Nhận biết sớm viêm khớp háng ở trẻ em

Viêm khớp háng ở trẻ em là bệnh lý xương khớp do tổn thương điểm cốt hóa trong giai đoạn phát triển và trưởng thành của trẻ. Vì vậy, phụ huynh cần chú ý tới những dấu hiệu nhận biết sớm và điều trị kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra với con trẻ trong tương lai. 

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec. 

1. Viêm khớp háng ở trẻ em là căn bệnh như thế nào?

1. Viêm khớp háng ở trẻ em là bệnh gì?

Viêm khớp háng ở trẻ em là một bệnh lý xương khớp phổ biến, ảnh hưởng đến điểm cốt hóa trong giai đoạn phát triển của trẻ. Nhiều bậc cha mẹ thường lầm tưởng rằng viêm khớp háng chỉ xuất hiện ở người lớn, nhưng thực tế, trẻ em, đặc biệt là trong độ tuổi từ 7 đến 14, cũng có thể mắc bệnh này.  

Viêm khớp háng tiềm ẩn nguy cơ trở thành lao khớp háng do không có triệu chứng đặc trưng và bệnh nhân thường chỉ phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn.

Trẻ em mắc bệnh viêm khớp háng thường có biểu hiện khởi phát đột ngột, có khả năng do đợt nhiễm trùng tai-mũi-họng hoặc đường tiêu hóa trước đó gây ra. Khi chụp X-quang xương chậu, phim chụp cũng có thể cho thấy đầu xương đùi của trẻ bình thường nhưng khớp háng có dịch, khe khớp giãn rộng hơn bình thường và các đường mỡ quanh khớp bị nén lại, đồng thời phần mềm xung quanh khớp háng bị dày lên.

2. Dấu hiệu nhận biết sớm viêm khớp háng ở trẻ em

Như đã đề cập ở trên, viêm khớp háng ở trẻ em thường khởi phát đột ngột và không có triệu chứng rõ ràng. Chính vì thế, cha mẹ cần quan tâm và theo dõi sát sao các hoạt động thường ngày của trẻ. Một số dấu hiệu sớm nhận biết viêm khớp háng ở trẻ bao gồm:

  • Trẻ bước đi tập tễnh, gặp khó khăn khi xoay khớp háng và ngồi xổm.
  • Trẻ thường xuyên kêu đau khớp háng.
  • Hạn chế vận động.
  • Sưng và đau ở vùng xương chậu, háng.
  • Sốt hoặc từng bị viêm nhiễm tai, mũi, họng.
  • Rối loạn tiêu hóa gây sụt cân do chán ăn.
  • Trẻ có nguy cơ cao bị viêm khớp háng nếu trong gia đình từng có người mắc bệnh, hoặc trẻ từng bị chấn thương khớp gối trước đó nhưng không được điều trị dứt điểm.
  • Trẻ thừa cân béo phì cũng có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp háng. 
Hạn chế vận động là một trong những dấu hiệu nhận biết sớm viêm khớp háng ở trẻ.
Hạn chế vận động là một trong những dấu hiệu nhận biết sớm viêm khớp háng ở trẻ.

3. Nguyên nhân gây bệnh

Hiện nay, nguyên nhân cụ thể gây ra viêm khớp háng vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã chỉ ra một số yếu tố nguy cơ tiềm ẩn có thể dẫn đến bệnh lý này, bao gồm:

  • Tổn thương đầu gối lặp đi lặp lại hoặc tổn thương lâu ngày và không được chữa trị kịp thời có thể gây ra đau khớp háng ở trẻ em.
  • Vùng háng bị chấn thương.
  • Gãy xương vùng háng.
  • Nhiễm trùng do vi khuẩn, lao, hoặc virus.
  • Viêm khớp phản ứng.
  • Viêm khớp háng có liên quan đến ung thư.
  • Bệnh tự miễn: viêm khớp tự phát ở tuổi thiếu niên
  • Sụn khớp bị khiếm khuyết dẫn đến việc không thể đảm bảo chức năng vận động trơn tru của xương khớp.

4. Viêm khớp háng ở trẻ em có nguy hiểm không?

Viêm khớp háng ở trẻ em có nguy hiểm không là nỗi lo của nhiều phụ huynh có con nhỏ. Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh có thể ảnh hưởng đến khả năng di chuyển và hoạt động của trẻ.

Trẻ bị viêm khớp háng có nguy cơ thoái hóa khớp háng sớm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất và chất lượng cuộc sống sau này. Bên cạnh đó, việc trì hoãn điều trị có thể gây ra một số biến chứng khác như:

  • Tổn thương chỏm xương đùi.
  • Cổ xương đùi bị biến dạng.
  • Tổn thương xương chậu.
  • Co cứng khớp.
  • Dính khớp háng.
  • Rối loạn tăng trưởng.
  • Sự chênh lệch về chiều dài giữa hai chi.

