Agaricus là một loại nấm được sử dụng nhiều tại Nhật Bản và Brazil. Loại nấm này có giá trị dinh dưỡng rất cao và hỗ trợ điều trị bệnh ung thư cũng như các tình trạng sức khỏe khác như: Loét dạ dày - tá tràng, viêm dạ dày mãn tính, viêm ruột do virus, viêm miệng mãn tính,...
1. Nấm agaricus là nấm gì?
Nấm Agaricus có tên đầy đủ là Agaricus Blazei Murill, nó được công nhận là một loại nấm thuốc vào những năm 1800. Năm 1960, tiến sĩ Cinden và tiến sĩ Lambert nhận thấy rằng người dân ở vùng Piedate, Sao Paulo, Brazil rất khỏe mạnh và họ có tuổi thọ khá cao. Sau khi tìm hiểu lý do, họ thấy rằng người dân ở đây ăn nấm Agaricus thường xuyên và các nhà nghiên cứu đánh giá rằng công dụng của nấm Agaricus đã ảnh hưởng tới cơ thể người dân ở đây.
Cũng trong năm 1960, một nhà nghiên cứu người Nhật Bản là Takatoshi Fujimoto nhận thấy những tiềm năng và lợi ích của nấm Agaricus nên đã mang chúng về Nhật Bản trồng và nghiên cứu.
Hơn 60 năm sau, nấm Agaricus đã được sử dụng rộng rãi trên thế giới bởi những tác dụng tuyệt vời của nó. Hiện nay, loài nấm này được mệnh danh là vua của các loại nấm.
Thành phần của nấm Agaricus có chứa nhiều loại vitamin và khoáng chất, amino acid cũng như nhiều loại chất chống oxy hóa cực mạnh. Đáng chú ý hơn cả, các nhà khoa học nhận thấy lượng Beta-1-6-D-glucan trong Agaricus nhiều nhất trong các loại nấm. Beta-1-6-D-glucan có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể và chống ung thư rất tốt đã được thế giới công nhận.
Ngoài ra, trong nấm Agaricus còn có các Steroid như là tiền chất vitamin D2 - đây là một hoạt chất cũng có khả năng chống ung thư.
Theo nghiên cứu, trong nấm Agaricus còn chứa đầy đủ các loại acid amin cấu tạo nên protein, bao gồm cả 8 loại acid amin quan trọng: Valin, isoleucin, methionin, threonin, leucin, phenylalanin, tryptophan và lysin.
2. Tác dụng của nấm Agaricus
2.1. Nấm Agaricus có tác dụng phòng chống ung thư
Các chất chống oxy hóa đã được chứng minh có hiệu quả trong việc phòng chống khối u. Nấm Agaricus có chứa rất nhiều các chất oxy hóa như ergothioneine, polysaccharides, polyphenol, glutathione, selen và vitamin. Các chất này có thể có tác dụng thúc đẩy hình thành các kháng thể để tiêu diệt các tế bào xấu, ngăn chặn sự tăng sinh của các tế bào ung thư, bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng và bệnh tật.
Trong nấm Agaricus có chất Beta-Glucan, khi được đưa vào cơ thể sẽ, nó bám vào bề mặt và tương tác với đại thực bào Macrophage và NK để loại bỏ các tế bào, yếu tố lạ trong cơ thể, tạo ra 2 hiệu ứng sau:
- Kích hoạt các tế bào miễn dịch hoạt động ở mức tối ưu.
- Gia tăng số lượng các tế bào miễn dịch, đặc biệt là đại thực bào và các tế bào NK.
Đại thực bào hoạt động mạnh hơn có thể dễ dàng phát hiện để ăn các tế bào lạ, sau đó sẽ di chuyển đến gặp tế bào NK để tế bào này tiêu diệt chúng. Do đó nấm Agaricus có tác dụng ức chế sự hình thành và phát triển của các tế bào ung thư.
Ngoài ra, trong nấm Agaricus còn có flavonoid và axit phenolic là những chất chống oxy hóa gây chết tế bào xấu, ngăn chặn sự tăng sinh, lây lan của tế bào ung thư hiện có trong cơ thể. Qua đó nó có tác dụng ngăn ngừa ung thư hình thành và phát triển.
2.2. Nấm Agaricus có tác dụng kích thích tế bào ung thư tự chết theo chu trình Apoptosis
Mỗi phút, mỗi giờ, trong cơ thể chúng ta có hàng tỷ tế bào chết đi và được thay thế bằng tế bào mới. Sự chết đi của các tế bào này được lập trình sẵn, gọi là chu trình Apoptosis. Chu trình Apoptosis sẽ loại bỏ các tế bào có hại và không cần thiết để đảm bảo sự ổn định trong cơ thể.
Tuy nhiên, các tế bào ung thư lại không bị ảnh hưởng bởi chu trình Apoptosis, nên chúng tồn tại và phát triển rất nhanh chóng. Nhưng, nấm Agaricus đã được chứng minh có khả năng kích hoạt chu trình Apoptosis đối với tế bào ung thư.
Beta Glucan và các hoạt chất khác có trong nấm Agaricus chính là những chất kích thích giúp cơ thể “bật công tắc” kích hoạt quá trình Apoptosis hoạt động, truyền tín hiệu đến thần kinh. Các tín hiệu được truyền đi bao gồm 2 loại là:
- Kích thích thần kinh truyền phát tín hiệu để cơ thể phát hiện ra tế bào ung thư.
- Ngăn chặn, ức chế khối u hình thành, phát triển và di căn.
Qua đó hạn chế sự sinh sản, phát triển của tế bào u và có thể làm giảm hoặc loại bỏ sự di căn của chúng trong cơ thể.
2.3. Nấm Agaricus có tác dụng ngăn chặn ung thư hình thành mạch máu mới
Mạch máu mới hình thành trong khối u có vai trò quan trọng trong việc cung cấp chất dinh dưỡng, oxy nuôi dưỡng khối u. Các mạch máu này còn đóng vai trò như một con đường giúp cho các tế bào ung thư có thể di chuyển đến các tổ chức xa trong cơ thể. Vì vậy, việc ngăn chặn hình thành mạch máu mới ở khối u là điều rất cần thiết để có thể điều trị ung thư.
Năm 2011, nhà nghiên cứu Yoshiyuki Kimura cùng cộng sự đã tiến hành thử nghiệm tác dụng của nấm Agaricus trên chuột để đánh giá khả năng ức chế hình thành mạch máu mới trên tế bào ung thư phổi chuột của loại nấm này.
Thử nghiệm này được tiến hành trên 5 nhóm chuột, bao gồm nhóm 1, 2 là những con chuột không sử dụng chiết xuất nấm Agaricus. Các con chuột ở nhóm 3, 4, 5 lần lượt được cho sử dụng 200 μg/ml, 400 μg/ml, 800 μg/ml chiết xuất nấm Agaricus. Sau một thời gian, các nhà nghiên cứu tiến hành kiểm tra 5 nhóm chuột trên thì thấy khi tăng liều sử dụng dịch chiết nấm Agaricus sẽ làm giảm sự hình thành mạch máu mới.
Qua nghiên cứu này có thể thấy, một tác dụng của nấm Agaricus là ức chế trực tiếp sự hình thành mạch máu mới của khối u, qua đó làm giảm nuôi dưỡng khối u và giảm quá trình di căn.
2.4. Nấm Agaricus có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch
Hệ miễn dịch là một phần quan trọng đối với sức khỏe, hoạt động của hệ miễn dịch thường bị giảm đi do tuổi tác, căng thẳng, mệt mỏi, từ đó dễ gây nên các bệnh khác và làm tăng tình trạng bệnh mà bạn đang mắc phải.
Các tế bào miễn dịch có vai trò tiêu diệt các tác nhân gây bệnh cho cơ thể như vi khuẩn, virus, tế bào ung thư. Bệnh nhân ung thư là một trong những người có hệ miễn dịch rất yếu, điều này khiến nhiều yếu tố gây bệnh rất dễ xâm nhập vào cơ thể để làm cho tình trạng bệnh của họ nặng hơn. Vì vậy, việc tăng cường hệ miễn dịch là điều rất cần thiết với bệnh nhân ung thư.
Nấm Agaricus nổi tiếng với khả năng nâng cao hệ miễn dịch do có phức hợp protein polysaccharide dưới dạng beta-glucans giúp điều chỉnh việc sản xuất các kháng thể, tăng cường sản xuất tế bào tiêu diệt tự nhiên NK và tế bào lympho T, là những tế bào chủ chốt trong hệ miễn dịch cơ thể.
Đặc biệt, nấm Agaricus kích hoạt các tế bào bạch cầu như đại thực bào, bạch cầu hạt, tế bào đuôi gai trong hệ thống miễn dịch bẩm sinh. Đây là một hệ thống phòng thủ tuyến đầu rất quan trọng, có khả năng phát hiện các nguy hiểm và phản ứng, tiêu diệt các phần tử thù địch (ví dụ: vi rút, vi khuẩn, tế bào ung thư).
Một công dụng nữa của nấm Agaricus là giúp điều hòa miễn dịch. Nếu hệ thống miễn dịch của bạn bị kích thích quá mức, chúng có thể tấn công mọi thứ bao gồm cả các mô của chính cơ thể.
Trong trường hợp này, nấm Agaricus lại có tác dụng điều chỉnh hệ thống miễn dịch để phản ứng lại với những kẻ xâm lược một cách có chọn lọc và hiệu quả hơn. Mặt khác, nếu hệ thống miễn dịch bị suy yếu, Agaricus sẽ kích thích và điều chỉnh nó để đối phó với các mối đe dọa một cách chính xác.
2.5. Nấm Agaricus có tác dụng giảm tác dụng phụ của các phương pháp điều trị ung thư
Các phương pháp điều trị ung thư hiện nay như xạ trị, hóa trị thường gây nên tình trạng suy giảm chức năng tạo máu, làm giảm bạch cầu lympho, giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu hạt và ức chế tủy xương,... Vị vậy, bệnh nhân ung thư thường bị thiếu máu, mệt mỏi, buồn nôn, chán ăn, giảm sức đề kháng,... Tình trạng này lại tạo điều kiện khiến các bệnh nhiễm trùng có cơ hội phát triển, làm tăng tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân ung thư.
Năm 1990, có một thí nghiệm đã được tiến hành để kiểm tra khả năng chống nhiễm trùng của Beta Glucan có trong nấm Agaricus trên 34 bệnh nhân ngẫu nhiên. Kết quả thí nghiệm này cho thấy những bệnh nhân sử dụng Beta-Glucan ít xuất hiện các biểu hiện của nhiễm trùng vết thương hơn nhóm bệnh nhân còn lại.
Năm 1980, các nhà khoa học cũng đã chứng minh rằng Beta Glucan trong nấm Agaricus giúp phục hồi đáng kể số lượng tế bào máu sau khi xạ trị. Ngoài ra, hóa trị thường xuyên cũng có thể gây hại cho gan, nấm Agaricus có thể giúp ổn định men gan và bảo vệ gan.
Đặc biệt, Beta Glucan trong nấm Agaricus còn là một chất xơ hòa tan trong nước. Vì vậy nó còn có tác dụng làm tăng nhu động ruột, cải thiện các vấn đề về đường tiêu hóa, giảm tình trạng táo bón ở bệnh nhân ung thư.
Nấm Agaricus cũng là nguồn cung cấp vitamin D2 tự nhiên tuyệt vời cho cơ thể, giúp chống lại loãng xương, gãy xương, giúp xương chắc khỏe.
Tóm lại, sử dụng nấm Agaricus vừa có tác dụng tăng cường sức khỏe người bệnh, vừa có tác dụng làm tăng khả năng chịu đựng của cơ thể trong thời gian điều trị với hóa xạ trị và giảm tác dụng phụ do thuốc gây ra.
2.6. Một số tác dụng khác của nấm Agaricus
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy tác dụng của nấm Agaricus không chỉ dừng lại với bệnh ung thư mà nó còn có tác dụng chống lại nhiều tình trạng rối loạn tiêu hóa bao gồm: Loét dạ dày - tá tràng, viêm dạ dày mãn tính, viêm ruột do virus, viêm miệng mãn tính,...
Ngoài ra, nấm Agaricus còn có tác dụng làm giảm cholesterol máu và lipoprotein gan, giảm xơ vữa động mạch và giảm các nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Nấm Agaricus cũng có tác dụng làm hạ đường huyết, giảm thiểu các biến chứng tim mạch ở bệnh nhân tiểu đường. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng nấm agaricus có chứa hoạt chất cải thiện khả năng sử dụng insulin của cơ thể và làm giảm đề kháng insulin ở người bị bệnh tiểu đường tuýp 2.
Hiện nay, nấm Agaricus đã được sử dụng rộng rãi trên thế giới và được mạnh danh là vua của các loại nấm bởi nó mang lại rất nhiều công dụng trong điều trị bệnh, kéo dài tuổi thọ và tăng cường hệ miễn dịch cho người dùng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.