Công dụng thuốc Abemaciclib

Thuốc Abemaciclib được bào chế dưới dạng viên nén, được sử dụng để điều trị bệnh ung thư vú ở người trưởng thành. Sau đây là thông tin chi tiết về công dụng, liều dùng, tác dụng phụ,... của loại thuốc này.

1. Công dụng của thuốc Abemaciclib

Abemaciclib là một chất chống ung thư. Vào năm 2017, FDA đã chấp thuận sử dụng Abemaciclib (tên thị trường là Verzenio) để điều trị ung thư vú. Abemaciclib cũng được sử dụng trong các thử nghiệm nghiên cứu điều trị khối u ác tính, u lympho, tân sinh, u nguyên bào thần kinh đệm và khối u rắn.

Abemaciclib thuốc được chỉ định trong điều trị ung thư vú. Thuốc hoạt động bằng cách làm chậm hoặc ngăn chặn sự tăng trưởng, phát triển của các tế bào ung thư. Một số tác dụng khác của thuốc Abemaciclib không được liệt kê. Bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng thuốc để điều trị một số bệnh lý khác.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Abemaciclib

2.1. Cách dùng

Uống thuốc Abemaciclib cùng hoặc không cùng thức ăn theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, thường là 2 lần/ngày. Người bệnh không nên nhai, nghiền nát hoặc bẻ đôi viên thuốc mà hãy nuốt toàn bộ viên thuốc với 1 ly nước. Bệnh nhân cũng không nên dùng thuốc nếu thuốc bị nứt, vỡ, không còn nguyên vẹn. Nếu bị nôn ra thuốc sau khi uống, bạn không nên dùng liều khác mà hãy dùng liều kế tiếp theo lịch trình quy định.

2.2. Liều dùng cho người lớn bị ung thư vú

  • Với liệu pháp kết hợp: Dùng 150mg, uống 2 lần/ngày;
  • Với đơn trị liệu: Dùng 200mg, uống 2 lần/ngày.

Liều dùng cho trẻ em: Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ em dùng thuốc.

Liều dùng thuốc Abemaciclib kể trên chỉ mang tính chất tham khảo. Tùy tình trạng sức khỏe, bệnh lý của từng bệnh nhân, bác sĩ có thể chỉ định liều dùng phù hợp.

2.3. Quá liều

Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, bệnh nhân nên báo ngay cho bác sĩ, gọi cấp cứu hoặc đến bệnh viện gần nhất. Bệnh nhân cũng nên ghi lại các loại thuốc mình đã dùng và thông báo cho bác sĩ để có cách xử trí thích hợp.

2.4. Quên liều

Nếu quên dùng 1 liều thuốc Abemaciclib, người bệnh nên dùng càng sớm càng tốt. Nếu gần với liều kế tiếp thì bạn có thể bỏ qua liều thuốc đã quên, dùng liều tiếp theo đúng như kế hoạch.

3. Tác dụng phụ của thuốc Abemaciclib

Trong quá trình sử dụng thuốc Abemaciclib, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn như:

  • Buồn nôn, nôn ói, đau bụng, chán ăn, táo bón, mệt mỏi, sụt cân, đau đầu, thay đổi vị giác,... Nếu các triệu chứng này kéo dài hoặc trầm trọng hơn, người bệnh nên báo cho bác sĩ;
  • Tiêu chảy cũng là tác dụng phụ thường gặp khi dùng thuốc Abemaciclib, có thể gây mất nước nghiêm trọng. Khi bị tiêu chảy, người bệnh nên báo ngay cho bác sĩ để được cấp thuốc chống tiêu chảy như loperamide. Người bệnh cũng nên uống nhiều nước để giảm nguy cơ mất nước. Đồng thời, bệnh nhân thông báo ngay cho bác sĩ nếu bị giảm đi tiểu bất thường, khát nước, khô miệng, chóng mặt, nhịp tim nhanh,...;
  • Khi dùng thuốc Abemaciclib, bệnh nhân có thể bị rụng tóc tạm thời. Tuy nhiên, sau khi kết thúc điều trị, tóc sẽ mọc lại bình thường;
  • Người bệnh nên báo ngay cho bác sĩ nếu gặp bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào như: Mệt mỏi bất thường, dễ bị bầm tím hoặc chảy máu (chảy máu mũi hoặc nướu răng, nước tiểu màu hồng hoặc sẫm), có dấu hiệu tổn thương gan (buồn nôn, nôn ói, chán ăn, đau bụng, vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu);
  • Thuốc Abemaciclib có thể làm giảm khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng hoặc khiến tình trạng nhiễm trùng hiện tại thêm nghiêm trọng (hiếm khi tử vong). Người bệnh nên báo cho bác sĩ nếu có bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng nào như sốt, đau họng dai dẳng, ho, ớn lạnh,...;
  • Thuốc Abemaciclib hiếm khi gây ra hiện tượng đông máu (gây thuyên tắc phổi, đau tim, huyết khối tĩnh mạch sâu, đột quỵ). Tuy nhiên, người bệnh có thể bị tăng nguy cơ đông máu nếu bị mất nước nghiêm trọng hoặc tiền sử từng có cục máu đông. Người bệnh cũng có nguy cơ bị cục máu đông nếu sử dụng sản phẩm có chứa estrogen;
  • Bệnh nhân nên gọi cấp cứu ngay nếu có các tác dụng phụ như: Khó thở, thở dốc, đau ngực/hàm/cánh tay trái, lú lẫn, chóng mặt, đổ mồ hôi bất thường, ngất xỉu, đau/sưng/ấm ở vùng háng/bắp chân, đột ngột bị nhức đầu dữ dội, yếu 1 bên cơ thể, khó phát âm, thay đổi thị lực đột ngột;
  • Rất hiếm khi xảy ra phản ứng dị ứng rất nghiêm trọng với thuốc Abemaciclib. Tuy nhiên, nếu nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào như chóng mặt nặng, khó thở, phát ban, ngứa/sưng ở mặt, lưỡi, cổ họng,... thì bệnh nhân nên gọi cấp cứu ngay.

4. Thận trọng khi dùng thuốc Abemaciclib

Trước và trong khi dùng thuốc Abemaciclib, người bệnh nên lưu ý:

  • Thông báo cho bác sĩ nếu bạn bị dị ứng với thành phần có trong thuốc;
  • Báo cho bác sĩ nếu bạn đang hoặc từng mắc các bệnh lý như bệnh gan, vấn đề đông máu (ví dụ như chảy máu dạ dày);
  • Khi dùng thuốc Abemaciclib, bạn không nên tiêm ngừa nếu chưa được bác sĩ đồng ý. Bên cạnh đó, bạn cũng nên tránh tiếp xúc với những người mới được tiêm vắc-xin sống gần đây;
  • Trước khi phẫu thuật, người bệnh nên báo cho bác sĩ hoặc nha sĩ về các loại thuốc mình đang sử dụng, bao gồm cả Abemaciclib;
  • Bạn nên báo cho bác sĩ nếu bạn đang mang thai hoặc dự định có thai. Bạn cũng không nên mang thai trong quá trình sử dụng thuốc Abemaciclib vì có thể gây hại cho thai nhi;
  • Bạn không nên cho con bú khi sử dụng thuốc Abemaciclib ít nhất 3 tuần sau khi ngừng dùng thuốc. Tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho con bú;
  • Thuốc Abemaciclib có thể khiến bạn dễ bị nhiễm trùng hơn hoặc làm trầm trọng thêm bệnh nhiễm trùng bạn đang mắc. Do đó, bạn nên tránh tiếp xúc với những người bị các dạng nhiễm trùng có thể lây lan (thủy đậu, sởi, cúm,...) và xin ý kiến bác sĩ nếu bạn đã tiếp xúc với một tác nhân gây nhiễm trùng;
  • Thuốc Abemaciclib có thể khiến bạn bị chóng mặt. Vì vậy, bạn không nên lái xe, vận hành máy móc hoặc làm bất kỳ điều gì cần tới sự tỉnh táo cho tới khi bạn có thể thực hiện một cách an toàn.

5. Tương tác thuốc Abemaciclib

Một số tương tác thuốc của Abemaciclib gồm:

  • Các loại thuốc có thể ảnh hưởng tới việc loại bỏ Abemaciclib ra khỏi cơ thể, dẫn tới thay đổi cách hoạt động của Abemaciclib. Đó là: Thuốc kháng nấm azole, kháng sinh nhóm macrolid, thuốc ức chế protease HIV, rifamycins, thuốc điều trị co giật, nefadozone, telithromycin,...;
  • Tránh ăn bưởi hoặc uống nước ép bưởi khi sử dụng thuốc Abemaciclib vì bưởi có thể làm tăng nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ với thuốc.

Khi sử dụng thuốc Abemaciclib điều trị ung thư vú hoặc các tình trạng khác, người bệnh nên tuyệt đối tuân thủ mọi chỉ định của bác sĩ. Nếu gặp bất kỳ phản ứng bất lợi nghiêm trọng nào, bệnh nhân nên ngừng thuốc và thông báo ngay cho bác sĩ để nhận được lời khuyên thích hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe