Thuốc Aurolex 500 được bào chế dưới dạng viên nang cứng với thành phần chính là Cefalexin. Thuốc được sử dụng trong điều trị nhiều loại bệnh nhiễm khuẩn khác nhau.
1. Aurolex 500 là thuốc gì?
Trong mỗi viên thuốc Aurolex 500mg có chứa cefalexin monohydrate Ph.Eur tương đương 500mg Cefalexin khan cùng một số tá dược: Microcrystalline cellulose, magnesi stearat, natri croscarmellose.
Cefalexin là kháng sinh diệt khuẩn có hoạt tính trên nhiều loại vi khuẩn ưa khí gram âm và gram dương, qua sự ức chế của thuốc đối với sự tổng hợp của thành tế bào khuẩn.
Chỉ định: Thuốc Aurolex 500 được sử dụng trong điều trị các loại nhiễm khuẩn do các vi sinh vật mẫn cảm gây ra như:
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp;
- Viêm tai giữa;
- Nhiễm khuẩn khớp và xương;
- Nhiễm khuẩn đường niệu - sinh dục, bao gồm cả viêm tuyến tiền liệt cấp tính;
- Nhiễm khuẩn răng.
Chống chỉ định: Không sử dụng thuốc Aurolex 500 cho những người bệnh đã biết là bị dị ứng với các thuốc kháng sinh nhóm cephalosporin.
2. Cách dùng và liều dùng thuốc Aurolex 500mg
Cách dùng: Thuốc Aurolex 500mg được sử dụng đường uống.
Liều dùng: Sử dụng thuốc Aurolex 500 theo liều như sau:
- Đối với người lớn:
- Dùng liều 1 - 4g/ngày chia đều thành các liều nhỏ: Hầu hết các loại nhiễm khuẩn đáp ứng với liều dùng 500mg mỗi 8 giờ;
- Đối với nhiễm khuẩn ở da và mô mềm, viêm đường tiết niệu nhẹ và chưa biến chứng, viêm họng do liên cầu khuẩn: Liều thường sử dụng là 250mg cho mỗi 6 giờ hay 500mg cho mỗi 12 giờ;
- Đối với các loại nhiễm khuẩn nặng hơn hoặc do các vi sinh vật kém mẫn cảm hơn gây ra: Có thể cần sử dụng các liều lớn hơn. Nếu cần đến các liều dùng trên 4g/ngày thì cần xem xét sử dụng các cephalosporin đường tiêm;
- Đối với người cao tuổi và người bệnh suy chức năng thận: Nếu chức năng thận bị suy giảm nhiều thì phải thực hiện giảm liều sử dụng tùy theo mức độ suy thận;
- Đối với trẻ em:
- Liều sử dụng hàng ngày cho trẻ em là 25 - 50mg/kg, chia thành nhiều liều nhỏ;
- Đối với nhiễm khuẩn da và các mô mềm, nhiễm khuẩn đường tiết niệu nhẹ và chưa biến chứng, viêm họng do liên cầu khuẩn: Tổng liều thường sử dụng hàng ngày có thể chia thành 2 - 3 lần/ngày. Nên sử dụng các liều như sau cho hầu hết các nhiễm khuẩn khác:
- Trẻ em dưới 5 tuổi: 125mg cho mỗi 8 giờ;
- Trẻ từ 5 tuổi trở lên: 250mg cho mỗi 8 giờ;
- Nếu bị nhiễm khuẩn nặng có thể tăng liều sử dụng lên gấp đôi. Điều trị nhiễm khuẩn viêm tai giữa cần phải sử dụng liều 75 - 100mg/kg/ngày, chia thành 4 lần;
- Để điều trị nhiễm liên cầu khuẩn beta tan huyết: Cần phải sử dụng Cephalexin tối thiểu 10 ngày.
Quá liều và cách xử lý: Khi sử dụng quá liều thuốc Aurolex 500mg, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng như nôn mửa, buồn nôn, khó chịu tại vùng thượng vị, đi tiểu ra máu hoặc tiêu chảy. Trong trường hợp quá liều nghiêm trọng, nên áp dụng các biện pháp hỗ trợ chung, kể cả theo dõi sát sao trên lâm sàng cùng các xét nghiệm huyết học, chức năng gan, thận và tình trạng đông máu cho đến khi bệnh nhân trở lại ổn định. Nếu sử dụng gấp 5 - 10 lần liều thông thường thì cần phải thực hiện rửa dạ dày - ruột. Ngoài ra, có hiện tượng đi tiểu ra máu nhưng không có suy chức năng thận, đã xảy ra với trẻ em vô ý sử dụng trên 3,5g Cefalexin/ngày.
