Có nên cho bé ăn dầu oliu thường xuyên?

Từ lâu, dầu oliu đã được cho là có công dụng rất tốt đối với sức khỏe, da và tóc. Vậy các bậc phụ huynh có nên cho bé ăn dầu oliu thường xuyên không?

1. Dầu oliu có tác dụng gì đối với sức khỏe của trẻ?

Dầu oliu là chất béo thu được từ việc xử lý quả của cây olea europaea (nguồn gốc từ vùng Địa Trung Hải). Dầu oliu nguyên chất được sản xuất bằng phương pháp cơ học, tức là không sử dụng bất kỳ hóa chất nào và không qua các giai đoạn xử lý nhiệt độ.

1.1 Dầu oliu có thành phần dinh dưỡng như thế nào?

1 thìa canh dầu oliu có chứa: 119 calo, 13.5g chất béo, 2g chất béo bão hòa, 1.8mg vitamin E, 8.1mg vitamin K. Ngoài ra, trong dầu oliu còn có axit oleic, axit linoleic, axit palmitic, alpha - linolenic axit, axit stearic.

1.2 Lợi ích khi cho trẻ dùng dầu oliu

Sức khỏe của trẻ luôn là vấn đề được các bậc phụ huynh quan tâm hàng đầu. Dưới đây là một vài lý do giải thích vì sao nên thêm dầu oliu vào chế độ ăn của trẻ:

  • Giảm đáng kể các triệu chứng của hội chứng tăng động giảm chú ý (ADHD): Một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy dầu oliu có thể giúp bé đối phó với các triệu chứng của hội chứng ADHD một cách tốt hơn;
  • Giúp phát triển não bộ: Dầu oliu có chứa nhiều axit Omega, giúp củng cố sự phát triển não bộ của trẻ;
  • Giàu vitamin: Trẻ nhỏ cần được bổ sung đủ vitamin để bắt kịp đà tăng trưởng. Dầu oliu có chứa nhiều loại vitamin như A, B, D, E,... Vitamin A mang đến cho trẻ một đôi mắt khỏe mạnh, các loại vitamin nhóm B giúp não bộ phát triển, vitamin D giúp xương chắc khỏe,...
  • Phòng ngừa bệnh tim mạch và ung thư: Dầu oliu có hàm lượng cao các loại polyphenol - chất chống oxy hóa tự nhiên có tác dụng làm giảm lượng triglyceride trong cơ thể, góp phần duy trì sức khỏe tim mạch. Đồng thời, các polyphenol còn có thể sửa chữa các mô bị tổn thương, làm giảm nguy cơ ung thư;
  • Giúp da và tóc khỏe: Chất chống oxy hóa squalene có trong dầu oliu giúp giữ cho da và tóc của trẻ luôn khỏe mạnh;
  • Giàu calo: Dầu oliu giàu calo, có thể đáp ứng tốt nhu cầu năng lượng hằng ngày của các bé;
  • Giảm nguy cơ béo phì: Một số nghiên cứu cho kết quả là những trẻ em có chế độ ăn chứa dầu oliu sẽ ít bị béo phì hơn (do các loại axit béo có lợi trong dầu oliu).

Với những tác dụng trên, đáp án cho câu hỏi: Có nên cho bé ăn dầu oliu thường xuyên không chính là có.


Giải đáp có nên cho bé ăn dầu oliu thường xuyên?
Giải đáp có nên cho bé ăn dầu oliu thường xuyên?

3. Cho trẻ sử dụng dầu oliu như thế nào?

Có thể cho trẻ sử dụng dầu oliu trong từng giai đoạn khác nhau. Cụ thể là:

3.1 Khi bé còn là bào thai

Khi bé còn trong bụng mẹ, bà bầu có thể sử dụng dầu oliu vì nó an toàn cho thai phụ. Loại dầu này còn chứa vitamin A - một chất chống oxy hóa giúp bảo vệ thai phụ khỏi nguy cơ bị nhiễm trùng trong thời gian mang thai. Đồng thời, vitamin A cũng là loại vitamin giúp bé có đôi mắt khỏe mạnh ngay từ trong bụng mẹ. Đặc biệt, hàm lượng chất béo Omega cao trong dầu oliu cũng giúp cải thiện chiều cao, cân nặng và sự phát triển não bộ của bé, giúp thai nhi phát triển toàn diện.

Lượng vitamin E trong dầu oliu giúp các bà bầu chống lại quá trình oxy hóa để duy trì 1 thai kỳ an toàn, cho bé chào đời khỏe mạnh. Nếu mẹ bầu chịu khó ăn dầu oliu trong thời kỳ mang thai thì em bé sinh ra sẽ phát triển và có phản xạ tâm lý tốt hơn so với những bà bầu không ăn dầu oliu.

Vì vậy, ngay từ khi mang thai, các bà mẹ nên sử dụng dầu oliu trong việc chế biến món ăn hằng ngày, dùng để trộn salad thay cho các loại dầu thông thường. Mỗi ngày bà bầu nên ăn khoảng 10ml dầu oliu.

3.2 Trong giai đoạn trẻ ăn dặm

Khi được 6 tháng tuổi, bé sẽ bắt đầu bước vào thời kỳ ăn dặm. Lúc này, mẹ có thể sử dụng dầu ô liu cho bé ăn dặm bằng cách thêm dầu oliu vào các món ăn của bé. Dầu oliu có chứa Omega-3 và Omega-6 tương tự chất béo có trong sữa mẹ, giúp bé phát triển não bộ, thần kinh, hoàn thiện chức năng dạ dày, ngăn ngừa táo bón và các cơn co thắt dạ dày thường gặp ở trẻ nhỏ. Cha mẹ có thể sử dụng dầu oliu để chế biến thức ăn dặm cho trẻ nhỏ như trộn với cà rốt, khoai tây, bí đỏ nghiền,... Khi bé đã ăn được thức ăn thô, mẹ nên dùng dầu oliu để rán, xào, rưới lên bánh mì thay bơ hoặc cho vào sữa chua để bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho bé.

Có nên cho bé dùng dầu oliu thường xuyên? Câu trả lời là nên, nhưng cần khống chế lượng dùng phù hợp cho bé. Các bé từ 6 - 12 tháng tuổi có thể dùng 10ml - 15ml dầu oliu trong 1 ngày, chia làm 3 bữa/ngày, mỗi bữa không quá 5ml. Với bé từ 1 tuổi trở lên, cha mẹ có thể tăng lượng dầu oliu trong mỗi bữa ăn của trẻ tới 10ml, không dùng quá 30ml/ngày. Dầu oliu nguyên chất nhiều chất dinh dưỡng nhưng có mùi hơi hắc nên nhiều bé không chịu ăn. Do đó, cha mẹ nên chọn loại dầu oliu nguyên chất đặc chế cho trẻ em với mùi dịu nhẹ, giúp bé ăn uống ngon miệng hơn.


Cha mẹ có thể sử dụng dầu oliu để chế biến thức ăn dặm cho trẻ nhỏ
Cha mẹ có thể sử dụng dầu oliu để chế biến thức ăn dặm cho trẻ nhỏ

3.3 Những cách dùng dầu oliu khác cho bé

Ngoài việc thêm vào chế độ ăn, các bé còn có thể dùng dầu oliu để:

  • Massage: Dầu oliu được sử dụng để massage da, giúp dưỡng ẩm, tái tạo lại lớp mô chết và duy trì làn da của trẻ luôn mịn màng, khỏe mạnh. Với những trẻ bị hăm tã, cha mẹ có thể dùng dầu oliu thoa vào vùng da bị hăm tã để làm dịu da;
  • Gội đầu: Dầu oliu cũng được sử dụng như 1 loại dầu gội đầu cho trẻ nhỏ để làm giảm chứng viêm da tiết bã tại da đầu. Sau khi gội đầu và massage da đầu bị viêm da tiết bã với dầu oliu, bạn gội đầu cho trẻ lại 1 lần nữa với dầu gội dịu nhẹ và nước ấm. Với những bé bị viêm da tiết bã tại da đầu nặng, cha mẹ có thể ủ dầu oliu trên tóc và da đầu của trẻ, để qua đêm;
  • Làm dịu cơn ho: Dầu oliu khi được phối hợp với tinh dầu hương thảo, bạc hà, khuynh diệp có thể dùng để xoa ngực và lưng cho trẻ nhỏ, làm dịu cơn ho để giúp bé ngủ ngon hơn;
  • Truyền tĩnh mạch cho trẻ thiếu tháng: Một số thử nghiệm lâm sàng còn chỉ ra rằng có thể phối hợp dầu oliu với dầu đậu nành để sử dụng dinh dưỡng ngoài đường ruột (truyền tĩnh mạch) cho trẻ sinh thiếu tháng vì hỗn hợp 2 loại dầu này có hàm lượng lipid tương tự sữa mẹ. Các chuyên gia cũng khuyến nghị nên dùng dầu oliu cho trẻ có cân nặng sơ sinh thấp hoặc những em bé gặp khó khăn khi bú mẹ.

3.4 Lưu ý khi cho bé dùng dầu oliu

  • Cha mẹ nên cho trẻ ăn dầu oliu thay mỡ động vật để ngăn ngừa tình trạng béo phì ở trẻ em;
  • Để sử dụng dầu oliu cho trẻ đúng cách, cha mẹ nên chọn dầu oliu đặc chế cho bé vì loại dầu này bổ sung thêm định lượng vitamin và dưỡng chất phù hợp đối với sự phát triển của bé;
  • Nếu rán, xào thức ăn cho trẻ, cha mẹ nên chọn dầu oliu tinh chế (Refined) vì nó có thể chịu được nhiệt độ cao, lên tới 210°C. Với loại dầu oliu nguyên chất (virgin và extra-virgin) hoặc dầu oliu đặc chế cho trẻ em, cha mẹ nên dùng trực tiếp như trộn salad, trộn vào thức ăn, rưới lên bánh mì, nước sốt,... khi đã nấu chín hoặc chỉ nấu ở nhiệt độ thấp hoặc trung bình;
  • Các bậc phụ huynh chỉ nên mua dầu oliu đóng trong chai thủy tinh sẫm màu, có dung tích nhỏ (khoảng 250ml) và nên sử dụng hết trong vòng 30 ngày sau khi mở nắp chai để đảm bảo độ tươi ngon của dầu. Bên cạnh đó, vì nhiệt độ và ánh sáng dễ làm mất chất dinh dưỡng của dầu oliu nên cha mẹ cần bảo quản chai dầu cho bé ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh khu vực có nhiệt độ cao và ánh nắng chiếu trực tiếp.

Câu hỏi đặt ra: Có nên cho bé ăn dầu oliu thường xuyên? Với nhiều lợi ích cho sức khỏe, dầu oliu có thể bổ sung vào chế độ ăn uống hằng ngày của trẻ. Cha mẹ nên sử dụng loại dầu oliu được sản xuất dành riêng cho trẻ em để đảm bảo bé hấp thu tốt các chất dinh dưỡng trong dầu và phát triển khỏe mạnh.

Ngoài ra, cha mẹ cũng cần chú ý bổ sung các vi chất cần thiết như: Selen, Crom, Vitamin B1 và B6, Gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... Đặc biệt là loại kẽm sinh học để cải thiện vị giác, giúp trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa..

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe