Co thắt động mạch vành là tình trạng trong đó cơ trên thành động mạch vành bị co thắt tạm thời gây nên tình trạng giảm tưới máu đến tim. Điều này xảy ra do một số nguyên nhân, và nó có thể gây ra các triệu chứng, rủi ro nguy hiểm cho sức khỏe tim mạch. Bài viết này nhằm cung cấp thông tin cơ bản và hữu ích về co thắt mạch vành, giúp mọi người hiểu rõ hơn về tình trạng này và cách phòng tránh.
1. Nguyên nhân phổ biến gây co thắt mạch vành
Một số bệnh nhân không có yếu tố nguy cơ tim mạch như mỡ máu cao, huyết áp cao nhưng vẫn có tình trạng co thắt mạch vành. Một số nguyên nhân có thể kích thích cơn co thắt mạch vành như:
- Sử dụng thuốc lá.
- Tiếp xúc với nhiệt độ lạnh.
- Tình trạng căng thẳng cực độ.
- Sử dụng các chất kích thích, như amphetamines hoặc cocaine.
- Sử dụng những loại thuốc có tác động lên mạch máu.
- Thiếu magiê.
- Chứng đau nửa đầu.
- Sau khi thực hiện các thủ thuật liên quan đến tim.
Trong số những tác nhân gây bệnh, hút thuốc lá và sử dụng các chất kích thích có mức độ ảnh hưởng cao nhất. Đặc biệt, hút thuốc lá làm tăng đáng kể nguy cơ bị co thắt động mạch và việc bỏ hút thuốc sẽ làm giảm nguy cơ này. Nhưng đôi khi một cơn co thắt có thể xảy ra mà không có lý do.
2. Triệu chứng của bệnh co thắt động mạch vành
Co thắt mạch vành là một tình trạng tim mạch có thể xuất hiện mà không có dấu hiệu cụ thể nào. Tuy nhiên, trong những trường hợp nặng hơn, nó có thể gây ra cảm giác đau ở ngực. Nhưng chỉ có một số lượng ít người bị đau ngực (khoảng 2%) thực sự là do vấn đề này.
Khi tim không nhận đủ máu sẽ gây đau ngực. Tình trạng này được gọi là đau thắt ngực. Một dạng hiếm của đau thắt ngực, liên quan đến co thắt mạch vành, được biết đến là đau thắt ngực biến thể. Đặc biệt, triệu chứng này thường gặp ở người trẻ không có vấn đề tim mạch và xuất hiện khi trong trạng thái nghỉ ngơi.
Cảm giác đau do co thắt mạch vành thường xuất phát từ vùng dưới xương ức, bên trái ngực. Cơn đau này thường rất mạnh và khiến người bệnh cảm thấy ngực bị ép chặt. Đôi khi, cơn đau này cũng có thể lan ra các khu vực khác như cổ, tay, vai hoặc hàm.
Co thắt động mạch vành thường xảy ra vào lúc ngủ hoặc khi nghỉ ngơi, có thể kéo dài khoảng 30 phút.
3. Các biến chứng có thể xảy ra
Tùy thuộc vào mức độ thiếu máu nuôi tim, bệnh nhân có nguy cơ mắc một số bệnh lý tim mạch khác nhau như rối loạn nhịp thất, suy tim hoặc thậm chí à đột tử.
4. Điều trị và phòng ngừa bệnh
4.1. Điều trị co thắt động mạch vành
Mục tiêu điều trị là ngăn ngừa co thắt và giảm đau ngực. Nếu bạn bị co thắt, sử dụng thuốc nitroglycerin (Nitrostat) sẽ giúp mở rộng động mạch, cải thiện lưu lượng máu và giảm đau ngực. Để ngăn ngừa co thắt lâu dài, bệnh nhân có thể được chỉ định sử dụng những loại thuốc sau:
- Thuốc chẹn kênh canxi như amlodipine (Norvasc), diltiazem (Cardizem) hoặc nifedipine (Procardia), giúp thư giãn động mạch.
- Statin như atorvastatin (Lipitor) hoặc simvastatin (Zocor), làm giảm cholesterol và có thể ngăn ngừa co thắt.
Đôi khi, co thắt mạch vành dẫn đến nhịp tim không đều ở buồng dưới của tim (rối loạn nhịp thất). Nếu bạn bị rối loạn nhịp thất, cần cấy ghép máy khử rung tim (ICD) để ngăn ngừa biến chứng đột tử.
4.2. Phòng ngừa
Nếu bạn có hàm lượng cholesterol cao hoặc các căn bệnh gây yếu tố nguy cơ khác, việc điều trị những tình trạng này có thể làm giảm nguy cơ co thắt. Thay đổi lối sống, ngừng hút thuốc lá đều có thể cải thiện và phòng ngừa tình trạng co thắt mạch vành.
Co thắt động mạch vành là một vấn đề tim mạch không có triệu chứng rõ ràng, nhưng trong một số trường hợp nặng, nó có thể dẫn đến cơn đau ngực nghiêm trọng. Nhận biết sớm và điều trị kịp thời là chìa khóa để quản lý tốt tình trạng sức khỏe này.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.