Angioscein là một loại thuốc được dùng bằng đường tĩnh mạch để hỗ trợ quá trình chẩn đoán bệnh nhãn khoa. Cùng tìm hiểu công dụng và như lưu ý khi dùng thuốc qua bài viết dưới đây.
1. Công dụng của thuốc Angioscein
Thuốc Angioscein có thành phần hoạt chất là fluorescein, được bào chế dạng thuốc dùng bằng đường tiêm tĩnh mạch.
Thuốc Angioscein là một chất nhuộm màu được dùng trong chẩn đoán đáy mắt và thuốc này chủ yếu được chỉ định trong chụp mạch huỳnh quang chẩn đoán hoặc trong nội soi mạch máu của nền và mạch máu mống mắt. Khi tiêm chất nhuộm màu sẽ khiến cho một số bộ phận của mắt trở nên rõ ràng hơn và dễ chẩn đoán bệnh hơn.
2. Cách sử dụng thuốc Angioscein
Cách dùng:
- Thuốc Angioscein được dùng bằng đường tiêm tĩnh mạch, được tiêm bởi bác sĩ có chuyên môn. Sau khi tiêm khoảng 7 đến 14 giây sẽ xuất hiện sự thay đổi tại mắt.
- Lưu ý: Cần tránh gây ra thoát mạch khi truyền, do dung dịch Angioscein có độ pH cao có thể gây tổn thương mô cục bộ nghiêm trọng (gây đau dữ dội ở cánh tay trong vài giờ, bong tróc da, viêm tĩnh mạch nông). Phải xác định chính xác vị trí tiêm tĩnh mạch của đầu kim. Khi xảy ra hiện tượng thoát mạch, cần phải ngừng tiêm ngay lập tức. Thực hiện các biện pháp thích hợp giúp điều trị những mô bị tổn thương và giảm đau.
Liều dùng: Tùy từng trường hợp mà liều dùng có thể thay đổi. Liều dùng thuốc này được quyết định bởi bác sĩ điều trị.
Khi dùng thuốc có thể xảy ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng được gọi là sốc phản vệ. Sốc phản vệ thường xảy ra sau thời gian ngắn dùng thuốc, cần được chăm sóc y tế ngay lập tức. Các dấu hiệu nghiêm trọng nhất của phản ứng này là thở rất nhanh, thở không đều, khó thở hoặc ngất xỉu. Khi thấy các dấu hiệu bất thường khi dùng thuốc cần thông báo và trợ giúp khẩn cấp ngay lập tức.
3. Angioscein thuốc gây ra tác dụng phụ nào?
Cùng với những tác dụng cần thiết trong việc chẩn đoán bệnh, Angioscein thuốc có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn, gồm:
- Một số tác dụng phụ hiếm gặp: Màu hơi xanh ở da, da lạnh, lo lắng, ho, khó thở, chóng mặt, tim đập nhanh, phát ban và ngứa da, cảm giác lâng châng, thở nhanh, đau, đỏ, sưng hoặc bong tróc da, bọng ở mắt hoặc sưng mí mắt hoặc xung quanh mắt, mặt, môi hoặc lưỡi, đau dữ dội ở cánh tay, tức ngực, ngất, mệt mỏi bất thường. Nếu gặp phải các tình trạng này cần báo ngay với bác sĩ để được tư vấn.
- Một số tác dụng phụ hay gặp: Đau bụng hoặc đau dạ dày, tiêu chảy, buồn nôn và nôn mửa, da và nước tiểu vàng. Những tác dụng phụ này thường mất đi sau một thời gian. Nhưng nếu bạn nhận thấy kéo dài hay ảnh hưởng tới cơ thể cần bao cho bác sĩ.
Các tác dụng phụ khác không được liệt kê ở trên cũng có thể xảy ra ở một số bệnh nhân. Nếu bạn nhận thấy bất kỳ bất thường nào, hãy nói với bác sĩ để được tư vấn hợp lý.
4. Những lưu ý khi sử dụng thuốc Angioscein
Không dùng thuốc này nếu bạn có tiền sử dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc. Không được tiêm dung dịch vào dịch não tủy hay động mạch. Người dưới 18 tuổi do các nghiên cứu thích hợp được thực hiện cho đến nay không chứng minh được các vấn đề bệnh lý cụ thể ở trẻ em mà cần phải sử dụng đến loại thuốc này để chẩn đoán bệnh.
Trước khi sử dụng thuốc bạn cần thông báo với bác sĩ về tiền sử dị ứng với thực phẩm, thuốc nhuộm hoặc thuốc, tiền sử bệnh hen suyễn, vì thể làm tăng nguy cơ tái phát phản ứng dị ứng.
Đối với phụ nữ có thai: Không đủ dữ liệu về tác động của thuốc fluorescein đến thai nhi. Tuy nhiên, không thể loại trừ những nguy cơ rủi ro tiềm ẩn. Tốt nhất để đảm bảo an toàn không nên sử dụng thuốc cho phụ nữ có thai.
Đối với phụ nữ cho con bú: Do không có nghiên cứu đầy đủ ở phụ nữ để xác định rủi ro cho trẻ sơ sinh khi sử dụng thuốc này trong thời kỳ cho con bú. Cân nhắc lợi ích so với những rủi ro có thể xảy ra trước khi dùng thuốc này khi cho con bú.
Không nên chụp Xquang chẩn đoán sau đó 36 giờ vì có thể gây ra các chẩn đoán sai.
Tương tác: do thuốc có thể gây tương tác với các thuốc khác, đặc biệt là thuốc chẹn beta giao cảm, vì tăng nguy cơ ảnh hưởng tới hệ tim mạch và hô hấp, nhất là những người có tiền sử bệnh.
Trên đây là một số thông tin về tác dụng của thuốc Angioscein, nếu bạn còn điều gì thắc mắc nên hỏi bác sĩ trước khi sử dụng thuốc.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.