Bài viết bởi Bác sĩ CKII Khổng Tiến Đạt - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long
Hình ảnh chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng có độ tương phản cao, chi tiết giải phẫu tốt cho phép phát hiện chính xác các tổn thương hình thái, cấu trúc các bộ phận trong cơ thể được thăm khám.
1. Chụp cộng hưởng từ là gì?
Chụp cộng hưởng từ MRI (Magnetic Resonance Imaging) là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh được xem như một trong những phát minh có tính cách mạng trong kỹ thuật y học, sử dụng từ trường và sóng radio. Hình ảnh chụp cộng hưởng từ MRI có độ tương phản cao, chi tiết giải phẫu tốt cho phép phát hiện chính xác các tổn thương hình thái, cấu trúc các bộ phận trong cơ thể được thăm khám. Khả năng tái tạo hình ảnh 3D tốt, không có tác dụng phụ nên ngày càng được chỉ định rộng rãi cho nhiều ứng dụng chuyên khoa khác nhau.
2. Chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng khi nào?
Người bệnh có thể được chỉ định chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng khi:
- Lưng đau nhức mỏi kéo dài không rõ nguyên nhân hoặc sau mang vác vật nặng;
- Tê và ngứa ran ở tứ chi
- Có tiền sử bệnh ung thư
- Mất kiểm soát bàng quang hay ruột
- Chấn thương ở vùng lưng
- Các ổ viêm, áp xe ở da vùng lưng nghi ngờ lan vào cột sống thắt lưng.
3. Mục đích chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng
Chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng có thể bộc lộ các nhóm bệnh lý sau:
- Chẩn đoán các bệnh lý như thoái hóa, thoát vị đĩa đệm, đánh giá chèn ép tủy sống, rễ thần kinh.
- Đánh giá các bất thường về giải phẫu, các bệnh lý bẩm sinh liên quan đến cột sống thắt lưng
- Chẩn đoán các vấn đề khác như u cột sống, chẩn đoán di căn cột sống ở giai đoạn sớm.
- Chẩn đoán các bệnh lý trong ống sống như u trong ống sống, tụ máu.
- Chẩn đoán các bệnh lý tủy sống như u tủy, viêm tủy, bệnh lý chất trắng tủy
4. Lưu ý khi chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng
MRI là phương tiện hình ảnh học không xâm lấn nên nhìn chung không gây tổn hại gì trên cơ thể người bệnh. Để đảm bảo an toàn và không xảy ra biến chứng thì trước khi tiến hành chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng, người bệnh cần sàng lọc để không vi phạm các chống chỉ định, cụ thể là:
- Bệnh nhân có thiết bị tim mạch đặt vĩnh viễn trong cơ thể như máy tạo nhịp tim, máy khử rung, van tim nhân tạo... hoặc có mảnh kim loại, vật liệu cấy ghép bằng kim loại trong cơ thể như mảnh đạn, các kẹp mạch máu, máy trợ thính, thiết bị bơm thuốc tự động dưới da...
- Người có hội chứng tâm lý sợ hãi không gian kín.
- Người có thể trạng béo phì nặng, kích thước hoặc trọng lượng cơ thể quá lớn không vừa với lồng chụp.
- Người bệnh không cần phải nhịn ăn khi chụp cộng hưởng từ, được thay trang phục đơn giản, không đem theo bất cứ vật dụng gì trên người và sắp xếp nằm ngay ngắn trên mặt phẳng của máy, từ từ đưa vào lồng chụp.
- Trong lúc đó, bệnh nhân được sử dụng tai nghe, vừa giúp giảm tiếng ồn, vừa là phương tiện liên lạc với kỹ thuật viên bên ngoài; đồng thời, giúp bệnh nhân thoải mái tinh thần. Thả lỏng cơ thể, tinh thần thư giãn, toàn thân giữ ở tư thế cố định hình ảnh mới hiện lên mới được rõ nét, tránh căng thẳng, cử động làm ảnh hưởng đến chất lượng thu hình ảnh.
XEM THÊM
- Lần đầu tiên tại Đông Nam Á, Vinmec sử dụng máy chụp cộng hưởng từ công nghệ Silent
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) não có ảnh hưởng gì không?
- Chụp MRI – phương pháp "vàng" chẩn đoán chính xác thoát vị đĩa đệm