Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh, Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Chụp tĩnh mạch là phương pháp thu thập hình ảnh để làm cơ sở để thăm khám, chẩn đoán bệnh. Thủ thuật này sẽ được thực hiện bằng cách bơm thuốc đối quang i-ốt chọn lọc vào động mạch hoặc tĩnh mạch từ đó làm hiện hình hệ tĩnh mạch.
1. Chỉ định, chống chỉ định chụp số hóa xóa nền hệ thống tĩnh mạch tạng
1.1 Chỉ định
Thông thường chụp số hóa xóa nền hệ thống tĩnh mạch tạng sẽ được chỉ định cho các bệnh lý dị dạng hệ tĩnh mạch như: U máu tĩnh mạch, giả phình mạch,... Các bệnh lý tĩnh mạch khác cũng được sử dụng thủ thuật này như hẹp tắc tĩnh mạch.
Bên cạnh đó, chụp số hóa xóa nền hệ thống tĩnh mạch tạng còn có thể chụp kiểm tra cầu nối sau phẫu thuật hoặc chụp mạch để phục vụ cho điện quang can thiệp.
1.2 Chống chỉ định
Chụp số hóa xóa nền hệ thống tĩnh mạch tạng sẽ chống chỉ định tương đối với các trường hợp có rối loạn đông máu, có tiền sử dị ứng rõ ràng với thuốc đối quang i-ốt, suy thận, phụ nữ có thai.
Tuy nhiên, chụp số hóa xóa nền hệ thống tĩnh mạch tạng không có chỉ định tuyệt đối với bất kỳ trường hợp nào.
2. Chụp số hóa xóa nền hệ thống tĩnh mạch tạng cần chuẩn bị gì?
2.1 Người thực hiện chụp số hóa xóa nền hệ thống tĩnh mạch tạng
- Bác sĩ chuyên khoa.
- Bác sĩ phụ trợ.
- Kỹ thuật viên điện quang.
- Điều dưỡng.
- Bác sỹ, kỹ thuật viên gây mê (nếu người bệnh không thể hợp tác).
2.2 Phương tiện phục vụ cho chụp số hóa xóa nền hệ thống tĩnh mạch tạng
- Máy chụp mạch số hóa xóa nền (DSA).
- Máy bơm điện chuyên dụng.
- Bộ áo chì, tạp dề, che chắn tia X.
- Phim, máy in phim, hệ thống lưu trữ hình ảnh.
2.3 Các loại thuốc cần chuẩn bị trước khi tiến hành thủ thuật
- Thuốc gây tê tại chỗ.
- Thuốc tiền mê và gây mê toàn thân (nếu có chỉ định gây mê).
- Thuốc chống đông.
- Thuốc trung hòa thuốc chống đông.
- Thuốc đối quang iod tan trong nước.
- Dung dịch sát khuẩn da, niêm mạc.
2.4 Vật tư y tế thông thường
- Bơm tiêm 1; 3; 5; 10; và 20ml.
- Bơm tiêm dành cho máy bơm điện.
- Nước cất hoặc nước muối sinh lý.
- Găng tay, áo, mũ, khẩu trang phẫu thuật.
- Bông, gạc, băng dính phẫu thuật.
- Hộp thuốc và dụng cụ cấp cứu tai biến thuốc đối quang.
- Bộ dụng cụ can thiệp vô trùng: dao, kéo, kẹp, 4 bát kim loại, khay quả đậu, khay đựng dụng cụ.
2.5 Vật tư y tế đặc biệt cho thủ thuật chụp số hóa xóa nền hệ thống tĩnh mạch tạng
- Kim chọc động mạch.
- Khóa ba chạc.
- Bộ vào lòng mạch cơ 5-6F.
- Vi ống thông 2-3F nếu cần chụp siêu chọn lọc.
- Vi dây dẫn 0.014-0.018inch.
- Dây dẫn tiêu chuẩn 0.035inch.
- Ống thông chụp mạch cỡ 4-5F.
- Bộ dây nối chữ Y.
- Bộ dụng cụ đóng đường vào lòng mạch.
2.6 Người bệnh cần chuẩn bị những gì cho thủ thuật này?
Trước khi tiến hành chụp số hóa xóa nền hệ thống tĩnh mạch tạng người bệnh cần phải hiểu rõ về thủ thuật này để có thể phối hợp với thầy thuốc.
Đồng thời, cần phải nhịn ăn uống trong vòng 6 giờ trước khi bước vào quá trình chụp số hóa xóa nền hệ thống tĩnh mạch tạng, tuy nhiên người bệnh vẫn có thể uống một lượng nước ít hơn 50ml.
Tại phòng can thiệp, người bệnh nằm ngửa, lắp máy theo dõi nhịp thở, huyết áp, mạch, điện tâm đồ, SpO2. Sau đó, sát trùng da và phủ khăn phủ vô khuẩn có lỗ lên vùng tiến hành thủ thuật. Với những trường hợp quá kích thích, không nằm yên thì có thể sử dụng thuốc an thần hoặc có biện pháp xử lý phù hợp.
3. Các bước tiến hành chụp số hóa xóa nền hệ thống tĩnh mạch tạng
Bước 1: Phương pháp vô cảm
- Để người bệnh nằm ngửa trên bàn chụp, đặt đường truyền tĩnh mạch.
- Thông thường sẽ tiến hành gây tê tại chỗ, nhưng với những trường hợp ngoại lệ như trẻ nhỏ (dưới 5 tuổi) chưa có ý thức cộng tác hoặc quá kích động sợ hãi thì cần gây mê toàn thân khi làm thủ thuật.
Bước 2: Chọn kỹ thuật sử dụng và đường vào của ống thông
- Kỹ thuật được sử dụng là Seldinger, đường vào của ống thông có thể là: Từ động mạch đùi, động mạch nách, động mạch cánh tay hay động mạch quay.
- Thông thường kỹ thuật sẽ sử dụng đường vào là từ động mạch đùi, trừ khi đường vào này không làm được mới sử dụng các đường vào khác.
Bước 3: Chụp động mạch chẩn đoán
- Sát khuẩn và gây tê chỗ chọc.
- Chọc kim, đặt ống vào lòng mạch
- Luồn ống thông 4-5F vào động mạch mạc treo tràng trên.
- Bơm 20-30ml thuốc cản quang với tốc độ 4-5ml/giây rồi chụp thì động mạch và tĩnh mạch để nghiên cứu hệ thống tĩnh mạch mạc treo tràng trên và tĩnh mạch cửa.
Bước 4: Kết thúc thủ thuật
- Rút ống thông, ống vào lòng mạch.
- Dùng tay trực tiếp băng ép tại vị trí chọc động mạch khoảng 15 phút. Sau đó, băng ép trong 6 giờ hoặc dùng dụng cụ đóng lòng mạch.
4. Một số tai biến và cách xử trí
- Chảy máu hoặc có máu tụ ở vị trí ống thông, với trường hợp này cần tiến hành băng ép lại và tiếp tục nằm bất động đến khi ngừng chảy máu.
- Phồng hoặc thông động tĩnh mạch (hiếm gặp), khi xảy ra trường hợp này có thể xử lý bằng can thiệp nội mạch hoặc ngoại khoa.
- Biểu hiện nhiễm trùng sau làm thủ thuật cần cho kháng sinh để điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.