Công dụng của thuốc bôi Permethrin

Thuốc bôi Permethrin được dùng phổ biến trong điều trị bệnh ghẻ, ức chế hoạt động và tiêu diệt chấy, rận, ve/mạt để làm giảm nhiễm trùng cũng như kích ứng da.

1. Thuốc Permethrin có tác dụng gì?

Permethrin là một hoạt chất tổng hợp thuộc nhóm Pyrethrins có chiết xuất tự nhiên từ một số loài thực vật họ Cúc. Hoạt chất này được dùng như một chất để kiểm soát côn trùng và các loài sâu bọ gây hại. Các sản phẩm chứa Permethrin như thuốc muỗi Permethrin Plus, thuốc bôi Permethrin trị bệnh ghẻ đều được sử dụng rộng rãi và mang đến hiệu quả tích cực.

Ngoài ra hoạt chất này còn được sử dụng linh hoạt trong thức ăn chăn nuôi, các khu vườn, vật nuôi, gia súc, cấu trúc và tòa nhà, trên quần áo...

Thuốc bôi Permethrin hoạt động dựa trên cơ chế tê liệt, giết chết ve, mạt, chấy, rận và trứng của chúng, nhờ đó giảm kích ứng và nhiễm trùng da.

Thuốc Permethrin được bào chế dưới dạng kem bôi 5% và thuốc xức 1%.

2. Hướng dẫn sử dụng thuốc Permethrin

Cách sử dụng thuốc bôi Permethrin tương đối đơn giản. Liều dùng Permethrin sẽ được cân nhắc dựa vào mức độ và phạm vi tổn thương của da và một số yếu tố liên quan khác (độ tuổi, khả năng đáp ứng của từng người...).

Do vậy, tốt nhất bạn hãy trao đổi với bác sĩ chuyên khoa da liễu hay dược sĩ để được tư vấn về liều lượng dùng phù hợp. Dưới đây là liều dùng chỉ mang tính chất tham khảo cho người bệnh:

  • Liều bôi thông thường cho người mắc bệnh ghẻ, rận: Bôi kem Permethrin hàm lượng 5% toàn thân và rửa lại sau 8-12 giờ;
  • Liều bôi thông thường cho người mắc bệnh chấy (chí): Bôi thuốc Permethrin vào tóc đang ẩm sạch và gội lại sau 10 phút.

Các bước bôi thuốc:

  • Bước 1: Vệ sinh tay và vùng da cần bôi thuốc sạch và khô mát;
  • Bước 2: Lấy lượng thuốc vừa đủ, bôi một lớp mỏng nhẹ ở vùng da bệnh;
  • Bước 3: Rửa sạch tay với nước rửa tay diệt khuẩn và xà phòng kháng khuẩn.

Lưu ý khác:

  • Không bôi thuốc tại vùng da bị hỏng. Không tắm nước nóng hoặc tắm trước khi bôi thuốc;
  • Kem bôi sẽ thẩm thấu vào da nên bạn không nhất thiết phải bôi quá nhiều lớp cho đến khi thấy rõ kem trên da;
  • Để điều trị bệnh ghẻ, nên để thuốc bôi Permethrin trong ít nhất 8 giờ và rửa sạch bằng nước và xà phòng trong 12 giờ.

Thuốc Permethrin cần được bôi theo hướng dẫn của bác sĩ
Thuốc Permethrin cần được bôi theo hướng dẫn của bác sĩ

3. Tác dụng phụ của thuốc Permethrin

Trong thời gian điều trị, thuốc trị ghẻ Permethrin có thể khiến người dùng gặp một số tác dụng ngoại ý. Một số tác dụng phụ thường gặp của Permethrin bao gồm:

  • Gây cảm giác tê, ngứa ngáy trên bề mặt da tiếp xúc;
  • Da bị châm chích, nổi mẩn đỏ, phát ban nhẹ, đau rát;
  • Xuất hiện tình trạng nóng rát âm ỉ tại vùng da sử dụng thuốc;
  • Mặc dù không phổ biến nhưng trong một số ít trường hợp người dùng vẫn có thể bị dị ứng với Permethrin và có biểu hiện như sưng cổ họng, môi, lưỡi; nổi mẩn ngứa, mề đay...

Không phải ai cũng biểu hiện các tác dụng phụ như danh sách trên. Có thể vẫn có các tác dụng phụ khác chưa được đề cập đầy đủ. Người bệnh nên chủ động tìm đến bác sĩ để được hướng dẫn cách xử lý khi phát hiện.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Permethrin

Một số tình trạng sức khỏe có thể ảnh hưởng đến việc điều trị bằng Permethrin, hãy báo cho bác sĩ nếu bạn đang có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, đặc biệt là da đầu bị viêm nặng - Dùng thuốc bôi Permethrin lên da đầu có thể khiến tình trạng này nặng hơn.

Chống chỉ định dùng thuốc ghẻ Permethrin cho các trường hợp sau:

  • Da bị viêm hoặc rách, có vết thương hở;
  • Mẫn cảm với hoạt chất Permethrin;
  • Phụ nữ đang cho con bú (nếu điều trị cần ngừng cho bú).

Riêng với phụ nữ mang thai, có thể dùng thuốc nhưng cần thận trọng. Tốt nhất bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ da liễu để được hướng dẫn cụ thể.

Do đây là thuốc dạng bôi nên tránh để thuốc dính vào niêm mạc mũi, miệng, mắt và vùng âm đạo. Nếu vô tình để thuốc dính vào những khu vực này, nên nhanh chóng rửa sạch bằng nước càng sớm càng tốt.

Tình trạng ngứa ngáy trên da vẫn có thể kéo dài sau 3-4 tuần (hoặc lâu hơn) sau điều trị. Điều này là bình thường bởi độc tố của ghẻ vẫn có thể còn tích tụ dưới da. Chỉ khi kiên trì dùng thuốc khiến độc tố này được đào thải hết ra ngoài bạn mới hết ngứa.


Người bệnh nên đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng thuốc Permethrin
Người bệnh nên đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng thuốc Permethrin

5. Tương tác thuốc Permethrin

Hiện vẫn chưa có đầy đủ thống kê về tương tác của thuốc Permethrin. Tuy nhiên để phòng ngừa tình trạng này bạn cần lưu ý:

  • Tuyệt đối không dùng chung/kết hợp Permethrin với bất cứ sản phẩm dưỡng da nào khác;
  • Nếu muốn kết hợp với các thuốc điều trị tại chỗ khác cần hỏi ý kiến bác sĩ da liễu;
  • Tránh không tắm trong nước có Clorin hay nước muối;
  • Báo cho bác sĩ về các loại thuốc bạn đang dùng, bao gồm thảo dược, vitamin, thuốc Đông y, kháng sinh...

Nếu sau hơn 2 tuần điều trị bằng Permethrin mà tình trạng ghẻ ngứa có xu hướng nghiêm trọng hơn thì bạn nên báo ngay cho bác sĩ. Lúc này, bác sĩ sẽ cân nhắc việc chỉ định thuốc bôi kết hợp với thuốc uống để kiểm soát bệnh tốt hơn.

Thuốc bôi Permethrin chỉ có công dụng ức chế hoạt động và tiêu diệt ký sinh trùng như chấy, rận, ve/mạt. Vì vậy tốt nhất bạn nên gặp bác sĩ da liễu để được tư vấn thêm về các thuốc làm giảm triệu chứng cơ năng kết hợp. Các thuốc được chỉ định có thể là thuốc làm dịu da, thuốc kháng Histamin hay chống viêm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe