Tác dụng của thuốc Thioserin

Vấn đề nâng cao sức đề kháng hiện nay đang rất được quan tâm, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh hoành hành. Vì vậy các nhà khoa học đã phát triển rất nhiều hoạt chất có khả năng kích thích và điều hòa hệ miễn dịch, trong đó có chế phẩm thuốc Thioserin.

1. Thuốc Thioserin có thành phần hoạt chất chính là gì?

Thioserin là sản phẩm thuốc có thành phần hoạt chất chính là Thymomodulin, hàm lượng 60mg, được bào chế dưới dạng dung dịch uống, đóng gói theo quy cách 10ml/ống, 20 ống/hộp thuốc. Thuốc Thioserin có thành phần chính là Thymomodulin, đây là một hỗn hợp của các Peptit có khối lượng phân tử thay đổi từ 1kD đến 10kD, là dẫn chất của tuyến ức có khả năng tác động vào chính tuyến ức của cơ thể người – nơi sản sinh các tế bào miễn dịch, thúc đẩy quá trình trưởng thành các tế bào Lympho T, tăng cường số lượng của các tế bào bạch cầu trong cơ thể.

Ngoài ra các Thymomodulin còn giúp tăng nhanh số lượng tế bào Lympho B và đại thực bào, đặc biệt là tế bào Lympho T (tế bào miễn dịch đóng vai trò quan trọng nhất trong hoạt động của hệ miễn dịch), đồng thời Thymomodulin cũng kích thích tủy xương sản sinh ra các kháng thể, tăng cường khả năng tạo thành phức hợp miễn dịch khi có yếu tố lạ xâm nhập và tấn công.

Có thể thấy hoạt chất Thymomodulin có tác dụng làm tăng cường chức năng của hệ miễn dịch, làm giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm virus... thuốc đặc biệt có ý nghĩa đối với bệnh nhân có hệ miễn dịch kém, người mới ốm dậy, trẻ em, người già, người suy giảm miễn dịch mắc phải.

Đối với các bệnh nhân mắc ung thư phải xạ trị khối u, Thymomodulin giúp hạn chế tác dụng phụ của hóa chất trị liệu và tia xạ đến chức năng của tủy xương, làm hạn chế tác dụng phụ của hóa chất, đồng thời kích thích tế bào miễn dịch hoạt động để tiêu diệt tế bào ung thư, hỗ trợ làm nhỏ kích thước khối u. Ngoài ra, việc sử dụng sớm Thymomodulin còn giúp phòng ngừa bệnh ung thư.

Điểm đặt biệt là Thymomodulin không làm tăng quá mức hoạt động của hệ miễn dịch đến mức bệnh lý, Thymomodulin có khả năng giúp điều hòa hoạt động của hệ miễn dịch, làm giảm các triệu chứng của bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp, làm giảm số lượng kháng thể IgE, giảm các phản ứng dị ứng như viêm mũi dị ứng, hen phế quản...

Tóm lại, Thymomodulin là hoạt chất có khả năng điều hòa miễn dịch, tăng sức đề kháng và chống ung thư.

2. Chỉ định của thuốc Thioserin

Thuốc Thioserin được chỉ định sử dụng trong các trường hợp bệnh lý sau đây:

  • Tác dụng của Thioserin là phòng ngừa giảm bạch cầu nguyên phát và thứ phát do tủy xương bị nhiễm độc thuốc;
  • Hỗ trợ điều trị tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn hay virus (như viêm gan, nhiễm khuẩn đường hô hấp) như viêm mũi dị ứng;
  • Dùng trong trường hợp thiếu hụt khả năng thành lập kháng thể, kích thích miễn dịch và giúp thành lập hệ thống miễn dịch: Tăng sức đề kháng, cải thiện triệu chứng cho bệnh nhân HIV/AIDS.
  • Dự phòng tái phát nhiễm khuẩn hô hấp.

Một số tác dụng khác của thuốc Thioserin không được liệt kê trên nhãn thuốc đã được phê duyệt, tuy nhiên bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân dùng, do đó chỉ sử dụng thuốc Thioserin để điều trị một số bệnh lý khác khi có chỉ định của bác sĩ điều trị.

3. Cách dùng và liều dùng của thuốc Thioserin

Thuốc Thioserin được bào chế dưới dạng dung dịch uống, thuốc được chứa trong ống thủy tinh sẫm màu, trước khi sử dụng bệnh nhân nên lắc đều ống chứa thuốc sau đó bẻ đầu ống thuốc thủy tinh, đổ thuốc vào cốc sạch hoặc uống trực tiếp. Nên sử dụng thuốc Thioserin ngay sau khi bẻ ống thuốc. Thuốc Thioserin có thể sử dụng trước, trong hoặc sau bữa ăn.

Trên đầu mỗi ống thuốc Thioserin đều có 2 vạch màu trắng, đây chính là phần dễ bẻ nhất, bạn chỉ cần tác dụng lực lên vị trí này là có thể bẻ được.

Liều dùng của thuốc Thioserin thay đổi theo mục đích sử dụng:

  • Điều trị viêm mũi dị ứng cho cả trẻ em và người lớn: uống 2 ống thuốc Thioserin mỗi ngày chia 2 lần, uống trong 4 tháng.
  • Dự phòng tái phát nhiễm khuẩn hô hấp: uống 2 ống thuốc Thioserin mỗi ngày chia 2 lần, uống trong 4 tháng đến 6 tháng.
  • Hỗ trợ cải thiện triệu chứng lâm sàng cho bệnh nhân HIV/AIDS: uống 1 ống thuốc Thioserin mỗi ngày, uống trong 50 ngày.

4. Tác dụng phụ của thuốc Thioserin

Khi sử dụng thuốc Thioserin có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như sau:

  • Tác dụng phụ của thuốc Thioserin trên hệ tiêu hóa: buồn nôn, tiêu chảy;
  • Tác dụng phụ của thuốc Thioserin trên da: mẩn đỏ, ngứa, ban da, mề đay;
  • Tác dụng phụ của thuốc Thioserin trên thần kinh: Đau đầu, chóng mặt, buồn ngủ.

Khi gặp bất cứ tác dụng phụ của thuốc Thioserin nào, người dùng nên ngưng dùng thuốc và tham khảo ý kiến tư vấn của bác sĩ điều trị.

5. Chống chỉ định của thuốc Thioserin

Chống chỉ định đối với các bệnh nhân quá mẫn với bất cứ thành phần nào của thuốc Thioserin và tá dược.

6. Tương tác của thuốc Thioserin đối với các thuốc khác dùng chung

Thuốc Thioserin có bản chất là các chuỗi peptid mạch ngắn, khối lượng phân tử nhỏ, do đó rất ít gây ra các tương tác bất lợi, thậm chí thuốc còn có khả năng làm tăng tác dụng và giảm tác dụng phụ của các thuốc dùng cùng, đặc biệt là các hóa chất trị liệu trong điều trị ung thư.

7. Chú ý khi sử dụng thuốc Thioserin

  • Người dùng nên tuân thủ đúng mức liều và chế độ liều thuốc Thioserin đã quy định để đảm bảo tác dụng của Thioserin đạt được là tối ưu.
  • Sản phẩm thuốc Thioserin đóng trong ống thủy tinh, do đó khi sử dụng thuốc cho trẻ em cần có sự giám sát của người lớn.
  • Kỹ thuật bẻ thuốc Thioserin cần thực hiện đúng cách, tránh để ống thuốc bị vỡ vụn không thể sử dụng.
  • Thuốc Thioserin dung nạp khá tốt đối với các đối tượng sử dụng, do đó thuốc Thioserin ít khi ghi nhận các trường hợp quá liều khi sử dụng. Các triệu chứng khi quá liều thuốc Thioserin được khuyến cáo thường là ảnh hưởng trên hệ tiêu hóa và thần kinh như: buồn nôn, tiêu chảy, nổi mẩn đỏ, dị ứng, đau đầu, buồn nôn... Khi quá liều cần ngừng thuốc Thioserin và nghỉ ngơi, nếu trở nặng có thể đến các cơ sở y tế gần nhất để có các biện pháp xử trí thích hợp. Quá liều thuốc Thioserin không có thuốc giải độc đặc hiệu, xử trí bằng cách điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng.
  • Chế phẩm thuốc Thioserin nên bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp và nhiệt độ tối ưu là từ 25 độ C đến 30 độ C.

Hi vọng những thông tin trong bài viết trên giúp bạn hiểu rõ hơn về thuốc Thioserin để có cách sử dụng hiệu quả, tránh tác dụng phụ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe