Chụp cắt lớp mô phỏng và những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Nguyễn Vân Anh - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Ngày nay, với sự phát triển vượt bậc của khoa học kĩ thuật con người đã cho ra đời nhiều kĩ thuật chẩn đoán hình ảnh khác nhau để phối hợp, hỗ trợ trong điều trị các bệnh lý. Ngoài các phương pháp chẩn đoán thông thường như siêu âm, chụp X-quang thì chụp cắt lớp mô phỏng (Computed Tomography Simulation – CT Sim) cũng được đánh giá là “bậc thầy” trong việc theo dõi, điều trị các bệnh lý ung thư.

1. Chụp cắt lớp mô phỏng là gì?

Chụp cắt lớp mô phỏng (hay chụp CT mô phỏng) về nguyên lý cũng giống như khi chụp cắt lớp chẩn đoán thông thường, kĩ thuật này dùng nhiều tia X quét lên một khu vực của cơ thể theo lát cắt ngang, phối hợp với xử lý bằng máy vi tính để cho ra hình ảnh 3 chiều của bộ phận cần chụp. Đây là một sự kết hợp hoàn hảo giữa hình ảnh của CT và tính năng định vị chính xác của hệ thống mô phỏng.

Khi sử dụng kĩ thuật này bệnh nhân sẽ được mô phỏng ở tư thế giống hệt với tư thế điều trị xạ trị là nằm trên mặt bàn phẳng, sử dụng các dụng cụ cố định thích hợp và hệ thống laser định vị.

Sau khi chụp cắt lớp mô phỏng, bác sĩ sẽ nhận về dữ liệu hình ảnh 3 chiều của phần cơ thể bệnh nhân được điều trị. Bác sĩ thấy rõ tình trạng của các mô mềm, mạch máu và xương ở các bộ phận khác nhau của cơ thể thông qua những hình ảnh này. Đây chính là công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc lập kế hoạch, tính liều lượng và điều trị chính xác.

Thời gian chụp cắt lớp mô phỏng diễn ra trong vòng 30 phút, kéo dài hơn chụp CT chẩn đoán. Sau đó khoảng 1 – 2 tuần, bệnh nhân sẽ bắt đầu bước vào giai đoạn điều trị.


Chụp cắt lớp mô phỏng cần nhiều thời gian hơn chụp CT chẩn đoán
Chụp cắt lớp mô phỏng cần nhiều thời gian hơn chụp CT chẩn đoán

2. Ứng dụng của kỹ thuật chụp cắt lớp mô phỏng

Nhờ tất cả các đặc điểm và tính năng cùng với chức năng mô phỏng chính xác, kỹ thuật chụp cắt lớp mô phỏng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc xạ trị ung thư. Vì thế, đây là công cụ không thể thiếu, hỗ trợ đắc lực cho bác sĩ trong công việc chẩn đoán và điều trị ung thư. Ngoài ra, kỹ thuật này được sử dụng phổ biến nhất trong các phần mềm lập kế hoạch xạ trị hiện nay bởi tính đơn giản, tiện ích và kinh tế. Từ đó, các bác sĩ có thể lập phác đồ xạ trị một cách chính xác và đơn giản hơn khi có kỹ thuật chụp CT mô phỏng này.


Kỹ thuật chụp cắt lớp mô phỏng có vai trò trong chẩn đoán và điều trị ung thư
Kỹ thuật chụp cắt lớp mô phỏng có vai trò trong chẩn đoán và điều trị ung thư

3. Những điều cần biết về kỹ thuật chụp cắt lớp mô phỏng

3.1. Mô tả về kỹ thuật chụp cắt lớp mô phỏng

Phòng chụp cắt lớp sẽ được gắn hệ thống mô phỏng bằng laser giúp định vị chính xác vị trí, tư thế và tọa độ khi chụp ảnh. Sau khi chụp, kết quả mô phỏng sẽ được gửi tới phần mềm điều khiển chùm laser. Phần mềm này giúp chúng ta tự động tính ra khoảng cách giữa khối u với tâm khối u trên ảnh chụp CT của bệnh nhân.

Hệ thống mô phỏng VPS (Virtual Planning Systems) tiếp nhận ảnh CT của bệnh nhân sau khi chụp. Thông qua sự mô phỏng lại của hệ thống, bác sĩ sẽ xác định được vị trí, kích thước của khối u trong cơ thể người bệnh mà ở các máy chụp CT thông thường không hề có chức năng này. Các mốc của vị trí khối u sẽ được chuyển tới hệ thống máy gia tốc xạ trị.

Theo đó, khi đặt bệnh nhân trong phòng máy gia tốc thì hệ thống laser của máy gia tốc sẽ được điều khiển để dịch chuyển đến tâm của khối u dựa vào khoảng cách tính được ở trên tự động, bác sĩ đánh dấu lại các điểm này, định vị chính xác với các điểm đã đánh dấu. Tâm chuẩn của máy gia tốc được định vị trên đường thẳng đi qua tâm khối u và việc xạ trị được thực hiện từ tâm khối u ra ngoài. Chùm tia sẽ được chiếu thẳng vào tâm khối u, do đó khả năng tiêu diệt khối u sẽ được nâng cao hơn vì liều điều trị được đưa nhiều nhất vào khối u và giảm tối thiểu liều ảnh hưởng đến các cơ quan khác.

3.2. Quy trình chụp cắt lớp mô phỏng

Trước khi chụp CT mô phỏng người bệnh cần phải chú ý những điều dưới đây:

  • Người bệnh cần nhịn ăn tối thiểu từ 4-6 tiếng trước khi tiêm thuốc cản quang. Trước khi chụp cắt lớp mô mỏng 2 tiếng vẫn có thể uống nước với một lượng vừa phải.
  • Nếu người bệnh đang trong thời kỳ mang thai hoặc đang mắc một trong các bệnh như tiểu đường, tĩnh mạch, hen suyễn, thận và dị ứng thuốc thì cần thông báo ngay với bác sĩ.
  • Bệnh nhân cần được tháo bỏ tất cả các vật bằng kim loại trên cơ thể vì chúng sẽ gây nhiễu ảnh khi chụp.

Theo đó, quy trình chụp cắt lớp mô phỏng được tiến hành theo các bước sau:

  • Bước 1: Nhân viên của phòng CT mô phỏng sẽ kiểm tra: Thông tin bệnh nhân, tư thế mô phỏng, loại dụng cụ cố định thích hợp. Sau đó giải thích với bệnh nhân về quy trình chụp CT mô phỏng.
  • Bước 2: Ảnh chụp của bệnh nhân sẽ được nhập vào phần mềm quản lý bệnh nhân và dán vào phiếu điều trị.
  • Bước 3: Nếu bệnh nhân được chỉ định tiêm thuốc cản quang thì cần phải phải đặt đường truyền tĩnh mạch.
  • Bước 4: Bệnh nhân sẽ được 2 nhân viên y tế đặt lên bàn CT, sử dụng gối cố định thích hợp, điều chỉnh tư thế bệnh nhân thẳng trục theo hướng đầu – chân căn cứ vào hệ thống laser định vị. Để tránh ảnh hưởng của tia laser đến thị lực bản thân, bệnh nhân nên nhắm mắt suốt quá trình chụp CT mô phỏng.

Hình ảnh máy chụp cắt lớp mô phỏng
Hình ảnh máy chụp cắt lớp mô phỏng
  • Bước 5: Ảnh tư thế mô phỏng của bệnh nhân sẽ được nhân viên y tế dán vào phiếu điều trị.
  • Bước 6: Hình ảnh chụp CT được kiểm tra, sau đó chuyển chúng sang hệ thống lập kế hoạch điều trị.
  • Bước 7: Nhân viên y tế giúp đưa bệnh nhân xuống và kiểm tra tình trạng bệnh nhân sau tiêm thuốc cản quang. Bệnh nhân sẽ nghỉ ngơi và theo dõi trong 30 phút, trong trường hợp có bất thường (dị ứng nổi ban, mệt, khó thở) cần thông báo ngay cho nhân viên y tế. Nếu tình trạng bệnh nhân ổn định thì trở về và theo lịch hẹn của bác sĩ để đến tái khám.

Bệnh nhân cần nằm yên trong suốt quá trình chụp cắt lớp mô phỏng. Hãy giơ tay báo hiệu cho nhân viên y tế khi thấy cơ thể có khó chịu để sớm có hướng xử lý. Nếu thấy xuất hiện cảm giác nóng bừng toàn thân sau khi tiêm thuốc cản quang thì đây hoàn toàn là điều bình thường.

Chụp cắt lớp mô phỏng là bước rất quan trọng giúp các bác sĩ lập kế hoạch và lên phác đồ điều trị một cách chính xác. Bệnh nhân khi đã quyết định thực hiện chụp CT mô phỏng cần tuân theo những hướng dẫn của y bác sĩ. Theo đó, để đảm bảo tính hiệu quả thì bệnh nhân cần chọn các cơ sở y tế uy tín để thực hiện kĩ thuật này.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe