Trượt đầu trên xương đùi (SCFE) là bệnh lý vùng hông gặp nhiều ở nhóm người đang trong quá trình phát triển thể chất như thanh thiếu niên và thanh niên. Vì một số nguyên nhân, cổ xương trượt ra khỏi đầu trên xương đùi theo hướng lên trên và về phía trước, gây cảm giác đau xương đùi kèm cứng và mất ổn định khớp háng. Trượt đầu xương đùi thường tiến triển dần dần theo thời gian và gặp nhiều ở nam hơn so với nữ giới.
1. Vài nét về chứng trượt đầu trên xương
Trượt đầu trên xương đùi (viết tắt là SCFE) là tình trạng hay gặp ở nhóm tuổi thành niên, trong đó yếu tố nguy cơ cao nhất là những bé trai béo phì. Ngoài ra, các yếu tố di truyền cũng phần nào tác động trong cơ chế hình thành chứng trượt đầu xương đùi.
Tỷ lệ trượt đầu trên xương đùi xảy ra ở cả 2 bên chiếm khoảng 20% tổng số bệnh nhân, đồng thời khả năng diễn tiến trượt đầu xương đùi 1 bên sang 2 bên xảy ra ở 2⁄3 bệnh nhân.
Nguyên nhân dẫn đến chứng trượt đầu trên xương đùi chưa được xác định chính xác, tuy nhiên yếu tố được nghĩ đến nhiều nhất có lẽ là vùng đầu xương đùi (hay đĩa tăng trưởng) bị suy yếu chức năng sau các chấn thương, thay đổi hormone, viêm xương khớp hoặc tăng lực trượt do béo phì, thừa cân.
Trượt đầu xương đùi nếu không phát hiện, chẩn đoán sớm và có biện pháp điều trị thích hợp có thể dẫn đến các biến chứng tiềm ẩn nguy hiểm, trong đó đặc biệt lưu ý là tình trạng viêm khớp háng.
2. Triệu chứng trượt đầu xương đùi
Các triệu chứng của trượt đầu trên xương đùi thường diễn tiến âm ỉ và tùy theo từng giai đoạn tăng lực trượt đầu xương đùi. Triệu chứng đầu tiên mà bệnh nhân hay cảm nhận được là cảm giác căng cứng vùng hông, có thể giảm khi nghỉ ngơi, từ đó khiến người bệnh đi khập khiễng.
Triệu chứng tiếp theo là đau xương đùi, có thể lan xuống bắp đùi và gối. Có hơn 15% người bệnh có vấn đề đau ở gối hoặc đau xương đùi, kèm theo các vấn đề ở hông nhưng vẫn bỏ sót chẩn đoán cho đến khi tình trạng trượt đầu xương đùi tồi tệ hơn. Các biện pháp thăm khám vùng hông giai đoạn đầu có thể không phát hiện dấu hiệu đau hay hạn chế vận động ở người bệnh.
Khi chứng trượt đầu trên xương đùi tiến triển nghiêm trọng hơn, người bệnh sẽ có những triệu chứng rõ ràng hơn, bao gồm:
- Đau xương đùi khi vận động;
- Hạn chế các vận động ở hông như dạng, xoay, gấp;
- Đau gối nhưng không thấy bất thường tại khớp gối;
- Di chuyển khập khiễng hoặc dáng đi lệch một bên;
- Chân bên trượt đầu xương đùi thường xoay ngoài;
- Nếu xảy ra hiện tượng giảm cung cấp máu nuôi khu vực tổn thương, tình trạng hoại tử vô mạch và thoái triển đầu xương có thể xảy ra.
Trượt đầu trên xương đùi được phần thành 2 thể bệnh là cấp tính và mãn tính.
Trượt đầu trên xương đùi cấp tính là thể bệnh diễn tiến trong vòng 3 tuần sau khi khởi phát các triệu chứng. Các triệu chứng của thể cấp tính bao gồm:
- Đau xương đùi khiến người bệnh không thể đi lại;
- Dáng đi khập khiễng;
- Các vận động ở hông bị hạn chế, đặc biệt là động tác xoay vòng và dạng chân;
- Dấu hiệu Drehmann: Khi người bệnh nằm ngửa, phần hông bị co lại một cách thụ động, sau đó xoay vòng trở lại và dạng ra ngoài;
Trượt đầu trên xương đùi mạn tính có đặc điểm là diễn tiến kéo dài trên 3 tuần sau khi khỏi phát các triệu chứng. Các triệu chứng bao gồm:
- Đau gối;
- Xoay chân ra ngoài khi đi bộ;
- Hạn chế phạm vi vận động của hông;
- Khi uốn cong, phần hông có xu hướng di chuyển ở vị trí xoay ra bên ngoài;
- Chân bên trượt đầu xương đùi thường ngắn so với chân đối diện;
- Teo các cơ vùng đùi.
3. Yếu tố nguy cơ gây trượt đầu xương đùi
Chứng trượt đầu trên xương đùi có thể xảy ra ở cả hai bên. Cho đến nay vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Theo thống kê chứng trượt đầu xương đùi xảy ra ở giới nam nhiều hơn giới nữ. Mặc dù hay gặp ở nhóm trẻ thành niên nhưng chứng trượt đầu trên xương đùi có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào. Một số đặc điểm của bệnh nhân mắc chứng này bao gồm:
- Người bệnh là trẻ em từ 11 đến 15, đặc biệt là các bé trai;
- Hay gặp ở những bé thừa cân, béo phì;
- Trẻ mắc bệnh đang trong giai đoạn phát triển thể chất nhanh;
- Trẻ có thể bị mất cân bằng hormone gây ra bởi các nguyên nhân khác nhau.
Trượt đầu trên xương đùi có thể kiểm soát rất tốt nếu giảm thiểu tối đa các yếu tố nguy cơ. Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc chứng trượt đầu trên xương đùi, chẳng hạn như:
- Xạ trị, hóa trị vùng hông;
- Rối loạn phân bố xương do suy thận;
- Các yếu tố cơ học như chấn thương, béo phì;
- Tình trạng viêm xương khớp (như viêm khớp tự hoại);
- Yếu tố nội tiết như suy giáp, suy tuyến yên, thiếu hụt hormone tăng trưởng, thiếu vitamin D.
4. Chẩn đoán trượt đầu trên xương đùi
Để phát hiện sớm tình trạng trượt đầu trên xương đùi, bác sĩ chuyên khoa cần hỏi bệnh và thăm khám toàn diện. Trong quá trình khám bệnh, bác sĩ sẽ khai thác về tình trạng sức khỏe trước đây của người bệnh. Sau đó, bác sĩ sẽ đặt ra những câu hỏi về các triệu chứng của bệnh và thời điểm khởi phát các triệu chứng đó. Sau khi nắm sơ bộ các triệu chứng của bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám toàn diện các triệu chứng ở vùng hông, bao gồm:
- Bệnh nhân ở tư thế nằm;
- Bác sĩ tiến hành kiểm tra cẩn thận phần hông và chân bị ảnh hưởng để tìm biểu hiện đau khi vận động, có hạn chế vận động hông (trong đó đặc biệt là giới hạn khả năng xoay hông);
- Tìm kiếm khả năng tự chủ cơ bắp và có tình trạng co cứng cơ bất thường không;
- Quan sát dáng đi của người bệnh, đa số sẽ đi khập khiễng hoặc có dáng đi bất thường;
Các chẩn đoán hình ảnh thường được chỉ định trong chứng trượt đầu trên xương đùi bao gồm:
- Chụp X quang khớp háng thường quy thẳng và nghiêng có thể phát hiện sự mở rộng đường viền ở đầu xương hoặc sự dịch chuyển xuống dưới và ra trước của chỏm xương đùi;
- MRI hoặc siêu âm khớp: Có thể hữu ích trong trường hợp X quang bình thường.
5. Điều trị bằng phẫu thuật sửa chữa
Trượt đầu trên xương đùi thường tiến triển nhanh, do đó người bệnh cần được chỉ định phẫu thuật sớm, ngay khi xác định chẩn đoán. Đồng thời, khi có dấu hiệu nghi ngờ trượt đầu xương đùi, bệnh nhân tránh việc mang nặng, tạo áp lực lên chân tổn thương cho đến khi loại trừ được SCFE hoặc đã điều trị.
Biện pháp phẫu thuật trong trượt đầu trên xương đùi là bắt vít định hình thông qua vùng đĩa tăng trưởng ở đầu xương.
6. Thói quen giúp hạn chế diễn tiến của trượt đầu trên xương đùi
Một số biện pháp hạn chế diễn tiến nặng của chứng trượt đầu trên xương đùi bao gồm:
- Mang dụng cụ hỗ trợ di chuyển: Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân cần mang nạng trong một thời gian. Bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể cho người bệnh về thời gian mang nạng;
- Vật lý trị liệu: Bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh các bài tập cụ thể, giúp tăng cường các cơ vùng hông, cơ chân và cải thiện phạm vi vận động;
- Hạn chế các hoạt động mạnh: Khoảng thời gian đầu sau khi phẫu thuật, người bệnh cần hạn chế tham gia các hoạt động mạnh như chơi thể thao. Bác sĩ sẽ cho phép người bệnh hoạt động bình thường trở lại khi các tổn thương ổn định trở lại;
- Chăm sóc và theo dõi: Người bệnh sau phẫu thuật cần theo dõi thêm trong vòng 18 đến 24 tháng. Trong đó, chụp phim X quang kiểm tra lại mỗi 3−4 tháng để đảm bảo đầu xương đã ngừng phát triển và không xảy ra biến chứng nào.
Trượt đầu trên xương đùi (SCFE) là bệnh lý vùng hông gặp nhiều ở nhóm người đang trong quá trình phát triển thể chất như thanh thiếu niên và thanh niên. Bệnh có thể gây ra những khó chịu làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Vì thế, khi có các dấu hiệu bất thường, người bệnh nên đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.