Hội chứng mệt mỏi mãn tính là tình trạng khá thường gặp và hầu như không có phương pháp điều trị đặc hiệu cho vấn đề này. Việc điều trị chủ yếu được cá nhân hóa, tập trung vào giảm các triệu chứng và phục hồi chất lượng cuộc sống.
1. Kế hoạch điều trị cho hội chứng mệt mỏi mãn tính
Hội chứng mệt mỏi mạn tính là một hội chứng mệt mỏi thay đổi cuộc sống kéo dài > 6 tháng không rõ nguyên nhân và có thể kèm theo một số triệu chứng kèm theo. Nguyên tắc điều trị hội chứng bao gồm: nhận định đúng tình trạng bệnh, điều trị triệu chứng đặc hiệu, liệu pháp nhận thức hành vi và bài tập gắng sức theo cấp độ.
Các phương pháp điều trị hội chứng mệt mỏi mãn tính nhằm giúp thuyên giảm các triệu chứng. Điều trị sẽ được điều chỉnh theo các triệu chứng của từng bệnh nhân. Chẩn đoán sớm, sử dụng thuốc để kiểm soát một số triệu chứng và thay đổi lối sống đều có thể hữu ích. Hội chứng mệt mỏi mãn tính có thể tồn tại trong một thời gian dài và bạn có thể cần phải điều chỉnh thói quen hàng ngày của mình như một phần trong kế hoạch điều trị.
Không có cách quản lý hội chứng mệt mỏi mãn tính duy nhất nào phù hợp với tất cả mọi người, nhưng có một số lựa chọn điều trị. Bệnh nhân nên được áp dụng một kế hoạch điều trị phù hợp với các triệu chứng của mình.
Mặc dù không có thuốc chống mệt mỏi mãn tính đặc hiệu, nhưng có một số loại thuốc kê đơn và không kê đơn có thể làm thuyên giảm các triệu chứng. Bác sĩ sẽ sử dụng một số loại thuốc chống mệt mỏi giúp điều trị những triệu chứng ảnh hưởng nhiều nhất đến cuộc sống hàng ngày của bạn.
2. Một số loại thuốc chống mệt mỏi
2.1 Điều trị vấn đề về giấc ngủ
Một giấc ngủ ngon hơn vào ban đêm có thể giúp bạn cảm thấy bớt mệt mỏi trong ngày. Đầu tiên, đảm bảo bạn có thói quen đi ngủ khoa học như đi ngủ đúng giờ và thức dậy đều đặn, giữ cho phòng ngủ được yên tĩnh, tối và mát mẻ.
Nếu điều trên không giúp cải thiện giấc ngủ, bác sĩ có thể chỉ định một loại thuốc hỗ trợ giấc ngủ không kê đơn, chẳng hạn như thuốc kháng histamine. Mặc dù khi sử dụng các thuốc này có thể giúp bạn ngủ ngon suốt đêm, nhưng nhược điểm là tác dụng của thuốc có thể kéo dài hơn 8 giờ, nghĩa là bạn có thể cảm thấy buồn ngủ suốt cả ngày hôm sau.
Nếu việc uống thuốc ngủ không kê đơn không hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc ngủ kê đơn. Mục tiêu điều trị của các loại thuốc này là giúp bạn ngủ ngon với liều dùng thấp nhất có thể trong thời gian ngắn nhất, không nên sử dụng các thuốc này trong thời gian dài. Một số loại thuốc ngủ kê đơn mà bác sĩ có thể chỉ định như: Eszopiclone, Ramelteon, Zolpidem, Trazodon, thuốc chống trầm cảm, Benzodiazepin.
Tất cả các loại thuốc ngủ kê đơn này có thể gây ra một số tác dụng phụ như buồn ngủ vào ban ngày, chóng mặt và suy giảm trí nhớ - đây cũng là các triệu chứng của hội chứng mệt mỏi mãn tính. Bác sĩ sẽ cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ có thể xảy ra khi sử dụng thuốc để chỉ định sử dụng.
2.2 Thuốc kích thích theo đơn
Một số bệnh nhân hội chứng mệt mỏi mãn tính được kê đơn thuốc kích thích, tương tự như các thuốc dùng để điều trị chứng tăng động giảm chú ý. Những loại thuốc này giúp giảm mệt mỏi, các vấn đề về trí nhớ và làm tăng sự tập trung. Tuy nhiên việc sử dụng các thuốc kích thích kê đơn này ở bệnh nhân có hội chứng mệt mỏi mãn tính cũng rất phức tạp, một số trường hợp có thể khiến tình trạng bệnh nặng hơn. Hơn nữa, các bệnh nhân này thường rất nhạy cảm với bất kỳ loại thuốc nào ảnh hưởng đến não, nên một số bệnh nhân có thể cảm thấy khó chịu và kích động khi dùng thuốc kích thích theo đơn với liều lượng thông thường. Các thuốc này nên được chỉ định với liều lượng thấp bởi các bác sĩ biết cách xử lý các tác dụng phụ của thuốc.
2.3 Thuốc hỗ trợ cơ xương khớp
Một số bệnh nhân bị đau cơ hoặc khớp, bác sĩ có thể chỉ định thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như ibuprofen, aspirin hoặc acetaminophen.
2.4 Điều trị chóng mặt
Một số người mắc hội chứng mệt mỏi mãn tính có triệu chứng chóng mặt hoặc choáng váng khi đứng hoặc ngồi thẳng. Một số thuốc có thể được chỉ định giúp thuyên giảm triệu chứng này: Midodrine, Propranolol.
2.5 Điều trị trầm cảm
Khoảng một nửa số bệnh nhân mắc hội chứng mệt mỏi mãn tính sẽ bị trầm cảm vào một thời điểm nào đó. Thuốc chống trầm cảm có thể được các bác sĩ chỉ định với loại thuốc ít gây ra tác dụng phụ nhất. Một số thuốc chống trầm cảm tricyclic và chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc có thể được chỉ định. Thuốc chống trầm cảm có thể giúp giảm đau và cải thiện giấc ngủ. Thông thường theo quy định bao gồm các thuốc chống trầm cảm Amitriptylin, Desipramine và Nortriptyline. Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin bao gồm Fluoxetine, Paroxetin và Sertraline.
2.6 Một số thuốc chống mệt mỏi mãn tính mới nhất là gì?
Rintatolimod: Thuốc điều hòa miễn dịch và thuốc kháng vi-rút này hiện chỉ được phê duyệt ở Canada và Châu Âu. Mặc dù các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ cho rằng có thuốc này có tương lai hứa hẹn trong điều trị bệnh, nhưng Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cho biết họ không có đủ thông tin về tính an toàn hoặc hiệu quả để phê duyệt.
Rituximab: Phương pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng này gây ra “sự suy giảm tế bào B” trong cơ thể. Các nhà nghiên cứu giải thích rằng các tế bào B có thể là nguyên nhân gây ra hội chứng mệt mỏi mãn tính ở một số người.
Aripiprazole: thuốc thường được sử dụng để điều trị rối loạn lưỡng cực, đây có thể là phương pháp điều trị khả thi cho hội chứng này. Trong một nghiên cứu có quy mô nhỏ, nhiều bệnh nhân tham gia (75/101) nhận thấy có sự thuyên giảm triệu chứng mệt mỏi và sương mù não.
3. Phương pháp điều trị thay thế
Có rất nhiều phương pháp điều trị thay thế cho hội chứng mệt mỏi mãn tính như châm cứu hoặc bổ sung dinh dưỡng, mỗi bệnh nhân có thể được áp dụng các phương pháp khác nhau.
Bác sĩ có thể khuyên bạn nên thử châm cứu, xoa bóp nhẹ nhàng, hít thở sâu, yoga hoặc thái cực quyền . Mục tiêu là tăng cường năng lượng, giảm đau hoặc giảm bớt một số triệu chứng khác. Một số nghiên cứu cho thấy rằng châm cứu có thể làm giảm sự mệt mỏi cả về tinh thần lẫn thể chất và trầm cảm ở những người mắc hội chứng mệt mỏi mãn tính. Một số nghiên cứu phát hiện ra rằng một số kiểu xoa bóp có thể giúp giảm một số triệu chứng như trầm cảm, mệt mỏi, đau và mất ngủ.
- Liệu pháp hành vi nhận thức
Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng liệu pháp hành vi nhận thức có thể làm giảm các triệu chứng. Nếu bạn bị hội chứng mệt mỏi mãn tính mức độ nhẹ hoặc trung bình, bạn nên được áp dụng liệu pháp hành vi nhận thức.
Liệu pháp hành vi nhận thức là một phương pháp điều trị bằng lời nói có thể giúp bạn quản lý bệnh bằng cách thay đổi cách suy nghĩ và hành xử. Liệu pháp này có thể giúp giảm trầm cảm, căng thẳng và lo lắng thường đi kèm với hội chứng mệt mỏi mãn tính.
- Vật lý trị liệu
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng liệu pháp tập thể dục được phân loại có thể giúp giảm các triệu chứng của hội chứng mệt mỏi mãn tính và cải thiện sức chịu đựng. Đây là một hình thức vật lý trị liệu mà khi bắt đầu với rất ít bài tập và sau đó tăng dần các bài tập thêm theo thời gian. Bạn không nên tập thể dục mạnh mà không có sự giám sát như đi tập thể dục hoặc chạy bộ, vì điều này có thể làm cho các triệu chứng của bạn trở nên tồi tệ hơn.
- Thực phẩm bổ sung và chế độ dinh dưỡng
Một điều quan trọng khác trong điều trị hội chứng này là bạn phải có một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng. Chế độ ăn giàu chất béo không bão hòa, tránh chất béo bão hòa và carbohydrate nhanh sẽ phù hợp.
Có thể chỉ định cho người mệt mỏi chán ăn uống thuốc thực phẩm bổ sung, tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc này để loại trừ các tác dụng phụ của thuốc. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng bổ sung NADH, magie hoặc axit béo omega-3 (như dầu cá) có thể có lợi cho bệnh nhân mắc hội chứng mệt mỏi mãn tính.
Lời khuyên cho người bị mệt mỏi là nếu tình trạng này kéo dài người bệnh nên tới các cơ sở y tế để được thăm khám và dùng thuốc theo chỉ định của các bác sĩ chuyên môn để sức khỏe sớm được cải thiện.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.