Chụp xạ hình xương là phương pháp xét nghiệm giúp bác sĩ tìm ra những tổn thương ở trong xương của người bệnh. Để thực hiện kỹ thuật này, bác sĩ sẽ sử dụng các máy ghi hình để thu lại những bức xạ từ các loại dược chất phóng xạ được đưa vào cơ thể người bệnh trước đó và biến đổi thành tín hiệu và chuyển thành hình ảnh chụp.
1. Chỉ định chụp xạ hình xương
Chụp xạ hình xương thường được bác sĩ chỉ định thực hiện trong các trường hợp như sau:
- Bệnh nhân đau xương không rõ nguyên nhân
- Gãy xương
- Bệnh Paget xương
- Ung thư xương nguyên phát
- Ung thư xương di căn
- Nhiễm trùng khớp, theo dõi sau thay khớp hoặc xương
- Hoại tử vô mạch, các bệnh chuyển hóa như loãng xương, nhuyễn xương
- Xác định vị trí để chọc dò, sinh thiết xương.
2. Quy trình chụp xạ hình xương
2.1 Chuẩn bị cho bệnh nhân
Trước khi thực hiện chụp xạ hình xương, bệnh nhân hầu như không cần phải nhịn ăn hoặc tránh những hoạt động cụ thể khác, bệnh nhân chỉ cần uống nhiều nước và đi tiểu ngay trước khi ghi hình với mục đích làm trống bàng quang để nhìn rõ xương chậu hơn.
Sau đó bệnh nhân cần cởi bỏ tất cả đồ trang sức kim loại trên cơ thể để tránh làm ảnh hưởng đến hình chụp. Cũng có thể bác sĩ sẽ yêu cầu bạn cởi hết đồ trên người, bạn sẽ được cung cấp một miếng vải hoặc giấy để phục vụ quá trình chụp.
2.2 Tiêm chất đánh dấu phóng xạ
Để thực hiện được chụp xạ hình xương, bác sĩ sẽ tiến hành tiêm tĩnh mạch một loại chất phóng xạ đánh dấu, loại được dùng thông dụng hiện nay là Tc-99m MDP với liều lượng như sau:
- Người lớn: 20-30 mCi
- Trẻ em 5 tuổi: 0.2-0.3 mCi/kg
Sau khi tiêm tĩnh mạch, chất phóng xạ sẽ nhanh chóng phân bố đến khoang dịch ngoại bào và tập trung vào xương và mất khoảng từ 2-5 giờ đồng hồ để chất đánh dấu liên kết với xương để có thể tiến hành chụp xạ hình xương.
2.3 Phương pháp ghi hình
Bệnh nhân sau khi chuẩn bị đạt tiêu chuẩn để tiến hành chụp xạ sẽ được yêu cầu nằm trên bàn, camera của máy chụp sẽ ghi lại toàn bộ mặt trước và sau của bộ xương toàn thân bằng cách di chuyển chậm xung quanh cơ thể. Máy chụp xạ sẽ được điều khiển bởi kỹ thuật viên y học hạt nhân, đối với hình ảnh thu được sẽ được giải thích bởi bác sĩ X quang hoặc chuyên gia y học hạt nhân.
Trong quá trình chụp bệnh nhân có thể sẽ di chuyển theo yêu cầu của bác sĩ hoặc kỹ thuật viên. Nếu không có bất kỳ yêu cầu nào, bệnh nhân nên nằm im để đảm bảo hình ảnh chụp được rõ nét nhất có thể. Quá trình chụp xạ hình xương thông thường sẽ mất khoảng 1 giờ đồng hồ.
2.4 Đọc kết quả cho người bệnh
Sau khi thực hiện xong kỹ thuật và có kết quả, bác sĩ sẽ đọc kết quả cho bệnh nhân, đưa ra những đánh giá ban đầu về tình trạng xương của người bệnh. Tuy nhiên để có những chẩn đoán chính xác, bác sĩ ngoài dựa vào hình ảnh chụp xạ còn phải kết hợp với các triệu chứng của người bệnh và các kết quả xét nghiệm khác.
3. Chụp xạ hình xương có ảnh hưởng gì không?
- Những ảnh hưởng của chất dẫn phóng xạ gần như không có, chúng sẽ được đào thải khỏi cơ thể người bệnh trong vòng 24 giờ và không hề để lại bất cứ di chứng hay rủi ro gì.
- Ngoài ra, người bệnh sau khi chụp xạ hình xương không cần phải cách ly với những người xung quanh vì như đã nói ở trên, lượng phóng xạ trong cơ thể bạn sẽ được đào thải ra rất nhanh chóng.
- Người bệnh cũng có thể bị sưng hoặc đau tại vị trí kim đâm vào trong quá trình tiêm tĩnh mạch, nhưng các triệu chứng này sẽ thuyên giảm nhanh chóng và không để lại ảnh hưởng gì cho người bệnh.
4. Những lưu ý khi chụp xạ hình xương là gì?
Sau đây là những lưu ý cho người bệnh khi thực hiện chụp xạ hình xương:
- Nếu bạn đang có thai hoặc nghi ngờ có thai thì bạn nên báo với bác sĩ trước khi thực hiện, vì giống với tia X, chất đánh dấu phóng xạ có thể ảnh hưởng đến thai nhi
- Nếu bạn đang cho con bú thì nên dừng cho bú từ 1-2 ngày vì chất dẫn phóng xạ có thể đi vào sữa mẹ. Bạn nên vứt bỏ sữa tiết ra trong 1-2 ngày sau khi thực hiện chụp xạ.
- Nếu bạn sử dụng một số loại thuốc như thuốc xổ bari, thuốc Pepto-Bismol thì nên báo với bác sĩ vì thành phần của những loại thuốc này có ảnh hưởng đến kết quả chụp xạ xương.
Mọi thắc mắc cần được bác sĩ chuyên khoa giải đáp cũng như quý khách hàng có nhu cầu khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc hoặc đăng ký trực tuyến TẠI ĐÂY.
XEM THÊM
- Thế nào là gãy xương kín? Cách nhận biết?
- Chụp X-quang là gì: Tất cả những điều cần biết
- Phát hiện ung thư xương nguyên phát bằng cách nào?