Chụp MRI tim: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lâm Thị Kim Chi - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ có trên 6 năm kinh nghiệm làm bác sĩ chẩn đoán hình ảnh.

Chụp cộng hưởng từ tim mạch được xem là phương pháp chẩn đoán và theo dõi bệnh lý tim mạch hiện đại nhất hiện nay. Nhờ có kỹ thuật này, các bác sĩ có thể tiên lượng, định hướng điều trị hiệu quả cho người mắc các bệnh về tim mạch để ngăn chặn được diễn tiến bệnh và đưa ra biện pháp chủ động chăm sóc, bảo vệ sức khỏe tốt hơn.

1. Giải phẫu tim

Tim nằm ở trung thất, mặt trên cơ hoành. Tim gồm 4 buồng, nằm trên là 2 buồng nhĩ, nằm dưới là 2 buồng thất. Vách gian thất và vách gian nhĩ phân tim theo trục dọc. Bên ngoài cơ tim được bao bọc bởi màng ngoài tim và bên trong được lót bởi màng trong tim. Hai động mạch vành xuất phát từ gốc động mạch chủ có nhiệm vụ cung cấp máu nuôi dưỡng tim.

  • Tâm nhĩ của tim có thành mỏng hơn tâm thất, nằm ở đáy tim. Tâm nhĩ phải có tĩnh mạch chủ từ dưới đổ vào, tâm nhĩ trái có 4 tĩnh mạch từ phổi đổ vào;
  • Tâm thất, nhất là tâm thất trái có thành cơ dày hơn tâm nhĩ. Trong tâm thất có các cơ nhú, đầu tự do các cơ có các thừng gân nối vào các lá của van nhĩ thất.

2. Chụp cộng hưởng từ là gì?


Chụp MRI cho hình ảnh có độ phân giải cao
Chụp MRI cho hình ảnh có độ phân giải cao

Chụp cộng hưởng từ (MRI) là phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại, được sử dụng để kiểm tra hầu hết các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt có giá trị trong chụp ảnh chi tiết não hoặc thần kinh cột sống. Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh này sử dụng từ trường mạnh và sóng vô tuyến radio. Nguyên lý của chụp MRI dựa trên tác động của các sóng do máy MRI sản sinh ra, khiến cho các mô trong cơ thể hấp thụ và phóng thích năng lượng. Sau đó, năng lượng sẽ thu lại, xử lý và chuyển hóa thành các tín hiệu hình ảnh.

Chụp MRI cho hình ảnh có độ phân giải cao và độ tương phản tốt, giúp bác sĩ đánh giá chi tiết tình trạng tổn thương các cơ quan và chẩn đoán bệnh chính xác. Bên cạnh đó, hình ảnh từ MRI có khả năng tái tạo 3D, hỗ trợ tích cực cho việc chẩn đoán bệnh, đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả. Trong nhiều trường hợp, chụp MRI tốt hơn so với các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác như siêu âm, X-quang hay chụp CT.

Ngoài ra, quá trình chụp bằng MRI không gây tác dụng phụ như chụp X-quang hay chụp CT. Đồng thời, MRI còn cho phép phát hiện các dấu hiệu bất thường ẩn sau các lớp xương mà các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác khó phát hiện được. Đặc biệt, chụp MRI tim cho kết quả nhanh chóng và chính xác hơn X-quang trong chẩn đoán các bệnh về tim mạch.

3. Chụp cộng hưởng từ tim mạch là gì?

Cộng hưởng từ tim mạch là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh được chỉ định cho các bệnh nhân mắc hoặc nghi ngờ mắc các bệnh lý về tim. Siêu âm tim là phương pháp hình ảnh đầu tiên. Tuy nhiên, MRI tim đang đóng vai trò ngày càng quan trong trong chẩn đoán, theo dõi và điều trị bệnh lý tim mạch. Kỹ thuật này được ứng dụng rộng rãi trong các bệnh lý mạch vành, bệnh tim bẩm sinh, bệnh cơ tim, van tim...

