thứ 2 uống liều 4 - 8 mg/ ngày.

Liều dùng duy trì của thuốc là từ 1 - 8 mg/ ngày, tùy theo đáp ứng sinh học.

Việc điều chỉnh liều thường tiến hành từng nấc 1 mg.

3.2 Theo dõi sinh học và hiệu chỉnh liều

Xét nghiệm sinh học thích hợp là đo thời gian prothrombin (PT) biểu thị theo tỷ số chuẩn hóa quốc tế INR (International Normalized Ratio). Qua thời gian prothrombin để thăm dò các yếu tố II, VII, X là những yếu tố bị giảm bởi thuốc kháng vitamin K. Yếu tố IX cũng bị giảm bởi thuốc kháng vitamin K, tuy nhiên không sử dụng thời gian prothrombin để thăm dò.

Nếu không dùng thuốc kháng vitamin K thì INR ở người bình thường là 1. Khi sử dụng thuốc đa số trường hợp đích INR cần đạt là 2,5, dao động trong khoảng 2 và 3. Trường hợp INR dưới 2 phản ánh việc dùng thuốc chống đông máu chưa đủ. INR trên 3 là dùng thừa thuốc. INR trên 5 là có nguy cơ gây chảy máu.

3.3 Cách dùng thuốc Azenmarol

Thuốc Azenmarol nên được uống một lần vào cùng một thời điểm mỗi ngày.

3.4 Khi sử dụng quá liều thuốc Azenmarol chúng ta phải làm gì?

Biểu hiện phổ biến nhất của quá liều thuốc Azenmarol là xuất huyết, có thể xảy ra trong vòng 1-5 ngày sau khi uống thuốc. Các triệu chứng xuất huyết có thể nhận thấy: chảy máu mũi, nôn ra máu, ho ra máu, xuất huyết dạ dày-ruột, đái ra máu (với cơn đau quặn thận), xuất huyết dưới da, xuất huyết âm đạo, chảy máu nướu, tụ máu, và chảy máu trong khớp hay rong kinh.

Có thể xuất hiện triệu chứng nhịp tim nhanh, hạ huyết áp, rối loạn tuần hoàn ngoại vi do mất máu, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng.

Đối với những trường hợp quá liều Azenmarol, thông thường bác sĩ sẽ căn cứ vào INR và các dấu hiệu chảy máu để tiến hành các biện pháp điều chỉnh tuần tự để tránh không gây nguy cơ huyết khối. Nếu đã dùng thuốc chống đông máu nhưng không dùng vitamin K, cần xét nghiệm lại INR sau 2 - 3 ngày để đảm bảo rằng INR đã giảm xuống.

Trường hợp ngộ độc do tai nạn, cũng phải đánh giá mức độ nguy hiểm theo INR và biểu hiện biến chứng chảy máu. Phải đo INR 2 - 5 ngày sau đó. Sử dụng vitamin K để hiệu chỉnh tác dụng của thuốc chống đông máu azenmarol.

4. Chống chỉ định trong điều trị bằng thuốc Azenmarol

Một vài chống chỉ định trong điều trị bằng thuốc Azenmarol có thể kể đến như:

  • Những người có tiền sử mẫn cảm với các dẫn chất coumarin hay với bất cứ thành phần nào của thuốc Azenmarol.
  • Những người thiếu hụt vitamin C, viêm màng trong tim do vi khuẩn, loạn sản máu hoặc có bất kỳ rối loạn về máu nào có tăng nguy cơ xuất huyết.
  • Bệnh nhân tăng huyết áp nặng.
  • Bệnh nhân suy gan nặng, đặc biệt khi thời gian prothrombin đã bị kéo dài.
  • Người có nguy cơ chảy máu, mới can thiệp ngoại khoa về thần kinh và mắt hay có khả năng phải phẫu thuật lại.
  • Bệnh nhân tai biến mạch máu não, trừ những trường hợp bị nghẽn mạch ở nơi khác.
  • Người bị suy thận nặng (Clcr < 20 mL/phút).
  • Giãn tĩnh mạch thực quản.
  • Người đang bị loét dạ dày - tá tràng.
  • Không được kết hợp với aspirin liều cao, phenylbutazol, cloramphenicol, diflunisal, thuốc chống viêm không steroid nhân pyrazol, miconazol dùng đường toàn thân, âm đạo.
  • Không dùng thuốc azenmarol trong vòng 48 giờ sau khi sinh.

5. Những thuốc có tương tác với thuốc azenmarol

Rất nhiều loại thuốc có thể tương tác với thuốc kháng vitamin K, vậy nên cần theo dõi người bệnh 3-4 ngày sau khi thay đổi thuốc phối hợp. Không được dùng phối hợp thuốc Azenmarol với các thuốc sau:

  • Aspirin đặc biệt ở liều cao 3g/ngày vì làm tăng tác dụng chống đông máu và nguy cơ chảy máu do ức chế ngưng tập tiểu cầu và gây tách thuốc chống đông máu ra khỏi liên kết với protein huyết tương.
  • Miconazol: Có thể xảy ra tình trạng xuất huyết nặng do tăng dạng tự do trong máu và ức chế chuyển hoá của thuốc kháng vitamin K.
  • Phenylbutazon, vì làm tăng tác dụng chống đông máu nếu kết hợp.
  • Thuốc chống viêm không steroid nhóm pyrazol: Tăng nguy cơ chảy máu do tác dụng ức chế tiểu cầu.

Không nên phối hợp thuốc azenmarol với các thuốc sau:

  • Aspirin với liều dưới 3g/ngày.
  • Các thuốc kháng viêm không steroid.
  • Cloramphenicol: Làm tăng tác dụng của thuốc uống chống đông máu nếu kết hợp do làm giảm chuyển hóa thuốc này tại gan.
  • Diflunisal: Tăng tác dụng của thuốc chống đông máu, do cạnh tranh liên kết với protein huyết tương. Nên dùng thuốc giảm đau khác như paracetamol.

6. Tác dụng không mong muốn (ADR)

  • Các biểu hiện chảy máu là biến chứng thường gặp nhất, có thể xảy ra ở khắp các bộ phận của cơ thể: hệ thần kinh trung ương, các chi, trong ổ bụng, các phủ tạng, trong nhãn cầu,....
  • Một số trường hợp có thể xuất hiện tiêu chảy có thể kèm theo phân nhiễm mỡ, đau khớp riêng lẻ.
  • Hiếm gặp: Rụng tóc, hoại tử da khu trú, mẩn da dị ứng.
  • Rất hiếm gặp: bị viêm mạch máu hay tổn thương gan.

Trên đây là những thông tin quan trọng về thuốc Azenmarol. Bạn cần đọc kỹ hướng dẫn để có cách dùng thuốc an toàn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe