Chữa mụn trứng cá bằng thảo mộc là giải pháp được nhiều người lựa chọn trong thời gian qua bởi lẽ đây là cách thức điều trị hoàn toàn tự nhiên, cho hiệu quả cao cũng như an toàn đối với làn da. Trong bài viết dưới đây, các bạn có thể tham khảo về một số loại thảo mộc đang được lựa chọn phổ biến hàng đầu.
1. Sử dụng thảo mộc trị trứng cá thế nào?
Mụn trứng cá thường xuất hiện nguyên nhân do lỗ chân lông bị tắc dẫn đến vi khuẩn có điều kiện phát sinh, phát triển. Hiện nay, trị mụn bằng thảo dược là giải pháp được nhiều người lựa chọn do ít có nguy cơ tác dụng phụ hơn so với các phương pháp điều trị hiện đại khác. Dưới đây là một số loại thảo mộc có đặc tính kháng khuẩn, chống viêm và khử trùng, góp phần giảm vi khuẩn gây mụn trứng cá và viêm nhiễm đồng thời chữa lành vết thâm sau mụn khá tốt.
1.1. Manjistha
Manjistha (rubia cordifolia) là một loại thảo mộc lâu năm phổ biến trong y học Ayurvedic. Bên cạnh đó, loại thảo mộc này còn mang lại nhiều lợi ích đối với làn da như khả năng chống viêm, kháng khuẩn và kháng androgen để giúp ngăn ngừa và điều trị mụn trứng cá.
1.2. Cây neem
Neem (azadirachta indica) là một loại thảo mộc Ayurveda phổ biến khác. Theo một nghiên cứu được thực hiện năm 2010, dầu neem có chứa các hợp chất kháng khuẩn, chống nấm, sát trùng, chống oxy hóa, chống viêm
Trong đó, neem được sử dụng phổ biến nhất trong việc cải thiện các tình trạng da như mụn trứng cá, chàm và bệnh vẩy nến. Theo một nghiên cứu năm 2001, cây neem có hoạt tính kháng khuẩn, giúp chống lại một số vi sinh vật hiệu quả trong đó bao gồm Staphylococcus, một loại vi khuẩn có liên quan đến mụn trứng cá.
1.3. Thảo mộc trị mụn trứng cá với cây trà (melaleuca alternifolia)
Cây trà (melaleuca alternifolia) là một loại thảo mộc được sử dụng để điều trị các vấn đề về da và làm lành vết thương khá tốt. Nó cũng có khả năng sát trùng và chống viêm nên có thể làm giảm số lượng tổn thương do mụn trứng cá.
Trong một nghiên cứu được thực hiện năm 1990, một loại gel bôi ngoài da có chứa 5% dầu cây trà có khả năng hoạt động tương tự như một loại kem bôi ngoài da có chứa 5% benzoyl peroxide. Cả hai chế phẩm đều làm giảm số lượng tổn thương do mụn viêm và không viêm. Mặc dù dầu cây trà mất nhiều thời gian hơn để phát huy tác dụng nhưng nó lại gây ra ít tác dụng phụ hơn bao gồm khô, ngứa, kích ứng và mẩn đỏ.
1.4. Witch hazel và một số loại thảo mộc phổ biến khác
Witch hazel chứa hàm lượng cao hoạt chất tanin có khả năng làm se da, góp phần điều trị mụn trứng cá bằng cách loại bỏ dầu thừa trên da. Nó cũng có tác dụng chống viêm, làm giảm đỏ và bầm tím trên da. Thông thường, Witch hazel thường được sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp với các biện pháp trị mụn tự chế khác.
Bên cạnh đó, các loại thảo mộc sát trùng, chống viêm khác có thể giúp chữa lành mụn trứng cá là: Hoa cúc, hoa oải hương...
2. Hướng dẫn cách tự nhiên chữa mụn trứng cá bằng thảo mộc
- Witch hazel có thể được thoa trực tiếp lên da bằng tăm bông hoặc bông gòn. Bạn cũng có thể kết hợp nó với dầu vận chuyển và các biện pháp thảo dược trị mụn khác. Đặc biệt, bạn không nên sử dụng Witch hazel qua đường uống.
- Dầu neem nên được pha loãng cùng với nước hoặc các loại dầu vận chuyển, chẳng hạn như dầu dừa hoặc dầu ô liu trước khi sử dụng để mang đến công dụng hiệu quả. Ngoài ra, bạn cũng có thể lựa chọn xà phòng dầu neem để nhận về những lợi ích tốt nhất.
- Manjistha thường được sử dụng ở dạng bột và dùng dưới dạng kết hợp với các loại thảo mộc khác như neem. Nó cũng được tìm thấy trong dạng uống và xà phòng diệt khuẩn.
3. Một số tác dụng phụ khi dùng thảo mộc trị trứng cá
Việc sử dụng thảo mộc trị trứng cá có thể tiềm ẩn một số nguy cơ gây tác dụng phụ cho người sử dụng như:
- Tác dụng phụ thường gặp nhất là phản ứng dị ứng và kích ứng da. Nếu bạn bị viêm, ngứa hoặc rát, hãy ngừng sử dụng và tham khảo ý kiến bác sĩ.
- Dầu cây trà có thể gây phát ban phồng rộp trên da.
- Các đối tượng bao gồm phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú và trẻ em dưới 12 tuổi không nên sử dụng các loại thảo mộc để điều trị mụn trứng cá trừ khi có sự hướng dẫn và giám sát của bác sĩ.
- Dầu cây trà có thể gây độc khi nuốt phải. Do đó, bạn không nên sử dụng nó trên vùng da quanh miệng, nơi có thể vô tình nuốt phải.
4. Gợi ý một số phương pháp điều trị mụn trứng cá khác
Việc lựa chọn phương pháp điều trị mụn trứng cá phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng này. Theo Học viện Da liễu Hoa Kỳ (AAD), có bốn cấp độ mụn trứng cá khác nhau. Với cấp độ 1, bạn nên sử dụng các sản phẩm có chứa benzoyl peroxide hoặc axit salicylic.
Với tình trạng mụn nặng hơn, bạn hãy sử dụng các loại kem bôi ngoài da theo toa có chứa benzoyl peroxide, retinoids, axit salicylic. Ngoài ra, một số loại kháng sinh đường uống, thuốc tránh thai cũng được khuyến cáo sử dụng trong một số trường hợp.
Các trường hợp mụn trứng cá nghiêm trọng nhất có thể được điều trị bằng isotretinoin, điều trị bằng laser, mặt nạ hóa học
5. Một số lưu ý khác giúp kiểm soát mụn trứng cá
Để điều trị và ngăn ngừa mụn trứng cá hiệu quả, cùng với thảo mộc trị trứng cá, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Giảm lượng đường trong chế độ ăn hàng ngày có thể làm giảm nguy cơ bị mụn trứng cá của bạn. Đặc biệt, các loại nước ngọt có ga và thực phẩm chứa tinh bột chế biến có khả năng làm tăng lượng insulin và hormone dẫn đến mụn trứng cá.
- Nên ăn nhiều rau xanh, trái cây trong những bữa ăn hàng ngày.
- Cố gắng giữ làn da luôn trong trạng thái sạch sẽ. Bạn nên lựa chọn các sản phẩm sữa rửa mặt không chứa cồn, không bào mòn da và đặc biệt hạn chế việc chạm tay lên da thường xuyên hàng ngày.
Nếu việc trị mụn bằng liệu pháp thảo dược hoặc phương pháp điều trị không kê đơn không mang lại hiệu quả, bạn hãy đến gặp bác sĩ da liễu để được tư vấn tốt nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com