Chữa bệnh gout bằng lá lốt là một phương pháp đang nhận được sự quan tâm của người bệnh. Đây là một loại lá không còn xa lạ trong bữa cơm hàng ngày, tuy nhiên không có nhiều người biết đến công dụng chữa bệnh của lá lốt, đặc biệt là chữa bệnh gout. Cùng Vinmec tìm hiểu chi tiết về cách sử dụng lá lốt để chữa bệnh gout và những lưu ý cần biết!
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Lá lốt có ích lợi gì?
Lá lốt là cây thuộc họ hồ tiêu, thường được sử dụng để chế biến thành các món ăn hàng ngày. Không chỉ lá, rễ và thân của loại cây này cũng được nhiều người sử dụng để làm dược liệu trị bệnh.
Theo như Đông y, lá lốt có tính ấm, vị cay, nồng và có tác dụng giảm đau, tiêu hàn, giúp khoẻ mạnh gân cốt, giảm đau nhức. Y học hiện đại cũng chỉ ra rằng trong lá lốt có chứa nhiều hoạt chất như benzyl axetat, beta-caryophyllene, flavonoid hay alkaloid có tác dụng giảm viêm, kháng khuẩn và giảm sưng đau.
Một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng, các chất này có thể kích thích hệ tiêu hoá, hạn chế sự rối loạn chuyển hoá trong cơ thể và kiểm soát được nồng độ axit uric trong máu - nguyên nhân chính gây ra bệnh gout. Ngoài ra, lá lốt còn có tác dụng tiêu độc, lợi tiểu.
Bài thuốc chữa bệnh gout bằng lá lốt dựa trên căn nguyên của bệnh theo như Đông y. Bệnh gout trong Đông y còn được gọi là thống phong, xảy ra do phong hàn ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan như tỳ, gan và thận. Vì thế, việc sử dụng các loại thảo dược có tính ấm như lá lốt sẽ giúp tán hàn, hoạt huyết và chỉ thống.
Tuy vậy, nghiên cứu về công dụng của lá lốt trong điều trị bệnh gout còn khá hạn chế. Do đó, trước khi thực hiện phương pháp này, bệnh nhân hãy hỏi ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa.
2. Các cách chữa bệnh gout bằng lá lốt
Có rất nhiều bài thuốc dân gian dùng lá lốt để chữa bệnh gout. Trong số đó, có một số cách phổ biến như sau:
2.1 Sắc nước lá lốt
Cách làm như sau:
- Rửa sạch khoảng 30g lá lốt tươi hoặc 10g lá lốt khô.
- Đun phần lá lốt đã rửa sạch với 2 chén nước, tiếp tục đun cho tới khi còn khoảng 1 chén.
- Lọc lấy phần nước, sau đó chia làm 2 phần và uống vào hai buổi sáng/tối.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể sắc chung với một số loại dược liệu khác như sau:
- Chuẩn bị lá lốt, rễ bưởi bung, vòi voi và cỏ xước (tươi hoặc khô đều được).
- Rửa sạch các dược liệu vừa kể trên, để ráo nước.
- Đun các dược liệu này với 3 chén nước, đun cho tới khi còn khoảng 1 chén.
- Chia chén nước thuốc này thành 3 phần để uống trong ngày.
2.2 Dùng nước lá lốt ngâm chân
Bệnh nhân nếu bị giãn tĩnh mạch, xơ cứng động mạch hoặc tiểu đường sẽ không phù hợp với phương pháp này. Vì thế, bệnh nhân hãy cân nhắc trước khi sử dụng.
Có hai cách ngâm chân chữa bệnh gout bằng lá lốt: Kết hợp với muối hoặc lá trầu không.
- Lá lốt và muối: Bệnh nhân có thể nấu lá lốt chung với khoảng 2 lít nước. Sau đó, pha với một ít muối rồi để nguội và tiến hành ngâm chân trong khoảng 10 phút. Người bệnh có thể thực hiện phương pháp này trong vòng 10 ngày liên tục để có hiệu quả.
- Lá lốt và lá trầu không: Bệnh nhân có thể nấu hai loại lá này với khoảng 2 lít nước. Sau đó, đổ ra thau rồi để nguội và tiến hành ngâm chân.
2.3 Dùng lá lốt trong các món ăn
Bệnh nhân có thể dùng lá lốt trong các bữa ăn hàng ngày để cải thiện tình trạng bệnh gout. Tuy nhiên, mọi người cần kết hợp lá lốt với những loại thực phẩm không chứa purin như thịt gà, cá, trái cây hoặc rau xanh.
Ngoài ra, bệnh nhân cũng nên hạn chế các thực phẩm nhiều gia vị và các loại thịt nhiều đạm như thịt đỏ. Việc hấp thụ quá nhiều gia vị có thể tạo ra áp lực lên thận và khiến thận khó đào thải axit uric hơn. Trong khi đó, các loại thực phẩm giàu purin cũng làm trầm trọng thêm bệnh khi purin góp phần hình thành các hạt tophi ở khớp.
2.4 Ngâm rượu lá lốt
Bệnh nhân có thể rửa sạch cây lá lốt, sau đó cắt nhỏ, phơi khô rồi ngâm với rượu trắng. Sau khoảng 1 tháng, bệnh nhân có thể dùng rượu này để xoa bóp lên vùng bị sưng, đau do bệnh gout. Trong quá trình sử dụng rượu chữa bệnh gout bằng lá lốt, bệnh nhân cần tránh bôi lên vết thương hở hoặc vùng bị trầy xước, nhạy cảm.
3. Những lưu ý khi chữa bệnh gout bằng lá lốt
Mặc dù lá lốt là một loại thảo dược thiên nhiên có độ an toàn cao và rất ít tác dụng phụ nhưng bệnh nhân cần phải thận trọng khi sử dụng, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện các biện pháp chữa bệnh bằng lá lốt. Nếu không dùng đúng cách, bệnh nhân có thể bị phản tác dụng.
Bệnh nhân cũng cần lưu ý một số điều sau:
- Đây là một loại cây tính nóng, do đó không nên sử dụng khi bệnh nhân bị nhiệt miệng, đau dạ dày hoặc táo bón.
- Người bệnh cần phải kiên trì trong thời gian dài mới có thể thấy được kết quả.
- Không nên dùng quá nhiều lá lốt vì có thể khiến người bệnh bị táo bón hoặc phát ban.
- Bệnh nhân cũng nên duy trì chế độ ăn uống khoa học, ăn nhiều rau xanh và tránh các loại thịt đỏ hoặc nội tạng động vật, đồng thời tránh tiêu thụ bia.
- Hiệu quả của việc chữa bệnh bằng lá lốt sẽ phụ thuộc vào cơ địa của mỗi người bệnh.
- Lá lốt chỉ nên được sử dụng khi người bệnh bị gout nhẹ hoặc bệnh nhân có thể kết hợp phương pháp này cùng với phác đồ điều trị của bác sĩ.
- Người bệnh có thể kết hợp vận động như đi bộ, bơi lội, yoga để cải thiện tình trạng bệnh.
- Lá lốt có thể gây mất sữa ở phụ nữ sau sinh. Vì vậy, các chị em cần cân nhắc khi sử dụng lá lốt để điều trị.
- Không dùng lá lốt để thay thế các loại thuốc được bác sĩ kê đơn.
- Bệnh nhân nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ trước khi tiến hành điều trị bằng lá lốt.
Vừa rồi là những thông tin mà Vinmec cung cấp cho bệnh nhân về phương pháp chữa bệnh gout bằng lá lốt. Hi vọng rằng qua bài viết này, bệnh nhân đã có được những thông tin cần thiết cho mình. Trước khi sử dụng bất kì phương pháp nào, bệnh nhân cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.