Việc không phát hiện và điều trị kịp thời nhiễm trùng có thể dẫn đến nhiễm trùng toàn thân, gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

5. Các phương pháp chẩn đoán và điều trị

Viêm khớp háng ở trẻ em có thể ảnh hưởng đến một hoặc cả hai bên khớp háng. Tùy thuộc vào mức độ tổn thương và thời điểm phát hiện, các bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp để giúp trẻ nhanh chóng hồi phục chức năng vận động. Trẻ cần được chụp X-quang hoặc chụp MRI để đánh giá tổn thương và mức độ viêm tại khớp háng.

Bác sĩ có thể chỉ định điều trị đơn lẻ hoặc kết hợp nhiều phương pháp khác nhau tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể:

  • Điều trị nội khoa: Sử dụng thuốc kháng sinh để giảm đau và giảm sưng viêm. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc kháng sinh có thể gây ra tác dụng phụ.
  • Vật lý trị liệu: Thường kết hợp với điều trị nội khoa để ngăn tình trạng viêm tiến triển nặng và cải thiện bệnh lý. Cha mẹ cần đảm bảo trẻ tuân thủ lịch tập luyện và tập theo đúng theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Chỉnh hình khớp: Áp dụng cho những trường hợp viêm khớp háng nặng nhằm bảo vệ khả năng đi lại của trẻ trong tương lai. Trẻ cần hạn chế đi lại và vận động trong quá trình điều trị chỉnh hình khớp.
  • Phẫu thuật: Là phương pháp cuối cùng khi các biện pháp trên không đạt hiệu quả mong muốn. Phương pháp này tiềm ẩn một số rủi ro nhất định và chỉ được thực hiện bởi đội ngũ y bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm. Trong một số trường hợp đặc biệt, trẻ có thể được chỉ định thay khớp háng nhân tạo
Phẫu thuật là biện pháp cuối cùng để điều trị viêm khớp háng ở trẻ em.
Phẫu thuật là biện pháp cuối cùng để điều trị viêm khớp háng ở trẻ em.

6. Cách phòng tránh

Có nhiều biện pháp có thể giúp phòng ngừa tình trạng viêm khớp háng ở trẻ em mà phụ huynh nên lưu ý, như:

  • Duy trì cân nặng phù hợp: Trẻ em cần duy trì cân nặng hợp lý bằng chế độ ăn uống và tập luyện khoa học để tránh tình trạng thừa cân, béo phì gây áp lực lên khớp háng.
  • Tránh vận động mạnh: Hạn chế cho trẻ vận động mạnh hoặc thực hiện các động tác không phù hợp để bảo vệ khớp háng.
  • Cẩn thận khi chơi thể thao: Phụ huynh cần cẩn trọng khi cho trẻ tham gia thể thao và sinh hoạt hằng ngày, hạn chế nguy cơ té ngã dẫn đến chấn thương khớp háng.
  • Chọn môn thể thao phù hợp: Cha mẹ nên cho bé tham gia các môn thể thao phù hợp với cường độ vừa phải như bơi lội, bóng đá. Điều quan trọng là bé cần duy trì thói quen vận động mỗi ngày để tăng cường sự dẻo dai và độ bền cho khớp háng.
  • Kiểm soát căng thẳng: Hướng dẫn trẻ cách kiểm soát căng thẳng và đảm bảo trẻ có đủ thời gian nghỉ ngơi.
  • Bổ sung dinh dưỡng: Đảm bảo trẻ nhận đủ dưỡng chất từ các nhóm thực phẩm lành mạnh, đặc biệt là nhóm thực phẩm giàu canxi.
  • Áp dụng các biện pháp điều trị tích cực cho các tình trạng nhiễm trùng và bệnh về xương khớp, đặc biệt tập trung vào khớp háng.
  • Nếu trẻ nằm trong nhóm có nguy cơ cao mắc viêm khớp háng, phụ huynh cần chú ý theo dõi các dấu hiệu bất thường và đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra.
  • Cha mẹ nên thường xuyên xoa bóp và tắm cho bé bằng nước ấm, hỗ trợ thư giãn xương khớp.

Tóm lại, viêm khớp háng ở trẻ em là bệnh lý xương khớp phổ biến do tổn thương điểm cốt hóa trong giai đoạn phát triển. Do đó, nếu cha mẹ thấy trẻ có biểu hiện sưng đau khớp háng, sốt, đi khập khiễng,... thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời, nhằm tránh ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe