Bài viết được viết bởi ThS.BS chuyên khoa II Phạm Tuyết Trinh - Trưởng Đơn nguyên Nội trú, Trung Tâm Tim Mạch - Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City.
Thuốc chống đông máu (Blood thinner medicine) là thuốc được bác sĩ kê đơn giúp ngăn ngừa tạo thành cục máu đông trong tim và trong lòng mạch máu, tránh được những biến cố như nhồi máu, đột quỵ. Nhưng các thuốc này có thể làm cho bạn khó cầm máu khi bị chảy máu, các vết thương có thể trở nên trầm trọng hơn, thậm chí đe dọa tính mạng. Vậy nếu bạn đang dùng các thuốc này nên chú ý.
Tránh va chạm, tránh ngã: bạn nên tránh các hoạt động thể thao và các hoạt động có thể gây tổn thương cho bạn. Thay vào đó bạn nên đi bộ, bơi, đạp xe đạp. Nên đừng quên sử dụng mũ bảo hiểm khi tham gia bất cứ hoạt động nhỏ nào.
Tuân thủ một lịch trình dùng thuốc chặt chẽ: bạn nên dùng thuốc vào giờ nhất định mỗi ngày vì tình trạng đông máu không ổn định nếu không dùng thuốc đầy đủ. Nên dùng hộp chia thuốc sẵn, hoặc dùng các phương tiện nhắc nhở bạn như dùng smartphone giúp không quên. Nếu lỡ quên, bạn nên uống ngay khi nhớ ra. Nếu bạn quên hẳn một liều của một ngày thì đừng uống gấp đôi liều mà cần hỏi bác sĩ của bạn để quyết định nhé.
Nên hiểu về những thuốc mình đang dùng: bất kể khi bạn dùng một loại thuốc mới nào, kể cả các loại vitamin, các loại thực phẩm chức năng, bạn nên tư vấn bác sĩ hoặc dược sĩ để đảm bảo an toàn khi dùng cùng thuốc chống đông của bạn. Không nên tự ý dùng bất kể thuốc gì vì sự tương tác của thuốc mới với thuốc chống đông bạn đang dùng có thể dẫn tới tác dụng phụ không mong muốn, thậm chí nguy hiểm. Ví dụ bạn uống thuốc giảm đau, thuốc cảm có chứa Aspirin, nó sẽ làm máu của bạn khó đông hơn, do vậy khi bị chảy máu sẽ nguy hiểm.
Cẩn thận khi dùng vật sắc nhọn: khi bạn đang dùng thuốc chống đông thì dù chỉ là vết cắt rất nhỏ cũng có thể trở thành chảy máu lớn. Nên dùng găng tay khi sử dụng dao, kéo, khi làm vườn hoặc khi tiếp xúc với vật sắc nhọn; cần cẩn thận khi cạo râu, không cắt móng tay quá sát da. Khi lỡ bị chảy máu nên tự ép cho đến khi ngừng chảy máu. Cần có trợ giúp y tế ngay nếu không thể tự cầm máu được.
Theo dõi về lượng vitamin K: ăn quá nhiều thực phẩm chứa Vitamin K thì sẽ làm các loại thuốc chống đông kháng vitamin K như Coumadin sẽ kém tác dụng. Một số loại rau như: rau cải, cải bắp, su hào, rau diếp.. chứa nhiều vitamin K, vì vậy nên hạn chế khi sử dụng các loại rau này.
Làm xét nghiệm: khi đang dùng thuốc chống đông, nên định kỳ làm xét nghiệm máu để theo dõi đông máu, kết quả xét nghiệm sẽ giúp bác sỹ điều chỉnh liều thuốc hay thay đổi loại thuốc chống đông cho bạn.
Thông báo y tế: bạn nên thông báo cho nhân viên y tế biết về việc bạn đang dùng thuốc chống đông máu mỗi khi bạn đi khám bệnh và được chỉ định làm bất cứ thủ thuật y khoa gì, hoặc khi bạn nhận được đơn thuốc mới. Bạn cần được đeo vòng định danh y tế, hoặc có thẻ có ghi tên thuốc bạn đang dùng, giữ thẻ trong ví mang theo người, để cho nhân viên y tế dễ nhận biết nếu bạn bị cấp cứu.
Cần chăm sóc răng nhẹ nhàng: nên dùng bàn chải mềm, dùng chỉ nha khoa, khi chữa răng cần báo cho nha sĩ biết bạn đang dùng thuốc chống đông. Cần khám răng định kỳ.
Theo dõi tác dụng phụ của thuốc chống đông: thuốc chống đông có thể gây một số biến chứng (chảy máu chân răng, bầm tím trên da mà không giải thích được, chóng mặt, hành kinh nhiều và kéo dài hơn bình thường, phân, nước tiểu có máu đỏ hoặc nâu). Khi có những biểu hiện này có thể liều thuốc chống đông đang quá cao. Nên theo dõi các biểu hiện trên và báo cho bác sĩ của bạn biết sớm.
Luôn mang theo đồ cầm máu tiện dụng: bạn nên mang theo bên mình vài miếng băng tiện lợi, băng cầm máu phòng khi bạn bị đứt tay, xước xát, bị chảy máu nhỏ, tốt nhất có ít bột cầm máu nhanh trước khi có trợ giúp y tế.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com