Ưu điểm của chụp MRI tim mạch:

  • Độ phân giải không gian cao
  • Mặt phẳng khảo sát không giới hạn
  • An toàn, không xâm lấn
  • Xác định được đặc tính mô

Tuy nhiên MRI tim bị hạn chế trong một số trường hợp sau:

  • Chuyển động: tim, lồng ngực, cơ hoành... gây nhiễu ảnh
  • Các cấu trúc kích thước nhỏ: <1mm (Ví dụ: Động mạch vành): khó khảo sát

4. Các trường hợp chỉ định chụp MRI tim

Chụp MRI tim được chỉ định cho các nhóm bệnh tim mắc phải và tim bẩm sinh. Cụ thể là:

  • Đánh giá và giải phẫu chức năng của buồng thất;
  • Đánh giá bất thường luồng thông, giải phẫu bệnh tim bẩm sinh;
  • Chẩn đoán nhồi máu và xơ hóa cơ tim;
  • Đánh giá tính sống còn của cơ tim trong hội chứng nhồi máu cơ tim cấp và mãn tính;
  • Đánh giá chức năng và vận động của thất trái;
  • Chẩn đoán bệnh lý cơ tim như cơ tim giãn hoặc phì đại, viêm cơ tim, cơ tim không kết bè, lắng đọng sắt trong cơ tim,...;
  • Chẩn đoán bệnh lý màng ngoài tim, mạch máu;
  • Xác định đặc tính của khối choán chỗ ở tim;
  • Đánh giá chuyển hóa cơ tim – Spectroscopy;
  • Chẩn đoán và theo dõi bệnh van tim;
  • Chẩn đoán và theo dõi u tim nguyên phát và thứ phát: Cung cấp hình ảnh về tính chất khối u để bác sĩ xác định, đánh giá mức độ xâm lấn của khối u.

5. Lưu ý khi chụp MRI tim


Cần thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ trước khi chụp MRI tim
Cần thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ trước khi chụp MRI tim

Bệnh nhân chụp MRI tim chẩn đoán và theo dõi các bệnh tim mạch cần lưu ý:

  • Thông báo cho bác sĩ nếu cơ thể có cấy các thiết bị bằng kim loại vì từ trường của máy chụp có thể gây ảnh hưởng tới các thiết bị này. Các thiết bị bằng kim loại như van tim nhân tạo, máy tạo nhịp tim, máy trợ thính, đinh nội tủy, kim loại kết hợp xương, mảnh đạn trong người, vòng tránh thai T Cu 380A, răng giả,... đều cần được lấy ra khỏi cơ thể trước khi chụp MRI;
  • Chỉ thực hiện chụp MRI khi được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa;
  • Không nên chụp MRI nếu bệnh nhân có hội chứng sợ không gian kín, chật hẹp;
  • Không mang điện thoại, đồ trang sức, kẹp tóc, đồng hồ, thiết bị hồi sức, thẻ tín dụng hoặc dụng cụ bằng kim loại vào phòng chụp cộng hưởng từ;
  • Để có chất lượng hình ảnh tốt, bệnh nhân cần nằm yên trong lúc chụp MRI;
  • Đối với trường hợp cần tiêm thuốc tương phản từ, nhân viên y tế sẽ hỏi bệnh nhân về tiền sử dị ứng uống, tiền sử bệnh thận trước khi chụp MRI và hướng dẫn ký giấy cam kết. Thuốc tương phản từ không gây độc cho cơ thể nhưng có thể gây dị ứng với các biểu hiện như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn ói, tê chân tay, nổi mẩn ngứa,... Các tác dụng phụ này thường nhẹ và mất hẳn sau khi dùng thuốc chống dị ứng.

Chụp cộng hưởng từ tim mạch có tính chính xác cao, ít tác dụng phụ, hỗ trợ tốt cho bác sĩ trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh tim mạch cho bệnh nhân. Khi thực hiện chụp MRI tim, bệnh nhân cần phối hợp theo đúng hướng dẫn của nhân viên y tế.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe