Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi - Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú, Bác sĩ chuyên khoa I Trịnh Lê Hồng Minh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Chụp cộng hưởng từ (MRI) sử dụng một nam châm và sóng vô tuyến lớn để đánh giá các cơ quan và cấu trúc bên trong cơ thể. Chụp MRI giúp bác sĩ chẩn đoán nhiều tình trạng bệnh của cơ thể, đặc biệt là các vấn đề tại não và tủy sống.
1. Chụp cộng hưởng từ (MRI)
Chụp cộng hưởng từ (MRI) là kỹ thuật chẩn đoán không xâm lấn, tạo ra hình ảnh giải phẫu 3 chiều của mô, cơ quan trong cơ thể. Đây là phương pháp hiện đại, đang được sử dụng phổ biến trên toàn thế giới bởi sự an toàn cũng như hiệu quả mà nó mang lại.
MRI sử dụng các nam châm lớn để tạo ra một sóng từ trường mạnh, các hạt nhân nguyên tử proton trong cơ thể sắp xếp thành một hàng thẳng với từ trường đó. Khi đó một sóng vô tuyến được truyền qua bệnh nhân, kích thích và làm các proton di chuyển khỏi vị trí cân bằng để chống lại lực hút của từ trường. Sau đó nguồn phát sóng vô tuyến ngắt, các cảm biến trong máy chụp cộng hưởng từ có thể phát hiện năng lượng được giải phóng khi các proton sắp xếp lại với nhau theo hướng của từ trường. Thời gian cần thiết để các proton di chuyển cũng như lượng năng lượng được giải phóng tùy thuộc vào bản chất hóa học và môi trường của các hạt nhân đó. Qua những dữ liệu thu được, máy tính sẽ phân tích và đưa ra hình ảnh các mô, cơ quan được chụp cộng hưởng từ.
Chụp cộng hưởng từ đặc biệt phù hợp để thu được hình ảnh các mô mềm của cơ thể hoặc các bộ phận không phải xương. Chụp cộng hưởng từ khác với chụp cắt lớp vi tính ở chỗ không sử dụng bức xạ ion hóa gây tổn hại đến cơ thể của tia X. Não, tủy sống và các dây thần kinh cũng như cơ bắp, gân, dây chằng đều có thể hiển thị bằng MRI rõ ràng hơn nhiều so với chụp X-quang và chụp cắt lớp vi tính thông thường. Vì lý do này, chụp cộng hưởng từ được sử dụng nhiều trong chẩn đoán những chấn thương ở đầu gối hoặc vai.
Trong chụp não, MRI có thể phân biệt rõ ràng phần chất trắng và chất xám của não cũng như có thể được sử dụng để chẩn đoán phình mạch và phát hiện sự có mặt của các khối u. Do chụp cộng hưởng từ không sử dụng các bức xạ ion hóa nến đây là phương pháp chẩn đoán được lựa chọn khi cần thường xuyên theo dõi hình ảnh của não trong quá trình điều trị. Tuy nhiên chi phí cho chụp cộng hưởng từ lớn hơn nhiều so với chụp X-quang hay chụp cắt lớp vi tính.
Một loại MRI chuyên dụng là chụp cộng hưởng từ chức năng. Kỹ thuật này được sử dụng để quan sát các cấu trúc của não và xác định những vùng não hoạt động tương ứng với các tính năng của chúng ra sao nhằm nghiên cứu sâu hơn về não bộ và đưa ra những tiêu chuẩn để đánh giá tình trạng cũng như xác định nguy cơ cần phẫu thuật thần kinh.
Mặc dù chụp cộng hưởng từ không sử dụng bức xạ ion hóa có hại cho cơ thể nhưng sóng từ trường mà chúng tạo ra thường rất mạnh và có thể ảnh hưởng đến những bệnh nhân đang được cấy ghép trong cơ thể những dụng cụ bằng kim loại. Sau đây là những lưu ý khi chụp cộng hưởng từ:
- Những bệnh nhân có cấy ghép kim loại trong cơ thể như đinh (để cố định xương gãy), máy trợ tim, máy khử rung tim, bơm insulin, máy trợ thính,... cần được đánh giá kỹ bởi bác sĩ chuyên khoa về khả năng có chụp MRI được hay không, cụ thể từng trường hợp khác nhau.
- Tiếng ồn: Đôi khi những sóng vô tuyến sử dụng trong chụp cộng hưởng từ có thể có cường độ âm lên đến 120dB vì thế người bệnh nên được bảo vệ để tránh những tổn thương tai.
- Việc từ trường liên tục thay đổi trong khi chụp cũng có thể khiến bệnh nhân bị kích thích hoặc xuất hiện hiện tượng co giật nhẹ (rất hiếm gặp).
- Đối với những bệnh nhân chạy thận nhân tạo có thể xuất hiện một số chất trong máu có chứa gadolinium như gadodiamide. Những chất này có tác dụng thay đổi sự tương phản của hình ảnh khiến MRI không thể thu được kết quả chính xác, do đó những bệnh nhân này nên tiến hành lọc máu trước khi chụp.
