Thuốc Alfazole là thuốc gì? Cùng tra cứu thông tin về Alfazole như: công dụng, liều lượng, lưu ý khi sử dụng, tác dụng phụ.... ở bài viết dưới đây của Vinmec.
1. Thông tin chung về thuốc Alfazole
Alfazole thuộc nhóm thuốc trị ký sinh trùng, có tác dụng kháng nấm, virus và chống nhiễm khuẩn. Thuốc có thành phần chính là Cefazolin ở dạng Cefazolin Natri hàm lượng 1g. Alfazole được bào chế ở dạng bột pha tiêm, hình thức đóng gói hộp 10 lọ x1g. Đơn vị chịu trách nhiệm sản xuất Alfazole là Schnell Biopharmaceuticals, Inc - Hàn Quốc.
2. Thuốc Alfazole có tác dụng gì?
Alfazole thường được chỉ định sử dụng trong các trường hợp như:
- Nhiễm khuẩn phế quản, tai mũi họng, phổi, tiết niệu sinh dục;
- Nhiễm khuẩn máu;
- Viêm màng trong tim;
- Nhiễm khuẩn thanh mạc, răng miệng, xương khớp, ngoài da;
- Chỉ định điều trị ở một số trường hợp nhiễm khuẩn máu và viêm nội tâm mạc;
- Chỉ định điều trị ở một số trường hợp nhiễm khuẩn tiết niệu sinh dục và đường mật.
Alfazole còn được chỉ định điều trị dự phòng trong phẫu thuật. Bởi nó có thể làm giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn hậu phẫu ở những bệnh nhân đang trải qua cuộc phẫu thuật có nguy cơ nhiễm khuẩn cao, hoặc phẫu thuật ở chỗ có thể xảy ra nhiễm khuẩn hậu phẫu đặc biệt nghiêm trọng.
Không sử dụng thuốc cho người bị phản ứng quá mẫn với cephalosporin hoặc thuốc gây tê tại chỗ.
3. Liều lượng khuyến cáo và cách dùng Alfazole
Alfazole được dùng tiêm chậm vào tĩnh mạch khoảng 3 - 5 phút, tiêm bắp sâu, tiêm truyền tĩnh mạch.
- Liều áp dụng cho người trưởng thành: Mỗi lần từ 0,5 - 1 g, các lần cách nhau 6 - 12 giờ, liều tối đa thường dùng là 6g/ngày. Một số trường hợp nhiễm khuẩn nặng có nguy cơ tử vong được dùng đến 12g/ngày.
- Liều cho trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi: Mỗi lần 20mg/số cân nặng, các liều cách nhau 8 - 12 giờ. Hiện nay, tính an toàn của thuốc đối với trẻ sinh non dưới 1 tháng tuổi chưa được nghiên cứu, do đó, không khuyến cáo sử dụng thuốc cho trường hợp này.
- Liều cho trẻ sơ sinh trên 1 tháng tuổi: Mỗi lần 25 - 50 mg/số cân nặng, chia làm 3 - 4 lần/ngày. Trường hợp nhiễm khuẩn nặng, liều có thể tăng tối đa là 100 mg/số cân nặng/ngày, chia làm 4 lần/ngày.
- Trường hợp dự phòng nhiễm khuẩn trong phẫu thuật: Liều tiêm 1g trước khi phẫu thuật khoảng nửa tiếng đến 1 tiếng. Nếu phẫu thuật kéo dài có thể tiêm liều tiếp theo 0,5 - 1g. Liều tiêm hậu phẫu là 0,5 - 1g, các lần cách nhau 6 - 8 giờ/1 ngày hoặc trong 5 ngày cho một số trường hợp như ghép cấy các bộ phận chỉnh hình và mổ tim hở.
- Lưu ý giảm liều đối với người bị suy giảm chức năng thận, mức độ giảm liều sẽ phụ thuộc vào chỉ định của bác sĩ cho từng trường hợp.
Cách pha dung dịch tiêm tùy theo cỡ lọ, lọ 1g chỉ nên pha loãng với nước cất tiêm. Lưu ý lắc kỹ thuốc tiêm khi được pha với dung môi.
- Tiêm tĩnh mạch và tiêm bắp: pha theo hướng dẫn của bảng pha loãng ở trong hướng dẫn của thuốc.
- Tiêm truyền tĩnh mạch gián đoạn hoặc liên tục: pha loãng tiếp cefazolin đã pha với 50 - 100ml của một trong các dung môi tương hợp đã ghi ở trong hướng dẫn của thuốc.
4. Tác dụng phụ của Alfazole
- Có khuyến cáo không rõ tỉ lệ chính xác về dị ứng với cefazolin ở người bệnh không bị dị ứng với penicilin.
- Có khuyến cáo về các trường hợp bị hoại tử biểu bì nhiễm độc và nhiều khuyến cáo về ban mụn mủ phát triển toàn thân do cefazolin. Khoảng từ 1 đến 2% tỉ lệ xác thực bị dị ứng chéo lâm sàng giữa penicilin và cephalosporin. Dù vậy, tốt nhất là nên tránh sử dụng cephalosporin trong trường hợp có tiền sử bị sốc phản vệ do penicilin hoặc qua trung gian globulin miễn dịch IgE.
- Đa phần các cephalosporin đều có nguy cơ gây phản ứng từ giảm bạch cầu trung tính đến mất bạch cầu hạt. Các trường hợp này xảy ra đều do liều tích lũy cao trong một đợt điều trị, thường thấy thiếu máu tan máu miễn dịch trong quá trình điều trị với những liều rất cao.
- Cefazolin gây cản trở việc tổng hợp yếu tố đông máu phụ thuộc vitamin K, vì vậy cần lưu ý theo dõi thời gian chảy máu ở người bệnh có nguy cơ như giảm tiểu cầu, tiền sử chảy máu, sử dụng những thuốc ảnh hưởng đến chức năng tiểu cầu.
- Người điều trị bằng cefazolin có thể bị tăng nguy cơ chảy máu khi bị rối loạn chức năng gan, suy thận, tiền sử bệnh dạ dày - ruột và thiếu dinh dưỡng.
- Đã có các báo cáo về trường hợp ngộ độc thần kinh với cefazolin sau khi dùng thuốc đường não thất và toàn thân.
- Khi thử nghiệm trên động vật, cefazolin là loại cephalosporin xếp thứ hai về gây độc hại thận và gây thương tổn tương tự như cephaloridin, tuy nhiên, chưa có chứng minh cụ thể ở trên người.
5. Lưu ý khi sử dụng Alfazole
- Trước khi sử dụng Alfazole cần phải thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ phụ trách tiền sử dị ứng với penicilin, cephalosporin và các loại thuốc khác (nếu có).
- Thuốc sẽ có phản ứng nếu sử dụng cùng với: Probenecid, warfarin, rượu.
- Đã có trường hợp xuất hiện dị ứng chéo một phần giữa cephalosporin và penicilin. Bên cạnh đó, có xảy ra trường hợp sốc phản vệ nghiêm trọng với cả hai loại thuốc này, chính vì vậy, khuyến cáo tránh sử dụng cephalosporin đối với người từng bị sốc phản vệ penicilin hoặc qua trung gian globulin miễn dịch IgE.
- Cần phải ngưng sử dụng thuốc và đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được xử lý bằng một số loại thuốc thường dùng như amin co mạch, adrenalin, corticosteroid và kháng histamin nếu xuất hiện phản ứng mẫn cảm.
- Cần lưu ý thận trọng khi kê đơn những loại kháng sinh phổ rộng đối với người có tiền sử về viêm đại tràng, dạ dày ruột.
- Các vi khuẩn không nhạy cảm có thể phát triển quá mức nếu sử dụng cefazolin trong thời gian dài.
- Lưu ý theo dõi bệnh nhân trong quá trình dùng thuốc, nếu xảy ra bội nhiễm cần có các biện pháp thích hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.