3. Tác dụng phụ của thuốc Aurolex 500
Trong quá trình sử dụng thuốc Aurolex 500, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ như sau:
- Tiêu hóa: Triệu chứng viêm ruột kết giả mạc có thể xảy ra trong hoặc sau khi điều trị bằng kháng sinh, hiếm xuất hiện nôn hay buồn nôn. Tác dụng bất lợi hay gặp nhất là tiêu chảy nhưng rất hiếm khi nghiêm trọng đến mức phải dừng dùng thuốc. Đã thấy các chứng khó tiêu và đau bụng. Hiếm khi xảy ra hiện tượng vàng da ứ mật hay viêm gan;
- Quá mẫn cảm: Có thể xảy ra các phản ứng dị ứng như mày đay, ban đỏ, phù mạch, ban đỏ đa dạng, hoại tử da nhiễm độc, hội chứng Stevens - Johnson. Những phản ứng này thường mất đi khi dừng sử dụng thuốc, mặc dù trong một vài trường hợp có thể cần điều trị hỗ trợ. Đôi khi, phản ứng phản vệ cũng có thể xảy ra;
- Hệ máu và bạch huyết: Tăng bạch cầu ưa eosin, giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu trung tính, thiếu máu tán huyết;
- Các tác dụng phụ khác: Ngứa cơ quan sinh dục và hậu môn, viêm âm đạo, nhiễm nấm Candida cơ quan sinh dục, tăng tiết âm đạo, mệt mỏi, chóng mặt, kích động, đau đầu, ảo giác, lú lẫn, đau khớp, viêm khớp và rối loạn khớp. Hiếm khi xảy ra hiện tượng viêm thận kẽ có thể phục hồi được, đôi khi có tăng nhẹ ALT và AST.
Khi gặp các tác dụng phụ của thuốc Aurolex 500mg, người bệnh nên thông báo cho bác sĩ để được tư vấn về cách xử trí, can thiệp phù hợp nhất.
4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Aurolex 500
Khi sử dụng thuốc Aurolex 500mg, người bệnh cần lưu ý một số điểm như sau:
- Trước khi bắt đầu chỉ định sử dụng Cefalexin, phải tìm hiểu cẩn thận xem người bệnh có tiền sử quá mẫn cảm với các cephalosporin, penicillin hoặc các thuốc khác hay không. Cần lưu ý thận trọng khi chỉ định thuốc Cefalexin cho các bệnh mẫn cảm với penicillin vì có thể xảy ra phản ứng nghiêm trọng (kể cả phản ứng phản vệ) với cả 2 thuốc.
- Viêm ruột kết giả mạc xảy ra đối với hầu hết các kháng sinh phổ rộng, kể cả macrolid, cephalosporin và các penicillin bán tổng hợp. Do đó, cần xem xét chẩn đoán này cho các bệnh nhân bị tiêu chảy khi sử dụng kháng sinh. Viêm ruột kết giả mạc có thể diễn biến từ nhẹ đến nguy hiểm tới tính mạng. Thông thường, viêm ruột kết giả mạc nhẹ sẽ tự mất đi khi dừng sử dụng thuốc. Đối với những trường hợp mức độ từ trung bình đến nặng, cần áp dụng các biện pháp điều trị phù hợp;
- Nếu phát hiện người bệnh có triệu chứng dị ứng với Cefalexin thì cần ngừng dùng ngay và điều trị bằng các thuốc phù hợp. Sử dụng Cefalexin dài ngày có thể dẫn đến quá phát các loại vi sinh vật không mẫn cảm. Việc theo dõi người bệnh là điều rất quan trọng, nếu thấy bội nhiễm trong quá trình điều trị thì cần áp dụng ngay các biện pháp phù hợp;
- Cần thận trọng khi sử dụng Cefalexin cho các người bệnh có biểu hiện suy thận rõ ràng. Cần lưu ý xem xét kỹ lâm sàng và các xét nghiệm vì có thể liều sử dụng an toàn thấp hơn liều dùng thường được chỉ định;
- Khi điều trị bằng các loại kháng sinh nhóm cephalosporin có thể gây kết quả dương tính giả cho thử nghiệm Coomb, nhất là ở đối tượng trẻ sơ sinh có mẹ sử dụng các loại kháng sinh nhóm cephalosporin trước khi sinh;
- Phản ứng dương tính giả với thử nghiệm glucose trong nước tiểu có thể xảy ra đối với dung dịch Benedict hoặc Fehling hay viên thuốc thử sunfat đồng;
- Hiện vẫn chưa rõ tác dụng của thuốc đến khả năng lái xe và điều khiển máy móc nhưng cần cẩn thận vì có thể gây đau đầu, chóng mặt, lú lẫn, ảo giác, kích động;
- Thận trọng khi chỉ định thuốc Cefalexin cho phụ nữ mang thai;
- Cefalexin bài tiết qua sữa tăng lên trong vòng 4 giờ kể từ khi sử dụng liều 500mg Cefalexin; hàm lượng của thuốc đạt cực đại 4 microgam/ml rồi giảm dần và mất hẳn sau 8 giờ từ khi sử dụng thuốc. Cần thận trọng khi sử dụng thuốc Aurolex 500mg cho phụ nữ đang cho con bú.
5. Tương tác thuốc Aurolex 500
Một số tương tác thuốc Aurolex 500mg bệnh nhân cần lưu ý:
- Sử dụng cephalosporin liều cao cùng với các thuốc khác cũng có độc với thận như aminoglycosid hoặc thuốc lợi tiểu mạnh (như acid ethacrynic, furosemid) có thể ảnh hưởng xấu đến chức năng thần kinh;
- Đã có những số liệu cho thấy Cefalexin làm giảm tác dụng của oestrogen trong thuốc tránh thai;
- Cholestyramin gắn với Cefalexin ở ruột làm chậm sự hấp thụ của chúng;
- Probenecid làm gia tăng nồng độ trong huyết thanh và tăng thời gian bán thải của Cefalexin, nhưng không có tác động nhiều tới hiệu quả của thuốc.
Trong quá trình sử dụng thuốc Aurolex 500mg, bệnh nhân cần lưu ý tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ, đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng để đạt hiệu quả cao và tránh được các tác dụng phụ không mong muốn,
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.