- Phụ nữ mang thai: Mặc dù được đánh giá an toàn với cơ thể tuy nhiên nên tránh chụp MRI đối với những phụ nữ mang thai để đề phòng những hậu quả có thể xảy ra đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kỳ khi các cơ quan của thai nhi chưa hoàn thiện và một số chất tương phản có thể xuất hiện trong máu.
- Những người mắc hội chứng sợ lồng kín có thể cảm thấy khó chịu thậm chí rối loạn hô hấp trong quá trình chụp. Để khắc phục tình trạng này bệnh nhân có thể được làm quen dần với máy cũng như các bước chụp hoặc sử dụng thuốc an thần hay gây mê. Hiện nay các máy chụp cộng hưởng từ đều được thiết kế theo hướng mở ở 2 đầu giúp giảm cảm giác khó chịu cho những bệnh nhân mắc hội chứng sợ không gian kín.
2. Cách sử dụng chụp cộng hưởng từ
Để thu được hình ảnh chụp cộng hưởng từ, bệnh nhân sẽ được đặt trong một từ trường lớn tạo lên bởi những khối nam châm bao xung quanh và nằm im trong suốt quá trình chụp để thu được hình ảnh.
Các chất tương phản hình ảnh có thể được truyền cho bệnh nhân qua tĩnh mạch nhằm tăng tốc độ di chuyển của các proton. Các proton di chuyển càng nhanh, hình ảnh thu được càng rõ nét.
Quá trình chụp cộng hưởng từ có thể được tóm tắt qua các bước sau:
- Đầu tiên, người bệnh được đặt nằm trên một chiếc giường có thể di chuyển dọc theo trục của máy.
- Tùy thuộc vào phần cơ thể cần chụp MRI, bệnh nhân sẽ được di chuyển dần vào máy từ đầu hoặc chân trước
- Tất cả các máy móc phục vụ cho quá trình chụp cộng hưởng từ được vận hành bởi một kỹ thuật viên thông qua máy tính tại một phòng khác bên cạnh phòng chụp để tránh ảnh hưởng của từ trường do máy tạo ra. Tuy nhiên bệnh nhân vẫn có thể trao đổi với kỹ thuật viên phụ trách máy thông qua hệ thống liên lạc trong phòng.
- Có 2 thời điểm trong quá trình chụp máy phát ra tiếng ồn lớn, có thể đạt mức 120dB là lúc mở và ngắt dòng điện trong cuộn máy, do đó trước khi chụp bệnh nhân sẽ được thông báo về điều đó cũng như được phát dụng cụ để bịt lỗ tai lại.
- Điều quan trọng nhất là bệnh nhân cần giữ yên cơ thể ở mức tối đa trong suốt quá trình máy quét MRI hoạt động.
- Thông thường, chụp cộng hưởng từ kéo dài trong khoảng từ 15 đến 90 phút tùy thuộc vào kích thước khu vực cần chụp và số lượng cũng như chất lượng những hình ảnh chụp được.
Để thu được hình ảnh chụp cộng hưởng từ, bệnh nhân sẽ được đặt trong một từ trường lớn tạo lên bởi những khối nam châm bao xung quanh và nằm im trong suốt quá trình chụp để thu được hình ảnh.
Các chất tương phản có thể được truyền vào bệnh nhân qua tĩnh mạch nhằm tăng tốc độ di chuyển của các proton. Các proton di chuyển càng nhanh, hình ảnh thu được càng rõ nét.
Quá trình chụp cộng hưởng từ có thể được tóm tắt qua các bước sau:
- Đầu tiên, người bệnh được đặt nằm trên một chiếc giường có thể di chuyển dọc theo trục của máy.
- Tùy thuộc vào phần cơ thể cần chụp MRI, bệnh nhân sẽ được di chuyển dần vào máy từ đầu hoặc chân trước
- Tất cả các máy móc phục vụ cho quá trình chụp cộng hưởng từ được vận hành bởi một kỹ thuật viên thông qua máy tính tại một phòng khác bên cạnh phòng chụp để tránh ảnh hưởng của từ trường do máy tạo ra. Tuy nhiên bệnh nhân vẫn có thể trao đổi với kỹ thuật viên phụ trách máy thông qua hệ thống liên lạc trong phòng.
- Có 2 thời điểm trong quá trình chụp máy phát ra tiếng ồn lớn, có thể đạt mức 120dB là lúc mở và ngắt dòng điện trong cuộn máy, do đó trước khi chụp bệnh nhân sẽ được thông báo về điều đó cũng như được phát dụng cụ để bịt tai lại.
- Điều quan trọng nhất là bệnh nhân cần giữ yên cơ thể ở mức tối đa trong suốt quá trình máy quét MRI hoạt động.
- Thông thường, chụp cộng hưởng từ kéo dài trong khoảng từ 15 đến 90 phút tùy thuộc vào kích thước khu vực cần chụp và số lượng cũng như chất lượng những hình ảnh chụp được.
Chụp cộng hưởng từ là phương pháp chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn, dựa trên cơ chế hoạt động của sóng từ trường để thu lại hình ảnh các mô và cơ quan trong cơ thể phục vụ cho chẩn đoán và điều trị bệnh. Trong suốt quá trình chụp, bệnh nhân cần giữ cơ thể nằm yên hết mức có thể. Có như thế mới thu được những hình ảnh rõ ràng, chất lượng tốt.